Có vẻ như đã quá quen tiếp xúc với báo giới, Tổng giám đốc Đỗ Long không ngần ngại gì khi chủ động dẫn dắt tôi vào câu chuyện khá dài dòng của anh, bắt đầu từ… những thú chơi tao nhã của một con người thành đạt và hạnh phúc. Anh nói năng mạch lạc, lôi cuốn, luôn đưa ra những dẫn chứng sinh động; đấy chắc hẳn là khả năng truyền đạt của một người thầy giáo.
Vâng, Tổng giám đốc Đỗ Long là người có bằng cấp sư phạm và từng nhiều năm đứng trên bục giảng trường cấp ba. Dù rất mực khiêm tốn, anh cũng đã không thể không hé mở một số bài học thu được từ những chuyến đi không ngừng nghỉ trên khắp thế giới tìm kiếm thị trường cho những sản phẩm mang tên Bita’s của mình. Anh nói:
Có một cháu gái học lớp 12 biết tôi là người chơi tem đã viết thư cho tôi, nói đại ý, cháu cũng là người chơi tem, cháu muốn chia sẻ thú vui đó với tôi vì nghĩ rằng tôi bận rộn không có thì giờ sưu tầm, sắp xếp tem, chăm sóc từng trang, từng cuốn album. Tôi đành phải từ chối đề nghị của cháu. Tôi nói rằng, chơi tem mà không tự tay săm soi ngắm nghía từng con tem, không trực tiếp so sánh giá trị của những con tem khác nhau thì còn gì là vui thú nữa.
Làm việc gì cũng phải làm tận tay và làm đến cùng, đó là triết lý của tôi. (Anh mở chiếc tủ thấp có xử lý nhiệt độ, lần lượt mang ra khoe những bộ sưu tập tem quý giá và cả những con tem kỷ niệm mới nhất của các nước). Đây là những con tem thời cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Đây là con tem kỷ niệm văn hào Mỹ Ernest Hemingway, có đóng dấu ngày đầu tiên phát hành. Đây là con tem về Công nương Diana…
____
Chắc thú chơi tem đã chiếm hết thời gian rảnh của anh?
Không, tôi còn chơi tiền cổ, chụp ảnh nghiệp dư, sưu tầm tranh vẽ ngựa của Từ Bi Hồng (Trung Quốc) và thưởng thức trà. (Anh lại đứng dậy, đến bên chiếc tủ đặc biệt lấy ra những album tiền cổ. Tôi không rành thú chơi này, ngậm tăm nghe anh say sưa nói. Nhưng khi anh trưng bày những tấm ảnh tự tay anh chụp phong cảnh khắp thế giới thì tôi phải kêu lên xuýt xoa: “Đẹp! Chuyên nghiệp quá!”. Tôi còn nhìn thấy trên kệ sách một collection tác phẩm Nhật ký Anne Frank viết bằng các thứ tiếng khác nhau). Khi đi công tác nước ngoài, tôi luôn sắp xếp để có được một ngày rảnh hoàn toàn đi chụp ảnh phong cảnh, đi sưu tầm tem, tiền cổ, mua sách và đến các nhà lưu niệm.
Tôi rất xúc động khi đứng trước căn nhà trước đây cô bé Anne Frank từng trú ẩn và viết cuốn nhật ký bất hủ. Và đây, bức ảnh này tôi chụp chiếc cầu nơi Công nương Diana chết vì tai nạn xe hơi. Vài giờ sau khi Diana tử nạn thì tôi ngẫu nhiên đi ngang qua đó. Tôi được biết cái trụ cầu ngay phía dưới chiếc xe móp méo là trụ thứ 13. Còn đây, cuốn sách này mua cách đây hơn mười năm, giá gần bằng một cây vàng. (Anh lấy xuống một cuốn sách bìa cứng, tiếng Hoa).
____
Sách gì vậy anh?
Về công nghệ chế tác cao su. Làm nghề này tôi học từ truyền thống không nhiều bằng học từ sách vở lý thuyết của nước ngoài.
____
Anh đã quá nổi tiếng. Theo chỗ tôi biết, báo chí trong nước và các đài truyền hình nước ngoài như đài NHK của Nhật, đài ARD của Đức đã nói về anh. Nhưng nếu vẫn có người chưa biết về anh, anh sẽ lại nói về mình như thế nào?
Có thể tóm tắt thế này: Tôi là người Hoa. Cha mẹ tôi từ nước Trung Hoa loạn lạc vì chiến tranh với Nhật đã tìm đường sang Việt Nam năm 1948. Nơi đất khách, cha mẹ tôi phải bươn chải qua nhiều nghề: làm ruộng, bốc vác, làm đậu hũ, mạch nha để nuôi tám người con ăn học. Tôi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm 1981, rồi đi dạy học tại Hóc Môn đến năm 1984.
Thế rồi, tôi gặp người bạn gái thời trung học (bây giờ là vợ tôi, Lai Kim, giám đốc Công ty may Nhật Tân), nàng giới thiệu tôi vào học nghề tại tổ sản xuất giày dép Tự Lực quận Tân Bình. Vừa học vừa làm với công việc chạy hóa chất, tôi tích lũy kiến thức và kinh nghiệm cả về chuyên môn lẫn quản lý. Sau đó, tôi hùn vốn lập tổ sản xuất cao su Vạn Thành, rồi sáp nhập với tổ sản xuất cao su Bình Tiên để thành hợp tác xã Bình Tiên; năm 1991, tôi lên làm giám đốc Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s).
Không biết từ lúc nào tôi đã có thói quen khi ra ngoài đường, tôi hay nhìn chân người ta, coi họ mang cái gì.
____
Nghe nói đây là thời kỳ đầy khó khăn nhưng cũng là cơ hội chứng tỏ tài năng của anh?
Có phần nào đúng. Công ty chúng tôi ôm một đống nợ lên đến 4,3 tỉ đồng của Công ty cao su-nhựa Tân Bình để lại và 400 cán bộ công nhân viên đang đứng trước nguy cơ không có miếng ăn. Việc đầu tiên của chúng tôi là vận động mọi người ở lại, vượt qua thử thách. Và phải mất bảy năm, đến năm 1998, sau những nỗ lực vượt bậc, Bita’s đã trả được nợ dứt điểm, có được vốn cố định khoảng 19 tỉ đồng và doanh số trên 43 tỉ đồng.
____
Nghe gọn lỏn quá. Anh có thể nói về những biện pháp xoay chuyển tình thế lúc bấy giờ?
Lúc ấy còn được bao nhiêu khả năng chúng tôi tập trung cho việc thay đổi thiết bị chủ yếu, để có thể sản xuất ra sản phẩm mới. Nhưng đặc biệt quan trọng là tập trung trả lời cho được câu hỏi lớn: Sản xuất những mặt hàng gì và tìm thị trường mới ở đâu? Chúng tôi tích cực đi dự các hội chợ giày dép quốc tế ở Ý, Đức, Pháp để tìm hiểu và tiếp cận thị trường. Và bước ngoặt đã xảy ra.
Chúng tôi ký được hợp đồng lịch sử với một công ty giày da Đài Loan: Họ sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm Bita’s và sẽ ứng trước vốn khoảng bốn trăm ngàn USD. Ngoài ra, chúng tôi còn gặp một cái may có tính lịch sử khác: Năm 1997, Liên minh châu Âu quyết định đánh thuế cao (lên tới 60%) các sản phẩm giày vải cotton của Trung Quốc, trong khi ưu đãi thuế cho Việt Nam.
Chúng tôi quyết định xây dựng một dây chuyền làm giày vải lớn nhất nước, đầu tư cho công nghệ sản xuất đế PU thay thế cho PVC là loại nguyên liệu không phân hủy được, độc hại cho môi trường, PU là nguyên liệu duy nhất được Cộng đồng châu Âu cho sử dụng trong công nghệ sản xuất giày dép và đồ chơi trẻ em. Hướng đi ngày càng rõ ràng: Xuất khẩu và xuất khẩu, trên 60% sản phẩm được bán sang 24 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới như Anh, Hà Lan, Đức, Cộng hòa Séc, Liban, Nhật, Đài Loan, Nam Phi, Trung Đông…
Các doanh nghiệp đi dự các hội chợ chuyên ngành càng nhiều càng tốt và hoàn toàn không nên tham dự các hội chợ “đa ngành”, chỉ là cưỡi ngựa xem hoa.
____
Thị trường mênh mông như vậy anh nắm bắt, lắng nghe như thế nào để có thể đáp ứng một cách chính xác?
Không biết từ lúc nào tôi đã có thói quen khi ra ngoài đường, tôi hay nhìn chân người ta, coi họ mang cái gì. Nói thật với anh, hồi nãy khi anh bước vào, trước khi bắt tay anh tôi đã nhìn xuống chân anh (cười). Đơn giản là chúng tôi phải biết người vùng cao bàn chân họ bề ngang thì to, bề dài thì ngắn; người miền xuôi bàn chân nhỏ, dài. Tôi luôn tìm cách truyền đạt “cái nhìn” đó cho các cộng sự và nhân viên của tôi. Nhưng đó là đối với thị trường trong nước. Còn đối với thị trường thế giới là cả một câu chuyện dài, một kinh nghiệm lớn, một bài học đáng giá.
____
Anh có thể nói đôi chút được không?
Tôi thường xuyên đi dự hội chợ chuyên ngành giày dép ở khắp thế giới. Xin mở ngoặc nói ngay là các tổ chức xúc tiến thương mại nên tổ chức cho các doanh nghiệp đi dự các hội chợ chuyên ngành càng nhiều càng tốt, và hoàn toàn không nên tham dự các hội chợ “đa ngành”, chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, không lợi ích gì cho cả doanh nghiệp lẫn các tổ chức xúc tiến thương mại.
Tôi bỏ rất nhiều tiền đi mua catalogue, mẫu mã, ý tưởng, đồng thời nhờ các bậc thầy thời trang về giày dép hiệu đính các mẫu thiết kế của mình. Có một kinh nghiệm này, đã đi ra thế giới thì phải biết kiên trì thuyết phục, chờ đợi. Tôi đi Mỹ đến lần thứ sáu mới xuất được một “công” hàng. Từ “công” đầu tiên đó mà có “công” hai, “công” ba. Nhật cũng vậy, sau bảy, tám năm tiếp thị, mới chịu “ăn hàng”. Và khi đã ăn rồi thì không bỏ nữa.
Cho nên, dù thị trường Campuchia và Lào không hấp dẫn lắm, sau hai năm không bán được, chúng tôi vẫn làm, vẫn tiếp tục cố gắng. Thị trường Nam Phi cũng vậy. Chúng tôi quyết tâm đưa sản phẩm tốt hơn, phù hợp hơn để thuyết phục và “giữ chân” họ. Về thị hiếu, chúng tôi phải luôn mở to mắt khi đi hội chợ để nhìn ngắm, và không ngừng cập nhật xu hướng thời trang và xu hướng xã hội quyết định đến việc ăn mặc.
____
Anh không mong mỏi gì từ phía Nhà nước sao?
Có chứ. Nhưng chỉ là một mong mỏi duy nhất như rất nhiều người khác, là Nhà nước nên và phải có những chính sách theo kịp sự phát triển của xã hội nói chung và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng. Nói cụ thể trường hợp của tôi – Tôi làm theo chủ trương của thành phố là đưa nhà máy ra ngoại thành, nhưng sau khi di dời xong thì công tác đền bù rất chậm.
Bất kỳ sản phẩm nào của ta nếu đạt được những chuẩn mực khách quan, đều có thể xuất khẩu được cả.
____
Anh có thể cho biết một số dự định tương lai của công ty được không?
Chúng tôi hiện đang gấp rút hoàn thành những phần việc dở dang để kịp đưa thêm hai dây chuyền sản xuất vào đầu năm 2004; vậy là sẽ có tổng cộng tám dây chuyền sản xuất để làm ra 2,5 đến 3 triệu sản phẩm thay vì 1,5 triệu sản phẩm như hiện nay. Về thị trường, chúng tôi tiếp tục duy trì thị trường hiện có và tập trung mở thị trường mới ở phía Tây Trung Quốc. Dự kiến doanh số sẽ từ 500 ngàn đến một triệu USD. Chúng tôi có một đoàn công tác cơ hữu 12 người cho thị trường này. Một thị trường tiềm năng khác là Nga. Sau chuyến đi của đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo thành phố đến thăm và làm việc tại ba thành phố của Nga hồi tháng 5/2003, chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng tại Mátxcơva một xí nghiệp sản xuất giày và quần áo may sẵn.
____
Anh đi nước ngoài nhiều, anh muốn chia sẻ điều gì với các doanh nghiệp trong nước?
Nếu được, cho phép tôi bày tỏ những cảm nhận rất chủ quan của mình. Thứ nhất, tôi thiết nghĩ rằng, bất kỳ sản phẩm nào của ta nếu đạt được những chuẩn mực khách quan đều có thể xuất khẩu được cả, dù đó là cây bút bi, chiếc áo sơ mi, hay cái bánh ngọt. Luôn luôn có một thị phần đâu đó trên thế giới dành cho mọi loại sản phẩm Việt Nam. Thứ hai, khi ra nước ngoài, hãy cố gắng đến tham quan cho bằng được nhà máy của họ để học tập; nếu dự hội chợ thì tranh thủ từng phút để thăm được nhiều gian hàng, gặp được nhiều khách hàng nhất. (Ví dụ, chọn chỗ ở gần địa điểm tổ chức hội chợ; chuẩn bị kỹ mọi thứ từ bên nhà ngay cả một cái cặp hồ sơ…). Thứ ba, chúng ta phải học cách làm ăn của thế giới, đó là cố gắng xây dựng cho được những nhà máy cực kỳ sạch sẽ không thua gì khách sạn deluxe. Chắc chắn là để tăng năng suất lao động rồi. Và sau hết, những doanh nghiệp cùng ngành nghề nên liên kết lại để hưởng nhiều mối lợi trong việc xuất khẩu và nhập nguyên liệu.
____
Anh đã và đang giữ những trọng trách trong rất nhiều tổ chức Nhà nước và đoàn thể xã hội cũng như thường xuyên tham gia vào các hoạt động từ thiện của thành phố, anh còn là một doanh nhân thành đạt. Anh nghĩ sao khi dư luận cho anh là con người của xã hội?
Tôi thành thực nghĩ rằng làm được điều gì tốt cho một, hai ngàn công nhân của tôi ở đây chính là làm việc thiện cho xã hội, chứ không ở đâu xa khác. Mọi nỗ lực trước mắt và lâu dài của tôi đều hàm chứa ít nhiều ý nghĩa nhân văn đó.