Theo kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường iSEE, người chuyển giới thường trải qua quá trình bối rối trong việc nhận diện bản dạng giới của chính mình cũng như đối mặt với những quyết định chuyển đổi khó khăn liên quan đến sử dụng hormone, phẫu thuật và công khai thể hiện giới. Sự trỗi dậy của bản dạng giới và nhu cầu thể hiện giới khác với giới tính sinh học được bộc lộ ngay từ thời thơ ấu. Đây là những dòng tâm sự do chính các bạn viết vào sổ nhật ký của ICS: “Từ năm học lớp ba, lớp bốn em chỉ thích chơi với con gái, chơi búp bê, nhảy dây, may đồ… Hồi đó em đã biết bản thân mình là gì rồi nhưng đến lớp năm, lớp sáu mới lộ bản thân ra” (MTF, 19 tuổi, TP.HCM). Một MTF khác đã ngoài năm mươi tuổi kể: “Bốn, năm tuổi, mình đã thích mặc đồ con gái, thích chơi trò con gái nhưng ba mẹ nghĩ lúc nhỏ như vậy, lớn lên sẽ hết. Con người mình vậy rồi, làm sao có thể sống khác nhưng ba mẹ không hiểu cho, cố bắt mình phải nam tính, mạnh mẽ”.
Đến tuổi dậy thì, khi có những cảm xúc tính dục ban đầu thì người chuyển giới cảm nhận rõ hơn. Dù phải nhớ lại những cảm xúc đã trải qua khá lâu, các bạn vẫn không quên vì đó là cảm xúc đầu đời. Đây là tâm sự của một bạn nữ (FTM, 24 tuổi, Hà Nội): “Lớp tám em bắt đầu có cảm giác thích và muốn bày tỏ tình cảm với người ta. Nhưng thời gian đấy em vẫn sợ các bạn nghĩ là tại sao mình khác người rồi nói này nói kia. Em cũng sợ nói ra các bạn không chơi với mình nữa nên cứ để trong lòng”. Một MTF khác 18 tuổi, ở TP.HCM thì tiết lộ: “Em có thằng bạn học chung từ lớp sáu, nó đẹp trai lắm, em rất thích chơi với nó. Năm lớp tám thì em yêu nó. Có hôm bị nó bắt gặp em đang nhìn nó, nó lớn tiếng “Làm gì nhìn tao dữ vậy”. Từ đó em không dám thổ lộ với nó nữa”.
Để là chính mình: hành trình đau đớn vẫn không trọn vẹn
Những người thuộc giới tính thứ ba là người kém may mắn, chịu nhiều thiệt thòi. Dù mong muốn được sống đúng với giới tính thật của mình, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để thực hiện. Dưới sức ép của gia đình, xã hội, hầu như tất cả người chuyển giới đều phải trải qua sự trầm cảm về giới. Đó là cảm giác băn khoăn, lo lắng, khổ sở khi biết giới tính thật của mình nhưng phải ép mình sống theo chuẩn mực của giới tính sinh học. Vì vậy, phẫu thuật để “tìm lại chính mình” là một quyết định dũng cảm, nhưng họ cũng phải trải qua những dằn vặt, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần.
Nếu đúng quy trình, một người chuyển đổi giới tính cần được thực hiện tuần tự tất cả các bước gồm: trao đổi với bác sĩ tư vấn tâm lý để xác định giới tính thật, thể hiện mong muốn được chuyển giới. Bắt đầu quá trình chuyển giới bằng việc dùng liệu pháp hormone trong vài năm để có những thay đổi về cơ thể. Sau đó đến giai đoạn phẫu thuật chuyển giới, nếu muốn làm đẹp thì đồng thời phải phẫu thuật thẩm mỹ cả khuôn mặt. Ở nước ta pháp luật chưa công nhận và cho phép người chuyển giới được thực hiện chuyển đổi giới tính nên họ thường phải tự tìm kiếm thông tin và chỉ làm một số bước cơ bản để có được cơ thể mong muốn. Số ít người có điều kiện thì chọn cách ra nước ngoài làm phẫu thuật, còn phần lớn tự dùng liệu pháp hormone, tiêm “chui” silicon… dù họ thừa biết, việc tự điều trị chuyển đổi bằng hormone trôi nổi trên thị trường có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, còn tiêm silicon cho người MTF có thể gây chết người.
Ái My tạo dáng bên lá cờ cầu vồng – biểu tượng của cộng đồng LGBT
Nói đến công nghệ phẫu thuật chuyển giới không thể không nhắc đến Thái Lan – điểm đến mơ ước của hầu hết người chuyển giới Việt Nam. Và khâu quảng bá “đặc sản” Tiffany’s show tại Pattaya khiến du khách nào có dịp xem màn trình diễn đẹp mắt của những người chuyển giới từ nam sang nữ đều nghĩ rằng người chuyển giới sẽ rất đẹp! Thật ra dung mạo mới sau khi phẫu thuật hoàn toàn phụ thuộc vào đặc điểm hình thể trước đó của người chuyển giới. Nếu may mắn người chuyển từ nam sang nữ mà có gương mặt ít góc cạnh, vóc dáng thanh mảnh, khung xương nhỏ… thì khi phẫu thuật, hình thể bên ngoài sẽ giống với nữ và sẽ đẹp. Còn nếu là người “vai u thịt bắp”, giọng nói trầm… thì dù có phẫu thuật, vẫn phải chịu cảnh “kiếp con gái, thân con trai!”.
Người chuyển giới: phải chấp nhận sống trên dư luận
Tiên phong trong những người phẫu thuật chuyển giới và công khai có lẽ là những người thuộc giới nghệ sĩ. Dù không nhiều nhưng họ khá “nổi tiếng” do dư luận tò mò. Di Yến Quỳnh – Cát Tuyền – Cindy Thái Tài là những tên tuổi đầu tiên mạnh dạn vượt qua mọi rào cản về định kiến, kỳ thị của xã hội để phẫu thuật chuyển giới. Hiện Cát Tuyền và Di Yến Quỳnh đã sống ở nước ngoài, còn Cindy Thái Tài vẫn ở TP.HCM. Vừa ca hát vừa là chuyên viên trang điểm, Cindy sống cởi mở, chị không ngần ngại xuất hiện nhiều lần trên báo để chia sẻ câu chuyện đời mình với nhiều cung bậc. Chị cũng là một trong những nghệ sĩ tham gia tích cực vào những hoạt động giành quyền bình đẳng giới ở Việt Nam. Các nghệ sĩ đàn em như Ái Xuân, Lê Duy, nhà thiết kế Franky Nguyễn, Hương Giang (thí sinh Vietnam Idol 2012)… cũng gây ít nhiều ồn ào khi trở về giới tính thật của mình.
Mới đây, nghệ sĩ chuyển giới được dư luận quan tâm là Lâm Chí Khanh. Sau thời gian vắng bóng sân khấu, chàng ca sĩ Lâm Chí Khanh ngày nào trở lại trong hình dáng phụ nữ xinh đẹp, gợi cảm với nghệ danh là Khanh Chi Lâm. Ngay khi phẫu thuật thành công, chị đã gửi qua truyền thông tâm sự: “Tôi không có tham vọng chuyển giới để thu hút sự chú ý, để được nổi tiếng hơn. Tôi chỉ mong được sống đúng với giới tính thật của mình, thậm chí tôi sẵn sàng xa rời ánh đèn của showbiz, chỉ muốn lấy chồng và chăm sóc những đứa con”.
Nhóm bạn MTF (từ trái sang) gồm Bảo Nghi, Bảo Vy, Cát Thy, Ái My, Junny và Bảo Hòa