Vở múa như một kết nối – bé gái với trí tưởng tượng từ những con búp bê trên tay đến cuộc đời nhiều bất biến của một thời thiếu nữ rưng rưng cảm xúc. Vở múa đương đại Tích Tắc của Arabesque đã diễn biến trên nền biểu cảm ấy. Câu chuyện không theo tiến trình của một trải nghiệm đời người mà theo thời gian. Nó bùng lên, lặng xuống như một hành trình của cảm xúc. Chính vì thế khi xem Tích Tắc khán giả luôn thấy ẩn hiện sự hiện hữu của chính mình trong ký ức, trong trí tưởng tượng.
Cuộc đời màu hồng của đứa trẻ là những giấc mơ bay bổng của niềm vui, hớn hở và hồn nhiên từ những bước nhảy. Chiếc váy ngắn và những vòng xoay, những cô gái những chàng trai xinh xắn. Ánh sáng rực rỡ rồi dịu dần để chuyển sang gam màu xanh, mát lạnh. Những cảm nhận hồn nhiên, vô tư đã bắt đầu co thắt nhẹ nhàng để rồi những rung cảm đầu đời nhường chỗ những chiều ngang, lối rẽ của cuộc đời. Vở diễn bắt đầu dẫn dắt người xem bằng những hình ảnh trong trẻo như thế…
Sân khấu không có giới hạn. Đây là vở múa hay nói đúng hơn là một tác phẩm nghệ thuật đã làm sân khấu không còn giới hạn. Không gian dường như không còn chỗ trống khi những nhóm múa, những tốp múa, sự tạo hình, cơ thể cường tráng được kết tinh từ cảm xúc và sự khổ luyện. Âm nhạc, ánh sáng, nhịp điệu tạo ra chuỗi tạo hình liên hoàn. Cái Đẹp là một chủ thể quấn quýt, luân chuyển, kết dính với nhau. Người xem như nín thở, bị lôi kéo để rồi vỡ òa, choáng ngợp. Múa không còn dấu vết của sự ẻo lả, mềm dẻo đơn thuần, nó đạt đến độ cao của tư duy tạo hình, sự khỏe khoắn của sức bật, những chuyển động tinh tế của cơ thể tốp múa nam. Các nghệ sĩ: Thanh Phong, Trần Văn Thịnh, Hữu Thuận, Thành Chung, Anh Khoa, Xuân Vượng đã đẩy cảm xúc thành ấn tượng mạnh trong khán giả. Hình tượng nữ ca sĩ opera Ngọc Tuyền treo ngược trên sân khấu, nàng rực rỡ như một bông hoa nữ thủy thần mê hoặc khán giả. Nàng hát và múa, phía dưới nàng các nữ thủy thần khác cũng uốn lượn, cảm xúc mà tiết mục mang đến thật mê hoặc.
Tưởng tượng, từ viên bi trên tay cô bé, một suối sỏi bi được đổ từ cuối khán phòng chảy ào trên sân khấu. Tiếng sỏi reo trở thành âm nhạc cho vũ điệu của các chàng trai. Sức mạnh của con người vật lộn với cuộc sống. Đạo cụ được biên đạo sử dụng không chỉ làm cảnh mà còn chuyển tải ý tưởng cho tác phẩm. Màn trên sân khấu như những bức tường gắn nam châm cực mạnh và diễn viên nhảy lên in hình trên tường như khắc họa những khoảnh khắc phấn kích của con người, đẹp đến lạ! Múa đơn người và bức tường đá thể hiện ý tưởng: Người và tham vọng. Con người càng gồng, cố đỡ, cố nâng thì bức tường đá càng đè nặng người xuống. Ngay cả khi người có nâng nó lên, gắn được vào bức tường lớn thì nó cũng trở thành vô hình. Màn múa con người với nhân tượng là sự quẫy đạp bế tắc trong nỗi khổ vô hình, cuối cùng nhân tượng đè lại… cuộc đời. Hình ảnh và ý nghĩa màn biểu diễn này không phải như trong giấc mơ của cô bé.
Lâu nay việc sử dụng lụa trên sân khấu đã trở thành chi tiết đã cũ, nhưng phải đến Arabesque lụa mới tạo nên hiệu quả như một vũ công huyền diệu. Cùng với ánh sáng, lụa là sóng, là mây bay, là khói bồng bềnh đẹp như một giấc mơ có thật. Những chuyển động của lụa kết hợp với vũ công, âm nhạc, ánh sáng tạo sự hoàn hảo và đẹp đến ngạt thở. Tích Tắc – giấc mơ của bé con và cuộc đời thiếu nữ – để cho khán giả vương vấn một nỗi niềm “làm sao để đến tương lai như mình đã mong muốn?”. Múa đâu chỉ là vui mắt, là đẹp để ngắm nhìn. Múa gợi mở cái đẹp từ trong tâm hồn, đánh động nhận thức con người trước cuộc đời và thế giới.
Một vở diễn thành công muốn chinh phục trái tim khán giả dễ không? Câu trả lời là không. Các thành viên Arabesque đã lao động nghiêm túc chỉ vì hai chữ sáng tạo. Không một khâu nào trong vở được phép nghiệp dư. Một đội ngũ quy tụ tài năng cho từng chi tiết của vở. Biên đạo Tấn Lộc, Ngọc Khải, Bảo Trung, Ngô Thanh Phương là những người đào tạo và biểu diễn thành công trên sân khấu quốc tế. Một dàn diễn viên kinh nghiệm, trẻ, tài năng và tâm huyết. Thiết kế trang phục Công Trí, điêu khắc sắp đặt Nguyễn Thúy Hằng, nhà điêu khắc SCULPTOR Huỳnh Ngân. Uy tín của Arabesque là một phấn kích lớn cho các nghệ sĩ tham gia. Chính vì thế việc một đơn vị nghệ thuật tự lo kinh phí không chạy theo số đông và thị hiếu vẫn quy tụ được tài năng và tồn tại trước sóng gió thị trường vẫn là điều đáng nể phục. Biên đạo Tấn Lộc cho biết: Đoàn đã nhận được nhiều lời mời của các nước và lịch diễn của đoàn đã xếp kín từ đây đến hết năm. Hai đêm mùng 1 đến 2-9 tại Nhà hát Lớn Thành phố vé đã bán đến chiếc cuối cùng. Nhà hát cũng không còn đêm nào trống từ đây đến cuối năm nên khán giả Việt Nam sẽ phải chờ Arabesque sau khi đi lưu diễn thế giới trở về.
Việt Nga
Ảnh An Dung