Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc hơn vào công nghệ số, người ta không thể không quan tâm đến tác động xã hội của nó. Có hay không sự kiểm soát đối với tự do cá nhân và tự do ý chí trong thời đại công nghệ số? Phải chăng chúng ta chỉ là tập hợp các chuẩn mực xã hội có thể giảm bớt hay nhân lên nhiều lần? Những câu hỏi ấy mang tính triết học đã được họa sĩ Justin Bower thể hiện trong tranh, đặc biệt là những bức chân dung đa dạng và hết sức kỳ lạ mà thoạt nhìn dễ cho rằng đó là sản phẩm kỹ thuật số bởi sự phức tạp của tác phẩm.
Được vẽ hoàn toàn bằng màu và cọ từ bàn tay của một họa sĩ đang hết sức ăn khách tại Mỹ, hầu hết các bức tranh ấy có khổ lớn – nhiều bức có chiều ngang đến trên 3m – và theo tác giả mô tả thì tranh của anh thể hiện những chủ đề đương đại trong một “xã hội có kiểm soát” (control society) và sự kiểm soát ấy được tiến hành bằng hệ thống công nghệ hiện đại. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Hi-Frutose, Bower cho biết về cội nguồn cảm hứng sáng tác của anh: “Sự luôn hiện hữu của công nghệ có thể và sẽ khai sinh một cấu trúc kiểm soát. Một xã hội có kiểm soát thể hiện sức mạnh của công nghệ đối với các nhu cầu cơ bản có kiểm soát của nó. Điều này làm giảm nhẹ tính chất tự do của các chủ đề đương đại. Liệu chúng ta có được tự do trong thế giới đương đại? Tôi chẳng hề là một kẻ gieo nỗi hoang mang sợ hãi khi bàn luận về những mối quan tâm ấy, nhưng tôi luôn luôn muốn những quyết định mà chúng ta thực hiện trong khuôn khổ của hệ thống công nghệ là của chính chúng ta, và những quyết định ấy thì tự do”.
Hội họa và triết học
Chính những bận tâm mang tính triết học ấy được Justin Bower phản ánh trong tranh anh, qua những bức chân dung con người bị xé toạc không thương tiếc và đầy ám ảnh. “Khi tôi nói đến “chủ đề” (trong tranh) thì cũng là những gì tôi muốn nói về nhân loại, thông qua cảm thức về những gì tôi chứng kiến và khám phá con người chúng ta, nhân loại chúng ta, và qua sự thấu hiểu những gì ở khuôn mặt và đôi mắt con người…, thậm chí chỉ một thoáng co giật trên gương mặt cũng mang vô vàn ý nghĩa đằng sau. Người ta bảo rằng đôi mắt là biển cả của tâm hồn – đó chính là nơi tôi bắt đầu (tác phẩm của mình)”.
Thoạt xem tranh của Justin Bower, nhiều người vẫn thường nghĩ rằng đó là cách anh xử lý hình ảnh bằng kỹ thuật số hiện đại hoặc là sự sao chép khéo léo các ảnh chụp chân dung một cách hỗn độn. Từng mảnh của các chân dung con người dường như được chụp cực thực trong khi những mảnh khác được chuyển thành đồ họa kỹ thuật số. Nhưng đó là những gương mặt được vẽ bằng cọ và màu, có điều như tác giả nói: “Một bộ mặt bị bóp méo, vặn vẹo khiến người xem cảm thấy bất an hơn hoặc giả nó tác động đến họ mạnh mẽ hơn”.
Thật ra, nỗi ám ảnh đối với chân dung con người chỉ là cái mạch của mối quan tâm rộng lớn hơn ở Bower: khảo sát tường tận những gì mang ý nghĩa con người. Giống như một nhà phẫu thuật, Bower mổ xẻ những bộ mặt đẹp mượt mà, béo tốt, biến đổi chúng thành những hình ảnh vỡ vụn trông hết sức khủng bố và cực kỳ sầu thảm, song dường như có một sự vỡ vụn lớn hơn nữa ẩn giấu dưới những hình ảnh ấy, trong những khuôn mặt dị dạng ấy. Có lẽ sự vỡ vụn ấy phản ánh chính sự vỡ vụn của chúng ta trong kỷ nguyên công nghệ số thống trị. Trong những chân dung của Bower, người ta thấy đồng thời cả sự sáng tạo lẫn sự hủy diệt, cả sự sống và cái chết. Mặt khác, bằng cách thể hiện hình ảnh như thế trong tranh, Justin Bower đã mơ hồ hóa cách mà chúng ta tự định nghĩa mình trong kỷ nguyên kỹ thuật số và thế giới ảo trong khi lại gợi ra sự bất khả thấu hiểu những khái niệm khó nắm bắt ấy.
Một tác giả đang được đặc biệt ưa thích
Họa sĩ Justin Bower đã và đang tạo nên những cơn sóng vào thị trường tác phẩm hội họa đương đại từ khoảng ba năm trở lại đây. Nhà triết học trẻ trở thành họa sĩ này bị đắm chìm vào lịch sử mỹ thuật và những ảnh hưởng rộng lớn hơn của nó, song chính các tác phẩm của anh đang làm bối rối công chúng bởi sự mạnh mẽ và đầy khơi gợi của cá nhân anh cũng như sự phản chiếu xã hội trong tranh.
Dù đến với hội họa có phần muộn màng song Bower đã nhanh chóng có được chỗ đứng trong làng mỹ thuật nước Mỹ ngay sau khi tốt nghiệp thạc sĩ nghệ thuật tại Đại học Claremont ở Los Angeles năm 2010. Tranh của anh được đón nhận lập tức và được giới thiệu tại gallery Ace danh tiếng ở khu Beverly Hills (mà khách hàng là các ngôi sao màn bạc Hollywood) và nhiều gallery có uy tín lớn khác như Unix ở New York. Tranh còn được gallery Ace đem đến các hội chợ mỹ thuật khắp thế giới. Và rồi những bức tranh vẽ chân dung con người gãy vụn, vỡ nát với khổ lớn ấy đã gây được tiếng vang toàn cầu, cạnh tranh với tác phẩm của các họa sĩ đương đại nổi tiếng. Dù Bower chỉ vẽ những mặt kỳ dị, phản ánh tâm trạng đầy lo âu, khắc khoải của con người trong thời đại công nghệ đóng vai trò như vị chúa toàn năng, lạ lùng thay anh lại hết sức thành công về thương mại: các nhà buôn tranh và giới sưu tập tác phẩm mỹ thuật đã mua sạch những bức tranh đó bất cứ khi nào chúng được trưng bày. Hầu như sau các dự án nghệ thuật hay các triển lãm quan trọng của Bower, phòng tranh trở nên rỗng không!
Sau thành công rực rỡ của các triển lãm cá nhân tại Mỹ, mà gần đây nhất là cuộc trưng bày tranh tại Los Angeles vào đầu năm 2014, Justin Bower đang hy vọng sẽ mở rộng ảnh hưởng của mình sang các thị trường châu Âu và cả châu Á.
Sinh tại San Francisco năm 1975, Justin Bower lấy bằng cử nhân nghệ thuật và triết học tại Đại học Arizona năm 1998, sau đó là bằng cao học nghệ thuật tại Đại học Claremont ở Los Angeles năm 2010. Từ năm 2010 đến nay, tác phẩm của Bower đã được triển lãm tại nhiều bảo tàng và gallery khắp nước Mỹ, tham dự nhiều hội chợ nghệ thuật quốc tế; được in ấn trong các báo, tạp chí danh giá như Blisss Magazine (tháng 2-2014), Modern Painters (2-2014), Studio Visit Magazine (2013), Artillery Magazine (2010), The Los Angeles Times (2010), New American Paintings (2010).
Có thể xem tranh của Justin Bower ở trang web http://www.justinbower.com.
- Đông Hà