Tham gia hội nghị lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) từ ngày 9 đến 13-6, phái đoàn Việt Nam do đại sứ Lê Hoài Trung làm trưởng đoàn đã thông báo cho hội nghị diễn biến nghiêm trọng trên Biển Đông trong thời gian qua, khẳng định các hành vi của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và các quy định của công ước, đi ngược lại Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như các thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước Việt – Trung. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam và giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Đại sứ Lê Hoài Trung
Tham luận tại hội nghị, các nước Nhật Bản, Philippines, Malaysia… đã bày tỏ mối quan tâm và lo ngại trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, đồng thời đề nghị các bên tranh chấp nghiêm túc chấp hành các quy định trong DOC và nhanh chóng kết thúc đàm phán COC. Hội nghị cho rằng việc Trung Quốc đang biến bãi đá ngầm Gạc Ma mà họ đánh chiếm bất hợp pháp của Việt Nam năm 1988 thành một hòn đảo nhân tạo diện tích 30ha, ngoài khu vực dân cư và du lịch sẽ còn có cả sân bay, cảng biển cho tàu quân sự và dân sự là rất đáng lo ngại. Điều đó chứng tỏ Trung Quốc muốn trong tương lai sẽ dùng nơi đây để phô diễn sức mạnh quân sự nhằm uy hiếp Philippines và Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Khi phi trường Gạc Ma hoàn thành, phi trường ở đảo Đá Chữ Thập được khởi công và phi trường đã có ở đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa) đi vào hoạt động đầy đủ thì Trung Quốc sẽ dùng chuỗi các sân bay ở hai đầu Đông, Tây của Biển Đông làm cơ sở cho việc thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm vùng biển này. Vì vậy, Việt Nam và Philippines thống nhất quan điểm đề nghị hội nghị lên án các hành vi vi phạm luật lệ quốc tế của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và vụ việc phải được Tòa án Trọng tài quốc tế xem xét giải quyết thấu đáo. Cũng tại hội nghị, bảy thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển nhiệm kỳ 2014-2021 và một thành viên của Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa đã được bầu.
Nguyễn Thắng