Nguyễn Tư Nguyên, Giám đốc công nghệ Công ty Tekde – một doanh nghiệp tư nhân mới thành lập cách nay ba tháng, cung cấp giải pháp quản lý doanh nghiệp bằng ứng dụng công nghệ thông tin, lại là một gương mặt khá kỳ cựu, có nhiều đóng góp tích cực với ngành công nghệ thông tin Việt Nam từ giai đoạn sơ khai.
Nguyễn Tư Nguyên cũng là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin tại Cộng hòa Liên bang Đức. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1982, ông có nhiều năm làm việc cho những công ty lớn ở Đức, chẳng hạn như hãng hàng không Lufthansa (Trưởng phòng Phát triển phần mềm), Deutsbank… Ở nước ngoài, nhưng người con của thành phố biển Nha Trang vẫn luôn hướng về tổ quốc, bằng những hành động thiết thực. Về nước làm việc từ lúc đất nước còn vô vàn khó khăn, bị trói buộc bởi những rào cản về nhận thức, nhưng trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, hiếm khi ông nhắc đến những trở ngại. Đó là bởi ông luôn xem việc đất nước tụt hậu là một nỗi tủi hổ. Đó là bởi mục tiêu đóng góp cho đất nước được ông đặt lên trước hết.
____
Có bằng tú tài Pháp (Baccalaureat francais 1971), tại sao ông không đi Pháp, mà lại chọn Đức?
Năm 1972, tôi đi du học. Tôi nghĩ đất nước cần kỹ sư, mà một trong những “lò” đào tạo tốt nhất, theo tìm hiểu của tôi, là Đức. Ý định ban đầu của tôi là học ngành Vật lý. Nhưng để có một chỗ ở trong ký túc xá, người ta yêu cầu phải có tối thiểu ba tháng thực tập trong một nhà máy, hoặc xí nghiệp ở nước này. Hỏi ban tư vấn Trường đại học Tây Berlin có ngành nào không đòi hỏi thực tập thì được trả lời rằng có khoa công nghệ thông tin vừa mở khóa đầu tiên, đang thiếu sinh viên nên không đòi hỏi thời gian thực tập. Năm 1978, sau khi tốt nghiệp bậc đại học, tôi về thăm quê hương lần đầu tiên.
____
Năm 1978 cũng là thời điểm lần đầu tiên Việt Nam có chủ trương mời gọi Việt kiều về thăm quê hương. Tuy nhiên, danh sách những người trở về được chọn lọc khá kỹ. Việc ông có tên trong danh sách này hẳn phải có lý do?
Đúng là phải có bút phê của Đại sứ quán Việt Nam ở Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức). Giai đoạn 1973-1974, nhiều người Đức xuống đường bày tỏ thái độ ủng hộ Việt Nam. Nhiều người còn mang theo cả lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Những điều “mắt thấy tai nghe” khiến mình suy nghĩ. Năm 1975, tôi tham gia Hội Đoàn kết. Sau sự kiện 30-4-1975, hội tổ chức đi hát đáp lễ, cảm ơn sự ủng hộ của những người bạn Đức. Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ những phái đoàn Việt Nam mỗi khi qua công tác tại Tây Đức. Thành ra, khi Đại sứ quán Việt Nam tại Đông Đức thông báo có đợt về thăm quê hương, tôi lập tức viết đơn và được chấp thuận. Lúc đó, đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh nên cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn. Tôi được giáo sư Phan Đình Diệu dắt đến thăm Viện Tính toán và Điều khiển. Thiết bị hiện đại nhất của cơ quan này là chiếc máy tính IBM 370 của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, đặt trong… một cái lò gạch.
____
Người ta nói Nguyễn Tư Nguyên là Mạnh Thường Quân của Viện Tính toán và Điều khiển. Nhưng trong hoàn cảnh đất nước bị cấm vận, có tiền cũng đâu nhập khẩu được máy móc?
Để có máy móc, tôi phải qua Singapore, mua máy tính với tư cách là công dân Đức, rồi chuyển “lòng vòng” qua một số nước và vùng lãnh thổ trước khi về đến Việt Nam. Ngoài máy móc, chúng ta thiếu trầm trọng tài liệu khoa học, nhất là về công nghệ thông tin. Để đưa tài liệu về nước, tôi chuyển qua đại sứ quán Việt Nam tại Đông Đức.
____
Ông có lường được những rủi ro chờ đợi mình nếu bị phát hiện?
Tôi biết hành vi của mình là vi phạm luật pháp của Đức. Nhưng đó là những việc tôi có thể làm cho tổ quốc của mình. Thực ra những tài liệu tôi chuyển qua đại sứ quán đều là những công trình khoa học đã được công bố, in thành sách. Ngoài những tài liệu tôi chuyển về, Viện Tính toán và Điều khiển còn nhận được sự giúp đỡ của giáo sư C. H. A Koster, quốc tịch Hà Lan, giảng dạy ở Đại học Tây Berlin. Ông là cha đẻ của phần mềm nổi tiếng Algol, công bố năm 1968. Khi nghe tôi hỏi có thể giúp đỡ ngành công nghệ thông tin của Việt Nam hay không, ông đồng ý liền. Ông trực tiếp mang hệ thống băng từ, dùng để chạy trên máy tính IBM, đến bàn giao tại Đại sứ quán Việt Nam tại Đông Đức. Năm 1983, tôi lấy bằng Tiến sĩ khoa học ngành CNTT tại Đại học Tây Berlin.
Với mong muốn được đóng góp trực tiếp cho đất nước, năm 1985, tôi về TP. Hồ Chí Minh, phối hợp với Công ty Liksin xúc tiến thành lập Cinotec (dưới cái “dù” của Liksin), công ty đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh công nghệ thông tin. Liksin là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in ấn, nổi tiếng với câu khẩu hiệu “Không đổi mới thì chết”, treo ngay tại trụ sở,
____
Năm 1985 Việt Nam chưa Đổi mới, cũng chưa có Luật Doanh nghiệp, mà một Việt kiều tính chuyện thành lập công ty thì giống như nói chuyện trên trời?
Mặc dù nhận được sự ủng hộ của ban lãnh đạo Công ty Liksin nhưng việc thành lập công ty gặp khá nhiều trở ngại. Máy móc đưa từ nước ngoài về đã khó, nhưng cái khó hơn là thay đổi nhận thức của những người có tiếng nói quyết định về sự cần thiết của phần mềm, được xem như bộ óc của máy tính. Thiếu bộ óc điều khiển thì “chân tay”, tức là thiết bị, chỉ là đống sắt vụn. Nhưng để mọi người hiểu và thừa nhận sự cần thiết của phần mềm phải mất một thời gian dài.
____
Máy móc đã có. Nhưng vấn đề còn lại là đội ngũ nguồn nhân lực để vận hành những phương tiện này thì ông tìm ở đâu, khi mà lúc đó công nghệ thông tin còn là một lĩnh vực khá mới mẻ ngay cả đối với thế giới?
Trong hai năm ròng, tôi thường xuyên đi đi về về, vừa mang theo tài liệu, vừa trực tiếp huấn luyện đội ngũ 60 kỹ sư công nghệ thông tin, vốn là những sinh viên giỏi tuyển lựa từ các trường đại học khối tự nhiên như Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Khoa Toán Trường đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh… Đấy cũng có thể được xem là lứa kỹ sư công nghệ thông tin đầu tiên của Việt Nam. Thực ra, chất xám của Việt Nam khá tốt. Cái yếu của chúng ta là sử dụng chất xám như thế nào. Giai đoạn cuối thập niên 1980, các anh chị ở Viện Tính toán và Điều khiển đã “số hóa” được bản đồ trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Một sản phẩm “nhái” trí thông minh của máy tính do anh Hồ Tú Bảo và Hoàng Kiếm, hai trợ thủ của anh Phan Đình Diệu ở viện này, sáng tạo đã bán được ở Cebit, hội chợ công nghệ thông tin lớn nhất thế giới ở Đức năm 1988.
Nói tiếp câu chuyện về Cinotec. Năm 1987, công ty ra đời sản phẩm đầu tiên của chúng tôi nhằm phục vụ cho hoạt động của Liksin. Đó là phần mềm sắp chữ điện tử, thay thế cho những bản kẽm chì, rất độc hại đối với những công nhân sắp chữ ở nhà in. Để tương thích với phần mềm này, chúng tôi tạo ra bộ font chữ đầu tiên của Việt Nam. Còn khách hàng đầu tiên của tôi là một số tờ báo ở Campuchia. Họ sử dụng các bộ font chữ Campuchia đầu tiên do công ty Cinotec làm ra để trình bày báo.
____
Cinotec tồn tại trong bao lâu, thưa ông?
Tôi làm kỹ thuật tốt, nhưng quản lý, tiếp thị thì nhiều hạn chế, không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Có người an ủi thì bảo tôi không gặp thời. Đến năm 1990, tôi rời Cinotec. Một số cộng sự cũ tiếp tục điều hành công ty này. Đó cũng là thất bại đầu tiên của tôi trên thương trường.
____
Có thể hiểu là vẫn còn thất bại thứ hai?
Đúng vậy. Thất bại đầu tiên khiến tôi không còn muốn kết hợp làm ăn với công ty nhà nước. Sang năm 1992, tôi cùng một số bạn bè ở Đức thành lập Công ty ASA, đóng tại quận Gò Vấp. Chúng tôi cũng tổ chức tuyển dụng và huấn luyện cho 50 em, quy trình cũng tương tự như thời làm Cinotec. Đương nhiên, kiến thức cũng được cập nhật hơn bởi công nghệ thông tin phát triển không ngừng. Song song với ASA, chúng tôi thành lập một công ty ở Đức. Công ty này đứng ra nhận những hợp đồng gia công phần mềm, nhưng việc thực hiện là ASA. Sau sáu năm hoạt động, công ty gặp khó khăn. Nguyên nhân vẫn là không giải được bài toán đầu ra. Đúng lúc đó thì có một Việt kiều Mỹ, rất nhạy bén về bán hàng, tiếp thị… đề nghị đầu tư vào ASA. Dần dần, anh ấy mua lại toàn bộ cổ phần của ASA, và đổi tên thành Global Cybersoft, mà cho đến bây giờ là một trong những công ty gia công phần mềm hàng đầu của Việt Nam.
____
Hai lần làm ăn thất bại. Có khi nào ông cảm thấy quyết định trở về của mình quá vội vàng?
Tôi chưa bao giờ nuối tiếc vì đã về Việt Nam làm việc. Ở bên kia, dù là nơi đào tạo mình bài bản, có cuộc sống sung sướng, môi trường làm việc tốt… thì vẫn là của người ta. Về nước trước hết là nhu cầu tự thân, không phải để… dưỡng già. Dù ít dù nhiều tôi cũng muốn đóng góp tri thức và kinh nghiệm mà mình tích được sau hơn ba mươi năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và tự động hóa ở Đức. Năm 2002, tôi sang lại số lượng cổ phần của mình trong công ty ở Đức, về Nha Trang, thành lập Công ty Li Net, quy mô cũng nhỏ thôi, tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin…
____
Và tiếp tục nhận gia công phần mềm?
Không. Làm gia công cho nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi chi phí lương tăng lên, đầu ra bị thu hẹp lại…, người ta sẽ không thuê mình nữa. Lúc đó mình sẽ không biết làm gì hết, hoàn toàn bị động. Thí dụ như ngành may mặc. Hàm lượng Việt Nam chiếm tỷ trọng khá thấp trong mặt hàng xuất khẩu này do đầu vào là của nước ngoài. Tại sao trong quá trình làm gia công cho người ta, không cố gắng học được bí quyết làm thế nào để cái cổ áo không nhăn, cách cắt cái quần làm sao cho thẳng… Tích lũy dần dần rồi đến một lúc nào đó có thể tự ráp được bộ veston. Đương nhiên, cũng không trông đợi bộ veston phải đẹp liền. Nhưng chắc chắn thế hệ thứ hai sẽ ngày càng toàn hảo, dần dần định được vị trí của mình.
____
Vậy bộ “veston” của ông là gì?
Hiện nay, chúng tôi có hai “mẫu”. Một là phần mềm Hệ thống Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp và hai là Hệ thống tự động hóa cho các doanh nghiệp làm dịch vụ và sản xuất. Nói một cách tóm lược thì hai công cụ này giúp người chủ doanh nghiệp biết được toàn bộ chi tiết về hoạt động của doanh nghiệp sau một thao tác đơn giản trên máy tính, chẳng hạn như nguyên vật liệu còn bao nhiêu, hàng tồn kho bao nhiêu, bán thêm hàng thì lời bao nhiêu, lỗ bao nhiêu… Làm được như vậy là vì chúng tôi có thể xây dựng được một hệ thống hoàn toàn tích hợp thông tin khá phức tạp, để có thể kết nối thông tin từ các phân hệ (modules) khác nhau. Những thông tin được cập nhật liên tục giúp chủ doanh nghiệp nhanh chóng có đầy đủ thông tin để ra quyết định. Kinh doanh nói cho cùng là tốc độ ra quyết định nhanh nhất có thể.
____
Mỗi doanh nghiệp có một đặc thù, làm sao đảm bảo rằng “mẫu” của ông vừa vặn với mọi đối tượng?
Thực ra, dù làm sản xuất hay dịch vụ thì đều có quy trình, gồm nhiều bước. Quy trình sản xuất một tờ báo cũng tương tự như quy trình sản xuất của một hãng mì gói, chỉ khác ở tên gọi từng bước mà thôi. Cái quan trọng ở đây là chúng tôi đã bỏ hơn tám năm để xây dựng một hệ thống lõi giúp chúng tôi chuẩn hóa hệ thống thích hợp và có khả năng điều chỉnh những quy trình khác nhau khá nhanh chóng. Nhờ có hệ thống lõi này mà các công ty phần mềm hàng đầu thế giới như Sap, Oracle có thể cho ra những sản phẩm có giá trị cao.
____
So với hai lần khởi nghiệp đầu tiên, xem ra lần này ông đã chuẩn bị khá kỹ về thông tin của thị trường?
Thực ra tôi vẫn là một người làm thuần túy về chuyên môn. Thông tin về thị trường mà tôi có được là qua người bạn hồi còn nhỏ của tôi, anh Trần Sĩ Chương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Kekde, một chuyên gia tư vấn, có điều kiện tiếp xúc với doanh nghiệp. Điều khiến chúng tôi băn khoăn nhiều năm nay là tính tự chủ và độc lập của doanh nghiệp, một thành tố quan trọng tạo nên nền kinh tế. Anh bạn tôi cho biết nhiều doanh nghiệp chưa làm chủ được công nghệ, phương tiện để tăng hiệu suất lao động. Việc hiệu suất lao động không tăng là do hai nguyên nhân khá phổ biến. Thứ nhất là cách đặt vấn đề chưa trúng của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Thứ hai, trong trường hợp đặt vấn đề trúng thì lại không đủ phương tiện để triển khai. Một trong những phương tiện hiệu quả là đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp. Nói cách khác là ứng dụng công nghệ cao.
____
Chữ “công nghệ cao” nghe vừa rộng, vừa mơ hồ?
Theo tôi, cần phải định nghĩa lại từ này. Công nghệ cao nên được hiểu là phương tiện giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị cao nhất khi sử dụng công nghệ đó vào thời điểm đó.
____
Nhiều công ty đa quốc gia hiện nay cũng cung cấp phần mềm quản lý doanh nghiệp. Đương nhiên, họ có lợi thế về thương hiệu?
Chúng tôi tin rằng giải pháp quản lý doanh nghiệp mà một công ty của Mỹ, thí dụ thế, bán cho doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ cao hơn bán cho một doanh nghiệp tại thị trường nội địa. Lý do thứ nhất là doanh nghiệp Việt Nam không có cơ hội lựa chọn khác. Và lý do thứ hai là phải điều chỉnh lại hệ thống tài chính, chẳng hạn như vấn đề thuế, cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Việc đưa chuyên gia qua “gọt giũa” khiến giá đội lên. Thành ra, phần đông doanh nghiệp Việt Nam không kham nổi khoản chi phí này. Giá thành càng cao dẫn đến giá trị càng thấp.
____
Tạm gác lại chuyện làm ăn ở đây. Được biết anh là người Công giáo, nhưng thời gian gần đây lại dành nhiều sự quan tâm đến Phật giáo. Đâu là lý do dẫn đến sự thay đổi này?
Chính xác là hơn một năm nay. Bữa đó cảm thấy đầu óc mệt mỏi, tôi muốn đọc vài trang sách để thư giãn thì vô tình thấy cuốn Đường xưa mây trắng, mà vợ tôi mang về. Tôi đọc và bị cuốn hút. Tôi thấy tư tưởng của Phật rất logic, gần gũi với công nghệ thông tin, ngành khoa học mà tôi gắn bó từ thời trai trẻ. Kể từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về Phật giáo.
____
Tư tưởng Phật giáo tác động thế nào đến cuộc sống của ông?
Tôi bớt “phát xít” hơn. Đây là lời nhận xét của vợ tôi, ý rằng tôi bớt kỹ tính. Tôi sống và làm việc ở Đức nên đã quen tác phong công nghiệp. Đồ vật trong nhà để không đúng nơi, đúng chỗ là mình… càm ràm. Điều quan trọng nhất là sống làm sao để trong lòng mình yên ổn, vui vẻ để những người chung quanh mình cũng vui vẻ.
____
Giữ được lòng yên ổn có khó không?
Thực ra cũng không khó lắm, bằng cách nghĩ tốt về những người chung quanh mình. Nếu có ai đó làm mình giận thì hãy xem như là người ta vô tình chứ không cố ý.
____
Nhưng trong trường hợp người ta cố tình làm cho mình phiền thì sao?
Cái đó thì khó. Phải tập luyện thôi. Bởi sự tức giận làm cho lòng mình không yên ổn trước.
____
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.