Từ cocktail đến karaoke, ngày càng có nhiều người Nhật thích sống và vui chơi một mình (solo), không muốn lệ thuộc vào người khác. Một câu hỏi đang được đặt ra: Văn hoá solo đã tạo ra sự thay đổi lớn thế nào đối với một đất nước từng coi trọng chữ “nhóm” (group) trong tất cả khía cạnh làm việc và sinh hoạt của cuộc sống?
Chiến thắng dành cho những người biết đón đầu xu hướng mới
Thế giới chứng kiến nước Nhật thay đổi nhanh: xã hội lão hóa hơn; lượng du khách, lao động nước ngoài nhiều hơn và số robot hỗ trợ con người đông đúc. Nhật Bản cũng chứng kiến “Thế hệ Nhật mới” (New Gen J) theo cách gọi của báo chí nước ngoài, và thế hệ này góp phần quan trọng trong việc định hình nước Nhật tương lai. Cách nay 10 năm, đa số người Nhật vẫn còn bối rối khi phải ngồi uống cà phê một mình trong cửa hàng, ăn một mình trong trường học, công sở hoặc thấy người khác làm như thế. Bối rối đến nỗi có người phải chọn ăn kín đáo không có ai nhìn thấy, kể cả… toilet!
Vì vậy, mới có từ “benjo meshi” (toilet lunch-ăn trưa trong nhà vệ sinh) để nói về những người không có bạn bè (no-no), hàm chứa sự thương hại. Thuật ngữ “benjo meshi” được nhà xã hội học Daisuke Tsuji thuộc Đại học Osaka phát minh vào năm 2008 khi bà phát hiện một số sinh viên trốn vào toilet để ăn một mình vì không muốn bạn bè nhìn thấy mình không có bạn ăn chung. “Các em chọn ăn nơi kín đáo chỉ vì không muốn bạn bè nhìn mình bằng đôi mắt kin ngạc” – Tsuji nói.
Tuy nhiên, cách đánh giá tiêu cực này hầu như không còn nữa. Hiện tượng “no-no” (không cần ai cả) không còn cá biệt mà đã trở thành bình thường. Nước Nhật đang thay đổi theo chiều hướng khó có thể tưởng tượng được nếu nhìn về quá khứ. Một trong những người biết tận dụng xu hướng solo là Miki Tateishi, một bartender làm việc tại quán Bar Hitori (one person-một người) nổi tiếng nằm tại quận Shinjuku sống về đêm ở thủ đô Tokyo.
Quán khai trương vào giữa năm 2018 chỉ dành riêng cho những khách hàng thích đi ra ngoài hay thư giãn một mình sau giờ làm việc. Tất cả những gì họ cần cho “lạc thú” này đều được đáp ứng đầy đủ. Tateishi nhận định: “Số người thích lối sống solo càng đông dù đa số vẫn thích sống cộng đồng, có bè có nhóm. Chính sách solo của quán đã giúp thu hút các khách hàng tiềm năng. Đó là những người muốn tách khỏi đám đông ồn ào và đồng nghiệp.
Họ có thể chọn những căn buồng riêng không bị quấy nhiễu bởi âm thanh từ bên ngoài. Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn giữ loại buồng dành cho các nhóm khách”. Một công nhân sản xuất 29 tuổi đứng ở quầy bar nói: “Những người solo như tôi chưa nhiều lắm vì người Nhật vẫn còn bị ảnh hưởng bởi văn hoá đồng phục, cộng đồng và vui chơi, làm việc tập thể. Tuy nhiên, cũng như selfie, xu hướng solo đang phát triển nhanh”. Kai Sugiyama, chủ quán bar Bar Hitori, cũng có suy nghĩ tương tự.
Hitori là điển hình cho việc các doanh nghiệp Nhật không muốn bỏ lỡ cơ hội khai thác xu hướng solo trong kinh doanh. Từ ăn uống đến vui chơi giải trí, các “tín đồ” của văn hoá solo ngày càng đông đảo, đặc biệt là trong những năm gần đây. Ai biết đi trước đón đầu người đó sẽ thắng. Biến động mạnh về biểu đồ dân số đã tác động lớn đến xu hướng tiêu dùng và chiến lược của các công ty. “Nhu cầu mua sắm của những người độc thân đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của thế giới công ty – Arakawa nhận xét – Theo tôi, thị trường không thể phát triển nếu thiếu quan tâm đúng mức đến thành phần sống độc thân ngày càng đông này” – ông nói.
Phong trào Ohirorisama
“Phong trào ohitorisama” dùng để gọi những người chọn cách sống, làm việc một mình và không quan tâm đến góp ý hay cái nhìn của người khác. Dịch thoát ý, “ohitorisama” có nghĩa là “đàn đúm một người” (party of one). Tại Nhật, uống bia và sinh hoạt ban đêm thường theo nhóm bạn, đồng nghiệp. Ăn uống cũng thế và mọi người cùng thanh toán hoá đơn. Nay, phong trào ohitorisama đã tạo ra bước chuyển biến lớn. Tìm hashtag trên Instagram tiếng Nhật, bạn sẽ thấy hàng trăm ngàn bức ảnh “khoe” những bữa ăn trưa một mình, ngồi ghế xem phim một mình, đi cắm trại một mình và đi lại, du lịch một mình.
Trong năm 2019, số người tự khoe lối sống solo trên các mạng xã hội tăng cao bất thường. Số bài viết, phóng sự và chương trình truyền hình nói về họ cũng tăng. Chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của xu hướng mới, ông Kazuhisa Arakawa, một nhà nghiên cứu tại Hakuhodo, một trong những công ty quảng cáo lớn nhất nước Nhật nhận định: “Xã hội siêu solo (super solo society) sẽ là tương lai của tất cả các quốc gia chứ không riêng gì Nhật Bản”. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách nói về nền kinh tế của “xã hội siêu solo” trong đó ước tính 50% dân số Nhật trên 15 tuổi sẽ sống trong những gia đình chỉ có một người vào năm 2040.
Một phát minh mới nữa tại Nhật là “hitori yakiniku” (ăn thịt nướng một mình). để nói về hiện tượng một người duy nhất ngồi trước một chiếc bàn có vỉ nướng vốn chỉ dành cho nhiều người để thưởng thức gà, heo, bò nướng tại chỗ. Ngay cả karaoke, môi trường dành cho ca hát bạn bè, gia đình cũng bắt đầu đi đến solo. “Đây là thay đổi rất sốc cho một loại hình văn hoá truyền thống. Không ai nghĩ người ta có thể hát karaoke một mình mà không cần người nghe! Thống kê cho thấy tỉ lệ khách hát karaoke solo đã tăng từ 30-40% trong năm 2019” – Daiki Yamatani, một giám đốc bán hàng hiện phụ trách PR cho công ty karaoke solo 1Kara ở Tokyo, nói.
Hầu như trên toàn nước Nhật đều có những điểm hát karaoke. Các quán karaoke đa dạng loại phòng chứa được từ vài người đến vài chục người. Nay nhiều quán phải thiết kế thêm phòng hát karaoke dành cho 1 người. 1Kara thuộc số đi tiên phong với những phòng karaoke nhỏ như buồng gọi điện thoại công cộng nhưng tiện nghi đầy đủ. Erika Miura, một cư dân Tokyo 22 tuổi làm công nghệ thông tin (IT) thuộc số ohitorisama kỳ cựu.
Ngồi tại quán Bar Hitori, cô thú nhận mình rất ít khi tham gia với bạn bè mà muốn tự mình làm mọi thứ nếu có thể. “Nhiều người không thích ý tưởng này, nhưng khi hát karaoke, xem phim hay trượt tuyết tôi cũng chỉ đi một mình bởi vì nó cho tôi nhiều tự do hơn” – cô nói. Miura cho biết có rất nhiều dịnh vụ dành cho những người thích solo tại Tokyo. Go Yamaguchi, một khách hàng khác tại 1Kara, đồng ý: “Khi đi với bạn bè đến quán karaoke, bạn phải chờ đến lượt và ngại người khác chê bạn hát không hay, còn nếu đi một mình, bạn có thể hát thoải mái những bài mình thích”.
Những tiếng nói cảnh báo
Nhưng do đâu có sự thay đổi này và những hệ luỵ của nó? Đối với một quốc gia tôn vinh truyền thống cộng đồng, tập thể và “đồng phục” như Nhật Bản thì việc tách hẳn mình ra khỏi số đông là một vấn đề lớn, thậm chí bị xem là tâm thần hay lập dị, bệnh hoạn. Kiểu sống này luôn bị lên án. 125 triệu dân Nhật sống chật chội trên một quần đảo có tổng diện tích nhỏ hơn California một chút. 4/5 đất đai là núi và không thể cư trú được.
Không gian sống rất quí nên chính phủ khuyến khích người dân hãy nêu cao tinh thần tập thể để giảm bớt gánh nặng về không gian. “Nhật Bản là một quốc gia nhỏ về diện tích nên mọi người cần san sẻ cho nhau” – Motoko Matsushita, một cố vấn tại công ty nghiên cứu kinh tế Nomura Research Institute lớn nhất nước Nhật trụ sở tại Tokyo nhận định. Bà nghiên cứu sâu về ohitorisama, về nguồn gốc của từ này và cả tương lai của nó.
“Chúng ta nên tập trung trở lại vào việc sống hoà điệu bên nhau chứ không nên tác riêng ra. Tinh thần cộng đồng là rất cần thiết trong tình hình khó khăn hiện nay” – bà nói. Nhưng lời kêu gọi này không phải bao giờ cũng được lắng nghe. Ví dụ Erika Miura, 22 tuổi, cho biết cô thích đi xem phim, trượt tuyết và hát karaoke một mình.
Matsushita đổ lỗi cho sự phổ biến nhanh của mạng xã hội đã khiến phong trào ohitorisama lan nhanh. “Những trang mạng solo luôn có đông bạn bè và nhiều like đã dẫn đến sự bắt chước. Thông tin 24/7 mọi lúc mọi nơi trong thời đại hiện nay là cú huých lớn cho sự phát tán của ohitorisama” – bà nói. Nhưng Matsushita công nhận thái độ đối với solo đang thay đổi và áp lực xã hội đối với những người chọn cách sống này cũng không còn như xưa.
“Xã hội không còn quá đặt nặng việc một người phải lập gia dình và có con” – bà nói và dẫn chứng một cuộc khảo sát mới nhất trên 10.000 đối tượng cho thấy số người thích sống độc lập và có suy nghĩ thoáng hơn về kiểu gia đình truyền thống đã tăng mạnh từ 2015-2018. Ngày càng có ít người đặt nặng đám cưới về con cái và nhiều người đồng ý ly hôn ngay cả khi đã có con. Số các cặp vợ, chồng muốn có sự riêng tư, bí mật của riêng mình đối với người bạn đời cũng tăng. Một yếu tố dẫn đến thay đổi là bản đồ dân số Nhật Bản đang có sự biến động mạnh khi sinh suất giảm.
Năm 2019 chỉ có 864.000 trẻ em được sinh ra, thấp nhất kể từ khi có thống kê vào năm 1899. Số hộ gia đình một người cũng tăng từ 25% trong năm 1995 đến trên 35% trong năm 2015 và tiếp tục tăng. Số đám cưới giảm khiến số người phải sống một mình tăng và biến Nhật Bản thành đất nước có thành phần dân số già goá bụa tăng nhanh nhất thế giới.
Không phải đặc sản riêng của Nhật Bản
Tham gia Ohitorisama còn có những “người của gia đình”, nhưng thỉnh thoảng lại thích du lịch hay vui chơi một mình. Nghiên cứu của Arakawa trong năm 2018 phát hiện ra cứ 3 cặp vợ chồng thì có một cặp thích đi riêng khi có thể. Matsushita đã có 3 đứa con cho biết bà từng đi hát karaoke solo. Matsushita thừa nhận những người già sống độc thân, nhất là phụ nữ rất sợ sống một mình.
“Tuy nhiên, chứng kiến nhiều người trẻ cũng chọn cách sống này và số dịch vụ phục vụ họ ngày càng nhiều, tâm lý sợ đang giảm” – bà nói. Tại nhiều quốc gia phát triển, sống solo là hiện tượng không lạ. Ví dụ tháng 12.2019, nữ diễn viên Mỹ Christina Hendricks đưa những bức ảnh solo #solodate của cô tại một buổi diễn.
Nữ diễn viên Anh Emma Watson cũng vừa công bố “tình yêu với cuộc sống độc thân” của cô kèm tuyên bố “bạn đời của tôi sẽ là chính tôi cho đến cuối đời!”. Các nhà xuất bản phương Tây tung ra thị trường những cuốn sánh hướng dẫn nghệ thuật ăn uống và đọc sách một mình tại quán. Nhiều YouTuber kiếm sống bằng những video du lịch solo đưa lên mạng xã hội.
Không chỉ Nhật Bản mới có phong trào ohitorisama mà nhiều nước khác cũng có ở mức độ khác nhau khi sinh suất giảm, lập gia đình trễ hơn. Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, trụ sở tại London, vừa công bố một nghiên cứu cho thấy các hộ gia đình một người sẽ tăng 128% trên toàn cầu trong thời gian từ 2000-2030. “Super solo society gồm những người không bao giờ cưới và những người góa bụa sẽ là tương lai của nhiều quốc gia, chứ không riêng Nhật Bản.
Tuy nhiên, ăn uống, du lịch, vui chơi một mình thấy rõ nhất ở Nhật Bản” – Arakawa nói. Arakawa tin rằng phần lớn đồng hương của ông thích sống độc lập. “Không hề có hai loại người bẩm sinh: một loại thích sống một mình và một loại thích sống tập thể mà đây là thái độ sống được định hình bởi nhiều yếu tố qua thời gian. Thăm dò cho thấy có hơn 50% người được hỏi thích đi nghe nhạc hay làm việc một mình. Nếu có giao tiếp thì chỉ qua mạng xã hội” – ông nói.