Tưởng là mới nhưng đô thị Việt Nam ngày xửa ngày xưa đã từng có rừng, có vườn, có thiên nhiên đi cùng đô thị. Không đâu xa, người Sài Gòn thế hệ từ 6X trở lui không thể quên những “cánh rừng tuổi thơ”, “những vườn nhà công cộng”.
Mới đây, tại buổi ra mắt sách về đô thị của KTS. Ngô Viết Nam Sơn, một bạn đọc nữ nêu câu hỏi tưởng chừng lạ lùng: “Trong thành phố cần có rừng, đúng không?”. Và rồi, một đề nghị càng bất ngờ: “Nếu đô thị mở rộng ra ngoại thành thì đất nông nghiệp nên chuyển thành rừng, thành vườn!”.
Giữa lúc thế giới đang tràn dâng trào lưu mới về kinh tế xanh, về chống đỡ biến đổi khí hậu, thật may mắn khi chúng ta nghe những lời khẩn cầu đồng cảm như thế. Quả thật, rừng và vườn, hay nói chung những mảng xanh thiên nhiên là “chiếc áo” mà nhiều đô thị trên đường công nghiệp hóa và biến động lịch sử đã lãng quên, thậm chí vứt bỏ.
Thuở rừng trong phố, vườn và cây song hành
Tôi nghe câu hỏi trên mà thèm muốn nay mai rừng Vincennes bao la, vườn Luxembourg thơ mộng của Paris sẽ có mặt ở Sài Gòn thế kỷ XXI. Và rồi, những Hyde Park ở London, Central Park của New York, hay Botanical Gardens của Singapore sẽ có những hình mẫu tương tự và độc đáo ở các đô thị Việt Nam cũ và mới.
Song thực ra, tưởng là mới nhưng đô thị Việt Nam ngày xửa ngày xưa đã từng có rừng, có vườn, có thiên nhiên đi cùng đô thị. Không đâu xa, người Sài Gòn thế hệ từ 6X trở lui không thể quên những “cánh rừng tuổi thơ”, “những vườn nhà công cộng”.
Trong đó, nổi bật là mảng xanh lớn lao ngay trung tâm có cái tên đầy thơ mộng là “công viên Tao Đàn”. Tại đây, lâu lắm rồi chỉ có cây xanh và cây xanh, bãi cỏ và bồn hoa, rất hiếm nhà cửa và các kiến trúc kiên cố. Trong không gian tươi đẹp bốn mùa ấy, trẻ em tha hồ đá banh, chạy nhảy, cắm trại, tìm kiếm côn trùng và bắt bướm cho bài vạn vật. Những vòm lá cao vút và xanh mát, những lối đi nho nhỏ của công viên đã tạo nên một “ốc đảo” thanh bình và lãng mạn giữa một đô thành luôn phập phồng trước nỗi lo binh lửa.
Công viên còn có cái tên dân dã là “vườn ông Thượng” bởi thời Gia Định thành, nơi đây là “vườn thượng uyển” của tổng trấn Lê Văn Duyệt, tức “ông Thượng”. Thật lý thú, ông Thượng không giữ vườn riêng cho mình mà còn dựng nhà hát bội và trường chọi gà cho công chúng cùng thưởng ngoạn.
Người Pháp chiếm Gia Định, cắt một phần vườn ông Thượng làm khuôn viên dinh Norodom (dinh Độc Lập) nhưng vẫn thiết kế phần rộng lớn còn lại làm Jardin de Ville – công viên thành phố, đúng kiểu cách quy hoạch đô thị ở châu Âu thế kỷ XIX. Dần dần, những xóm làng xưa, những con đường chung quanh vườn biến đổi ra các con phố biệt thự kiều diễm “ăn theo” mảng xanh ấy: Nguyễn Du, Sương Nguyệt Anh, Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định, Hồng Thập Tự…
Sau này, một phần đất của vòng ngoài công viên được sử dụng làm Câu lạc bộ thể thao Cercle (Cung Văn hóa Lao động), Viện Dục Anh (Sở Y tế), Hội Hiếu nhạc (Nhạc viện), Hội Kỵ mã (Câu lạc bộ thể thao Nguyễn Du và sân khấu Trống Đồng), Nhà kiếng Công nhân (trụ sở Công đoàn). Nhưng Jardin de Ville đến nay vẫn còn là một Green Zone – vùng xanh ngay giữa phố phường đông đúc, cách chợ Bến Thành đi bộ chỉ mươi phút.
Trước cửa dinh Norodom, người Pháp còn có sáng kiến làm một “vườn Luxembourg thu nhỏ”, vừa làm tiền cảnh cho dinh, vừa là hậu cảnh khoáng đãng cho nhà thờ Đức Bà. Năm 1919, nhà báo Phạm Quỳnh, khi mới 26 tuổi, lần đầu tiên từ Hà Nội vào Nam kỳ, đã khen ngợi cách thiết kế các đường phố Sài Gòn. Ông ghi nhận chúng khang trang, có nhiều cây ven đường và các đoạn giữa trồng hoa. Ấn tượng nhất với nhà báo là khu vườn trước cửa dinh mà ông gọi là hai “đám rừng nhỏ”, khi về đêm lung linh ánh đèn huyền ảo.
Trước tháng 4.1975, “đám rừng nhỏ” duy nhất chỉ đặt tượng Petrus Ký – ông cụ Sài Gòn uyên bác, mặc áo dài khăn đóng, đôi mắt trầm tư. Cho đến thập niên 1980, “đám rừng nhỏ” vẫn còn những lối đi chưa bị tráng xi măng và những lề đường chưa bị đặt vật cản xe đạp và xe máy như hiện tại. Người dân, nhất là sinh viên, thích đến đây dạo chơi, hẹn hò, chụp ảnh và vẽ tranh hay ký họa.
Từ “đám rừng nhỏ” không tên, đại lộ Norodom (nay là Lê Duẩn), chạy thẳng đến một “đám rừng lớn” bao la hơn. Đó là Thảo Cầm viên, ở sát rạch Thị Nghè, người dân quen gọi là Sở Thú nhưng nơi đây còn có Sở Bông. Đây là chốn rừng cũ được “tân trang” làm công viên, đồng thời là trang trại ươm nhiều loại cây giống và hoa cho cả Sài Gòn và Nam kỳ.
Thú vị thêm nữa, Sài Gòn thời Pháp còn có một “vườn treo” là công viên Pages (Chi Lăng) trên con dốc Catinat (Đồng Khởi). Nó nguyên là đất gò, nằm áp cổng thành Gia Định, được người Pháp giữ lại trồng cây và làm thảm cỏ xanh tốt, với hơn 3.000 mét vuông. Công viên tạo nên một góc xanh quý hiếm ngay trên con phố hoa lệ – vốn chỉ có nhà hàng, khách sạn, cửa tiệm, nhà hát. Rất đau buồn, sang đến năm 2010, công viên gốc bị phá bỏ để xây lại mà một phần nền trở thành tầng hầm và sân vườn trở thành sảnh của cao ốc Vincom bóng lộn, ngạo nghễ.
Từng có những “Garden City”
Trong khi ấy, rải rác trước 1945 đã có nhiều quảng trường, công viên, tượng đài và các con kinh trong xanh tô điểm cho một Sài Gòn hiện đại hóa. Từ rất sớm, vào thập niên 1860, hầu hết các con đường đều được trồng cây chọn lọc hai bên đường. Sau bao năm chăm sóc công phu, chúng hóa thành những cool tunnel – đường hầm mát mẻ như nhà văn Anh Horace Blackley ngợi ca, những hàng cây thắp nến như Trịnh Công Sơn cảm hứng để chúng ta thừa hưởng.
Mặt khác, viền quanh Sài Gòn là đồng ruộng, vườn tược xanh tươi, sông nước, cảnh vật hữu tình. Những cái tên Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bảy Hiền, Đồng Ông Cộ, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè… khi xưa đều là làng mạc, cây cối và đất nông nghiệp mênh mông. Bán đảo Thủ Thiêm và Thanh Đa – Bình Quới, thêm nữa xa xa là Cần Giờ, còn đầy hoang sơ và yên ả. Thật sự, Sài Gòn vào nửa đầu thế kỷ XX trở đi đã có Green belt – vành đai xanh, mặc dù thuật ngữ này chưa phổ biến vào những năm tháng đó.
Năm 1955, người Pháp chia tay Sài Gòn, để lại những bức không ảnh cho thấy khắp nội thành chan hòa cây xanh, thảm xanh bao bọc những dãy phố, khu phố nhà thấp tầng. Nếu so chân dung thực tế này với các bản vẽ minh họa quy hoạch Sài Gòn 1880, 1889 và 1900, ta có thể nhận ra tầm nhìn và cách thức quy hoạch thành phố ngay từ cuối thế kỷ XIX đã hướng đến mục tiêu tạo lập Garden City – Thành phố Vườn, một quan niệm thiết kế đô thị chỉ mới nhen nhóm từ Anh quốc vào năm 1898. Và quy hoạch Garden City đã trở nên hiện thực trước nhất ở Sài Gòn, sau đó là Hà Nội và Huế, đặc biệt là Đà Lạt – một thành phố tân lập xinh xắn trên cao nguyên.
Đừng để “rừng người”, “rừng nhà” xóa đi rừng cây
Nhìn lại quá trình kiến tạo của các đô thị trên, chúng ta không khỏi tiếc nuối khi giờ đây “rừng” nhà bê tông, cao ốc lô xô tràn ngập các thành phố cũ và mới. Trong 20 năm trở lại đây, vùn vụt hàng loạt đồng ruộng, sông rạch, rừng núi bị san lấp hay xâm lấn để hóa phố, hóa phường vô tội vạ. Ranh giới tự nhiên giữa đô thị và nông thôn dần dần tan biến. Chỉ riêng về rừng, theo tổ chức Giám sát rừng toàn cầu (GFW), từ năm 2001-2018, Việt Nam đã mất đi 2,6 triệu ha.
Tại TP.HCM, công bố của UBND Thành phố cho biết rừng chỉ còn tập trung ở các huyện Cần Giờ (32.480 ha, chủ yếu là rừng sác, rừng trên vùng đất ướt), Củ Chi (795 ha) và Bình Chánh (93 ha). Các huyện này đều đang có dự kiến “lên đời” chuyển thành quận, thành phố và do vậy, nếu không quy hoạch đúng, rừng sẽ còn ra đi.
Mặt khác, theo thống kê vào năm 2022, diện tích các công viên công cộng và công viên nhỏ trong khu dân cư của TP.HCM chỉ khoảng 500 ha. Nếu chia cho “dân số thường trực” là 9 triệu người (thực tế dân số hiện hữu phải hơn con số đó rất nhiều) thì tỷ lệ hưởng thụ công viên chỉ đạt 0,55m2/người, so với quy chuẩn 7m2/người. Mật độ cây xanh của thành phố hiện chỉ đạt mức 2,2m2/người trong khi quy chuẩn Việt Nam là 10m2/người, còn đô thị của các nước tiên tiến là 20-25m2 cây xanh/người.
Thiếu cây, thiếu các mảng xanh, thiếu mặt nước đang là vấn nạn trầm trọng không riêng của TP.HCM hay các đô thị Việt Nam. Nhiệt độ gia tăng, khói bụi ngự trị, cảnh quan bức bối đã và đang là cái giá phải trả quá đắt cho việc chậm trễ chỉnh trang đô thị cũ và bùng nổ phát triển đô thị mới trên nhiều châu lục.
Giải pháp hạn chế mặt tiêu cực của “rừng người”, “rừng nhà” ở các đô thị hiện hữu dĩ nhiên là phải gia tăng cây xanh, công viên và các cảnh quan tự nhiên. Với TP.HCM, đã có kế hoạch từ nay đến 2025 sẽ tăng thêm tối thiểu 150 ha công viên và vào 2030 con số này sẽ lên mức 450 ha để đạt mục tiêu 7m2/người. Dự kiến, chính quyền sẽ trồng hơn 30.000 cây xanh mới với 20 chủng loại khác nhau. Ngoài ra, sẽ phải tiếp tục giữ rừng và trồng rừng nhiều thêm nữa.
Mong rằng với cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, Thành phố sẽ có đủ thẩm quyền và tài chính để thực hiện “xanh hóa” đầy đủ và kịp thời theo những kế hoạch đã định. Tuy vậy, các chính quyền đô thị sẽ còn phải làm nhiều hơn, trong tổng thể thực thi một loại hình mới là kinh tế xanh chứ không phải chỉ có một số hành động riêng gia tăng mảng xanh trong các phố phường.
Theo chúng tôi, trước nhất cần đồng thuận quan niệm “y phục” hay “dung nhan” của đô thị không phải là “nhà cao cửa rộng”, là kiến trúc hoành tráng hay phương tiện xa hoa! Khởi điểm kiến tạo của đô thị là thương mại, công nghiệp và các dịch vụ cao cấp của kinh tế thị trường. Những bồi đắp tân tạo về cảnh quan và kiến trúc đã làm đô thị khác hẳn nông thôn. Song ở đâu đi nữa, các sản phẩm nhân tạo đều cần cải tiến để tạo thêm thuận lợi và hạnh phúc cho người sử dụng. Chính vì vậy, đã xa rồi thời kỳ đô thị mới hình thành còn xô bồ và kém văn minh, giờ đây chất lượng sống của thị dân (và ngay cả “thôn dân”) không chỉ là tiện nghi máy móc hay công nghệ. Đó còn là khí trời trong lành, cảnh sắc tươi vui, không gian thư giãn và môi trường nhân văn.
Để đáp ứng yêu cầu đó, đô thị luôn phải có và giữ được chiếc áo thiên nhiên của mình, bao gồm rừng và vườn, cây xanh và hoa, sông rạch và hồ nước, đồi núi và bãi biển… Muốn các đô thị “mặc lại” hay “khoác thêm” chiếc áo xanh tươi, yếu tố sinh thái và quan niệm kinh tế xanh cần được chú trọng hàng đầu trong việc tái quy hoạch từng thành phố và từng quận, huyện. Các yếu tố này không thể không lan tỏa đến từng khu phố, từng chung cư, từng doanh nghiệp và từng hộ dân. Nhà nước sẽ còn phải bổ sung thêm nhiều nội dung mới về giữ gìn và phát triển sinh thái cũng như kinh tế xanh trong luật và các quy định về đầu tư, xây dựng, quản trị hành chính nhiều mặt.
Hiện tại, ở nhiều nước tiên tiến, bắt đầu xuất hiện các khu dân cư và các cao ốc mới được thiết kế theo lối green architecture – kiến trúc xanh. Qua đó, người ta tìm cách đưa cây xanh, đưa không gian hoa lá và hồ nước vào ngay kiến trúc như một lối chơi mới, đầy sáng tạo. Hoặc các nhà đầu tư và thiết kế sẽ dựa theo thiên nhiên chung quanh mà sắp đặt kiến trúc hài hòa và làm gia tăng giá trị kinh tế. Các công trình xây dựng cũ đều được khuyến khích xanh hóa. Với các khu vực ven sông, ven kinh rạch, ven biển và đồi núi, chính quyền cần kiên quyết giữ được không gian công cộng, không cho xây cất các công trình lấn át thiên nhiên hay chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm kim tiền. Việc trồng cây xanh mới hay phá bỏ cũng như xây dựng công viên hoặc các khu bảo tồn thiên nhiên đều cần tiến hành minh bạch và khoa học, thông qua đấu thầu, được người dân giám sát chặt chẽ.
Sáng kiến chuyển đất nông nghiệp thành nơi trồng rừng, thành công viên ở các huyện sắp chuyển đổi thành đô thị như người dân đã nêu rất đáng hoan nghênh và khảo sát. Chất lượng sống và các kế hoạch chỉnh trang, mở mang của các đô thị Việt Nam đang rất cần những ý tưởng, những cuộc thảo luận phong phú như thế. Suy cho cùng, chiếc áo thiên nhiên của các đô thị lại chính là sản phẩm tái tạo, sản phẩm sáng tạo hay đẹp của người dân và các nhà quản trị thành phố chứ không phải từ “trên trời rơi xuống” hay ngẫu nhiên mà có! Và đấy cũng là cách trở lại với những quan niệm chung sống với đất trời, “thuận thiên”, “về nguồn” với người xưa để khắc phục và phòng chống các tai ương của việc phát triển ồ ạt nhưng thiếu hiểu biết.
- Xem thêm: Từ hoa sữa nghĩ về cây xanh đô thị