Junny và Ái My đến văn phòng ICS
“Những người như tụi em đã bị áp lực quá lớn từ gia đình, khi ra xã hội thì ngay cả những người ít học cũng không chấp nhận tụi em. Tụi em cảm thấy bị cô lập, chỉ có thể chơi chung một nhóm là những người giống mình mới có thể thông cảm cho nhau. Nếu như có một điều ước, em ước sẽ được mọi người chấp nhận, đừng nhìn tụi em với ánh mắt miệt thị như thể tụi em không phải là những con người” (MTF, 22 tuổi, Hà Nội). Có lẽ vì thế mà cuộc sống của những MTF như Ái My, Junny… chỉ bắt đầu khi đêm xuống, khi đó không ai để ý thì họ mới có cảm giác được yên ổn. Nhóm của My đều còn trẻ, khoảng 25 tuổi đổ lại, làm đủ nghề từ làm móng tay, trang điểm, làm tóc, phụ quán ăn, quán nhậu, cà phê… “Trong phút trải lòng, My nói: “Giải trí của tụi em chỉ là gặp nhau tâm sự, có tiền thì đi mua sắm. Ai không hiểu nên trách tụi em là phá làng xóm, thật ra tụi em biết thân phận mình nên chẳng dám “manh động” để bị “tóm” đâu. Việc hát đám ma một phần là để mưu sinh, một phần là để tụi em được thể hiện con người thật của mình, chứ tụi em có chỗ nào khác để được sống đúng là mình mà không bị dòm ngó, cấm cản đâu”. “Vậy mà có lần chỉ vì đi ăn khuya, tụi em bị công an bắt và nhốt trên phường, thậm chí bị đánh nữa. Em hỏi em bị tội gì, họ nói tụi em làm ô uế xã hội” – Junny kể lại trong nỗi sợ sệt.
Hương Giang – thí sinh cuộc thi Vietnam Idol 2012. Với vẻ đẹp nữ tính, cô được nhiều người ủng hộ
Xúc phạm qua cách gọi bằng những từ miệt thị cũng là cách bạo hành tinh thần phổ biến với người chuyển giới. “Gặp ngoài đường người ta gọi thẳng vào mặt em là thằng pê đê, con này xăng pha nhớt, ái nam ái nữ, thôi thì đủ thứ tên gọi, nhiều lắm, em không muốn nghe cũng phải nghe. Nếu được gọi là transgender chắc em cũng vui lắm” (MTF, 22 tuổi, Hà Nội). “Bị người ta kêu mình là “bóng chó” em ức lắm. Không ai muốn mình như vậy cả, có phải em tự lựa chọn cho mình như thế đâu mà tại sao người ta lại đối xử với em như vậy”.
Sự thiếu thông tin và thái độ thiếu cảm thông ở các cơ sở y tế cũng làm cho người chuyển giới MTF đối mặt với sự rủi ro cao về sức khỏe và các bệnh lây qua đường tình dục. Chị Đinh Hồng Hạnh, nhân viên ICS kể, có người MTF bị bệnh, người nhà phải đưa đi cấp cứu, khi tỉnh lại thấy nhân viên y tế đang chỉ trỏ, bàn tán về mình chứ không chăm sóc như những bệnh nhân khác, chị ấy đã bỏ về và tự nhủ không bao giờ đi bệnh viện nữa. Những chuyện như thế rất phổ biến chứ không là cá biệt.
Rào cản pháp lý và những mong muốn cho người chuyển giới
Đến thời điểm này, chỉ có cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm là người chuyển giới đầu tiên được công nhận lại giới tính. Vì pháp luật quy định, chỉ “cho phép phẫu thuật với người có khiếm khuyết bẩm sinh về giới tính”, và “nghiêm cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính với người đã hoàn thiện về giới tính”. Quy định này mở ra cơ hội cho những người liên giới tính có thể phẫu thuật xác định lại giới tính, nhưng đồng thời đóng lại cơ hội cho những người chuyển giới được phẫu thuật thành giới tính mong muốn của mình. Lại một bất cập thử thách sự kiên nhẫn cho những người chuyển giới muốn sống theo pháp luật.
Tại hội thảo “Khát vọng được là chính mình” do iSEE tổ chức 8-2012, Cát Thy (MTF, 22 tuổi, Q.8, TP.HCM) phát biểu “Em muốn được phẫu thuật để sống một giờ thôi em cũng chịu, chỉ cần chết trong thân xác một người phụ nữ”. Bên trái là Aki Trần (FTM, 21 tuổi, Q. Gò vấp, TP.HCM), đang là sinh viên một trường đại học tại TP.HCM