Người ta gọi họ là những trinh nữ giữ ngọn lửa thiêng gắn liền với sự hưng thịnh của đất nước. Cũng nhờ nắm giữ trọng trách này mà ngay trong chế độ gia trưởng cực đoan ở La Mã thời cổ đại, các Vestal vẫn được sùng kính, có cả quyền lực lẫn sự giàu sang tột bậc.
Đổi lại, họ phải nghiêm ngặt tuân thủ lời thề giữ trọn trinh tiết trong suốt 30 năm phục vụ nữ thần Vesta. Nếu vi phạm sẽ bị chôn sống. Ngay cả người đàn ông khiến họ đánh mất sự thuần khiết cũng phải trả giá bằng chính tính mạng của mình, bất kể danh tiếng, địa vị.
Sở hữu cả một tòa thành
Thế kỷ I trước Công nguyên ở La Mã từng nổi lên một vụ lùm xùm giữa hai nhân vật được trọng vọng hàng đầu là Vestal Licinia và Marcus Licinius Crassus. Người ta hồ nghi hai vị này có tư tình. Khi tin đồn mỗi lúc một lan rộng, cả Licinia lẫn Crassus đều bị điệu ra trước tòa, đối mặt với án tử.
Trong xã hội La Mã cổ đại, Crassus (115-53 trước Công nguyên) là một vị tướng danh giá, thống lĩnh cánh trái của quân đội Sulla. Ông ngang hàng với Julius Caesar (100-44 trước Công nguyên) và Pompey (106-48 trước Công nguyên), cùng họ hình thành Tam đầu chế hùng mạnh. Ngoài danh giá tướng quân, Crassus còn là người đàn ông giàu nhất thời đại, có thể còn là người đàn ông giàu nhất lịch sử nhân loại, sở hữu hẳn một gia tài khổng lồ lên tới 200 triệu đồng bạc sestertius.
Trước tòa, Crassus điên cuồng biện hộ cho bản thân. Ông thề rằng không hề có ý định “tòm tem” Vestal mà chỉ “gạ gẫm” bà bán cho mình dinh thự đang ở. Cuối cùng, các quan phán xét bị Crassus thuyết phục. Nhờ đó, cả ông lẫn Licinia đều thoát khỏi tử hình.
Giả sử Crassus tự biện minh thất bại thì ngàn vạn bạc ông có cũng chẳng cứu được bản thân thoát khỏi hình phạt bị quất bằng roi đến chết. Còn Licinia thì sẽ bị chôn sống theo quy định của La Mã đối với các trinh nữ Vestal.
Tuy nhiên, cái thật sự ấn tượng ở đây không phải là scandal giữa Crassus và Licinia. Bạn có để ý thấy nguyên nhân khiến Crassus bị nghi ngờ không? Đó chính là tòa thành của Licinia. Nó đủ hấp dẫn đến nỗi người đàn ông “dưới một người, trên vạn người”, “thừa tiền lắm của” nhất thiên hạ cũng phải thèm thuồng. Licinia chưa đồng ý bán nên Crassus mới cứ phải đeo bám mà năn nỉ ỉ ôi.
Và cũng bởi vì thấy ông cứ kè kè bên một Vestal, người ta mới nghi ngờ giữa cả hai có tư tình. Vậy thì Vestal là ai? Họ có vai trò như thế nào trong xã hội phụ quyền La Mã cổ đại để đến mức có thể sở hữu cả một tòa lâu đài? Và cái chuyện gian díu tình cảm tại sao lại tiềm tàng hiểm nguy đến mức có thể tước đoạt mạng sống của cả hai chỉ vì một tin đồn?
Ôm trọng trách giữ lửa
Theo các nhà sử học thì trước thế kỷ IV, Đế chế La Mã theo phong tục thờ nữ thần Vesta. Vesta là nữ thần lửa đồng trinh trong thần thoại. Có vẻ như là bắt đầu từ thời đại của hoàng đế Num Pompilius (753-673 trước Công nguyên), tục thờ thần Lửa Vesta đã bắt đầu. Không như hầu hết các tôn giáo ở La Mã đại đều do nam tư tế điều hành, giáo phái thờ Vesta lại do nữ giới đảm nhiệm. Họ mang trọng trách duy trì và bảo vệ ngọn lửa thiêng được thắp trong lò lửa đặt tại trung tâm đền thờ Vesta.
- Xem thêm: Tìm về quê hương của Alexander Đại Đế
Tín ngưỡng thờ Vesta cho rằng ngọn lửa trong đền thờ nữ thần chính là đại diện cho vận mệnh và sự hưng thịnh của đất nước. Vì vậy, nó tuyệt đối không thể để tắt. Một khi ngọn lửa này bất chợt thôi cháy sáng, thì đấy cũng chính là điềm báo đại họa sắp giáng xuống vương quốc. Người ta cho rằng chỉ những trinh nữ mới giữ được ngọn lửa này cháy liên tục quanh năm.
Vì thế, ngay khi nó bị tắt, toàn bộ trinh nữ được giao phó nhiệm vụ sẽ bị tình nghi là đã ăn nằm với ai đó, đánh mất sự trong trắng của mình. Nếu không chứng minh được oan tình, họ sẽ phải đối mặt với hình phạt khốc liệt nhất sẽ. Đó là bị nhốt một mình trong một căn phòng kín và bỏ đói đến chết. Nói một cách khác thì là “chôn sống”.
Thường thì nhiệm vụ giữ lửa được giao cho 6 trinh nữ ăn ngủ luôn trong đền. Mỗi năm, vào tháng 3, họ được phép thắp lại ngọn lửa mới, sau đó phải cẩn trọng giữ gìn nó cháy liên tục cho đến tận tháng 3 năm sau. Người ta gọi các trinh nữ này là Vestal.
30 năm thủ thân như ngọc
Tất nhiên, không phải thiếu nữ nào cũng có thể trở thành người giữ lửa. Chọn lựa và giáo dục trinh nữ Vestal là một chuyện hết sức hệ trọng. Đầu tiên, các “ứng viên” phải là con gái nhà quý tộc danh giá, không có khiếm khuyết cả về thể chất lẫn tinh thần và mới chỉ 6-10 tuổi. Sau khi trải qua rất nhiều vòng chọn lựa, thi tuyển, các đối tượng “thông qua” mới phải lập lời thề hết lòng phục vụ nữ thần Vesta trong 30 năm. Cũng từ lúc này, họ không còn thuộc về gia đình nữa mà là những nữ tư tế của thần Vesta. Tất cả đều được đưa đến Atrium Vestae, nhà của các trinh nữ Vestal, bắt đầu khóa huấn luyện bài bản để trở thành trinh nữ giữ lửa.
Trong vòng 10 năm đầu, các bé gái sẽ được truyền thụ mọi kiến thức cần thiết. 10 năm tiếp theo, khi đã trở thành thiếu nữ, họ đảm nhận công việc giữ lửa. 10 năm còn lại thì phụ trách giáo dục thế hệ trinh nữ Vestal mới. Đổi lại cho 30 năm tận tụy, các trinh nữ Vestal được hưởng một quyền lợi không hề nhỏ. Ngoài tài sản, dinh thự và quyền miễn thuế, họ còn được tự do thoát khỏi sự kiểm soát của gia tộc, có thể tự lập di chúc và tự biện minh (nếu bị nghi ngờ) trước tòa mà không cần tuyên thệ gì hết.
Trên tất cả, một Vestal được tôn kính như nữ thần. Cho dù là bất cứ ai, có địa vị xã hội như thế nào cũng không được quyền đụng tay vào Vestal. Câu chuyện giữa Crassus và Licinia là một ví dụ. Ngoài ra, trong thế giới La Mã cổ đại còn lưu truyền một giai thoại về Vestal khác liên quan đến Hoàng đế Elagabalus.
Vốn dĩ Elagabalus (203-222) là một ông vua trẻ tuổi nông nổi và lập dị. Đang yên đang lành, nhà vua trẻ tuổi này lại đòi cưới Aquilia Severa, một trinh nữ Vestal. Ông ngang ngược đến nỗi dám tuyên bố trước quần thần là sẽ sinh ra “đứa con thần thánh”. Ở thời La Mã cổ đại, tôn giáo gắn liền với chính trị. Lẽ dĩ nhiên, sự vi phạm trắng trợn của Elagabalus gây ra sự bất mãn lớn.
Vì tự tin là người có quyền lực cao nhất, Elagabalus ngang nhiên xâm phạm Aquilia Severa. Ông không hề biết rằng, chính thói tự mãn quá quắt ấy đã khởi đầu cho một loạt bất hạnh kế tiếp và cuối cùng dẫn đến kết cục bi thảm nhất. Đó là bị quân lính xông vào giết, chặt đầu, lột sạch quần áo, kéo lê thi thể khắp phố phường chán chê rồi quẳng xuống sông.
Trái ngược với những kẻ dám “trêu ong ghẹo bướm” các Vestal, các tử tội lại có cơ hội thoát kiếp tử hình nếu may mắn chạm mặt một Vestal bất kỳ trên đường đến nơi xử tử.
Yêu đương là phải trả giá đắt
Bởi vì tin tưởng sự trong trắng của Vestal là nhân tố quan trọng nhất gìn giữ ngọn lửa thiêng nên La Mã cổ đại mới không tiếc sự tôn kính cũng như tiền của. Nhưng nếu các Vestal không giữ được sự thuần khiết, họ cũng phải trả bằng cái giá tương đương.
Quy định của nhà nước La Mã không cho phép các Vestal bị đổ máu nên cũng tuyệt đối không xử trảm, đánh đập, gây thương tích cho Vestal phạm luật. Tuy nhiên, họ thay thế các dụng hình trên bằng hình thức tàn nhẫn nhất: chôn sống. Bị nhốt trong căn phòng 4 bức đều là tường đá lạnh lẽo, một Vestal sẽ phải tự hối lỗi và chịu đựng cái đói, cái rét hành hạ cho đến lúc tắt hơi.
Cái đáng sợ hơn cả là La Mã cổ đại liên kết ngọn lửa thiêng với sự trinh trắng của các Vestal phụ trách. Thế nên ngay khi ngọn lửa này bị tắt, họ lập tức bị quy chụp tội tắc trách và “ô uế”. Tương truyền, có một Vestal là Tuccia bị nghi ngờ đã đánh mất sự trong trắng, làm tắt ngọn lửa thiêng. Tuccia phải chứng minh sự vô tội của mình bằng cách múc nước từ sông Tiber vào một cái rây và bưng nó đến đền thờ mà không để lọt một giọt nào. Trước khi bắt đầu, Tuccia khẩn cầu nữ thần Vesta: “Hỡi Vesta vạn phần tôn kính, nếu đôi tay của con hoàn toàn tinh khiết thì xin Người hãy giúp con có thể múc nước Tiber bằng cái rây này và thành công bưng nó đến tận đền thờ Người”.
Chuyện cũng kể rằng Tuccia thật sự đã bưng cái rây đáy hổng lỗ chỗ ấy đến tận đền thờ mà không bị lọt mất giọt nước nào. Cũng kể từ khi ấy, hình ảnh Tuccia bưng rây nước trở thành biểu tượng cho sự tinh khiết của các trinh nữ Vestal. Còn tại sao Tuccia lại có thể làm được điều phi lý ấy thì chỉ có chính nàng mới biết.