Còn người chuyển giới từ nữ sang nam thì có phần “bình lặng” hơn. Trong số các FTM thì anh C. là trường hợp may mắn. Sau khi phẫu thuật từ nữ sang nam, anh đã có một gia đình hạnh phúc. Anh không muốn công khai quá khứ, hình ảnh vì “sẽ làm cuộc sống xáo trộn”, tuy nhiên anh sẵn lòng hỗ trợ những ai cùng cảnh ngộ, cần sự tư vấn, giúp đỡ. Quán cà phê của anh có không gian dành để chiếu phim cùng tư liệu, sách báo về giới tính thứ ba, thường tập trung nhiều bạn đồng tính nữ. Có lần bị công an kiểm tra và lập biên bản vì “kinh doanh không lành mạnh”, anh đã phải bỏ phòng chiếu phim. Và A. là một tấm gương về tinh thần nỗ lực làm việc để được sống là chính mình. “Anh” và bạn gái quen nhau khi cùng du học ở Singapore. Về nước, tình yêu của họ vẫn bền vững và hai người đã “góp gạo thổi chung”. A. đã mở công ty phần mềm, đang tích cóp để “giải phóng” hình hài, để đường hoàng sánh vai vợ chứ không muốn bị xem là một đôi đồng tính.
Các MTF biểu diễn thời trang trong cuộc thi Miss Angel
Phẫu thuật phải chịu đau đớn về thể xác nhưng người chuyển giới vẫn chấp nhận để được là chính mình, nhưng sau đó họ bị tổn thương hơn khi phải chịu sự bạo hành tinh thần. Là nghệ sĩ đã bị “săm soi” kỹ, là nghệ sĩ chuyển giới họ càng là tâm điểm của sự “chọc ngoáy” cay độc hơn. Không những thế, quyền công dân của người chuyển giới vẫn không được công nhận khiến họ lâm vào cảnh “há miệng mắc quai” khi không thể dùng giấy tờ để chứng minh thân phận của mình. “Bây giờ tôi đã là phụ nữ thực sự nhưng vẫn không sửa được giấy tờ cá nhân, điều đó ít nhiều cũng gây cho tôi khó khăn trong cuộc sống, cả chuyện kết hôn nữa” – trăn trở của Cindy cũng là băn khoăn chung của nhiều người chuyển giới cùng cảnh ngộ. Chính vì vậy mà có việc nghệ sĩ chuyển giới bay show hay đi du lịch nước ngoài thì không sao, nhưng từ TP.HCM đi Hà Nội thì phải ngồi tàu lửa hoặc xe khách chứ không thể mua vé máy bay!
Trăm kiểu bạo hành và rủi ro trong cuộc sống
Trong những người chuyển giới, nhóm MTF là nhóm bị tổn thương nghiêm trọng vì bị kỳ thị nhiều nhất. Vì với những chuẩn mực xã hội quy định về giới ở các nước Đông phương nói chung và Việt Nam nói riêng, nam giới và sự nam tính vẫn được đề cao. Thế nên dù là FTM thì “phụ nữ nam tính” có vẻ được xem là mạnh mẽ, dễ chấp nhận hơn là đàn ông nữ tính, ẻo lả, yếu đuối. Riêng việc không muốn dùng cái tên khai sinh của nam và tự đặt những cái tên “mỹ miều” cho mình đã làm cho nhiều người thấy “dị hợm”. Ái My, “cô gái” 19 tuổi kể, em là con út trong gia đình có đến chín anh chị em, ai cũng bình thường, chỉ có em là “không giống ai”. Ngay từ nhỏ em đã nghĩ mình là nữ, đi học đã bị bạn bè trêu chọc, cố gắng lắm em chỉ học đến lớp sáu thì nghỉ học cũng vì đánh nhau với bạn. Đến tuổi dậy thì thì nữ tính của My ngày càng “lộ” ra, gia đình la rầy, bắt My làm những việc của đàn ông như phụ hồ, giữ xe… nhưng chỉ được vài hôm là My bỏ, phần vì không thích, phần vì không làm nổi việc nặng nhọc. My nói với mẹ: “Mẹ đã mất đứa con trai rồi, giờ mẹ hãy chấp nhận con là con gái, con không thể sống khác được”. Sau cái tặc lưỡi của mẹ, My đi học làm tóc, được thầy khen là có năng khiếu. Dù chăm học nghề cho đến khi thành thợ rồi, vậy mà khách đến tiệm có người bày tỏ sự kỳ thị ra mặt, yêu cầu chủ tiệm không cho pê đê làm. “Ban đầu buồn, em khóc nhiều lắm nhưng giờ quen rồi. Em chỉ cần biết em được sống là chính mình là đủ rồi, em không quan tâm người ta nghĩ về mình như thế nào nữa” – giọng trầm khàn, My nói. Khác với Ái My, Junny nhỏ nhắn, mảnh khảnh, da mặt mịn màng với mắt to tròn, sống mũi cao khá xinh xắn, giọng nói cũng thanh hơn nhưng số phận cũng chẳng khác. Từ nhỏ Junny đã phải ăn đòn từ cha vì “tội” nữ tính khiến em càng sống rụt rè, khép kín. Càng lớn, Junny đối mặt không chỉ là sự trêu chọc mà nhiều lần vô cớ bị “đánh hội đồng”. Năm lớp mười có lần bị cả nhóm kéo “thằng bóng” vào nhà vệ sinh đánh. Sự việc đến tai giáo viên, Junny trình bày với ban giám hiệu trường nhưng không được giải quyết, sau đó em còn bị đánh nhiều hơn vị tội “dám méc thầy”. Chán nản, Junny bỏ học, có khi bỏ nhà đi lang thang, cắm quán net hay vạ vật ngoài đường ba mẹ cũng không hay. “Ai biểu mày không nghe lời, giờ muốn sống sao thì tùy” là phán quyết mà mẹ đưa ra. “Em từng đi xin nhiều việc ở nhiều nơi như bán hàng, phụ bán quán cơm nhưng không ai nhận. Giờ em làm “tự do” – biết là không có tương lai nhưng đến đâu hay đến đó thôi” – “cô gái” 18 tuổi nói.