Chính vì thế, rất cần một cuộc tổng rà soát đất đai trên toàn quốc để xử lý kịp thời những khu đất lấy cho công nghiệp nhưng quá thời hạn mà vẫn bỏ hoang, trong khi nông dân lại thiếu đất sản xuất. Chính sự lãng phí quỹ đất như thế đã mang lại những tác hại tiêu cực trên nhiều mặt.
Trước tình hình đáng lo ngại trên đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hồi đầu năm nay đã trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt Nghị định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Dự thảo nghị định này nêu rõ thực trạng nhiều địa phương do buông lỏng quản lý đất lúa và thiếu các biện pháp xử lý nghiêm việc tự phát chuyển đổi đất lúa sang mục đích sử dụng khác. Nhiều hộ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, duyên hải Nam Trung bộ tự phát chuyển đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản nước mặn trong khi chưa có đầu tư thủy lợi phù hợp, khiến đất bị ô nhiễm.
Tình trạng đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đất chuyên trồng lúa nước bị bỏ hoang, không sản xuất được có nguyên nhân là việc giao đất, cho thuê đất để xây dựng các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và đô thị mới một cách manh mún, phân tán còn xảy ra ở nhiều địa phương.
Dự thảo nghị định đã đưa ra một loạt quy định nhằm bảo vệ diện tích đất trồng lúa và sử dụng đất trồng lúa đạt hiệu quả cao. Trong đó có quy định UBND tỉnh, thành phố phải tổ chức công bố công khai và quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được phê duyệt; xác định được ranh giới diện tích đất trồng lúa, đặc biệt là diện tích đất chuyên trồng lúa cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Đối với đất lúa chuyển sang mục đích phi nông nghiệp, trước khi tiến hành thi công các công trình, chủ đầu tư phải thực hiện bóc lớp đất mặt để cải tạo các vùng đất nông nghiệp hoặc mục đích trồng trọt khác theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Theo dự thảo, Nhà nước sẽ hỗ trợ cả địa phương và người nông dân chuyên trồng lúa nước. Cụ thể, hỗ trợ các địa phương trồng lúa với mức 500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước và 100.000 đồng/ha/năm đối với đất lúa khác từ nguồn ngân sách nhà nước. Hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sản xuất lúa trên diện tích đất chuyên trồng lúa nước 500.000 đồng/ha/năm và trên đất lúa khác là 100.000 đồng/ha/năm…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, đến năm 2020 dân số cả nước sẽ vào khoảng 100 triệu người, theo đó phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 sẽ xác định các chỉ tiêu sử dụng đất trình Quốc hội quyết định.
Theo ông Bộ trưởng, sau khi cân nhắc tính toán nhiều phương án, Chính phủ kiến nghị Quốc hội phương án giữ chỉ tiêu đất trồng lúa trên 3,81 triệu hécta trong kế hoạch năm năm từ 2011 đến 2015. Sau năm 2015, căn cứ vào thực tế của từng địa phương, trong trường hợp cần thiết mới điều chỉnh lại chỉ tiêu này khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2016-2020.
Về quy hoạch diện tích phát triển khu công nghiệp đến năm 2020 là 200.000 hécta, nhằm đảm bảo đủ quỹ đất cho mục tiêu công nghiệp hóa, tránh tình trạng khi phát triển khu công nghiệp phải chi phí nhiều cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Liên quan đến kiến nghị đối với đất trồng lúa của Chính phủ, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, việc xác định diện tích đất để đảm bảo an toàn lương thực phải căn cứ vào nhu cầu lương thực trong dài hạn. Ông Giàu phân tích, hiện nay cơ cấu bữa ăn của người ViệtNamthay đổi theo hướng giảm lương thực, tăng thực phẩm; ngược lại nhu cầu sử dụng lương thực cho chăn nuôi thì ngày càng cao. Do đó, cần phải tính toán cả nhu cầu lương thực và thực phẩm để dự tính đất cho sản xuất lương thực, nhất là đất trồng lúa. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế nhất trí với mục tiêu giữ diện tích đất lúa ở mức 3,81 triệu hécta để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong dài hạn và một phần dành cho xuất khẩu.
Về quy hoạch đất khu công nghiệp, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc phát triển nhanh các khu công nghiệp trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Việc tăng diện tích khu công nghiệp từ 72.000 hécta lên 200.000 hécta đến năm 2020 cần được tính toán, cân nhắc hiệu quả kinh tế – xã hội. Theo đó, việc xây dựng các khu công nghiệp nên tận dụng đất đồi núi, lấn biển, tạo điều kiện đầu tư phát triển kinh tế xã hội cho các vùng này, tính toán chặt chẽ đối với đồng bằng đảm bảo diện tích trồng lúa theo quy hoạch.
Từ 2001-2010, do nhu cầu phát triển công nghiệp và đô thị, đất trồng lúa của Việt Nam đã mất 270.000 hécta. Đến năm 2020 dự kiến mất tiếp 300.000 hécta, còn lại 3,8 triệu hécta; đến năm 2030 có thể mất thêm 300.000 hécta nữa và như thế đất lúa sẽ chỉ còn 3,5 triệu hécta.
Điều đáng nói đất trồng lúa một khi đã mất cũng rất khó phục hồi, vì vậy phải hết sức tiết kiệm và sử dụng hiệu quả, không thể vì lợi ích cục bộ mà chuyển đổi tùy tiện rồi bỏ phí.
Thu nhập bình quân của người dân còn rất thấp, khoảng 1.160 USD/người/năm; riêng nông dân chỉ khoảng 350-400 USD, đến năm 2020 dù thu nhập bình quân tăng gấp đôi thì cũng vẫn còn là thấp so với các nước trong ASEAN. Do vậy để bảo đảm an ninh lương thực chỉ trông chờ vào sản lượng gạo tự sản xuất.
Hiện diện tích đất trồng lúa của Việt Nam chỉ bằng 40% của Thái Lan (4,1 triệu hécta so với gần 10 triệu hécta), nhưng đang nặng gánh trách nhiệm an ninh lương thực bảo đảm cái ăn cho dân số đông hơn (84 triệu so với 64 triệu người), lại còn phải đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu ngày càng cao.
Thế cho nên việc giảm đất trồng lúa rõ ràng đang đe dọa sự phát triển về lâu dài, nhất là khi chúng ta đối diện với tình hình xâm thực của biển trong tương lai không xa.
Hoàng Hải