Mới đây, khi đi có việc ra ngoại thành, lúc ngang qua một ngôi làng, nhìn thấy lũ trẻ chăn trâu đang quây quần bên đống lửa đốt đồng sưởi ấm, tự dưng trong tôi ùa về biết bao nhiêu là cảm xúc với vô vàn kỷ niệm của một thời ấu thơ.
Những ngày còn bé sống ở quê nhà, tôi cũng đã từng là một cậu bé mục đồng chăn trâu cắt cỏ, và có rất nhiều trò vui ở những buổi chiều cùng chúng bạn đốt đồng trong mùa đông lạnh giá…
Mùa đông về, thường thì trẻ ở các vùng quê xứ lạnh đều luôn chơi trò đốt đồng để sưởi ấm, bởi khi đó kinh tế nghèo khó, gia đình nhà nào cũng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, vì thế mỗi khi đến trường học, hay khi đi chăn trâu cắt cỏ ngoài đồng thì những manh áo mỏng manh không đủ che chắn cái lạnh đến thấu xương cắt thịt. Chính vì vậy mà trẻ quê luôn nghĩ cách, bàn chuyện đốt lửa để xua đuổi lạnh giá.
Thường là, trước khi lùa trâu bò ra đồng vào khoảng 2 hoặc 3 giờ chiều là đứa nào đứa nấy đều không quên chuẩn bị các thứ để đốt lửa, như: mồi lửa, củi, rơm rạ… Những tháng mùa đông cuối năm, khi các cánh đồng vừa gặt xong thì chuyện đi mót rơm, gốc rạ để nhóm lửa là không khó, nhưng giai đoạn đó bật lửa gas còn chưa có, mà chỉ có bao diêm nhãn hiệu Thống Nhất, nên một khi đã được phân công mang lửa thì kiểu gì đứa đó cũng phải lén mang theo bao diêm.
- Xem thêm: Cây chùm ruột trước sân nhà
Nếu không có bao diêm thì chuyện bện mồi rơm giữ lửa để mang đi là điều bắt buộc. Nhớ lại cách giữ lửa bằng chiếc mồi rơm của lũ trẻ chúng tôi ngày xưa mới thật tuyệt vời, khi chỉ cần một bó rơm bện chặt, quấn tròn lại, to bằng bắp tay người lớn, dài chừng vài gang tay, vậy mà tro lửa có thể cháy âm ỉ trong cả dăm bảy tiếng đồng hồ mới hết.
Ngoài lửa ra, những thanh củi, cành củi được bẻ ở bờ rào cũng được bọn chúng tôi chuẩn bị, bởi khi đốt lửa, dẫu đã có rơm rạ nhưng thiếu củi thì đống đốt sẽ nhanh tắt lửa, vì vậy phải có củi để làm nhịp độ lửa cháy chậm hơn, lâu tắt để đảm bảo khoảng thời gian ấm áp cho cả bọn trong khoảng mấy tiếng buổi chiều. Hầu như đứa nào cũng bị phân công mang khi thì thứ này, lúc lại thứ kia. Tôi thì cứ khoảng dăm bảy ngày là lại đến phiên phân công phải mang một thứ gì đó…
Khi bắt đầu nhóm lửa, bọn chúng tôi thường chọn một khoảng nào đó gần bờ đất cao, khuất gió để lúc lửa cháy không bị thổi tạt, khói có thể bay thẳng lên trời chứ không ngả về một hướng nào cả. Nhiều bữa, đang sưởi ấm bị hết củi do mang ít, bọn chúng tôi lại cắt cử một vài đứa trở về làng để bẻ trộm một ít ở bờ tường rào nhà ai đó.
Cũng có hôm, do trời đã chuẩn bị tối, sắp phải lùa trâu bò về nhà mà củi cháy hết, bọn chúng tôi đã tản ra các ruộng cày ải để nhổ gốc rạ đốt. Gốc rạ khô cháy cũng đượm lửa nhưng chỉ tội hơi nhiều khói so với đốt củi, chẳng vậy mỗi khi đốt gốc rạ đứa nào đứa nấy ngồi xúm xung quanh cay mắt, ho sặc sụa vì khói…
Mục đích chính là sưởi ấm, xua đuổi lạnh giá thì kỷ niệm đáng nhớ nhất, khó lòng có thể quên được trong những buổi chiều đốt đồng thời ấu thơ của tôi, của lũ trẻ trong xóm, đó là cái thú thưởng thức “ẩm thực” quanh những đống lửa! Đúng vậy, trong làn khói đốt đồng lan tỏa lên không trung ấy luôn hòa quyện, luôn mang theo mùi thơm của bao thứ, nào cá nướng, khoai nướng, sắn nướng, và đôi khi thì cua, tôm, trứng… nướng!
Nói chung là tất cả thức gì có thể ăn được chúng tôi đều cho vào đống lửa đốt đồng để nướng. Với khoai, sắn, trứng gà, trứng vịt…, thường là chúng tôi mang theo đi từ ở nhà để nướng ăn. Cũng có hôm, gặp ruộng khoai, sắn, ngô, của nhà ai đó còn chưa thu hoạch và không có người canh giữ, cả bọn lại lần mò tới bới trộm, bẻ trộm mang đi nướng. Tôi còn nhớ, năm ấy tôi học lớp 5, tôi đã bị cha đánh đòn đau đến nhớ đời, hằn cả mông vì cái tội cùng mấy đứa đi bẻ trộm ngô mang nướng, rồi bị chủ vườn bắt được mách lại với cha.
- Xem thêm: Vị xưa
Từ bữa bị trận đòn, tôi không bao giờ dám đi lấy trộm nông sản của nhà người khác, kể cả việc nhóm bạn xúi và dọa sẽ không được ăn, nếu không đi ăn trộm, tôi cũng không dám nữa… Tính tôi là vậy, những cũng có những đứa trẻ trong nhóm, dẫu có bị cha mẹ đánh đau tới cỡ nào nhưng chúng vẫn không sợ, vẫn luôn giữ thói đào trộm khoai, sắn, bẻ ngô để nướng ăn mỗi buổi chiều đông…
Có lẽ niềm vui sướng nhất mà tôi còn lưu giữ trong tâm hồn quanh trò đốt đồng, đó là mỗi khi không có thứ gì để nướng ăn, cả bọn lại hò nhau lội mương be bờ tát vét để bắt tôm, cá nướng ăn. Những con tôm, con cá được bắt lên từ lòng mương còn tươi rói, đượm mùi bùn, khi được nướng chín trong đống lửa, mùi thơm ngào ngạt đầy hấp dẫn khiến đứa nào cũng thèm đến nhỏ rãi.
Khi ăn vào thì vị ngọt, vị ngon của tôm, cá khó có thể nào quên được, dẫu không hề có thêm một loại gia vị nào để ướp chúng trước khi nướng. Tôm, cá khi đó khá nhiều, vì vậy chẳng tát mương thì thôi, chứ hôm nào lội tát là cả bọn đều có bữa tôm cá nướng tại đồng ăn no nê thoải mái. Vì dùng tay mồi lửa, dùng tay tự nướng, và dùng tay bóc tôm cá để ăn, nên khi ăn xong đứa nào cũng lấm lem bùn đất, than đen khắp cả mặt mày, quần áo…
- Xem thêm: Quà quê
Dẫu đã xa rồi tuổi thơ cả một quãng thời gian dài, tạm biệt làng quê lên thành phố lập nghiệp từ lâu, nhưng ký ức của hơi ấm và những làn khói xám trong các buổi chiều đốt đồng tuổi thơ ngày xưa tôi không bao giờ có thể quên được, vẫn vẹn nguyên đủ đầy sắc màu, âm thanh, mùi vị… Chẳng vậy, mỗi khi có dịp trở về bất cứ một miền quê nào đó, chỉ cần bắt gặp cảnh nhóm lửa đốt đồng của người nông dân là mùi ký ức lại hiện về, ùa tới trong tâm hồn tôi như một thước phim quay chầm chậm…