“Thành phố của bạn có còn giữ được các làng nghề? Du khách đến đấy mua những sản phẩm thủ công địa phương nào?” – đó là câu hỏi khá bất ngờ cho tôi sau bài thuyết trình về lịch sử Sài Gòn-TP.HCM tại Đại học South Australia (Úc) vào ngày 12.8 vừa qua. Người hỏi là TS. Julie Collins thuộc Bảo tàng Kiến trúc của trường.
Bà Julie hỏi như thế khi nghe tôi kể từ thế kỷ XVIII, Sài Gòn là tập hợp của hơn 40 ngôi làng nông nghiệp và thủ công quanh tòa thành Gia Định cùng khu thương mại Chợ Lớn. Trong khi ấy, một câu hỏi “lạ” khác đến từ TS. Grant Hall, giảng viên quy hoạch: “Sài Gòn còn nhiều cây xanh không? Có luật lệ nào quy định về việc giữ cảnh quan và kiến trúc xưa khi xây dựng những công trình mới?”.
Qua các dịp tiếp xúc với giới học thuật xa gần, tôi nhận ra ngày càng có nhiều người đang hành động thực tế và phong phú để giữ gìn và làm gia tăng lợi ích của di sản cho toàn xã hội.
Di sản còn là nghề và người
Khi bà Julie hỏi về các làng nghề thủ công của Sài Gòn, tôi nhớ ngay đến tên những con xóm Sài Gòn vào thế kỷ XVIII đã được Petrus Trương Vĩnh Ký ghi lại. Đó là các xóm Hàng Đinh, Thợ Rèn, Buồm Đệm, Lụa, Lá Buông, Xay Bột, Lò Vôi… và một loạt chợ lớn nhỏ với nhiều cái tên mộc mạc như Cầu Kho, Cây Da Còm… Tôi thưa với các bạn Úc, rất tiếc hầu như tất cả những phố phường thủ công và thương mại ấy đã biến mất trong binh lửa và từng đợt đô thị hóa như vũ bão suốt hai thế kỷ trước. Thương tiếc hơn nữa, đến nay vẫn không có một bảng lưu niệm dấu tích nào cho các ngôi làng và chợ xưa thuở Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn sinh sôi.
Điểm lại, TP.HCM chỉ còn lác đác một vài làng nghề liên quan nông nghiệp đang hoạt động. Như ở Củ Chi có làng làm bánh tráng (Phú Hòa Đông), làng đan lát (Thái Mỹ), làng mành trúc (Tân Thông Hội)… Hay làng xe nhang (Bình Chánh); làng muối và làm tôm cá khô (Cần Giờ)… Trong khi ấy, làng gốm Sài Gòn từng một thời lừng lẫy với danh tiếng gốm Cây Mai hiện tại chỉ còn là di vật trong bảo tàng hay hình ảnh trên sách vở.
Một mất mát lớn, lò gốm Hưng Lợi ở quận 8 – di tích được xếp hạng quốc gia, đã tan tành thành mây khói vào năm 2019. Quả thật, giống như nhiều tỉnh thành khác, các làng nghề truyền thống địa phương ở TP.HCM nếu không được nuôi dưỡng và tiếp sức sẽ âm thầm ra đi, nhường bước cho phố xá tân kỳ.
Tuy nhiên, phải chăng nếu các làng nghề biến mất thì càng phải giữ các “nhà nghề”? Tôi mong các tỉnh thành Việt Nam vẫn có thể kiếm được những gia đình thợ may, thợ dệt, thợ đóng giày, thợ đóng sách, thợ cưa lộng hay thợ sửa đồng hồ và các nghề có dấu ấn độc đáo của địa phương để tìm cách hỗ trợ giữ lại nghề xưa. Trong ký ức người Sài Gòn trên 50 tuổi hẳn không quên những tiệm thuốc bắc, tiệm làm trống, tiệm làm đờn, tiệm đóng guốc, hoặc tiệm giặt ủi “hấp – tẩy – nỉ – sẹc”, có thể còn ẩn khuất đây đó.
Mới đây, ông cụ Dương Văn Ngộ, người viết thư thuê ở bưu điện Sài Gòn – nổi tiếng khắp thế giới, vừa qua đời ở tuổi 94. Có lẽ đấy chính là sự kiện rung tiếng chuông báo động đã đến lúc, nghề xưa đi liền với người xưa sẽ đồng loạt giã từ nhanh chóng đời sống công nghiệp hiện đại. Và cộng đồng cư dân đô thị hay nông thôn đương thời không thể cứ khoanh tay lặng yên nuối tiếc!
Cứu giữ và tôn vinh nghề xưa bằng nhiều phương cách
Ngẫm xem, những ngành nghề và đời người vàng son ấy đều là một phần quan trọng của cả di sản vật thể và di sản phi vật thể. Chúng ta vẫn có nhiều cách nâng niu ký ức về sinh hoạt ngành nghề chứ không chỉ các cảnh quan và kiến trúc hay đẹp của quá khứ.
Trước nhất, nhà nước và xã hội có thể khuyến khích thế hệ trước trao truyền bí quyết “gia truyền” nghề nghiệp cho thế hệ sau. Đồng thời đưa việc tham quan các gia đình có nghề xưa tiêu biểu vào các tour du lịch, hướng dẫn và trợ giúp các gia đình này cùng làm du lịch văn hóa. Thông qua chương trình giáo dục lịch sử địa phương, nhà trường cần đưa các bạn trẻ đi thăm các làng nghề và “nhà nghề”.
Mặt khác, nhà nước và các hội đoàn nghề nghiệp không thể không chung tay gìn giữ dấu tích nghề xưa – cũng chính là dấu tích tổ tiên, trong các nhà lưu niệm hay bảo tàng và các hình thức truyền thông trực quan sinh động. Chứ không chỉ qua hình thức thờ cúng giỗ ông tổ ngành nghề như bấy lâu.
Đã đến lúc, nghề xưa đi liền với người xưa sẽ đồng loạt giã từ nhanh chóng đời sống công nghiệp hiện đại. Và cộng đồng cư dân đô thị hay nông thôn đương thời không thể cứ khoanh tay lặng yên nuối tiếc!
Tại Adelaide – thủ phủ của bang South Australia có ngôi chợ trung tâm vừa kỷ niệm 150 năm thành lập. Từ nhiều năm nay, khách đến các quầy hàng và cửa hàng đều thấy những hình ảnh được phóng to về quang cảnh chợ và những chủ hàng “vang bóng một thời”. Cách không xa chợ, ở phố đi bộ Rundle, có tòa nhà cổ Arcade tuyệt đẹp – một dạng thương xá có hành lang dài thông ra nhiều con đường như thương xá Eden ngày trước. Thật ngạc nhiên, trên tầng hai thương xá có hẳn một bảo tàng trưng bày nhiều hình ảnh và hiện vật tái hiện chi tiết sinh hoạt thương mại và hàng hóa sản xuất từ thế kỷ XIX.
Tương tự, ngôi chợ cổ Victoria – tiêu điểm du lịch không thể bỏ qua của đại đô thị Melbourne cũng luôn trưng bày hình ảnh chợ xưa đi với chợ nay. Nguồn khách và nguồn doanh thu lớn lao của hai ngôi chợ đều có yếu tố đóng góp không nhỏ của di sản và cách giữ gìn di sản như trên. Sang năm, chợ Bến Thành sẽ kỷ niệm 110 năm, rất cần có những hình thức nhắc nhớ lịch sử tương tự để càng tăng thêm sự hấp dẫn của một ngôi chợ đã và đang là biểu tượng của một đô thành giao thương lớn lao.
Tại Melbourne, gần đây tôi còn được xem một triển lãm thường trực rất thú vị mang tên Lost Jobs: The Changing World of Work (Những ngành nghề đã mất: Thế giới việc làm đang thay đổi). Trong đó, ngoài những ngành nghề thủ công, người Úc còn vinh danh những nghề và người đi châm đèn cho các cột đèn công cộng hay điện thoại viên cổ điển. Nơi triển lãm là tòa nhà xưa của kho bạc thành phố, nay chuyển thành bảo tàng nhiều sinh hoạt của đô thị. Đến xem triển lãm này, tôi thầm mong nhiều ngành nghề thủ công hay không thủ công ở Việt Nam, vốn đã nảy nở và gắn bó với từng địa phương, sẽ không bị hóa kiếp thành “Lost Jobs” nhanh chóng. Và nếu chúng có phải ra đi vì nhiều lý do thì vẫn còn hiện diện ở các địa chỉ đón nhận người xem và du khách đương đại.
Di sản còn là “nước” và “cây”
Tại Hội thảo quốc tế “Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị lịch sử trong bối cảnh mới” diễn ra tại Đà Nẵng ngày 18.8, tôi chú ý thấy có hai báo cáo đều về “nước”. Một báo cáo của GS. Yoh Sasaki – Đại học Waseda cho biết họ có dự án khôi phục cảnh quan và sinh hoạt bên những con rạch nhỏ chạy qua các xóm nhà xưa.
Bà giáo sư đưa ra những bức ảnh đầu thế kỷ XX cho thấy Tokyo có rất nhiều nơi vẫn còn dùng nước sinh hoạt ở những con rạch uốn lượn qua các xóm nhà. Người dân không chỉ ra rạch lấy nước mà còn đem rau quả ra rửa và giặt giũ quần áo như cảnh bến nước, giếng khơi ở các làng mạc Việt Nam thời xưa. Ngày ấy, làn nước còn trong lành, sinh hoạt “tình làng nghĩa xóm” qua đấy càng thắm thiết. Giờ đây, khi Tokyo là đô thị chen chúc nhà cao tầng thì những xóm nhà nhỏ cùng những con rạch chưa bị lấp lại đang trở thành “hàng hiếm”. Và qua khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy nhiều người già và cả người trẻ đều thương nhớ, muốn khôi phục lại cảnh tượng êm đềm, đầm ấm đã xa vắng.
Thế là nhóm nghiên cứu trở thành nhóm hành động. Họ có thêm nhiều tình nguyện viên cùng đi vận động người dân và chính quyền địa phương làm sạch những con rạch nhỏ, chỉnh trang cảnh quan hai bên dòng nước. Không những thế, họ còn phát động thi thiết kế các bậc thềm bên bờ rạch, làm lại những bến nước nho nhỏ đầy tính nghệ thuật. Họ phát hành các sổ tay, bản tin, poster để động viên mọi người cùng yêu và giữ “nước”; đồng thời tổ chức những sinh hoạt cộng đồng chung quanh bến nước đã tân trang. Bà Yoh gọi “nước” là một thành phần cơ sở hạ tầng không thể thiếu cho phát triển bền vững!
Trong khi ấy, một báo cáo của TS. Trần Mai Anh – Đại học Kiến trúc TP.HCM, lại đề cập đến hệ thống sông rạch lan tỏa rộng khắp ở cả ba miền Việt Nam. Trong đó, riêng đồng bằng sông Cửu Long, sông-rạch và kinh đào là yếu tố thiên nhiên đi cùng nhân tạo làm nên chân dung trù phú về cả kinh tế và văn hóa. Hệ thống “nước” quý giá ấy hợp cùng rừng núi, biển xanh, ruộng đồng và đô thị làm nên tổng thể di sản khăng khít với nhau, không thể tách rời.
Nhiều báo cáo khác của Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Đài Loan, Hồng Kông và Macau đều nói đến các dự án giữ và phát triển rừng cùng công viên, cây xanh. Họ đưa ra nhiều cách tính toán sử dụng công nghệ hiện đại và tổng lực xã hội để tái thiết kế, tái lập sự hài hòa giữa thành phố cùng các khu công nghiệp với nông thôn cũng như thiên nhiên còn sót lại. Qua đó, các dự án tham gia thực hiện nhiệm vụ khẩn thiết đẩy nhanh việc loại trừ khí thải carbon để nhân loại sống còn trong “cơn hồng thủy” biến đổi khí hậu.
GS. Yen Jong Chen (Đài Loan) khi trình bày về kinh nghiệm gìn giữ và phát huy di sản tổng thể của thành phố Đài Nam – đô thị gốc của lãnh thổ này, cho rằng có ba cách tiếp cận cần tiến hành cùng lúc. Đó là về xây dựng, cần tôn tạo các ngôi nhà cổ và chỉnh trang quy hoạch. Còn về kinh tế, phải chỉ ra nguồn lợi và cách sinh lợi của di sản. Đồng thời tiếp cận về văn hóa, hình thành ứng xử văn minh với những gia sản hay đẹp của các thế hệ trước. Quan điểm và kinh nghiệm này quý lắm.
Tôi tin rằng với “ba mũi giáp công” ấy, cả thế giới chứ không riêng Việt Nam phải “win-win” – cùng thắng trong cuộc chiến cứu giữ di sản và bồi đắp nhân văn. Qua đấy, cùng đẩy lùi, ngăn chặn các thế lực kim tiền và những sai lầm trong quản trị đời sống hiện hữu – đã, đang làm vẩn đục môi trường sống ngày càng teo tóp của nhân loại.
- Xem thêm: Hồn gốm Phước Tích