Xe điện đang trở thành một phương tiện giao thông phổ biến và quan trọng trên thế giới, khi môi trường bị lượng khí thải từ xe xăng cùng các phương tiện lưu thông khác làm ô nhiễm trầm trọng. Tiện lợi cho môi trường, tiết kiệm về năng lượng, cộng hưởng tích cực với sự thay đổi ngày càng rõ rệt của con người lấy Xanh hóa làm xu hướng sống cần hướng tới.
Có xe thì phải có trạm sạc, như cơ thể sống thì phải có máu. Thế giới làm chuyện này dễ như ở Việt Nam làm… trạm xăng. Tại Nhật Bản, chính quyền đã tiến hành xây dựng các trạm sạc điện tại khu dân cư, đưa ra qui định mang tính bắt buộc để tránh tình trạng “bắt trâu cày nhịn đói”. Thủ đô Tokyo là một ví dụ, người ta hy vọng năm 2024 có thêm 3.100 bộ sạc, khi tất cả các tòa chung cư mới đều bắt buộc phải trang bị số bộ sạc tương đương thấp là 20% chỗ đậu xe đến 2025. Nhà nước đứng ra hỗ trợ việc này, với gói hỗ trợ đến 29 triệu USD. Điều này không khó hiểu, khi các hãng xe hàng đầu thế giới mang thương hiệu Japan đua nhau sản xuất xe điện, thì nó được sự hoan nghênh từ chính phủ. Động thái trên của giới chức Tokyo cho thấy sự chia sẻ lợi ích từ xe điện và môi trường, xuất phát từ chiến lược quản lý của nhà nước, không đứng ngoài lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tại Australia, sự quan tâm này cũng không kém. Ưu tiên trạm sạc trên các tuyến đường, khu chung cư, các khu vực đô thị với số tiền bỏ ra để đầu tư 260 triệu USD, với lời đảm bảo từ chính quyền, rằng mọi căn hộ đều sẽ cần thiết bị sạc xe điện.
Đưa ra qui định mang tính bắt buộc khi tiến hành xây dựng các chung cư, lập qui hoạch khu cư, bãi đỗ xe, mới là cần phải có các địa điểm sạc điện, cũng đã có ở Anh, Mỹ, Đức. Người ta đưa hẳn vào trong luật, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân sử dụng và thiết lập điểm sạc, nhất là nơi đông đúc như trung tâm mua sắm, công động, đường phố. Ví dụ bang California, Bộ luật dân sự của California đã cho phép lắp đặt bộ sạc “trong căn hộ của chủ sở hữu hoặc trong một bãi đỗ xe hay khu vực chung”.
Điều đó cho thấy, rằng sẽ không lạ khi ngành công nghiệp xe điện các nước có lí do mạnh thêm lên, khi người dân yên tâm là sẽ không mất điện khi vận hành xe. Nó càng không lạ, khi đặt trong tư duy quản trị của họ, bởi ở nước ngoài, người ta làm chính sách là để đón đầu xu hướng; chính sách đó đặt lợi ích đám đông lên trên hết. Nó sẽ được điều chỉnh nếu thấy bất cập, và sự điều chỉnh diễn ra nhanh, nằm trong khung pháp lý mềm dẻo ở chỗ: mọi thứ là hàng hóa, thì người sử dụng phải thấy thoải mái, tiện ích, và được bảo vệ. Sẽ không cho phép ai làm ngược điều đó, bởi nó được luật hóa.
Còn ở Việt Nam thì sao? Doanh nghiệp làm xe điện, đồng nghĩa họ phải làm trạm sạc. Nhưng khi làm thì họ ngơ ngác, bởi qui định pháp luật về việc này chưa có. Mỗi người đá một sân, ví dụ điện lực làm hạ tầng lưới điện thì đó là việc “ trên trời” của họ, trạm sạc ở “hạ giới” có đồng bộ hay không, không liên quan. Đi xin mở trạm sạc thì nơi cho nơi không, chưa nói bị sức ép của cộng đồng khu dân cư vì họ sợ cháy nổ. Tất nhiên có thêm vấn đề là xe hơi, xe máy, xe đạp điện ở Việt Nam hiện nay còn rất thấp, người ta vẫn duy trì thói quen chính là sử dụng xe xăng. Việt Nam hiện chưa có hạ tầng trạm sạc đi kèm tiêu chuẩn ra sao, chưa có nhà cung cấp trạm sạc khi thế giới có nhiều dòng xe điện khác nhau với những tiêu chuẩn khác nhau của trạm sạc.
Chính lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã từng cho rằng việc phát triển các trạm sạc là thách thức không nhỏ. Cái này mới đây đã được minh họa bằng vụ cháy hầm để xe ở chung cư tại Hà Nội, liền sau đó người ta đòi không cho sạc điện ở đó. Dư luận phản ứng tức thì, thế là yêu cầu trên bị bãi bỏ.
Cách đây 5 năm, khi xe điện như bắt đầu sôi lên xu hướng dùng, một doanh nghiệp trong ngành ô tô đã nói: Cả nước quanh năm thiếu điện, cho nên chuyện cho ra đời trạm sạc, là còn mơ dài! Đó cũng là lý do, nhưng rõ ràng nhà nước quá chậm trễ trong chính sách, cứ hô hào phát triển công nghiệp xanh, giao thông xanh, nhưng để nó không héo thì không thèm để ý cho nó uống nước hoặc chỉ đường cho nó tìm nước. Còn các doanh nghiệp xây dựng, họ sẽ viện đủ lí do để phớt lờ trạm sạc. Đừng mong doanh nghiệp xung phong chia sẻ lợi ích, nếu chính phủ còn chậm đưa ra những ràng buộc pháp lý.
Một khi cái gì đó trở thành xu hướng chính, dòng chủ lưu mà cộng đồng phải hướng tới, thì đó rõ ràng nó đã là một bộ phận không thể tách rời, mà đã vậy phải mở hành lang cho nó chuyển động tự tin, an toàn và thoải mái. Điều này với Việt Nam xem ra hơi khó, bởi thói quen quản không được là cấm, đã ăn sâu trong máu nhà quản lý; hoặc làm lưng chừng, bất cập, đúng-sai khó phân minh. Điều này cũng không khó hiểu, chưa từng ai bị cách chức khi chậm ban hành luật hoặc làm ra luật mà sai… Tên gọi của những điều này chính là Trách Nhiệm.