Nicolas Leymonerie, một thầy giáo người Pháp yêu mến Đà Lạt như chính quê hương mình, mới đây trong bài trả lời phỏng vấn trên đài BBC đã bày tỏ niềm luyến tiếc thành phố đẹp như mơ mà nay đã mất đi quá nhiều hương sắc, nguyên nhân do chính con người gây ra.
Mười bảy năm sống cùng vợ là một người Việt, ông thấm đậm tình cảm và nhìn sự đổi thay của Đà Lạt dưới hai góc độ cảnh quan và đời sống của người dân vì như ông nói: tôi là một người Việt Nam và cũng là một người nước ngoài. Thật ra, suy nghĩ của ông không khác chúng ta bao nhiêu và nhận xét của ông cũng chỉ là sự thay đổi của 17 năm qua. Nhưng vấn đề là ba chục năm nay Đà Lạt chúng ta đã bắt đầu biến dạng.
Theo số liệu trước đây, năm 1893 Đà Lạt được bác sĩ Alexandre Yersin phát hiện. Đến năm 1916, hai kiến trúc sư người Pháp là Ernest Hébrard và Jacques Lagisquet xây dựng đề án quy hoạch mang ý tưởng “thành phố trong cỏ cây và cỏ cây trong thành phố”. Khi ấy Đà Lạt chỉ có 2.500 người, được quy hoạch diện tích 30.000 hec-ta, đáp ứng 30.000 – 50.000 dân. Bảy chục năm sau, Đà Lạt mở rộng lên đến 39.000 hecta, dân số khoảng 240.000 người, gấp hơn 5 lần so với định hướng quy hoạch ban đầu.
Cùng với số lượng dân cư tăng đột biến, thành phố sương mù của chúng ta còn là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch. Không gian dành cho nhà ở, biệt thự, khách sạn mọc lên quanh phố, ven đồi, kéo giảm diện tích rừng xuống nhanh chóng. Tỷ lệ che phủ rừng giảm từ 69% năm 1997 còn 51% năm 2020. Riêng rừng thông nội ô giảm từ 350 hec-ta xuống còn 150 hec-ta năm 2018, nghĩa là mất quá nửa diện tích trong hơn 10 năm, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.
Tất cả thông tin trên chỉ mới cho chúng ta hình dung về sự đổi thay của một thành phố du lịch mà chưa thấy được sự ngổn ngang của Đà Lạt vốn được định danh một thành phố nông nghiệp với thế mạnh của nghề trồng hoa và các trang trại, vườn rau lớn. Nay thì thế mạnh đó đang được (hay bị) nhốt trong những khu nhà kính được xem là mang lại lợi nhuận về kinh doanh thì cũng mất đi nhiều nhiều lợi ích về kinh tế. Đây chính là cái giá phải trả cho một chủ trương phát huy thế mạnh của “nông nghiệp công nghệ cao” nhưng dường như thiếu sự quản lý chặt chẽ. Gần ba chục năm qua, không ít các nhà đầu tư và những nông dân tích cóp vốn liếng cả đời đã vào cuộc làm ăn mới, xây dựng hàng loạt nhà kính trồng hoa, trồng rau, được ví như mô hình nông nghiệp của tương lai. Dưới tên gọi nông nghiệp công nghệ cao từ năm 2000, trồng hoa trong nhà kính trở thành xu hướng trong ngành trồng trọt Đà Lạt. Sau đó, ngành nông nghiệp Lâm đồng có đề án phát triển riêng cho mô hình này. Với sự khuyến khích của nhà nước, nhà kính mọc lên như nấm sau mưa, đặc biệt là các làng hoa Thái Phiên, Hà Đông, Vạn Thành. Từ chỗ dựng bằng tre thô sơ dần dần nhà kính chuyển sang khung sắt và chi phí đầu tư hàng trăm triệu đồng một hec-ta. Số liệu của địa phương cho thấy đến nay, Đà Lạt có gần 3.000 hec-ta nhà kính, chiếm 60% đất trồng rau và hoa của thành phố, an vị trong hầu hết 12 phường, mà có nơi tỷ lệ nhà kính chiếm đến gần 85% diện tích canh tác. Thành phố du lịch thơ mộng này giờ đây nếu nhìn từ trên cao, rõ ràng đang khoác lên mình một màu trắng đục của hàng vạn tấm nylon nhựa dẻo xấu xí thay cho hàng hàng lớp lớp màu xanh hiền hoà mà thiên nhiên đã ban cho và người dân Đà Lạt biết bao thế hệ đã ra sức gìn giữ.
Đã có nhiều năm, mô hình này được chính quyền địa phương đem ra giới thiệu như một thành tựu trong nông nghiệp. Điều này cũng dễ hiểu, bởi phương thức trồng hoa trong nhà kính cho năng suất cao gấp hai lần, chất lượng hoa đẹp hơn so với trồng bên ngoài, làm chủ được thời tiết, nhờ vậy thị trường được mở rộng, nhà đầu tư và nông dân làm giàu nhanh chóng, phố xá mọc lên ngày càng nhiều đến mức gần như không thấy bóng dáng của quy hoạch. Từ sự phấn khởi ban đầu, hồi năm ngoái chính quyền địa phương ngày càng nhận ra mặt trái của mô hình nhà kính, ở đó bên trong nóng hơn bên ngoài do bức xạ ánh sáng, tích tụ nhiều chất độc từ phun thuốc cho hoa và ngày càng phá đi mỹ quan của thành phố.
Nhưng quan trọng hơn cả môi trường đô thị bị xuống cấp một cách đáng lo, đó chính là tình trạng lũ lụt hiếm có ở một thành phố du lịch vùng cao với đồi núi chập chùng. Theo giới khoa học, nhà kính là nguyên nhân chủ yếu vì mái nhà liền kề khiến nước mưa tạo thành dòng chảy lớn không kịp ngấm xuống đất, gây ra hiện tượng xói mòn, lũ ống, ngập lụt ở Đà Lạt. Thiết kế nhà kính của nông dân nằm sát các kênh mương khiến nước bị chặn đường thoát. Thật ra lũ quét thì Đà Lạt cũng từng có, nhưng thiệt hại không nặng nề đến mức ngập lụt nhờ có các hồ nhân tạo do người Pháp xây dựng mục đích là làm đẹp cảnh quan và giảm lũ. Thế nhưng sau này các hồ chứa đã không còn, thêm vào tình trạng lấn chiếm đất đai, rừng thông bị phá, gây nạn sạt lở mà theo chính quyền thành phố 10 năm qua thiệt hại đã lên đến 120 tỉ đồng.
Mới đây tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương đến năm 2030, tất cả nhà kính sẽ phải dời ra khỏi Đà Lạt. Vậy thì từ nay cho đến thời điểm ấy người dân và du khách đến Đà Lạt còn chịu cảnh ngập lụt vì mô hình nhà kính hay không? Đó là chưa kể chủ trương này cũng còn gặp nhiều băn khoăn của giới chuyên môn về môi trường.