Ông là người mang lại nhiều thành tích nhất cho bóng đá Việt Nam. Và ông cũng là người tạo ra những trận đấu đẹp nhất, kịch tính nhất và đáng nhớ nhất. Với ông, người hâm mộ Việt Nam có những giây phút say mê và hạnh phúc nhất.
Từ khi bóng đá Việt Nam trở lại Đông Nam Á, có hai huấn luyện viên (HLV) nước ngoài tạo nên dấu ấn sâu đậm nhất: K.H.Weigang, người Đức và Alfred Riedl, người Áo.
Người Việt Nam, nhất là phía Nam, rất ưu ái ông Weigang vì trước 1975, ông đã từng là HLV của đội tuyển miền Nam giành chức vô địch Merdeka, cũng như Tiger Cup sau này, là giải vô địch bán chính thức của Đông Nam Á.
Ông Weigang đã đưa ĐT Việt Nam vào chung kết SEA Games 1995, thua Thái Lan 0-4.
Đỉnh cao của thời ông Riedl trong lần trước đến Việt Nam là hai trận chung kết: Tiger Cup 1998 (thua 1-0 trước Singapore) và chung kết SEA Games 1999 (Thua 0-2 trước Thái Lan).
Lần này, ông Riedl suýt lật đổ được đội bóng số 1 Đông Nam Á; có hai trận ngang ngửa với Thái Lan (hòa 1-1 ở vòng loại và thua 1-2 ở trận chung kết). Nhưng giấc mơ giành huy chương vàng của Việt Nam và sự mong muốn vô cùng của ông Riedl có một chiến thắng vinh quang cùng đội Việt Nam ở Đông Nam Á vẫn không thành.
Tôi có quan hệ khá thân với cả hai HLV này. Khi ông Trần Bảy – lúc đó là tổng thư ký LĐBĐVN- có những tiếp xúc đầu tiên với ông Weigang tại Hà Nội, tôi cũng có mặt. Với ông Riedl thì sự thân thiết với cả hai ông bà. Chúng tôi có dịp dùng cơm với hai ông bà Riedl tại TP.HCM và Hà Nội.
Thẳng thắn mà nói, tôi vẫn có nhiều cảm tình hơn với ông mặc dù con người ông nghiêm nghị, ít cười đùa như ông Weigang. Riedl cương trực và chân thành, không bộc lộ tình cảm mình quá đáng nhưng vẫn là một con người hết sức tình cảm.
Yêu Việt Nam như quê hương thứ hai
Nói như thế không quá đáng chút nào. Ông đã phải lòng với VN ngay ở lần đầu đến xứ sở này. Ông yêu khán giả Việt Nam, đất nước Việt Nam và cả các món ăn Việt Nam. Có một lần ông nói với tôi: “Tôi muốn các bạn bè người Áo của tôi biết đất nước Việt Nam. Tôi thuyết phục họ đến. Nhiều người đã đến và sau đó đã ở lại”.
Vì quá yêu Việt Nam nên sau khi bị LĐBĐVN kết thúc hợp đồng lần trước, ông vẫn tìm cơ hội kéo dài thời gian của mình ở Việt Nam. Đó là lý do ông nhận làm HLV cho một đội Khánh Hòa không hy vọng trụ hạng. Nhưng với đội Khánh Hòa, hai ông bà Riedl lại có cơ hội khám phá thêm một nơi chốn vô cùng đáng yêu: Nha Trang. Lúc đó ông nói với tôi: “Vợ tôi rất hài lòng về nắng và biển Nha Trang”.
Hình như ông Riedl nhận làm HLV cho Khánh Hòa là vì… vợ ông. Mỗi lần dùng cơm với hai vợ chồng ông Riedl, tôi đều chứng kiến sự chăm sóc trìu mến của ông dành cho vợ.
… Và cũng vì quá yêu Việt Nam mà ông sẵn sàng bỏ qua những “cay đắng” đã gặp phải ở lần kết thúc hợp đồng cách đây hai năm. Ông không giấu giếm tình yêu của mình dành cho Việt Nam: Hơn một lần trả lời câu hỏi vì sao ông chấp nhận trở lại Việt Nam với một hợp đồng ngắn ngủi chỉ bảy tháng, ông đáp: “Vì tôi yêu Việt Nam”.
Nhưng công tâm mà nói, trong sự nghiệp HLV của ông, cũng không có nơi nào “yêu” ông như ở Việt Nam và viết lên cho bảng thành tích của ông nhiều dòng chói lọi như ở Việt Nam.
Có thể nói, sự nghiệp của ông cũng gắn với đất nước Việt Nam. Tên tuổi của ông đã được xây dựng trên mảnh đất này của Đông Nam Á.
Một người Áo trầm lặng
Ông không bao giờ tuyên bố huênh hoang như HLV Dido và cũng không có thái độ tự cao mà đôi khi HLV Weigang để lộ. Ông Riedl đúng là một người Áo trầm lặng. Tôi có nói với ông: “Sau trận Việt Nam thắng Hàn Quốc 1-0, tiếng vang không chỉ Á mà lan sang cả châu Âu. Ông có thấy đó là một thành tích có lợi trên tấm danh thiếp của ông…”. Ông Riedl vội vàng trả lời: “Không, không đâu. Đó là một trận thắng may mắn. Chơi trong 90 phút, họ áp đảo đội U23 VN 80 phút. Chúng ta chỉ có hai cơ hội và một trong hai cơ hội đó thành bàn…”. Ông tiếp tục từ chối nhận định của tôi: “Đây là thành tích đẹp nhất trong sự nghiệp HLV của ông…”. Một lần nữa ông lại nhấn mạnh đến yếu tố “may mắn”.
Sau trận thắng Malaysia 4-3 ở trận bán kết SEA Games 22. ông nói đã từng chứng kiến những trận như thế với tư cách khán giả nhưng chưa bao giờ với tư cách HLV. Về trận này, ông lại đề cập đến yếu tố “may mắn…” – Ông bảo: “Trong trận đấu, đội Việt Nam bị xui xẻo nhiều lần nhưng khi kết thúc lại đầy may mắn…”. Ông muốn nhắc đến bàn thắng phút 90+2 của Phan Thanh Bình.
Tôi muốn các bạn bè người Áo của tôi biết đất nước Việt Nam. Tôi thuyết phục họ đến. Nhiều người đã đến và sau đó đã ở lại.
“Ông luôn nhắc tới yếu tố may mắn, có phải ông duy tâm?”. Câu này tôi đặt ra với ông sau khi Việt Nam đã bị Thái Lan thắng 2-1 ở trận chung kết tối 12-12-2003.
“Không đâu. Tôi không phải là con người duy tâm. Nhưng bóng đá là thế. Ngoài chuyện hay dở, bao giờ yếu tố may mắn cũng dự một phần lớn quyết định trận đấu…”.
Tiếp tục theo “tư tưởng của ông Riedl” thì ông thần may mắn quả đã không đứng về phía ông như chẳng hạn ở trận chung kết Tiger Cup 1998. Bối cảnh lúc đó còn thuận lợi hơn cả SEA Games 22, vì đội bóng đã đá bại Thái Lan 3-0 và ở rào cản cuối cùng là một đội Singapore rất vừa tầm cho những Lê Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Đỗ Khải… làm nên “lịch sử”. Nhưng chỉ một cái lưng của Saksikumar chạm bóng trước khung thành Việt Nam đã làm thay đổi tất cả. Việt Nam bị Singapore giành chức vô địch với tỷ số 1-0! “Đấy cũng là vấn đề may mắn. May mắn cho Singapore và không may mắn cho Việt Nam” – Ông Riedl kết luận.
Nói thêm về sự thiếu may mắn, ông Riedl nhắc lại một trận đấu mà ông cho rằng thuộc loại xuất sắc của đội tuyển Việt Nam: Trận thua đội tuyển Trung Quốc 0-2. Ông nhấn mạnh chúng ta có cơ hội ghi bàn thắng nhưng… thiếu may mắn. Ông còn nhắc lại với tôi: “Đó là trận đầu tiên HLV Bora Milutinovic nhận trách nhiệm điều khiển đội Trung Quốc”.
Thế hệ trẻ hơn thế hệ đàn anh?
Tôi hỏi ông Riedl: “Ông có thất vọng khi đội U23 Việt Nam không đoạt được huy chương vàng?”.
Buồn thì có nhưng thất vọng thì không. Họ đã chơi tốt một giải và đây là một thành tích đẹp cho đội dù đội U23 Việt Nam không đoạt huy chương vàng.
Tôi nhắc lại một thông tin trên một số báo khi ông trở lại Việt Nam lần thứ hai cho rằng, ông hứa giành huy chương vàng cho Việt Nam tại SEA Games 22.
Ông Riedl nói: Không bao giờ tôi hứa mang huy chương vàng cho Việt Nam. Tôi chỉ nói tôi sẽ cố gắng giúp cho đội U23 Việt Nam chơi tốt, thúc đẩy các cầu thủ tiến bộ, Tôi chưa biết đội Thái Lan mạnh yếu thế nào thì làm sao tôi quả quyết được điều ấy. Vả lại chuyện hứa hẹn như thế không phải là tính của tôi.
Tôi vẫn có ý nghĩ là đội U23 Việt Nam, thế hệ trẻ hiện nay, có tinh thần chiến đấu cao hơn thế hệ đàn anh. Tôi bày tỏ điều đó với ông Riedl thì bị ông phủ nhận ngay: “Không đâu. Thế hệ trẻ có nhiều cầu thủ đầy triển vọng nhưng đội tuyển quốc gia thời Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Đỗ Khải, Việt Hoàng, Văn Sĩ Hùng… vẫn xuất sắc hơn…”. Ông nói: “Đội tuyển Việt Nam những năm 1998, 1999 có một lối chơi rất đẹp, nhiều kinh nghiệm hơn và mạnh mẽ hơn. Anh Chánh Trinh biết đấy: Kinh nghiệm không mua được đâu, mà là cả một quá trình học hỏi và tích lũy. Đội U23 Việt Nam còn thiếu mặt này…”
Tôi để ý cách ông Riedl trả lời báo chí về cầu thủ này, cầu thủ nọ, sự thành công của ai đó hoặc trách nhiệm của một cá nhân nào đó, ông luôn tỏ ra hết sức thận trọng. Ông không muốn đề cao một riêng ai hay đổ trách nhiệm cho một ai cụ thể.
Sau trận thua Thái Lan 1-2 mất chức vô địch SEA Games 22, ông nhận xét một số cầu thủ không chơi đúng sức mình khiến cho ý đồ chiến thuật không thực hiện được tốt. Tôi nói: “Hữu Thắng xuống sức thấy rõ” thì ông liền chặn lại: “Tôi không muốn nêu tên ai cả”. Ông luôn cư xử như một người cha công bằng và có trách nhiệm với mọi đứa con. Ông không hề giận dữ hay trách móc Đức Tuấn phá bóng hụt để cho Sarayôt khai thác thành bàn thắng. Ông chỉ nêu trường hợp quả thua đó như một khó khăn lớn cho Việt Nam, cũng như sự kiện Quốc Vượng bị hai thẻ vàng khiến Việt Nam chỉ còn 10 người khó đối phó đối phương ở hiệp phụ. Tôi nhớ sau trận Việt Nam thắng Malaysia 4-3 với cú đánh đầu gây tử thương đối phương, một phóng viên đã hỏi ông về Phan Thanh Bình để chờ ông khen tặng thì ông chỉ nhận xét: “Có lúc cậu ta chơi hay và có lúc không hay”.
Thế hệ trẻ có nhiều cầu thủ đầy triển vọng nhưng đội tuyển quốc gia thời Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Đỗ Khải, Việt Hoàng, Văn Sĩ Hùng… vẫn xuất sắc hơn…
Còn tôi đã hỏi ông:“Văn Quyến và Thanh Bình sẽ trở thành cầu thủ lớn?”.
Ông đã trả lời không suy nghĩ: “Vâng, tôi nghĩ cả hai sẽ trở thành cầu thủ lớn. Và không riêng hai cậu ta mà còn một số cầu thủ khác như Tài Em, Hữu Thắng, Minh Phương, Huy Hoàng v.v…”.
Cũng như khi tôi hỏi ông có phải bàn thắng của Văn Quyến trong trận hòa 1-1 với Thái là đẹp nhất của bóng đá Việt Nam trong 10 năm qua thì ông khẳng định ông đã từng chứng kiến nhiều bàn thắng đẹp như thế của đội tuyển Việt Nam như bàn thắng của Hồng Sơn tại Brunei rất “thông minh và trầm tĩnh” hoặc bàn thắng của Văn Sĩ Hùng trong trận Việt Nam thắng Thái Lan 3-0 tại Hà Nội.
Tôi tò mò hỏi ông đã nói gì với Thế Anh sau khi Anh để lọt lưới một pha bóng ngoài sức tưởng tượng của mọi người thì ông chầm chậm trả lời: “Tôi an ủi cậu ta. Tôi thấy cần phải giúp đỡ để cậu ta lấy lại tinh thần…”.
Có những HLV khi đã có một quyết định nào rồi thì không chịu điều chỉnh lại dù thấy mình sai. Với ông Riedl, những nhận xét của ông đối với Văn Quyến thay đổi theo những diễn tiến trong thái độ tập luyện và hòa nhập của cầu thủ này với tập thể. Trường hợp Như Thuật cũng thế. Do sự chọn lựa trước đây của trợ lý, ông loại Như Thuật mà không được xem “chân cẳng” tường tận của tiền vệ này. Nhưng khi xem xét lại, phát hiện ra cầu thủ trẻ của Sông Lam Nghệ An có triển vọng, ông lấy lại đưa vào lực lượng tham dự SEA Games 22.
Chung thủy với bạn bè và cộng sự
Ông Weigang đã có sự trục trặc với trợ lý HLV người Việt Nam, cũng có những căng thẳng với LĐBĐVN. Nhưng với ông Riedl, từ lần trước cũng như lần này, mối quan hệ của ông với các trợ lý đều khá ổn thỏa. Ông là loại người tin ở các cộng sự viên của mình. HLV Vũ Tiến Thành, hai lần làm trợ lý về phiên dịch cho ông, đã trở thành người bạn thân của ông.
Cũng hiếm có HLV nào chịu chấp nhận một HLV khác… tư vấn cho mình. Mối quan hệ bạn bè và nghề nghiệp giữa ông A.Riedl và ông R. Willfeld là một trường hợp khá đặc biệt. Lúc đầu tôi vẫn nghĩ vì nể nang ông Willfeld nên ông Riedl chấp nhận cho chuyên gia bóng đá Đức làm… tình báo cho mình. Nhưng thực tế không phải như thế. Sau trận Việt Nam thắng Malaysia 4-3, tôi có dịp hỏi ông Riedl về ông Willfeld và vai trò của ông này. Ông Riedl thẳng thắn nói về đồng nghiệp người Đức: “Ông R.Willfeld là một chuyên gia bóng đá rất xuất sắc. Tôi có mối quan hệ bè bạn và nghề nghiệp rất tốt với ông. Trong trận thắng Malaysia, có công của ông Willfeld”.
Nhà lãnh đạo Việt Nam mà ông dành nhiều cảm tình và kính trọng nhất là nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Lần trước khi ông rời Việt Nam trước sự ghẻ lạnh của nhiều người lãnh đạo bóng đá Việt Nam, thì cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt quan tâm đến câu kết luận của ông Riedl về bóng đá Việt Nam: “Xây nhà từ nóc”. Ông Võ Văn Kiệt khuyến khích ông Riedl viết một nhận định cụ thể và chi tiết về tình hình bóng đá Việt Nam với những đề xuất nhằm chấm dứt tình trạng… “xây nhà từ nóc”.
Có người đặt câu hỏi: Nếu năm 2001 ông Riedl được tái ký hợp đồng dài hạn (hai hay ba năm chẳng hạn) với sứ mạng xây lại từ nền ngôi nhà bóng đá Việt Nam thì SEA Games lần này chúng ta đã có vàng chăng? Có vàng hay không, chuyện đó – nói theo ông Riedl – còn có yếu tố may rủi. Nhưng nếu từ năm 2001 ông Riedl được giao sứ mạng ấy thì chắc chắn bây giờ chúng ta đã có được một đội U23 Việt Nam khác hẳn: tự tin hơn, bản lĩnh hơn và thật sự đã bắt kịp Thái Lan. Còn U23 Việt Nam đã được ông Riedl “luyện thi cấp tốc” thì chỉ đuổi kịp 8-10, 9-10 đội Thái Lan. Các cầu thủ U23 Việt Nam vẫn tỏ ra khớp đối thủ số 1 Đông Nam Á cả hai lần gặp, do đó cả hai hiệp đều chệch choạc. Những Hữu Thắng, Quốc Vượng tỏ ra quá căng thẳng để chơi tự nhiên và đúng sức. Không kể Đức Tuấn quá khớp khiến xảy ra bàn thua hết sức vụng về. Chúng ta đã sử dụng ông Riedl quá trễ. Ông không có thời gian để quan sát, chọn lựa cầu thủ. Trợ lý Việt Nam chọn thế nào ông nhận thế đấy.
Chúng ta mất cơ hội có được sự hợp tác lâu dài với HLV giỏi này cách đây hai năm. Bây giờ chúng ta lại trễ tràng trong đề xuất với ông ấy và đánh mất cơ hội thứ hai. Ông Riedl nói với tôi: “Nếu muốn tôi ở lại thì ngay từ đầu khi bàn hợp đồng phải đặt ra. Một HLV luôn có kế hoạch tiếp theo tính trước 5, 7 tháng. Tôi khuyên LĐBĐVN sau này phải tính lại cách làm việc của mình với các HLV nước ngoài”.
Ông Riedl cho biết ông đã ký hợp đồng huấn luyện cho đội tuyển Palestine trong một năm.
Ngày 21-12-2003, ông sẽ rời Hà Nội về thẳng Áo, ăn Noel với gia đình.
Tôi nói với ông: “Palestine là một vùng đất nhiều hiểm nguy, ông không ngại à?”
Tôi không làm việc tại Palestine đâu. Đội tuyển Palestine tập tại Cairo, thủ đô Ai Cập.
Tôi khuyên LĐBĐVN sau này phải tính lại cách làm việc của mình với các HLV nước ngoài.
Vậy ông có cảm tình với nhân dân Palestine trong cuộc chiến đấu của họ giành độc lập và chủ quyền?
Tôi xin không trả lời câu hỏi có dính dấp đến chính trị. Tôi là người là làm thể thao. Thể thao giúp cho các dân tộc khẳng định tính cách và nuôi những ước mơ của mình. Tôi giúp cho người dân Palestine những điều đó.
Ông có sẵn sàng trở lại Việt Nam? Chẳng hạn để huấn luyện một CLB?
Tôi có thể xem xét một đề nghị như thế. Tôi chỉ ký với Palestine trong một năm. Nếu có đề nghị từ Việt Nam thì tốt nhất cứ đến với tôi từ trước 4 hay 5 tháng để tôi có thể lấy quyết định.
Tạm biệt người bạn tốt của Việt Nam. Cảm ơn ông đã đem lại nhiều thành tích tốt đẹp cho bóng đá Việt Nam. Dù thế nào, người hâm mộ bóng đá Việt Nam mãi mãi không quên ông.