Gần ba tháng về trước, chính xác là đến ngày 23-3-2014, nợ công tính theo đầu người của nước ta được ước tính 886,36 USD. Đến ngày 13-6, bảng đồng hồ nợ công toàn cầu được đăng tải trên trang web của tạp chí kinh tế The Economist cho thấy tổng số nợ công của Việt Nam đã lên đến 81,855 tỉ USD, chiếm 47,7% GDP và tăng 10,9% so với năm 2013. Như vậy, bình quân mỗi công dân hiện đang gánh trên vai khoản nợ công 905,18 USD. Về vấn đề này, trong bản báo cáo tình hình kinh tế – xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện ngày 24-4 có đoạn nhận định: “Nợ công tuy vẫn nằm trong giới hạn an toàn nhưng trên thực tế, khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn”. Báo cáo trên còn cho biết khối lượng huy động vốn trái phiếu Chính phủ đang và sẽ tiếp tục rất lớn, bình quân khoảng trên 400 ngàn tỉ đồng/năm trong ba năm tới, bằng khoảng 8 – 9% GDP, bao gồm huy động để bù đắp bội chi, đảo nợ và để đầu tư. Do tỷ lệ vay ngắn hạn và trung hạn chiếm tới 80% tổng nguồn vốn huy động trong nước nên tần suất và mức trả nợ sẽ rất cao. Việc huy động hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính (hệ thống ngân hàng thương mại chiếm 86%, các định chế tài chính khác chiếm 12%) có thể sẽ dẫn đến việc dòng tiền của hệ thống ngân hàng chỉ tập trung vào trái phiếu mà không đủ sức đầu tư cho sản xuất – kinh doanh. Từ thực tế đó, đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc phát hành lượng trái phiếu Chính phủ quy mô lớn sẽ gây nhiều tác động tiêu cực đến mặt bằng lãi suất và chi phí vốn vay của doanh nghiệp, cũng như nguy cơ lạm phát trong năm nay và các năm tới.
Tại phiên chất vấn trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII chiều 10-6, khi trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Nếu loại trừ yếu tố vay để đảo nợ 10% trong nghĩa vụ phải trả hằng năm từ nay đến 2018 thì nợ Chính phủ hoàn toàn nằm trong giới hạn cho phép”. Ông Dũng còn cho biết thêm, trong cơ cấu nợ công hiện nay, có đến 50% là nợ nước ngoài, vay ODA với lãi suất thấp, thời hạn trả nợ còn khoảng 14-15 năm. Khoảng 50% còn lại là nợ huy động trong nước và trái phiếu Chính phủ, trong đó có khoảng 30% huy động trong nước có thời hạn trả nợ từ một đến ba năm. Tỷ lệ trả nợ của Chính phủ trên tổng thu ngân sách đã vượt ngưỡng 25%, nhưng có trên 10% là vay để đảo nợ và khoản này không làm phát sinh nghĩa vụ nợ. Vì vậy, nếu tạm gác khoản 10% đã nêu thì nghĩa vụ phải trả nợ hằng năm từ nay đến 2018 vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, đã có ngay những thắc mắc trong khi chất vấn, cụ thể là vay để trả nợ đến hạn thì tác động ra sao đến nợ công, khi đảo nợ rồi thì ảnh hưởng của việc đó thế nào đến chuyện vay tiếp của nước ngoài… còn chưa được làm rõ.
Liên quan tới vấn đề này, khi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương trong chuỗi các buổi họp tham vấn với các đầu mối chuyên trách của Việt Nam từ ngày 28-5 đến 11-6, ông John Nelmes – Trưởng đoàn Giám sát kinh tế vĩ mô của Quỹ Tiền tệ quốc tế (còn gọi là đoàn Khảo sát điều IV của IMF) đã đề cập đến tình trạng bội chi ngân sách của Việt Nam có xu hướng tăng từ năm ngoái sang năm nay và còn tiếp tục tăng, trong khi tỷ lệ thu thuế so với GDP tiếp tục có xu hướng giảm, nợ công của Việt Nam đã tăng tới mức đáng chú ý. Trong thông cáo của đoàn có đề xuất “cần vận dụng nhiều biện pháp mở rộng cơ sở thu và định hướng lại chi tiêu ngân sách theo hướng tăng cường chất lượng đầu tư công và chi cho an sinh xã hội đúng mục tiêu”. Một khuyến nghị đáng chú ý của đoàn là Việt Nam cần thực hiện chính sách giảm chi lương cho cán bộ khu vực công vì hiện nay, mức chi là 9,25% GDP cho lương ở khu vực công là cao hơn rất nhiều so với mức 7% GDP của các nước đang phát triển.
Nguyễn Thắng