Nguyễn Lịnh Nhân Đức lập nghiệp ở nước ngoài, có một cơ ngơi kha khá, nhưng ông lại chuyển sang lĩnh vực lắp ráp rô bốt lặn biển khi đã trở lại quê nhà. Năm 2000, người đàn ông quê gốc Đồng Tháp này trở thành nhà phân phối độc quyền linh kiện rô bốt lặn biển (ROV). Sáu năm sau, ông thành lập Công ty TNHH Hải Mã, doanh nghiệp tư nhân duy nhất tại Việt Nam hiện cung cấp dịch vụ cho thuê ROV. Hành trình đến với lĩnh vực còn khá mới mẻ này giống như một sự đưa đẩy của số phận.
Mê văn chương, ôm mộng trở thành nhà văn nhưng rồi Nguyễn Lịnh Nhân Đức lại chọn ngành luật vì… thời đó chưa có trường đào tạo văn sĩ. Đang học năm cuối Đại học Luật Sài Gòn thì đất nước thống nhất. Năm 1976, Nguyễn Lịnh Nhân Đức qua Mỹ, khởi đầu hành trình đến với công nghệ cao. Ông kể:
Trong cuộc đời, nhiều khi điều mình muốn và cái mình làm được là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Nhưng dù thích hay không thích thì khi đã bắt tay vào làm cũng phải toàn tâm toàn ý.
____
Liệu có mâu thuẫn không bởi nếu không muốn thì làm sao dồn hết tâm trí?
Đúng là trong đời có những nhóm người “mê gì làm nấy, không mê thì không làm”. Trong tử vi có một lá số có hai sao Thiên cơ và Cự môn. Những người có lá số này thì đa nghệ, làm cái gì cũng hết mình. Khi chân ướt chân ráo qua Mỹ, tiếng Anh lõm bõm, theo ngành luật e rằng khó. Không bà con họ hàng, nên vấn đề trước tiên là cần một công việc để sống. Tôi chuyển hướng sang kỹ thuật cho chắc ăn. Hồi đó, tôi ốm nhom, sức khỏe yếu, không làm nổi việc nặng, nên chọn ngành điện tử. Vừa học, vừa làm. Công việc đầu tiên là lắp ráp tại một hãng sản xuất ampli. Lúc này tôi mới nhận ra tư duy logic khi khám phá các tác phẩm văn chương lại giúp mình rất nhiều khi chuyển sang làm kỹ thuật. Sau ba tháng, tôi được chuyển qua bộ phận sửa chữa. Hồi giữa thập niên 1970 ở Mỹ có phong trào chơi CB (Citizen Band), tức là nói vào micro thì cả thành phố nghe được thông qua sóng radio. Luật pháp quy định chỉ được sử dụng ampli 4W nhưng hãng tôi làm việc sản xuất ampli 100W. Bởi với công suất lớn như thế thì tiếng nói phát đi vượt ra khỏi thành phố, chèn vào sóng radio của những đài thuộc các đô thị lân cận. Thành ra, hàng sản xuất đều bán lén cho dân chơi. Tôi làm việc khoảng một năm thì hãng sập tiệm. Tôi chuyển sang làm việc cho một công ty sản xuất thiết bị y khoa, rồi tiếp tục chuyển qua hãng sản xuất máy ly tâm. Đây là thiết bị sử dụng để lọc uranium từ đất. Tuy nhiên, vì lý do an ninh quốc gia, nên người ta không cho người nhập cư làm. Ngay cả người Mỹ cũng phải trải qua những vòng kiểm tra vô cùng ngặt nghèo. Thế nên tôi chỉ được tiếp cận với quy trình sản xuất máy ly tâm ở tầng thấp, ứng dụng trong y khoa. Năm 1985, khi có bằng kỹ sư điện tử, tôi quẳng vô hộc tủ, mở công ty thương mại, phân phối độc quyền cho thị trường Á châu tại Houston, Texas cho ba thương hiệu Nhật Bản là JVC, Sansui và Sony ở Houston.
____
Ông tin vào tử vi?
Tin. Tử vi là một khoa học chính xác. Trước năm 1975, nhắc đến tử vi người Sài Gòn thường nói “nhất Diễn, nhì Kim”, tên hai nhân vật nổi tiếng, chuyên “chấm” tử vi cho nhiều quan chức cấp cao trong chế độ cũ. Là bạn của con trai ông Kim, tôi thường ghé nhà ông chơi và được ông chú ý. Thậm chí trong một phút hứng khởi, ông còn đọc cho thư ký riêng biên ra một tập, nêu rõ những diễn tiến trong cuộc đời tôi. Nhiều cột mốc trong cuộc đời mình đã diễn ra đúng như tiên đoán của ông, chẳng hạn như “năm 30 tuổi tôi bự con nhất trong đám bạn bè”, “năm 41 tuổi bị tai nạn xe hơi”…
____
“Nhiều” có nghĩa không phải là tất cả?
Về đoạn chót thì có vẻ như không chính xác nữa. Hay tại tôi cố cãi số trời. Ông nói kể từ năm 2005, tức là tôi bước sang tuổi 54, thì không nên làm gì nữa, lui về an hưởng… tuổi già, không được làm cái gì mới. Nhưng năm 2006 cũng là khoảng thời gian tôi và mấy người bạn hùn hạp thành lập Công ty Hải Mã, có con ROV đầu tiên.
____
Ông quan niệm thế nào về thành công?
Thành công là đạt được mục tiêu của mình.
____
Ông đã đạt được chưa?
Chưa. Mục tiêu của tôi hiện nay, là nuôi dưỡng hai cô con gái song sinh học hết đại học. Năm nay, hai cháu mới chín tuổi.
____
Ông lập gia đình trễ nhỉ?
Cụm từ “sợi tóc chẻ làm tư” hình như vận vào tôi, theo nghĩa rằng làm gì cũng mong đi đến tận cùng, cũng muốn thật hoàn mỹ. Nên việc chưa đúng ý mình thì chưa yên, đến khi nhìn lại đời sống cá nhân thì thấy đã trễ rồi. Mặc dù tôi cũng biết rằng trong cuộc sống, không bao giờ có sự toàn hảo, nói gọn lại là không nên cầu toàn. Có một câu chuyện thế này. Có một cặp vợ chồng, sống với nhau vui vẻ suốt 30 năm, không làm hôn thú. Khi đã bước qua ngưỡng 60, hai người mới tổ chức hôn lễ, làm hôn thú để sau này khi một người nằm xuống, thì người còn lại sẽ chôn mình một cách danh chính ngôn thuận. Tuy nhiên, sau đám cưới được sáu tháng, hai người dắt nhau ra tòa ly dị. Lý do đơn giản là suốt 30 năm sống chung, họ tương kính như tân, ông chồng vui bạn vui bè, đi sáng đêm người vợ cũng không hỏi và ngược lại. Ở khía cạnh tâm lý là đôi bên đều “sợ mất nhau”. Nhưng sau khi kết hôn thì tâm lý ấy không còn nữa. Người ta lập tức khẳng định chủ quyền, xem tờ giấy hôn thú như cái… cà vẹt xe. Giá như hai vợ chồng kia không cầu toàn, có lẽ họ sẽ sống với nhau đến mãn đời.
Cụm từ “sợi tóc chẻ làm tư” hình như vận vào tôi, theo nghĩa rằng làm gì cũng mong đi đến tận cùng, cũng muốn thật hoàn mỹ.
____
Đành rằng trong cuộc sống khó tìm được sự toàn mỹ, nhưng trong công việc, nhất là lĩnh vực đòi hỏi sự chính xác cao như lắp ráp rô bốt, thì cầu toàn lại là một lợi điểm?
Đúng vậy. Không cầu toàn không được. Chỉ một sơ xuất nhỏ là lập tức phải trả giá, không có cơ hội sửa sai. Nguyên nhân khiến phi thuyền Apollo 13 nổ tung, khiến toàn bộ phi hành đoàn tử nạn, thiệt hại hàng trăm triệu USD, là hư một cái long đền nhựa. Cuộc đời đưa đẩy tôi vào ngành lắp ráp rô bốt cũng giống như cá vô nước.
____
Từ một đại lý độc quyền phân phối hàng điện tử, “đưa đẩy thế nào” mà ông lại về Việt Nam lắp ráp ROV?
Đó là một câu chuyện dài. Năm 1988, tôi về thăm nhà lần đầu tiên. Từ đó, năm nào tôi cũng về nước mấy tháng, việc buôn bán giao lại cho cộng sự coi sóc.
____
Phải chăng ông đã ấp ủ ý định sẽ về nước làm ăn?
Không. Tôi về chơi. Tôi thích ở Việt Nam. Ở bên kia, cuộc sống tương đối đầy đủ nhưng vẫn cảm thấy trống trải, thiếu vắng. Còn chuyện làm ăn thì cũng chưa có gì để làm. Mãi đến năm 1992, tôi sang nhượng lại công ty thương mại, quyết định về hẳn.
Tôi thích ở Việt Nam. Ở bên kia, cuộc sống tương đối đầy đủ nhưng vẫn cảm thấy trống trải, thiếu vắng.
____
Mặc dù năm 1992 được xem là thời điểm Việt Nam mới thực sự mở cửa, nhưng khó khăn còn bộn bề. Tại sao ông không duy trì công ty bên Mỹ để trong trường hợp việc làm ăn ở quê nhà gặp khó khăn, ông vẫn còn đường lùi…
Đấy vẫn là câu chuyện về sự cầu toàn. Tôi không muốn nửa vời. Sang nhượng công ty nghĩa là mình đã “chặt cầu”, tự dồn vào chân tường để buộc mình phải tiến lên. Còn khó khăn, đến giờ làm ăn ở Việt Nam vẫn khó. Tôi nghiệm ra rằng làm ăn ở Việt Nam nên chọn những ngành càng ít cạnh tranh càng tốt, để tránh tình trạng đua nhau hạ giá thành.
____
Bước tiến đầu tiên của ông là…
Tôi tham gia vào lĩnh vực dầu khí. Công việc đầu tiên là phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Vietsopetro… tổ chức một cuộc họp báo tại Mỹ, kêu gọi đầu tư vào Việt Nam.
____
Lúc đó Việt Nam vẫn đang bị cấm vận?
Mình phải làm trước. Năm 1994, khi xóa bỏ cấm vận, tôi nằm ở Hà Nội gần hai năm trời để đàm phán thành lập liên doanh PetroVietnam Golden, sau này đổi thành một cái tên chung chung cho dễ kiếm khách hàng, là Golden Group, hiện đóng trụ sở tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh, chuyên thu thập, lưu trữ và xử lý tín hiệu địa chấn. Thời điểm đó, xử lý địa chấn là một công nghệ Việt Nam chưa làm nổi. Trong quá trình làm cố vấn cho Golden Group, tôi có dịp tiếp xúc với khá nhiều lãnh đạo ngành dầu khí, bởi hầu hết đều đi ra từ cái “lò” này. Đầu năm 2000, anh Nguyễn Giao, Tổng Giám đốc Vietsopetro cho biết muốn có một con ROV và nhờ tôi giúp. Tôi thú thực rằng mình cũng chẳng biết gì về ngành này, nhưng thấy cũng lạ, nên bỏ công tìm hiểu. Hóa ra, ROV đã được sử dụng khá nhiều trong lĩnh vực quốc phòng và dầu khí. Khi biết Việt Nam có nhu cầu mua rô bốt lặn biển, nhiều công ty nước ngoài vào Việt Nam chào hàng. Nhưng muốn bán được hàng thì họ phải đào tạo người sử dụng ROV. Cũng giống như hãng Apple muốn bán máy tính thì phải tặng máy cho các trường tiểu học, để học sinh quen thuộc với hệ điều hành của máy, sau này lớn lên sẽ mua hàng của Apple. Kết quả là tôi được chọn. Người trực tiếp huấn luyện tôi là chủ tịch hai công ty chuyên sản xuất ROV là SeaEye và Hydrovision ở Anh, thông qua email và điện thoại.
____
Như vậy là ông chỉ học về lý thuyết?
Rô bốt lặn biển là một ngành khoa học mới. Khó nhất là vấn đề khái niệm. Đến bây giờ cũng chưa có từ điển về ROV. Để lý giải một thuật ngữ, có khi phải diễn giải tràng giang đại hải. Khái niệm là hệ thống, có nó rồi đi vào chi tiết rất nhanh. Nhiều anh em trước khi ra nước ngoài tu nghiệp về ROV đều ghé qua nhà tôi khoảng hai ngày, cùng nhau dợt qua những thuật ngữ, để ra nước ngoài có thể nắm bắt ngay bài giảng.
____
Nhưng lái ô tô còn phải học cả lý thuyết và thực hành, huống chi là điều khiển một con rô bốt dưới đáy biển?
Công việc của tôi là lắp ráp ROV. Còn điều khiển như thế nào là phần của người khác. Hiện nay ROV supervisor (cơ trưởng) đều là người nước ngoài, họ không trực tiếp điều khiển, mà xử lý thông tin, hướng dẫn cho các thành viên trong đội lái.
____
Nghe nói Hải Mã là doanh nghiệp được IMCA, Hội các Nhà thầu Đáy biển Quốc tế, chấp thuận cho cấp chứng chỉ đào tạo lái ROV?
Chúng tôi mời thầy nước ngoài về dạy. Học là một chuyện, nhưng để trở thành ROV Supervisor, phải dày dạn kinh nghiệm “chiến trường”, phải lao động thực sự. Tôi nghĩ rằng tối thiểu cũng phải năm năm nữa Hải Mã mới có ROV supervisor. Hiện Việt Nam có bốn ROV Supervisor đang làm việc ở Vietsopetro. Trong lòng biển, mỗi bước đi là một cạm bẫy. Khi thả ROV xuống biển, người ta điều khiển nó thông qua những tín hiệu được truyền về từ sợi dây cuống rún, nối với ROV. Thành ra, có vô vàn rủi ro xảy ra với dây cuống rún mà không thể lường trước. Chẳng hạn khi chui vào một xác tàu đắm để quay phim chụp hình, hay khảo sát một giàn khoan, dòng thủy lưu chảy xiết đẩy ROV cà vào những mảnh sắt nhọn. Khi lớp vỏ dây bị cứa đứt, sẽ gây chập điện, phát nổ vì ROV vận hành bằng điện thế 3.000V. Những dải san hô ngầm, sắc như dao, cũng là một rủi ro.
____
Đã khi nào ROV của Hải Mã gặp tai nạn nghề nghiệp?
Hai lần. Lần đầu tiên là bị dòng hải lưu đẩy sợi dây cuống rún lọt vào kẽ sắt của giàn khoan. Sợi dây nằm sau lưng ROV nên dù có hai cánh tay, ROV cũng không thể tự cứu mình, nằm cả tuần lễ dưới đáy biển. Chúng tôi phải dùng thợ lặn xuống gỡ ra bằng một thao tác đơn giản. Lần thứ hai là sợi dây truyền tín hiệu trong lõi dây cuống rún bị hư. Cũng may là cả hai tai nạn đều xảy ra khi công việc đã xong. Mỗi lần gặp sự cố là anh em mất ăn mất ngủ. Để phục vụ công tác khảo sát, giàn khoan phải tạm ngừng hoạt động. Chi phí vận hành một giàn khoan mỗi ngày khoảng 500.000 USD, nếu không hoàn thành nhiệm vụ theo đúng tiến độ là phải đền hợp đồng…
____
Được biết tất cả ROV của Hải Mã đều tự lắp ráp. Tại sao ông không nhập nguyên con như cách mà Vietsopetro và PTSC vẫn làm?
Đó là vì chi phí. Chi phí nhân công lắp ráp ROV khá lớn, mình là tư nhân, không thể chịu nổi. Trung bình, giá nhân công lắp ráp ở nước ngoài khoảng 1.700 USD/đầu người/ngày. Nhờ tự ráp, chúng tôi có thể cắt giảm khoảng 80% chi phí.
____
Vậy tại sao thay vì cho thuê, sau khi ráp xong, ông có thể bán lại, vừa lời hơn, vừa giảm thiểu rủi ro?
Ngành ROV có những quy định ngặt nghèo, cấm chuyển nhượng những cơ phận nhạy cảm trong ROV cho bên thứ ba sử dụng vào những mục đích khác. Thêm nữa, hãng sản xuất cũng không bán ROV cho người lạ. Lý do thứ nhất là để tránh tình trạng làm giá, ảnh hưởng đến uy tín của nhà sản xuất. Lý do thứ hai, quan trọng hơn, là liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng. Trong ROV có ba linh kiện mà những tổ chức khủng bố vô cùng thèm khát. Một là cánh tay, có thể sử dụng để thực hiện các thao tác trong lò phản ứng hạt nhân. Hai là chân vịt đặc biệt, giúp ROV di chuyển trong không gian ba chiều. Loại chân vịt này có thể sử dụng để đẩy ngư lôi nguyên tử với tốc độ cao mà không gây ra tiếng động. Thiết bị thứ ba được sử dụng để tính toán góc bay khi phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Vì có tính ứng dụng trong dân dụng và quốc phòng nên việc kiểm soát ROV rất chặt chẽ, các linh kiện đều được đánh số, và lịch sử mua bán đều được lưu trữ. Mới đây, khi tôi nhập một bộ khung ROV từ Anh, hàng đã trả tiền nhưng vẫn không được phép xuất bến vì chưa có chữ ký của bộ trưởng quốc phòng. Nhờ quan hệ với SeaEye, là một nhà thầu quốc phòng, đứng ra bảo lãnh, thì hãng vận tải mới được phép xuất bến. Thành ra, kinh doanh ROV vừa khó, vừa tế nhị.
____
Trên thế giới, công nghệ ROV đã tiến đến đâu, theo ông?
Ngành kinh doanh ROV chưa có chuẩn. Khi Vietsopetro mua con ROV đầu tiên năm 2000, ban lãnh đạo yêu cầu nhà cung cấp phải có chứng chỉ Lloyds, một tổ chức uy tín chuyên cung cấp chứng nhận về chất lượng. Bởi lẽ cái gì mình chưa biết thì cứ “nắm” đơn vị cấp chứng chỉ cho chắc ăn. Bên bán nói không có chứng chỉ mà phía mình không tin. Cho đến bây giờ cũng chưa có tổ chức nào cấp chứng chỉ. Còn trên thế giới, hiện cũng chưa có trường đại học nào đào tạo về ROV. Nói chung là ROV chưa có những chuẩn mực để so sánh.
____
Nói tiếp về câu chuyện nguồn nhân lực. Có thông tin rằng Hải Mả tuyển dụng khá nhiều thành viên ở các đội tham gia cuộc thi “Robocon” tổ chức hằng năm?
Phần lớn đều đến từ các trường khối kỹ thuật. Nhìn chung, khi mới vào các bạn nói nhiều hơn làm. Chúng tôi tập cho các bạn làm nhiều hơn nói. Sau năm năm, bây giờ các bạn có thể được xem là lành nghề, nhiều người còn ráp nhanh hơn tôi. Việc tuyển dụng một số thành viên từng tham gia các cuộc thi Robocon là có, nhưng không nhiều. Cuộc thi này tốt vì khơi dậy sự sáng tạo, nhưng dù sao vẫn là một trò chơi. Tôi rất ngại những người mang tâm lý “chơi” vào trong công việc. Chưa biết nghề thì có thể đào tạo, nhưng bản tính thì khó thay đổi. Tôi trân trọng những người có tinh thần kỷ luật và ham học hỏi.
Để biết một người có ham học hỏi hay không thì hãy tìm hiểu những điều mà họ không được dạy trong trường.
____
Làm sao qua một vòng phỏng vấn mà ông nhận ra đúng người mình cần?
Kinh nghiệm của tôi là không xem học bạ. Bởi hệ thống giáo dục của chúng ta đang đào tạo những người có nhiều điểm cao. Để biết một người có ham học hỏi hay không thì hãy tìm hiểu những điều mà họ không được dạy trong trường. Thí dụ, khi tuyển kỹ sư, tôi hỏi đi xe gì. Trả lời: “Xe Dream”. Hỏi tiếp: “Bánh sau bơm mấy ký?”. Phần lớn là ú ớ. Những câu hỏi xem ra rất vớ vẩn nhưng lại cho tôi thông tin chân xác hơn về phẩm chất của ứng viên. Tôi tin người giỏi luôn để ý những việc mình làm.
____
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.