Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì có đến 1/3 ca tử vong vì bệnh ung thư có thể ngăn ngừa được, tuy nhiên, tổ chức này cho rằng hơn một nửa các nước trên thế giới lại không có một kế hoạch toàn diện về ung thư để cứu mạng người. WHO cho biết, hơn 1/3 những ca bệnh mới xảy ra tại các nước đang phát triển và đang tiếp tục gia tăng ở mức báo động. Ông Andreas Ullrich, viên chức y tế thuộc bộ phận các chứng bệnh kinh niên và quảng bá sức khỏe của WHO, nhận định trong tình hình dân số già đi thì triển vọng trong 20 năm tới con số các ca bệnh mới hằng năm sẽ tăng lên gấp đôi. Sự thiếu hoạt động thể chất, bệnh béo phì, việc sử dụng thuốc lá, uống rượu là các yếu tố chính gây nguy cơ bị ung thư. Do đó, dự kiến sẽ có sự gia tăng lớn số lượng người mắc ung thư, nhất là ở các khu vực đô thị tại các nước đang phát triển.
Ông Ullrich cho rằng ung thư không nhất thiết phải là một bản án tử hình mà mọi người có thể ngăn ngừa tới 1/3 những cái chết bằng cách thay đổi nếp sống. Chẳng hạn điều chỉnh việc hút thuốc lá và uống rượu, ăn uống chọn lọc hơn và tập thể dục nhiều hơn để ngăn tình trạng mập phì… có thể cứu được mạng sống.
Cũng theo ông Ullrich, các vụ lây nhiễm có thể được đề phòng qua chủng ngừa như bệnh viêm gan C, một nguyên do dẫn đến ung thư gan, và cũng có thể chủng ngừa chống lại virus papilloma, là tác nhân gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Tiến bộ to lớn cũng đã đạt được trong y học lâm sàng để chữa trị ung thư nếu được phát hiện sớm.
Ông Ullrich khẳng định có nhiều sách lược hữu hiệu và rẻ tiền mà các nước với nguồn lực hạn chế có thể sử dụng để phát hiện và khám nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư vú và cổ tử cung.
Theo kết quả một cuộc thăm dò của WHO, hơn phân nửa các nước trên khắp thế giới đang chật vật trong việc phòng ngừa ung thư cũng như cung cấp trị liệu và chăm sóc cho người bị bệnh. Những câu trả lời của 185 quốc gia cho thấy có những cách biệt lớn trong vấn đề kế hoạch và dịch vụ kiểm soát ung thư. Theo đó chỉ có 17% các nước ở châu Phi và 27% các nước có thu nhập thấp là có kế hoạch kiểm soát để phòng ngừa, phát hiện, điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư, tuy nhiên không nước nào có đủ ngân sách để hỗ trợ cho việc thực thi kế hoạch.
Tại Việt Nam, theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư, số lượng bệnh nhân mắc ung thư được phát hiện ở nước ta nằm trong Top các nước có nhiều bệnh nhân ung thư trên thế giới.
Số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Ung thư VN cho thấy mỗi năm cả nước có thêm khoảng 150.000 ca mắc bệnh mới và 75.000 ca tử vong do ung thư. Nếu cộng thêm với số bệnh nhân đã mắc bệnh tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng gần 250.000 bệnh nhân bị ung thư đang điều trị.
Điều đáng nói, nhiều loại ung thư hiếm gặp đã được phát hiện tại Việt Nam như ung thư amiđan, khí phế quản, lưỡi, túi tinh, túi mật…
Mặc dù cả nước hiện có sáu bệnh viện ung bướu, 35 trung tâm/khoa và đơn vị điều trị ung bướu thuộc bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Chính vì điều này, nhiều trường hợp mắc ung thư phải sang các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Mỹ, Trung Quốc… để điều trị.
- Về độ tuổi mắc ung thư phổ biến, thì nhóm tuổi 0-14 thường mắc các bệnh ung thư máu, mắt, thận, xương, mô mềm.
- Ở nhóm tuổi 15-24, người bệnh dễ mắc ung thư tuyến giáp, buồng trứng.
- Ở nhóm tuổi 25-34, bệnh nhân bên cạnh mắc ung thư tuyến giáp còn có ung thư đại tràng, gan (nam giới); ung thư vú (nữ giới).
- Trên 35 tuổi, cả nam và nữ dễ mắc các loại ung thư phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày và vòm hầu (nam giới); ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và tuyến giáp (nữ giới).
N.N