Đóng vai trò đại diện tài chính toàn cầu uy tín nhất trong việc giúp đỡ các nước nghèo, Ngân hàng Thế giới (WB) đang tự hỏi vì sao những thành kiến vẫn đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển trên thế giới suốt nhiều thập niên qua. Giống như các tổ chức cứu trợ quốc tế khác, WB đã chi ra hàng tỉ USD cho mỗi quốc gia, áp dụng nhiều biện pháp được cho là hữu hiệu nhất và ra sức vận động hành lang trong giới chức chính quyền các nước để hướng đến những thay đổi tốt đẹp hơn, nhưng kết quả vẫn không như kỳ vọng. Chẳng hạn, xét đến quyền phụ nữ, nguồn tài trợ nước ngoài dù đã tạo ra nhiều biến đổi to lớn trên toàn cầu, nhưng WB chỉ rõ, vẫn có đến 90% trong số 173 quốc gia còn duy trì một điều lệ khiến người phụ nữ không có quyền hạn kinh tế thật sự, đó chính là yêu cầu sự cho phép của chồng để họ được làm việc hay kinh doanh.
Trong Báo cáo Phát triển Thế giới 2017 vừa phát hành, WB xem xét làm thế nào để hiểu rõ hơn và thay đổi cách suy nghĩ của người dân cũng như hệ tư tưởng đang ảnh hưởng cách vận hành đất nước của chính phủ. Kết luận từ việc nghiên cứu khẳng định hiểu rõ động thái của người dân nắm vai trò quan trọng cho việc dự báo hành vi của xã hội. Nói cách khác, tiến trình thay đổi bộ mặt kinh tế của một quốc gia lệ thuộc vào việc lắng nghe giá trị, tư tưởng của người dân, chẳng hạn, cách họ quan niệm về bạo lực gia đình hoặc việc họ có quan tâm đến mức độ tham nhũng của chính phủ, và sau đó tìm ra cách thức giới thiệu những cách suy nghĩ mới giúp người dân thay đổi kỳ vọng và quan điểm của họ về cuộc sống. Nếu chỉ đơn giản phát hành một bộ luật mới là không hiệu quả. Thí dụ, Bangladesh sở hữu một bộ luật về bình đẳng giới suốt hai thập niên qua trước khi nó được áp dụng.
Hẳn nhiên, luật pháp giúp thay đổi hành vi ứng xử của xã hội, cung cấp công cụ quản lý cho chính quyền và cho phép xây dựng hình mẫu cho xã hội. Bản báo cáo khẳng định, người dân có khuynh hướng tuân thủ luật pháp vì họ tin rằng làm như thế sẽ giúp ích cho tiến bộ xã hội và tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nhưng, để thích nghi và chấp nhận một sự tiến bộ về quan niệm sống, người dân cần phải hiểu rõ tư tưởng sống mới sẽ thay đổi cách suy nghĩ của họ ra sao và làm như thế sẽ hình thành những hành vi văn hóa mới như thế nào trong xã hội. Không chỉ đơn giản là bình đẳng giới, mà cả cách nhìn nhận về bạo lực tại sở làm, tra tấn hoặc đánh đập công nhân, cũng như sử dụng sức lao động trẻ em cũng cần phải trải qua những bước đi tương tự. Thay đổi cấu trúc hành chính và áp dụng luật pháp chỉ thật sự hiệu quả khi đi cùng cuộc cách mạng trong tư duy và quan niệm sống. Một ví dụ khác được WB đưa ra trong bản báo cáo là cách người dân Guatemala hồi năm 2015 đã thành công khi yêu cầu chính phủ phải hết sức minh bạch và công khai trong việc bài trừ nạn tham nhũng.
Theo WB, để một xã hội tạo ra những bước tiến trong an ninh, tăng trưởng kinh tế và bình đẳng quyền công dân, thì cần có sự thay đổi trong cách tư duy của người dân hướng đến một mục đích cao đẹp hơn, cũng như chính phủ tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình quyết định vận mệnh cho tương lai đất nước. Chỉ đơn giản thay đổi luật và hiến pháp không bao giờ là một giải pháp thật sự.
- Lâm Kiên theo The Christian Science Monitor
Xem thêm: