Bác sĩ Madan Kataria: Khi bạn cười, bạn thay đổi chính bạn. Khi bạn thay đổi, bạn thay đổi thế giới. Ông được giới truyền thông mệnh danh là “bậc thầy chọc cười”, cha đẻ trường phái yoga cười, khởi phát tại Mumbai, Ấn Độ.
Từ một câu lạc bộ với năm thành viên ra đời cách nay 16 năm, đến nay, yoga cười đã phát triển thành hơn 6.000 câu lạc bộ, rải rác ở 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 2000, Madan Kataria đề xuất Ngày cười thế giới, diễn ra vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Năm. Ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã có câu lạc bộ yoga cười đầu tiên, do hai vợ chồng ông bà Trịnh Xuân Trường và Nguyễn Thị Cúc thành lập.
Lợi ích mà tiếng cười mang lại đã được dân gian nhắc đến qua cách nói có phần thậm xưng: “Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ”. Cười là một hành vi có tính bản năng. Nhưng với bác sĩ Madan Kataria, hành vi mà “ai cũng có thể làm được này” là một hạt ngọc, được ông mài giũa thành một triết lý sống, một niềm đam mê mà ông đã và đang theo đuổi trong suốt phần đời còn lại. Tiếng cười với ông vừa là sản phẩm tiêu thụ tại chỗ, vừa là “món quà sức khỏe” mà càng tặng bao nhiêu thì càng hạnh phúc bấy nhiêu.
Mặc dù xuất phát từ nhu cầu cá nhân nhưng những năm gần đây, tiếng cười của Madan Kataria được nhiều doanh nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới đặt hàng. Phần lớn tiền thu được từ những “hợp đồng cười” dành để phục vụ cho những chương trình có tính xã hội.
Trung tuần tháng 3-2011, Madan Kataria sang Việt Nam, tham gia huấn luyện hai khóa yoga cười tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dù khá bận rộn với lịch làm việc dày đặc, nhưng ông vẫn khá vui vẻ dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện vào buổi chiều sau một ngày huấn luyện.
____
Nói một cách ngắn gọn thì yoga cười có gì khác với yoga truyền thống?
Yoga truyền thống là một lĩnh vực rất rộng, gồm nhiều trường phái. Còn yoga cười tập trung vào sức khỏe tinh thần, dựa trên sự kết hợp giữa “thở” yoga và “cười”. Thí dụ, động tác đơn giản nhất, thường được sử dụng để khởi động trước các buổi tập của yoga cười, là đứng vỗ tay, hít thở sâu và cười. Cần lưu ý là trên bàn tay có các huyệt đạo, nên khi vỗ cần chú ý để hai bàn tay có thiết diện tiếp xúc lớn nhất, nhằm giúp khí huyết lưu thông. Cùng lúc, người tập cười “ho ho ho, ha ha ha” theo nhịp 1, 2, 3.
____
Vậy ý niệm nào đã dẫn dắt ông thành lập yoga cười?
Tháng 3-1995, tôi viết một bài báo trên My Doctor tờ tạp chí mà tôi là người biên tập, có tựa đề là “Tiếng cười – Liều thuốc tốt nhất”. Trong bài báo, tôi đã trích dẫn nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh lợi ích của tiếng cười đối với sức khỏe. Tuy nhiên, nơi tôi sống, thì lại rất ít tiếng cười. Ngay cả bản thân tôi cũng ít khi tươi cười. Áp lực từ công việc và cuộc sống khiến tôi thường xuyên bị stress. Tôi tự nhủ tại sao mình khuyến khích độc giả cười, trong khi cá nhân mình thì lại không làm được như vậy. Thế là tôi thay đổi nhận thức, nảy ra ý định thành lập một câu lạc bộ yoga cười.
____
Ý tưởng của ông được tiếp nhận như thế nào?
Địa điểm sinh hoạt của câu lạc bộ đầu tiên là công viên nằm gần nhà tôi ở Mumbai, nơi nhiều người địa phương thường đến đó đi bộ, hít thở, thư giãn. Tôi cũng thường đi bộ ở đó. Khi tôi đề nghị thành lập một câu lạc bộ như vậy thì nhiều người cười ầm lên. Có người còn nói rằng ý tưởng của tôi thật điên rồ. Thành ra, ban đầu câu lạc bộ chỉ có năm người, gồm hai vợ chồng tôi và ba người bạn. Dù bị khước từ nhưng chúng tôi không bỏ cuộc. Chúng tôi kiên trì thuyết phục. Và sau một tuần thì con số những người tham gia đã lên tới 50 người. Chúng tôi gặp nhau hằng ngày, kể cho nhau nghe những mẩu chuyện tiếu lâm và cùng cười nghiêng ngả.
____
Có thể hiểu rằng cần có lý do để thực hiện hành vi cười. Nhưng được biết, ông là tác giả của một cuốn sách có tên “Cười không cần lý do” (Laugh for no reason)?
Thực tế là sau một tuần sinh hoạt, chúng tôi gặp phải một vấn đề là mọi người hết chuyện… để kể. Vậy là người ta thay thế bằng những câu chuyện tiếu lâm khá dung tục. Tôi chủ động đề nghị với các thành viên trong câu lạc bộ rằng nên ngừng lại. Nhưng mọi người tỏ ra rất buồn, và hỏi tôi làm cách nào để duy trì sự hoạt động của câu lạc bộ. Tôi cũng buồn. Thời may, tôi vô tình đọc một nghiên cứu khoa học, chỉ ra rằng khi cười, chỉ có não mới phân biệt được cười thật và cười giả, còn cơ thể thì không. Nghĩa là lợi ích của việc giả vờ cười mang lại lợi ích đối với sức khỏe cũng gần như cười tự nhiên. Nghiên cứu đó đã gợi ý cho tôi xây dựng bài tập cười không cần lý do, trở thành tiền đề cho cuốn sách đã xuất bản, Laugh for no reason.
Khi cười, chỉ có não mới phân biệt được cười thật và cười giả, còn cơ thể thì không. Nghĩa là lợi ích của việc giả vờ cười mang lại lợi ích đối với sức khỏe cũng gần như cười tự nhiên.
____
Trong lớp học diễn ra sáng nay, khi ông yêu cầu các học viên đứng lên tự giới thiệu về mình và cười, nhiều người tỏ ra rất gượng gạo?
Tiếc là anh không có mặt trong buổi học chiều nay. Có một điểm khá kỳ lạ là khi mọi người cùng cười với nhau khoảng hai đến ba phút thì cười giả ngả sang cười thật. Bởi lẽ khi cười thì trong não tiết ra một loại chất gọi là “hoóc môn hạnh phúc”, tạo cảm giác hưng phấn, vui vẻ. Tương tự, khi những người chung quanh phiền muộn, tự nhiên lòng mình cũng chùng lại.
____
Cười là một hành vi bình thường, không có gì đặc biệt. Nhưng kể từ câu lạc bộ đầu tiên do ông sáng lập tại Mumbai cách nay 16 năm, đến nay đã có khoảng 6.000 câu lạc bộ tại hơn 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự lan tỏa như vậy có khiến ông bất ngờ?
Còn hơn cả một giấc mơ. Cười là một hành vi có tính bản năng, ai cũng có thể làm được. Việc thành lập câu lạc bộ yoga cười cũng chẳng phải ý tưởng gì ghê gớm. Còn chuyện yoga cười vượt ra khỏi biên giới Ấn Độ là do sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Nguyên nhân thứ nhất và có lẽ cũng quan trọng nhất là yoga cười mang lại lợi ích cho con người. Thứ hai, nhiều học viên đã tự phát tán nó bằng cách thành lập những câu lạc bộ yoga cười. Bằng chứng là mặc dù các câu lạc bộ yoga cười xuất hiện ở 65 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng đến nay, tôi mới đi được trên 40 nước trong số đó. Nghĩa là có nhiều câu lạc bộ yoga cười mà tôi hoàn toàn không hay biết. Sự phát triển của yoga cười cũng tương tự như việc nhân giống cây con bằng biện pháp chiết cành. Khi những cây con lớn lên, người ta lại tiếp tục chiết cành và nhân giống. Đấy là cơ sở để tôi tin rằng yoga cười sẽ sống mãi, ngay cả khi tôi không còn nữa. Trong một chừng mực nào đó thì yoga cười không còn là của tôi nữa, mà là của mọi người. Bên cạnh đóng góp của đội ngũ học viên, yoga cười còn nhận được sự ủng hộ khá mạnh mẽ từ giới truyền thông trong và ngoài Ấn Độ. Chẳng hạn, tháng 10-2010, tạp chí Newyorker, với ba triệu bản phát hành mỗi kỳ, đã dành chín trang để nói về yoga cười, góp phần quảng bá liệu pháp này đến với công chúng.
____
Thế còn công việc ở tờ tạp chí My Doctor thì sao? Liệu ông có còn thì giờ để dành cho nó?
Mười năm trở lại nay, tôi dành trọn thì giờ của mình cho cười. Cười là niềm đam mê của tôi, trở thành phản xạ không điều kiện. Tiếng cười theo tôi đi khắp mọi nơi, kể cả trong bữa ăn, giấc ngủ. Ngay cả trong giấc mơ, tôi cũng cười.
____
Nghe nói nhiều công ty lớn trên thế giới đã mời ông đến nói chuyện với những khoản thù lao hậu hĩnh. Niềm đam mê đã mang lại cho ông sự giàu có?
Mỗi tháng, tôi nhận được khoảng mười lời mời đi nói chuyện từ các doanh nghiệp, tổ chức. Toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại phía mời chịu hết. Thực ra nhu cầu vật chất của tôi khá đơn giản, phần vì cũng không có nhiều thì giờ để quan tâm đến nó, bởi mỗi ngày, tôi làm việc khoảng 15-16 tiếng, buông công việc ra là nghỉ ngơi. Thành ra phần lớn tiền thù lao của tôi được chuyển vào quỹ do hai vợ chồng tôi sáng lập. Chúng tôi trích một phần để trao học bổng cho những trẻ em nghèo ở Ấn Độ. Phần còn lại dành cho việc thành lập một học viện cười ở Ấn Độ, dự kiến sẽ xây dựng vào cuối năm nay. Tôi muốn đào tạo thêm những người đủ khả năng đưa yoga cười đến với mọi người. Ước mơ của tôi là có hàng triệu câu lạc bộ yoga cười trên khắp thế giới. Khi người ta tươi cười với nhau, thì hiềm khích, hận thù cũng sẽ bớt lại. Cần nói thêm rằng tiếng cười không bị ràng buộc bởi rào cản ngôn ngữ, cũng không bị chi phối bởi tôn giáo, chính trị… Đó cũng là một yếu tố khiến tiếng cười đi xa hơn. Còn sự giàu có, tôi nghĩ mỗi người quan niệm một cách khác nhau.
Khi người ta tươi cười với nhau, thì hiềm khích, hận thù cũng sẽ bớt lại.
____
Quan niệm của ông là…
Nhờ “tiếng cười” mà tôi có nhiều bạn bè ở khắp nơi trên thế giới. Họ yêu quý tôi. Tình cảm mà mọi người dành cho tôi không thể mua được bằng tiền.
Thêm nữa, tiếng cười là “món quà sức khỏe” tôi dành tặng cho mọi người. Càng tặng được nhiều tôi càng giàu có bởi nó là sản phẩm tiêu thụ tại chỗ. Khi cười, không ai khác, chính những người thực hiện hành vi này, được hưởng lợi ích trước tiên, bởi giúp lượng oxygen vào cơ thể nhiều hơn. Người ta có thể nhịn ăn hàng tháng trời, nhịn uống vài ngày, nhưng khó có thể nhịn… oxygen quá năm phút. Hơi thở là quan trọng nhất đối với sự sống còn của con người. Nói như tiến sĩ Otto Warburg, chủ nhân giải Nobel Y học, thì kỹ năng hít thở sâu giúp tăng lượng oxygen vào các tế bào, giúp khí huyết lưu thông là vô cùng quan trọng đối với một cuộc sống tràn đầy năng lượng, không bệnh tật. Các nghiên cứu khoa học chúng tôi thực hiện tại nhiều doanh nghiệp ở Bangalore, nơi được xem là Thung lũng Sillicon của Ấn Độ, cũng đã chỉ ra rằng việc tế bào hấp thụ đủ oxygen sẽ giúp cải thiện đáng kể hệ miễn dịch, giảm stress, giảm huyết áp… Stress là một trong những lý do làm tăng huyết áp. Một lợi ích khác nữa là tiếng cười trở thành chất xúc tác, gắn kết những thành viên trong doanh nghiệp với nhau, giúp họ phối hợp tốt hơn trong công việc, cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thời gian dành cho việc cười tập thể cũng không quá nhiều, khoảng 15-20 phút mỗi ngày là đủ.
____
Có thể hiểu đây cũng là một thông điệp mà ông gửi đến các doanh nghiệp Việt Nam?
Theo tôi biết, hiện nay ở Việt Nam có hai doanh nghiệp thực hành yoga cười mỗi ngày. Doanh nghiệp thứ nhất là Tâm Việt Group ở Hà Nội, chuyên đào tạo kỹ năng sống và kỹ năng mềm đã thực hành yoga cười từ hai năm nay với sáu lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 10 phút. Đơn vị thứ hai là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở TP. Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ thay vì dành một phòng để nhân viên hút thuốc, doanh nghiệp nên có một phòng để… cười.
Thay vì dành một phòng để nhân viên hút thuốc, doanh nghiệp nên có một phòng để… cười.
____
Có vẻ như ông đề cao việc cười tập thể?
Đúng vậy. Cười “tập thể” có một lợi điểm là thời gian cười dài hơi. Bên cạnh đó, chúng tôi có những bài tập hỗ trợ, kéo dài tiếng cười kéo từ bốn đến năm phút. Đương nhiên, tôi vẫn ủng hộ cười một cách tự nhiên. Tuy nhiên, càng trưởng thành, tiếng cười tự nhiên càng giảm mạnh. Một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng người trưởng thành chỉ cười 17 lần mỗi ngày, trong khi tỷ lệ này ở trẻ em là 400 lần.
____
Theo ông thì tại sao?
Một là do áp lực của công việc. Hai là ở người trưởng thành, tiếng cười chịu sự chi phối của nhận thức. Thí dụ, khi một người kể một câu chuyện mà anh ta cho rằng rất tếu, nhưng không ai cười hết. Đó là bởi mọi người bị sự chi phối của nhận thức, cho rằng câu chuyện chẳng có gì đáng cười. Ở khía cạnh này, sự trưởng thành về mặt nhận thức lại là một sự mất mát đối với sức khỏe. Nói cách khác, người trưởng thành cười từ “trí”. Còn trẻ em, nhất là những em bé sơ sinh, chưa có nhận thức, nụ cười của các em là từ “thân”, xem hành vi cười như một trò chơi.
____
Nhưng cũng có những tình huống con người ta gặp phải những chấn thương tâm lý, những nỗi đau quá lớn, muốn khóc thì liệu yoga cười có còn hữu ích?
Khóc và cười là biểu hiện của hàm lượng cảm xúc. Cả hai trạng thái này đều cần thiết như nhau. Khi trong lòng chất chứa tâm sự, hãy khóc ngon lành. Bởi khóc là một phương tiện giải tỏa những ẩn ức. Khóc xong thì đến… câu lạc bộ yoga cười, vì đây là một bài tập. Cũng như khi có bệnh thì mình dùng thuốc. Tiếng cười của những thành viên khác sẽ tạo ra một “từ trường vui vẻ”, khiến tâm trạng của mình thay đổi. Yếu tố bầy đàn là một phẩm chất có tính di truyền của loài người. Trước khi đến Việt Nam, chúng tôi dừng chân ở Malaysia. Ở chặng này, chúng tôi tập cười cho những người bị trầm cảm. Tôi khá bất ngờ vì việc tập cười không quá khó như hình dung của mình. Tiếng cười là phương tiện để chia sẻ. Với những người bị trầm cảm, nhu cầu được chia sẻ lại càng lớn hơn. Những người cao tuổi ở nhà dưỡng lão cũng cần tiếng cười.
____
Một bậc thầy chọc cười như ông, có khi nào có nhu cầu “khóc”?
Có. Những chuyện buồn đau trong cuộc sống là không thể tránh khỏi. Có điều tôi cố gắng để mình không mắc kẹt trong nỗi buồn, không để nỗi buồn “dìm” mình xuống. Đơn giản vì không có lợi cho sức khỏe. Cũng lưu ý rằng khi rơi vào trạng thái tuyệt vọng nhất, có khi người là lại cười. Lúc hạnh phúc nhất, con người ta lại khóc.
____
Trong những bài tập của yoga cười, theo ông, bài tập nào là khó nhất?
Cười bản thân mình, do rào cản cái tôi trong mỗi cá nhân. Ở khía cạnh tâm lý, con người luôn có xu hướng để khẳng định mình, nghĩ rằng mình quan trọng. Thế nên thông thường, những người càng có danh vị càng gặp khó khăn. Nếu anh để ý thì sẽ thấy trong khóa huấn luyện, những học viên chỉ mang bảng đề tên, thậm chí ngay cả họ cũng không có nữa. Đó cũng là một cách chúng tôi tạo ra bầu không khí để mọi người ít được chú ý, bớt cảm thấy mình quan trọng. Ngoài ra, những câu chuyện về đời tư, làm ăn của mỗi cá nhân thì hầu như không được nhắc đến. Mọi người đến câu lạc bộ để cười.
____
Nhưng thực tế cũng có những cá nhân được xem là “người của công chúng”, ai cũng biết thì ông xử trí thế nào?
Trường hợp này không phải là không có. Ở Ấn Độ, có những người tìm đến các câu lạc bộ ở những vùng hẻo lánh, dân trí thấp, chỉ để cười một trận cho… đã đời. Còn nếu phương án này không khả thi, tức là vẫn có khả năng bị nhận ra, thì chúng tôi cũng có những chương trình huấn luyện kiểu “một kèm một”, hoặc thực hành theo hướng dẫn trong các đĩa VCD. Gần đây ở Mỹ xuất hiện một phương pháp thực hành yoga cười mới, là qua điện thoại. Theo đó, những người có nhu cầu hẹn nhau vào một thời điểm nhất định, bốc điện thoại được nối liên thông, và cười.
____
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.