Năm 1997, Hàn Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất. Hàng loạt công ty con, doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, đẩy hàng triệu lao động vào tình trạng mất việc làm. Từ đó đến nay, nền kinh tế có phần tăng trưởng nhưng rất chậm. Theo thống kê mới nhất về năm 2019, Hàn Quốc có 1.197.000 người thất nghiệp. Đa phần thuộc Thế hệ Y (1981-1996), hiện đang trong độ tuổi từ 24-39.
Khó khăn lập nghiệp
Hàn Quốc là đất nước Đông Á có diện tích khoảng 100.363 km2 và dân số khoảng 51,7 triệu người. Họ nổi tiếng khắp thế giới với K-pop (âm nhạc), K-beauty (làm đẹp) và K-drama (phim truyền hình), có fan trên khắp mọi miền trái đất.
Nhìn chung, nhân khẩu thế giới đang bao gồm 7 thế hệ: Thế hệ (1901-1924), Thế hệ Im lặng (1925-1942), Thế hệ Bùng nổ Trẻ sơ sinh (1943-1960), Thế hệ X (1961-1981), Thế hệ Y (1981-1996), Thế hệ Z (1997-2012) và Thế hệ Alpha (2012-).
Thế hệ Y là những người chào đời trong khoảng những năm 1981-1996, đang là lực lượng lao động chủ yếu của nền kinh tế hiện đại. Thời gian Thế hệ Y năm thứ nhất bước vào tuổi lao động (15 tuổi trở lên) rơi vào năm 1996. Tại Hàn Quốc, đó là năm trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất 1997. Các Thế hệ Y vừa mới chân ướt chân ráo vào đời là vấp ngay trở ngại. Các tập đoàn lớn lũ lượt thu hẹp quy mô, đóng cửa công ty con, sa thải nhân viên. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không tránh khỏi hiện thực bị xóa sổ.
Nhiều năm sau đại suy thoái năm 1997, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn trong trạng thái trì trệ, phát triển chậm. Ngược lại, số Thế hệ Y đến tuổi lao động ngày càng tăng. Lượng sinh viên tốt nghiệp – thế hệ lao động trẻ có chuyên môn, trình độ “đông như quân Nguyên” mà “thiếu đất dụng võ”. Theo thống kê năm 2019 của Hàn Quốc, cả nước có đến 1.197.000 lao động thất nghiệp.
Thế hệ Y Hàn Quốc muốn có việc làm phải trả giá đắt. Các công ty, doanh nghiệp giảm lượng tuyển dụng nhân viên chính thức xuống mức tối thiểu, tăng lượng nhân viên thực tập, hợp đồng lên tối đa. Bằng cách này, họ vừa bớt được tổng khoản lương phải chi trả, vừa đỡ phần chi phí bảo hiểm lao động. Giới trẻ Hàn Quốc buộc phải chọn chấp nhận “việc cực, lương thấp” hay không công ăn việc làm. Nhiều người nhẫn nại chịu bị chèn ép, tăng ca liên miên chỉ để giữ chỗ làm. Kim Ri-Oh (26 tuổi) là một trong số đó. Mỗi ngày, cô đều phải tăng ca đến tận 11g đêm. Sau 2 năm “đầu tắt mặt tối”, Kim sửng sốt phát hiện chẳng có cơ hội lên nhân viên chính thức nào cả.
Chịu đủ áp bức
Không có ở đâu, Thế hệ Y lại khổ vì văn hóa chỗ làm hơn Hàn Quốc. Đầu tiên, họ phải đối mặt với truyền thống “trọng già, khinh trẻ”. Người Hàn Quốc đặc biệt đề cao thâm niên. Các nhân viên vào công ty, doanh nghiệp trước được gọi là tiền bối. Họ rất có vị thế và tiếng nói. Nếu là fan của K-drama, bạn sẽ thấy cảnh nhân viên hậu bối bị bắt chẹt nhiều như cơm bữa. Ngoại trừ phải đóng vai chân sai vặt, họ còn bị ép tăng ca và… nhậu nhẹt triền miên. “Nếu các tiền bối đã mở lời mà lớp hậu bối như chúng tôi dám từ chối, họ sẽ khó chịu ra mặt”, Jang Ji Yeon, 28 tuổi, cho biết. Trong khi đó, giới trẻ Hàn Quốc lại chỉ muốn dành thời gian ngoài giờ làm cho bản thân, ghét hoang phí tiền bạc cho ăn nhậu với cấp trên.
Thứ hai, Thế hệ Y Hàn Quốc phải đối mặt với phân biệt giới tính. Dù đã ở thế kỷ XXI, người Hàn Quốc vẫn trọng nam, khinh nữ. Công nhân viên nữ luôn bị trả lương thấp hơn công nhân viên nam. Với trường hợp của Kim Ri Oh, cô đã có thâm niên 2 năm mà vẫn bị trả thấp hơn nam đồng nghiệp vừa vào công ty 200.000 won/tháng (tương đương 3,8 triệu VNĐ).
Và thứ ba là áp lực từ gia đình, xã hội. Các bậc phụ huynh Hàn Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng vào con em. Họ không ngại tốn kém, vất vả để con cái có được công ăn việc làm ổn định. Nhiều người thuộc Thế hệ Y phải ép mình chịu đựng bất công ở chỗ làm chỉ vì anh em, cha mẹ. Người Hàn Quốc cũng có xu hướng coi rẻ thanh niên không vị thế. Nếu không xin được việc làm ổn định, giới trẻ Hàn Quốc sẽ bị người đời cười chê. Chỉ trong vòng 5 năm vừa qua, số lượng tuổi 20 bị chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm ở Hàn Quốc tăng gấp đôi.
Nhảy việc và đầu tư tiết kiệm
Cái khổ nhất của Thế hệ Y Hàn Quốc là dù có “bán mạng” vì công việc ổn định, cũng không có gì đảm bảo sẽ giữ chỗ đến khi về hưu. Nhiều người bắt đầu nghỉ ngang, nhảy việc. Các xu hướng như Yolo-sống vì bản thân, Sohwakhaeng-hạnh phúc đến từ những điều nhỏ nhặt… đua nhau xuất hiện. Giới trẻ Hàn Quốc kêu gọi nhau hãy biết quý trọng lấy bản thân, đừng bất chấp đánh đổi vì một tương lai không chắc chắn.
Trên khắp Hàn Quốc, lượng nhân viên bỏ việc vì bị “ép công, cắt giảm tiền lương” ngày càng nhiều. Theo số liệu thống kê năm 2018, tỷ lệ này vào khoảng 28%. Một trang web của Hàn Quốc đã thử khảo sát trên 1.831 sinh viên vừa mới tốt nghiệp đi làm và thấy có 87,6% nghỉ ngang trong thời gian thử việc.
Bên cạnh nhảy việc, Thế hệ Y Hàn Quốc, đặc biệt là các 9X còn điên cuồng tiết kiệm, đầu tư tài chính “ăn chắc”. “Thứ tôi muốn có trước khi vào tuổi 30 không phải xe hơi hay túi hàng hiệu”, Dan Joung Hye, 27 tuổi. khẳng định, “mà là 100 triệu won trong tài khoản tiết kiệm của mình”. Joung Hye bắt đầu làm nhân viên điều dưỡng từ năm 23 tuổi. Cô trích hẳn 80% thu nhập hàng tháng gửi vào 10 tài khoản khác nhau, từng bước tiến hành đầu tư tiết kiệm. Đến nay, tổng số tiền tiết kiệm của Joung Hye đã đủ lớn để thu lời từ ngân hàng khoảng 1,2 triệu won/tháng (tương đương 22,8 triệu VNĐ).
Hiện tại, Joung Hye cũng không có công việc ổn định. Cô cứ thay đổi chỗ làm xoành xoạnh và hạnh phúc với tự do, tương lai tài chính đầy hứa hẹn. Nhiều Thế hệ Y Hàn Quốc cũng giống như Joung Hye chăm chỉ nhảy việc và tiết kiệm. Theo kết quả khảo sát mới nhất, có đến 75% tuổi 20 của Hàn Quốc đã và đang tiếp tục đều đặn gửi tiền tiết kiệm. Tỷ lệ tuổi 30 cùng thói quen tài chính này thì thấp hơn một chút, 63%.
Ngoài tiết kiệm, Thế hệ Y Hàn Quốc cũng đầu tư tài chính trong các lĩnh vực khác, ví dụ như cổ phiếu, bất động sản. Tuy nhiên, họ đề cao vấn đề an toàn hơn lợi nhuận, chỉ “đánh cược” khi nắm chắc phần thắng.