Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa kết thúc phiên họp bán niên và một trong những vấn đề mà cả hai tổ chức này đặc biệt quan tâm là sự bất bình đẳng trong thu nhập có thể đe dọa sự ổn định về kinh tế – xã hội toàn cầu. Thật ra, không phải bây giờ, mà từ hai năm qua, vấn đề bất bình đẳng trong thu nhập đã được thảo luận tại các hội nghị quốc tế, bởi vì sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, người giàu hồi phục nhanh hơn người nghèo nên khoảng cách giàu – nghèo càng rộng hơn trước. Theo một bảng danh sách các tỉ phú toàn cầu do tạp chí Forbes thiết lập, chỉ 67 tỉ phú trên thế giới đã sở hữu một khối tài sản bằng tài sản của 3,5 tỉ người nghèo nhất gộp lại! Trong kế hoạch hành động của mình, WB dự kiến triệt tiêu tình trạng cực nghèo vào năm 2030, nhưng theo nhận định mới nhất của chủ tịch WB là ông Jim Yong Kim, mức độ tăng trưởng hiện nay không đủ để đạt được mục tiêu trên. Ông cho biết: “Ngay cả khi các nền kinh tế đều tăng trưởng cùng một mức độ như từ 20 năm qua và nếu sự phân phối thu nhập vẫn không thay đổi thì vào năm 2030, số người nghèo trên thế giới cũng chỉ giảm được 10%”.
Trẻ em ở Ấn Độ vì đói nghèo phải lao động kiếm sống ở tuổi vị thành niên
Về phần mình, ông Max Lawson, người phụ trách về chính sách và luật pháp của tổ chức nhân đạo Oxfam, cho rằng khó có sự hòa hợp giữa tăng trưởng và bất bình đẳng. Theo ông, sẽ không thể có tăng trưởng bền vững nếu như chúng ta không khắc phục tình trạng bất bình đẳng về kinh tế. Lawson cho rằng có ít nhất ba lĩnh vực mà cả WB và IMF cần quan tâm. Trước hết, cần có một sự tính toán phù hợp hơn đối với tình trạng bất bình đẳng về thu nhập trên thế giới. Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế không chỉ tập trung vào thu nhập của 40% nhân loại đang sống dưới đáy xã hội, mà còn phải chú trọng đến lợi tức của 10% dân số toàn cầu đang dẫn đầu thế giới. Thứ đến, các chính phủ trên thế giới cần cải tổ chế độ thuế khóa vì sẽ không công bằng khi một tỉ phú không trả thuế nhiều bằng một tài xế xe bus. Và cuối cùng, cần cung cấp cho mọi người những cơ hội được tiếp cận sự chăm sóc sức khỏe và giáo dục cộng đồng rộng khắp. Oxfam cũng kêu gọi các chính phủ trên thế giới hạn chế bất bình đẳng bằng cách chú tâm hơn nữa vào vấn đề trốn thuế của nhiều nhà tài phiệt trên thế giới và có những quy định phù hợp hơn đối với vấn đề bảo mật tài chính của họ. Trong tinh thần đó, việc san bằng sự bất bình đẳng quá lớn trong xã hội phải là một trong những đề tài chính được thảo luận trong khuôn khổ các mục tiêu phát triển toàn cầu sau năm 2015.
Lê Nguyễn tổng hợp