Vở kịch Sài Gòn được nữ đạo diễn Caroline dàn dựng năm 2017, tham gia Liên hoan sân khấu quốc tế Avignon (Pháp) lần thứ 71 và ngay tập tức tạo được ấn tượng mạnh tại liên hoan vì cảm xúc mà vở kịch đem lại cho khán giả. Báo chí viết bài ca ngợi. Từ đó đến nay, Sài Gòn đã được đem đi lưu diễn tại rất nhiều thành phố trên thế giới như Berlin, Amsterdam, Thượng Hải… và cuối cùng đã đến với địa danh mà nó mang tên.
Caroline Guiela Nguyễn là đạo diễn người Pháp, sinh năm 1981. Cô học ngành đạo diễn sân khấu tại Trường Sân khấu quốc gia Strasbourg, sau khi đã học các chuyên ngành xã hội học và nghệ thuật biểu diễn. Hiện, cô đang là nghệ sĩ của nhà hát Odéon và là một trong những người sáng lập đoàn kịch Les Hommes Approximatifs.
Sau khi dựng nhiều vở kịch kinh điển, nữ đạo diễn này muốn làm một vở kịch cận đại, vì như cô chia sẻ: “Tôi chợt hiểu là những câu chuyện và những con người về thế giới đương đại còn ít được khai tác. Tôi muốn khán giả nghe được âm thanh của thế giới xung quanh chúng ta” và Sài Gòn là “tiếng nói” ấy. Năm 2015 và 2016, Caroline tham gia chương trình Nghệ sĩ lưu trú Villa Saigon do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức. Đây cũng chính là thời gian cô cùng các cộng sự của mình có dịp tìm hiểu và cảm nhận Việt Nam nhiều hơn để xây dựng vở kịch Sài Gòn.
Bối cảnh của vở kịch là nhà hàng Việt Nam nằm trong hai không gian khác nhau là Sài Gòn năm 1956, khi dòng người cuối cùng rời Việt Nam sang Pháp sau cuộc chiến tranh Đông Dương (1946-1954) và quận 12 Paris năm 1996, khi Việt Nam mở cửa chào đón Việt Kiều trở về. Tất cả các câu chuyện, sự kiện và tình huống kịch đều diễn ra tại nhà hàng này. Tại đây hiện lên số phận của những người con Việt Nam vì trôi theo dòng lịch sử mà xa xứ, một thế hệ con lai muốn tìm hiểu cội nguồn và những người dân bản xứ… như Hào, Linh, Marie – Antoinette như Edouard, Antoine, Cecile, với một quá khứ được chôn chặt cùng bao nỗi nhớ, sự giằng xé nội tâm, xung đột các thế hệ về tư tưởng và văn hóa… Cứ như vậy, vở kịch cho thấy nội tâm khốc liệt của những nhân vật nhìn bề ngoài tưởng như tĩnh lặng.
- Xem thêm: Biển không thể ngọt
“Người ta nói với tôi, ở Việt Nam, những câu chuyện được kể như vậy, với rất nhiều nước mắt” – đạo diễn nói. Khi được hỏi: Liệu sân khấu có thể làm giảm bớt nỗi đau? “Tôi không chắc điều đó. Nhưng tôi hy vọng rằng với vở kịch này, ít nhất, chúng tôi có thể giúp khán giả hiểu thêm về lịch sử và tạo sự đồng cảm. Sau khi xem vở diễn này, nếu bạn đi ăn tại một nhà hàng Việt Nam, Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, có thể bạn sẽ muốn hỏi ai là người phụ nữ nấu súp cho bạn, và cuộc đời cô ấy ra sao. Chỉ cần bạn cảm nhận cô ấy ở đây, thể là đủ rồi”, Caroline kỳ vọng.
Caroline có mẹ là người Việt Nam di cư sang Pháp năm 1956 và cha cô là người Pháp gốc Phi. Lần đầu tiên, Caroline theo mẹ về Việt Nam là năm 1996, trong sự kiện chính phủ Việt Nam kêu gọi Việt kiều hồi hương. Tuy nhiên, cô khẳng định, Sài Gòn không phải là vở kịch “tự truyện” của cô nói về những câu chuyện cá nhân mà chính là câu chuyện của nhiều con người sống trong một giai đoạn lịch sử cần được nhắc đến nhiều hơn.
Sài Gòn không được dàn dựng trên nền một kịch bản chi tiết sẵn có mà dựng theo kiểu kịch ứng tác chỉ có đường dây kịch bản, các diễn viên tự đặt lời thoại cho nhân vật của mình. Có 11 diễn viên là người Việt, Việt kiều và người Pháp tham gia vở diễn, trong đó có những diễn viên trẻ (sinh năm 1995) mà Caroline tìm được trong đợt casting ở Việt Nam như Huỳnh Thị Trúc Ly và Lê Hoàng Sơn.
- Xem thêm: Thương phận rau răm
Vở kịch Sài Gòn được biểu diễn vào lúc 18h30 ngày 21-9 và 15h30 ngày 22-9 tại Nhà hát Bến Thành (số 6, Mạc Đĩnh Chi, Q.1). Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh dấu kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp