Những lâu đài thường được lãng mạn hóa hoặc vì vẻ ngoài đẹp mắt của chúng hoặc vì chúng từng là nơi để dựng lại quang cảnh những trận chiến oai hùng trong vô số những bộ phim. Nhưng ít người chú ý đến những cấu trúc thiết kế tinh xảo nhằm mục đích để tấn công hoặc để phòng chống quân xâm nhập.
Nguồn gốc lâu đài
Lâu đài là một loại cấu trúc củng cố được xây dựng vào thời Trung cổ chủ yếu bởi giới hoàng tộc và theo yêu cầu quân sự. Lâu đài khác với cung điện (vốn không có hệ thống phòng thủ và là nơi cư ngụ của hoàng tộc hay quý tộc) là một khu định cư có hệ thống phòng thủ kiên cố, mặc dù có nhiều điểm tương đồng giữa các loại công trình này. Trong khoảng 900 năm xây dựng và tồn tại của các tòa lâu đài, người ta đã xây dựng chúng với nhiều tính năng khác nhau, chẳng hạn như những bức tường thành nối liền các pháo đài và những khe hở để bắn tên khá phổ biến.
Các lâu đài có nguồn gốc từ thế kỷ 9 và thế kỷ 10, sau sự sụp đổ của Đế chế Carolingian (752-911) dẫn đến lãnh thổ của đất nước này bị chia cắt giữa các lãnh chúa và hoàng tử. Những quý tộc này xây dựng các lâu đài để kiểm soát khu vực xung quanh họ, các lâu đài có kiến trúc vừa để tấn công vừa để phòng thủ. Đó là những căn cứ có thể từ đó tung ra những cuộc tấn công, đồng thời cũng để bảo vệ chống lại kẻ thù.
Nhiều lâu đài ban đầu được xây dựng từ đất và gỗ, nhưng về sau đã được củng cố bằng đá. Những lâu đài ban đầu thường khai thác các biện pháp phòng thủ tự nhiên, thiếu hẳn những đặc điểm như các ngọn tháp và các khe bắn tên cũng như dựa vào sự phòng ngự ở trung tâm. Vào cuối thế kỷ 12 và đầu thế kỷ 13, các biện pháp khoa học để bảo vệ lâu đài bắt đầu xuất hiện. Điều này dẫn tới sự phát triển của những tòa tháp nổi bật với các hệ thống tác xạ từ bên sườn.
Nhiều lâu đài về sau đã được xây theo hình đa giác hoặc dựa trên hình thức phòng thủ đồng tâm: một số các cụm phòng thủ tập trung với tất cả các chức năng cùng lúc nâng cao tối đa hỏa lực.
- Xem thêm: Xây lâu đài bằng kỹ thuật thời Trung cổ
Tuy kỷ nguyên thuốc súng với sức công phá dữ dội đã xuất hiện ở châu Âu vào thế kỷ 14, nhưng điều đó vẫn không ảnh hưởng mấy đến việc xây dựng những lâu đài trong thế kỷ 15. Vào thời điểm này, pháo binh đã đủ mạnh để công phá xuyên qua những bức tường bằng đá. Những lâu đài vẫn tiếp tục xuất hiện vào thế kỷ 16, những khẩu súng thần công đã trở thành mối đe dọa trực tiếp và có thể vô hiệu hóa sự phòng thủ của các tòa lâu đài. Do đó, kể từ thế kỷ 18 trở đi, con số các lâu đài đã giảm dần, đa phần người ta xây dựng chúng là để phục vụ cho sự hồi sinh tính lãng mạn của phong cách kiến trúc gothic, chứ không còn vì mục đích quân sự nữa.
Từ cảnh đẹp cho đến các cấu trúc quân sự
Khi tham quan, các du khách thường bị cuốn hút bởi khung cảnh lãng mạn của những tháp canh và những tòa tháp của lâu đài, hoặc cổng chính giống như một lối vào huyền ảo của thời Trung cổ. Những cảnh phim thú vị cho thấy hình ảnh những người lính cố gắng bảo vệ lâu đài trước cuộc bao vây của quân thù, họ bắn xuống những mũi tên lửa từ trên cao. Tuy nhiên, chúng ta gần như không biết gì về cách thiết kế thông minh của mỗi tòa lâu đài. Từng tính năng trong cấu trúc của lâu đài đã được tính toán kỹ lưỡng và cho đến nay vẫn còn lưu lại được một số chức năng quan trọng đặc trưng.
Con hào chung quanh lâu đài
Ví dụ: bạn có thể nghĩ rằng cái hào đã được thêm vào đó chỉ đơn thuần như một nét đẹp thẩm mỹ. Nhưng cái hào thực sự được coi là một chướng ngại vật đối với kẻ thù. Đôi khi nó thậm chí còn như vô hình, không thể nhìn thấy được từ bên ngoài, nó được đặt ở giữa bức tường bên ngoài và một bức tường khác bên trong trong lâu đài.
Cái hào làm dịu đi một mối quan tâm lớn cho cư dân của lâu đài: nếu quân xâm lược đến và đào một đường hầm bên dưới pháo đài thì sao? Một đường hầm như vậy sẽ cho phép địch quân tiếp cận vào một số địa điểm dễ bị tổn thương nhất bên trong lâu đài, chúng sẽ tránh được lực lượng phòng thủ dày đặc chung quanh cổng chính hoặc các tòa tháp. Tệ hơn nữa, một đường hầm còn có khả năng làm sụp đổ toàn bộ các bức tường. Con hào sẽ ngăn chặn được những mối lo này, bởi vì tất cả những đường hầm khi gặp phải con hào đều sẽ bị sụp đổ và tràn ngập đầy nước. Đó là một rào cản rất hiệu quả để chống lại việc đào đường hầm của địch quân.
Cái bẫy nơi cổng chính
Mặt khác, cổng chính luôn là cái bẫy chết chóc. Tin hay không, nếu tiến đến từ bên phía quân địch, khi chúng vừa đi qua cổng chính, cơ hội sống sót sẽ rất mong manh. Nhiều lâu đài có lối vào được cấu trúc như sau: cánh cổng mở ra một sân nhỏ, và ở cuối sân đó có một cổng chính khác. Đây là một cái bẫy.
- Xem thêm: 10 lâu đài hoành tráng nhất thế giới
Các bức tường của sân nhỏ luôn luôn có những chiếc lỗ, chúng được gọi là “những chiếc lỗ giết người”, chúng đủ lớn để cho những mũi tên hoặc những viên đạn nhắm bắn vào các binh sĩ địch. Trong vòng vài phút, khoảng sân nhỏ có thể trở thành lò sát sinh.
Những hệ thống phòng ngự hữu hiệu khác
Một phát minh về hệ thống phòng thủ khác đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ 13. Đó là kiểu thiết kế những vòng tròn đồng tâm. Các vòng tròn đồng tâm thường dẫn đến hàng loạt những công sự bao quanh các thiết kế khác nhau ở các bức tường bên ngoài.
Các tính năng phòng thủ chiến lược như vậy mang lại một lợi thế đối với những người bên trong lâu đài. Quân thù phải vượt qua một số chướng ngại vật trước khi đến được con hào và đối diện với những viên đạn chết người được bắn ra từ các điểm bất kỳ
Khu vực nào của lâu đài để theo dõi kẻ thù? Rất dễ đoán, đó là tòa tháp. Những tòa tháp cho phép nhìn rõ khu vực xung quanh, để những người tiếp cận đến từ bất kỳ hướng nào cũng có thể nhìn thấy được, hoặc một đám quân địch đóng trại ở một nơi gần đó cũng có thể lọt vào tầm nhìn của những người canh gác trên tháp.
Bí mật trong cầu thang
Nhưng có lẽ tính năng hấp dẫn nhất của bất kỳ mọi lâu đài là thiết kế thông minh của những cầu thang. Về thực chất, đây là nơi những kẻ tấn công hầu như bị què quặt cho dù chúng đã vào được bên trong lâu đài.
Những cầu thang, đặc biệt là những cầu thang dẫn lên tháp phòng thủ, rất chật hẹp và có một bức tường uốn cong bên trong dẫn lên phía trên theo chiều kim đồng hồ, cộng thêm các bậc thang đôi khi không đồng đều. Đó là một thủ thuật phòng ngự thông minh.
Người ta thường cầm kiếm bằng tay phải, vì thế kiểu xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ đã tạo ra một lợi thế riêng biệt cho lực lượng phòng thủ. Khi những kẻ tấn công vừa chiến đấu vừa bước lên cầu thang, sẽ phải đi vào cạnh hẹp của cầu thang để vung kiếm, sẽ rất khó khăn để duy trì sự cân bằng trên bức tường uốn cong.
Quân phòng thủ có lợi thế hơn nhiều để có thể gây những vết thương chí mạng vào đầu và cơ thể những kẻ tấn công, đồng thời họ cũng biết lợi dụng các bước chân khập khiễng của kẻ địch.
Những hành lang mật: Lối đào thoát êm thắm
Trong trường hợp tình thế đã chuyển biến xấu đi và vô kế khả thi, quân phòng thủ luôn luôn có những hành lang bí mật để nhanh chóng rời khỏi chiến trường. Các hành lang khác dẫn đến những địa lao giấu kín ở phía bên dưới pháo đài. Những nhà tù này đôi khi cũng dự trữ nước sạch để uống và các vật dụng cần thiết khác.
Trên thực tế, lâu đài không chỉ là một cấu trúc tráng lệ khiến người nhìn thán phục. Lâu đài cũng là một kiệt tác xây dựng hoàn chỉnh với những chi tiết đồ sộ nhất và độ chính xác tỉ mỉ nhất, sao cho mỗi đặc điểm của công trình này đều bảo đảm hoàn thành một chức năng riêng biệt nhất định.