Ông bố của gia đình bảy họa sĩ này là Nguyễn Lâm – gương mặt kỳ cựu của hội họa Sài Gòn, một trong 15 thành viên đầu tiên của Hội Họa sĩ trẻ ở miền Nam trước 1975. Nguyễn Lâm tên khai sinh là Lâm Huỳnh Long, sinh năm 1941 tại Cần Thơ, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định năm 1965 và từ ngày đó tới nay “chưa ngày nào rời xa hội họa” như cách ông nói về mình. Buổi đầu đến với thế giới sắc màu, Nguyễn Lâm vẽ tranh sơn dầu theo khuynh hướng hiện thực và biểu hiện, mà theo nhận định của họa sĩ Nguyễn Trung, bạn thân của ông thì “tranh Nguyễn Lâm thật thà, chân chất như con người anh, ngay cả sau này khi anh đi về hướng trừu tượng. Tranh anh (thời kỳ đầu) thường mô tả thế giới của những gia đình nghèo hoặc xóm nghèo với gam màu sâu thẳm u tối bằng sơn dầu hoặc bằng sơn ta (giai đoạn sau này) là những đóng góp đáng quý cho hội họa hiện đại miền Nam”.
Cho đến khoảng giữa thập niên 1980, sự nghiệp hội họa của Nguyễn Lâm rẽ sang một chặng mới khi ông chọn sơn mài để biểu đạt những sáng tạo và cảm xúc của mình. Có thể nói, cùng với họa sĩ Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm đã và đang tiếp tục khai phá, làm giàu nghệ thuật sơn mài truyền thống, “hiện đại hóa” sơn mài bằng ngôn ngữ trừu tượng – một thách thức không nhỏ với bất kỳ họa sĩ nào đã sống trọn vẹn với thứ chất liệu khó tính này.
Gien hội họa của gia đình
Họa sĩ Nguyễn Lâm tin rằng ông và các con ông đã thừa hưởng gien nghệ thuật từ ít nhất là hai đời trước ông. Dù không là họa sĩ nhưng ông nội và cha của Nguyễn Lâm đều rất khéo tay: “Có lẽ vì vậy mà tôi đã chọn ngay trường mỹ thuật để theo học dù phải thi tới mấy bận mới vô được”. Trong gia đình đông đúc tới chín người con của ông, cái gien hội họa càng “lộ” rõ khi có tới sáu người con nối gót cha: “Nhưng không phải đứa nào cũng chọn mỹ thuật từ đầu, có đứa cũng đã làm nghề này, nghề khác rồi rốt cuộc lại bỏ nghề để theo nghiệp vẽ”.
Như Lâm Huỳnh Sơn chẳng hạn, con trai thứ ba của Nguyễn Lâm (sinh năm 1964) từng nổi tiếng nhiều năm ở lĩnh vực đua xe đạp, vậy mà ngôi sao của làng cua-rơ Việt Nam này rồi cũng giã từ sự nghiệp thể thao để làm lại từ đầu, thi vào Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh khi đã vào tuổi trung niên và nay ở trong số các họa sĩ thành danh với lối vẽ tả thực nghiêng về cổ điển, đồng thời là giảng viên mỹ thuật của Đại học Hồng Bàng. Tương tự là trường hợp của người con trai thứ năm Lâm Huỳnh Lân (sinh năm 1967), nguyên là công chức thuộc Sở Ngoại thương nhưng cũng theo gót anh trai bỏ nghề, hiện đang theo học khoa Hội họa Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh dù đã trên 40 tuổi. Con trai thứ bảy Lâm Huỳnh Linh (sinh năm 1970) cũng vẽ trừu tượng như cha nhưng bằng chất liệu sơn dầu với cách xử lý mảng khối và với một bảng màu khá nhuần nhị.
Trong số ba cô con gái chọn nghiệp hội họa, cô đầu lòng Lâm Huyền Lam (sinh năm 1962) là một gương mặt chủ lực của giới nữ cầm cọ tại Sài Gòn hôm nay. Là giảng viên khoa Hội họa Đại học Hồng Bàng, Huyền Lam vẫn sáng tác đều tay, hầu như góp mặt thường xuyên trong các triển lãm với tranh sơn dầu ngả về trừu tượng và đã đoạt được một số giải thưởng hội họa trong nước lẫn quốc tế. Cô út Lâm Huyền Lan (sinh năm 1980) vẽ sơn dầu với mảng tranh phong cảnh thiên về khuynh hướng ấn tượng mà cô yêu thích. Là con gái thứ tám trong gia đình họa sĩ, Lâm Huyền Lê (sinh năm 1971) tốt nghiệp khoa Mỹ thuật công nghiệp và hiện định cư tại Mỹ.
Khi được hỏi: “Ông có định hướng cho các con nối nghiệp mình? Có “ép” con học mỹ thuật không?”, họa sĩ Nguyễn Lâm khẳng định chắc nịch: “Không hề. Mà ép sao được nếu mấy đứa nó không có chút năng khiếu nào hoặc không thích hội họa chút nào. Không gì đau khổ cho bằng chọn lầm nghề, nói chi là nghề vẽ bởi đâu phải ai vẽ tranh cũng bán được, rồi lấy gì mà sống!”. Điều đáng nói là cả sáu người con theo nghiệp cha không phải bằng đường tắt, học lóm nghề cha để biết vẽ. Tất cả đều phải nỗ lực để thi vào trường mỹ thuật, học hành nghiêm túc, tốt nghiệp đàng hoàng, và cũng có người giống như cha, phải thi đôi ba bận mới đậu. “Chính cái bằng tốt nghiệp đại học mới giúp mấy đứa con tôi đi xa hơn trong nghề, rồi học lên cao hơn, đi dạy đại học… Và điều quan trọng nữa là khi đó tranh bán cũng có giá hơn” – ông nói.
“Văng miểng” và “không đạp chân nhau”
Điểm đặc biệt ở gia đình họa sĩ này là người cha và các con có chung một địa chỉ trưng bày tranh. Gallery của họở tầng trệt một ngôi nhà trong con hẻm không rộng rãi gì nhưng luôn có khách tìm mua tranh, đó cũng là nơi ông bố sống đồng thời làm xưởng vẽ ở tầng trên, kề cận là nhà và xưởng vẽ của vài người con.
Họa sĩ Nguyễn Lâm kể: “Mới rồi, có mấy anh Việt kiều tới nhà mua tranh, cha con tôi bán được hơn chục bức; có tấm của thằng Sơn vẽ lâu rồi, bỏ quên mất tiêu mà khách cũng mua luôn”. Suốt nửa thế kỷ sáng tác, họa sĩ Nguyễn Lâm cho biết ông đã bán cả ngàn bức tranh, không sao nhớ hết tranh mình giờở những nơi nào. Rất nhiều người tìm đến nhà mua tranh ông, trở thành khách hàng thân thiết. Ban đầu họ mua tranh “họa sĩ cha”, rồi mới ngắm nghía tranh các “họa sĩ con”, thấy ưng bụng thì hỏi mua. Ông hài hước: “Cái đó tôi gọi là “văng miểng”; nhưng sẽ chỉ là hên xui may rủi, nếu tranh các con tôi không có gì đáng để ý thì sẽ chẳng có chuyện “văng miểng” mãi được”. Và đến bây giờ thì ngay cả cậu con trai Lâm Huỳnh Lân đang “cưa sừng làm nghé” học mỹ thuật cũng đã bán được tranh. Lâm Huỳnh Sơn cũng vậy, anh còn được mời sang triển lãm ở Singapore khi đang học năm thứ nhất! Huyền Lam, Huyền Lan, Huỳnh Linh cũng đều đều có tranh xuất ngoại.
“Sống và vẽ gần nhau, điều tôi luôn cảnh giác các con là không được vẽ giống ai hết, kể cả cha mình và nhất là không được đạp lên chân nhau; thấy anh chị em vẽ kiểu này bán được thì chạy theo. Trong nghệ thuật, nếu không đứng độc lập được thì chỉ có chết, mà khi đó thì chết cả đám!” – họa sĩ Nguyễn Lâm kết luận và không quên báo tin rằng Sách Guinness kỷ lục Việt Nam đã gặp ông để sẽ công bố một kỷ lục mới. Không chừng đây có thể là kỷ lục thế giới!
- Diên Vỹ