Các mục tiêu gia đình sẽ giúp các thành viên cùng mơ về điều họ muốn làm và muốn đạt đến. Mục tiêu có thể ngắn hạn hay dài hạn, đơn giản hay quan trọng.
Chẳng hạn, mọi người trong gia đình cùng tham gia hoạt động tình nguyện, rèn luyện thể chất, tận hưởng thiên nhiên, dành thời gian bên nhau như một gia đình hay dành dụm tiền cho những chuyến đi xa, du lịch…
Việc đặt ra các mục tiêu là cách để tập trung vào những giá trị, ưu tiên của gia đình, giải tỏa áp lực từ cuộc sống, đưa ra những quyết định, chọn lựa đúng đắn. Chuyên gia tâm lý gia đình Mark Timm, CEO của tổ chức Ziglar Family, nhìn nhận rằng chỉ cần bạn đưa ra một mục tiêu gia đình chính đáng là đã đạt được phân nửa của kế hoạch.
Với chia sẻ của chuyên gia về kinh tế gia đình, Betty Ann Broman, Trường Đại học Missouri, Hoa Kỳ, thì những gia đình bận rộn có xu hướng đối mặt với sự khủng hoảng.
Vậy nên, hãy cân nhắc khi bạn thiếu thời gian dành cho gia đình, mải lo kiếm tiền. Bởi điều đó sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề ngay trước mắt và lâu dài có thể làm “trượt” kế hoạch hay mục tiêu của bạn, gây lãng phí nguồn lực của gia đình.
- Xem thêm: Phân chia công bằng việc gia đình
Ngược lại, khi mọi thành viên gia đình cùng làm việc hướng đến các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, có nhiều khả năng đạt được những thứ mà đối với họ là quan trọng. Có thể thấy, những gia đình mạnh mẽ luôn cùng làm việc cho các mục tiêu chung và hỗ trợ cho các mục tiêu cá nhân của nhau.
Theo kết quả từ một cuộc nghiên cứu, những gia đình thành lập các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn có nhiều khả năng đạt được các mục tiêu quan trọng của họ trong cuộc sống.
Trong khi đó, những gia đình đặt ra các mục tiêu tổng thể về tài chính thường sống tốt hơn những gia đình không đặt ra mục tiêu nào cả. Hơn nữa, thành viên của những gia đình biết đặt ra các mục tiêu có thể giao tiếp với nhau tốt hơn, nhất là khi các mục tiêu cá nhân được chia sẻ với các mục tiêu gia đình.
Ngoài ra, những cá nhân kiểm soát tốt các mục tiêu thường cảm thấy thoải mái và hạnh phúc, có khả năng tự chủ cao hơn trong mọi tình huống. Khi một cá nhân có tâm trạng tốt sẽ lan tỏa sang mọi người xung quanh và hạnh phúc chung của gia đình cũng tăng theo.
Một khi các mục tiêu đã được thiết lập, sẽ giúp gia đình càng đến gần với những ước mơ. Những gia đình mạnh mẽ nhận thức rằng các mục tiêu của gia đình có thể thay đổi theo thời gian. Họ hiểu được tầm quan trọng của việc xem xét, bàn luận cho các mục tiêu ưu tiên khi phát sinh những tình huống mới.
Để làm được điều này, các gia đình cần hiểu được sự liên kết giữa những ước mơ và mục tiêu có thể đạt được, rồi phân chia thành các bước dễ thực hiện. Tiếp đến, cần lập ra một hệ thống khen thưởng cho các bước và mục tiêu đạt được. Cuối cùng là thảo luận các mục tiêu cá nhân và của gia đình với những thành viên khác trong gia đình.
Các mục tiêu gia đình nuôi dưỡng tinh thần làm việc đồng đội. Khi một kế hoạch đã được thông qua, mọi thành viên phải cùng nhau làm việc để thực hiện kế hoạch ấy. Đây là cách để xây dựng tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó và thấm nhuần triết lý “gia đình sát cánh bên nhau”. Hơn nữa, một khi con cái tận mắt nhìn thấy cách cha mẹ mình đề ra và đạt được những mục tiêu, chúng sẽ có nhận thức tốt hơn việc thiết lập và hoàn thành các mục tiêu cá nhân cho cuộc sống mai sau.