Sân khấu Hoàng Thái Thanh vừa cho ra mắt vở kịch Hồi xưa biển ngọt (đạo diễn: Ái Như, tác giả: Hoàng Thái Thanh, Hoa Hiền – được cảm tác từ truyện ngắn Chuyện tình bên sông của Việt Khuê). Bối cảnh của câu chuyện lần này không phải ở miền Tây sông nước mà được “dời” về vùng duyên hải Nam Trung bộ.
Nơi mảnh đất khô cằn suốt ngày rì rào tiếng sóng biển có những con người bình dị như cô Bún bán chè (Hoàng Vân Anh – Ái Như), anh xã đội trưởng Sáu Thôn (Đoàn Thanh Tài), Hai Sang (Thái Quốc – Thành Hội)… Cả Sáu Thôn và Sang đều đem lòng yêu cô Bún xinh đẹp nổi tiếng trong xóm. Bún chọn cuộc sống hôn nhân cùng Sang. Tưởng chừng Bún sẽ hạnh phúc cùng người mình yêu nhưng lòng người khó đoán, khi đứa con đầu lòng được 4 tuổi ông chồng đã bỏ Bún đi theo người khác.
Sang cầm toàn bộ số tiền Bún dành dụm bao năm, hứa lên thành phố tìm cách làm ăn, một tuần sau sẽ về. Một tuần mà biền biệt bao năm! Bao nhiêu năm Sang bỏ Bún đi thì cũng ngần đó năm Sáu Thôn sống quanh quẩn với tình yêu của mình. Gần suốt cuộc đời mình, Sáu Thôn luôn hiện diện trong cuộc sống của Bún với danh nghĩa bạn bè, chăm lo cho người con gái mình yêu từ khi cô còn là một thiếu nữ xinh đẹp cho đến lúc trở thành một người đàn bà mất trí.
Đạo diễn Ái Như khá hay trong hai cảnh đầu của vở kịch khi giới thiệu với khán giả một Sáu Thôn ngượng ngùng vì “làm xã đội mà gánh chè đi bán kỳ chết” và một Hai Sang sẵn sàng gánh chè cho người mình yêu. Ở cảnh đầu tiên, khán giả thấy cô Bún đã đúng khi chọn anh Sang làm chồng. Nhưng sự đời quả là “đường dài mới biết ngựa hay”, ngay cảnh thứ hai, khi Sang bước vào nhà và thoại câu đầu tiên, khán giả đã thấy “nguy cơ” thay lòng đổi dạ của anh. Sự “lật ngược” này làm cho người xem thích thú. Lựa chọn đó không thể gọi là sai lầm của Bún mà do số kiếp cô phải chịu sự bội bạc, chia ly.
Không có chồng ở nhà, Bún sống trong những ngày cơ cực cùng với gánh chè nuôi con nhỏ và cậu em chồng, đó là chưa kể cô phải chịu sự chì chiết từ bà cô chồng khi Bún mang thai đứa con thứ hai. Nhiều cú nện như trời giáng xuống trái tim, hay tin trong từng đó năm chồng cô đi theo người đàn bà khác chứ nào phải lên Sài Gòn làm ăn và đứa con gái bị sóng biển cuốn trôi, khiến cho Bún trở thành người đàn bà nhớ nhớ quên quên. Cô con gái thứ hai được đặt tên là Nhớ. Mười tám năm không cha, Nhớ sớm hôm cùng gánh chè của mẹ và sự giúp đỡ của chú Sáu Thôn. Khi người cha trở về nhà, không như tưởng tượng của Nhớ – là sẽ ôm chầm lấy cha mình rồi khóc – mà cô lạnh nhạt nhìn người đàn ông xa lạ kia.
Không phải một kết thúc có hậu cho những cuộc tao ngộ. Sang nhận sau bao nhiêu năm nếm đủ sóng gió cuộc đời những tưởng với khối tài sản mình kiếm được sẽ trở về bình yên với gia đình nơi mảnh đất quê nhưng “mái ấm” khi anh trở về là đứa con thơ đã chết, người vợ không còn tỉnh táo để nhận ra chồng và một đứa con dại 17 năm lớn lên không có cha như một sự nhắc nhớ suốt đời về sự phản bội. Mặc dù có tình thương của đứa con nhỏ, sự bảo bọc giúp đỡ của người đàn ông chân tình và cả sự trở về của người chồng sau bao nhiêu năm chờ đợi vẫn không thể giúp Bún “tỉnh cơn mê”. Trong khi Bún không thể thoát khỏi cơn điên dại thì Đào – người đàn bà xui khiến Sang bỏ vợ theo mình – nhận tin đứa con của mình “liều mạng bỏ lại” đã chết và đau đớn biết rằng cái giá mình phải trả quá đắt.
Nhớ lớn lên trong câu chuyện kể của chú Sáu Thôn: “Con biết không, ngày xưa nước biển ngọt lắm. Có một người đàn bà bị chồng bỏ nên ngày nào cũng ra biển khóc chờ chồng. Nước mắt của cô đã hòa với nước biển nên nước biển mới mặn”. Muôn đời nước biển không thể ngọt bởi người đời luôn còn những sai lầm, vẫn còn sự bội bạc và cả niềm tin yêu, trông ngóng. Bao nhiêu giọt nước mắt nữa sẽ rơi vào lòng đại dương mênh mang phiền muộn?
Trước lúc vở kịch được công diễn, Đoàn Thanh Tài nói anh hồi hộp vì không biết diễn tâm lý từ lúc trẻ sang lúc già có tốt không. Tài đã làm được. Nếu dáng đi của anh chậm hơn chút nữa khi Sáu Thôn về già thì hẳn khán giả sẽ thích thú hơn khi thấy rõ sự chuyển biến của nhân vật không chỉ về hóa trang, tâm lý mà cả về hình thể sân khấu. Hoàng Vân Anh khá vất vả trong vở diễn này khi đảm nhiệm vai Bún lúc trẻ và cô bé Nhớ.
Vân Anh đã cho thấy sự biến hóa tốt từ một người phụ nữ với gánh chè cực nhọc trên vai thành một cô bé cố tạo cho mình vẻ ngoài nghênh ngang, ngổ ngáo. NSƯT Ái Như đã lấy nước mắt của nhiều khán giả với những câu nói “ngớ ngẩn” của nhân vật mình. Tạo hình, phục trang và cách thoại của Ái Như làm khán giả khó kiềm lòng. Những khán giả ái mộ NSƯT Thành Hội sẽ không thỏa mãn khi anh vào vai Sang lúc già và chỉ diễn hai cảnh cuối, lúc Sang trở về nhà, là quá ít. Không còn kiểu hài hước như các nhân vật khác của anh, Sang trở về với sự dằn vặt và nhiều khán giả đã khóc trong giây phút anh cảm động khi đứa con chịu nhận mình là cha.
Phục trang vở diễn khá ổn nhưng cảnh trí và đạo cụ sân khấu trong vở kịch này chưa đẹp. Trong vở kịch này, ngoài những diễn viên quen thuộc của sân khấu Hoàng Thái Thanh, khán giả sẽ gặp lại diễn viên Bích Ngọc (trong vai cô Chín) sau 30 tạm biệt sân khấu đến với công việc lồng tiếng phim bộ Hongkong.
- Ảnh HTT