Tại Không gian Di sản thuộc khu căn hộ cao cấp Dolphin Plaza (Mỹ Đình 2, Hà Nội) đang diễn ra một triển lãm thú vị có tên gọi “Vàng mười – Tái chế! Nâng cấp!” (Pure Gold. Upcycled! Upgraded!) với các đồ vật được tạo tác từ vật liệu phế thải. Triển lãm được Viện Quan hệ Đối ngoại, Stuttgart, Đức hợp tác với Viện Goethe Hà Nội tổ chức từ 20-4 đến 26-5-2019.
Trước khi đến với công chúng Việt Nam, triển lãm “Pure Gold. Upcycled! Upgraded!” được khởi đầu tại Bảo tàng Nghệ thuật và Thủ công mỹ nghệ ở Hamburg, Đức từ tháng 9-2017 đến tháng 1-2018, sau đó là tại Bangkok, Thái Lan từ 18-5 đến 22-7-2018 rồi tại London, Anh từ 4 đến 23-9-2018, tiếp đến tại Yangon, Myanmar từ 15-12-2018 đến 6-1-2019. Sau Hà Nội, triển lãm sẽ đến với Manila, Philippines.
Dự án nghệ thuật lưu động này dự kiến sẽ kéo dài trong mười năm, đi qua 20 điểm trưng bày khắp thế giới mà theo các nhà tổ chức ở IFA (Viện Quan hệ Đối ngoại ở Stuttgart, Đức) thì mục tiêu không chỉ nhằm biểu thị cái giá trị vốn có ở các loại rác thải mà còn để hiểu rõ cách thức mà giá trị hiện hữu đó giúp con người giảm thiểu được vấn nạn rác thải trong tương lai.
Để có được triển lãm này, Viện IFA mời một nhóm giám tuyển bảy người phụ trách các khu vực trên thế giới là châu Âu, Mỹ Latin, Hạ Sahara – châu Phi, Nam Á, Đông Á, Bắc Phi – Trung Đông; sau đó nhóm đã chọn từ 53 nhà thiết kế và xưởng thiết kế ở các khu vực nêu trên để có được 76 sản phẩm được tái chế, nâng cấp từ vật liệu phế thải đem triển lãm lưu động qua nhiều quốc gia, châu lục.
Trước khi được hồi sinh, nhiều đồ vật bị thải loại là những thứ rất đắt tiền theo kiểu xã hội tiêu thụ phương Tây và thường là đồ trang trí, làm đẹp trong nhà hơn là các đồ dùng thực tế.
Có những sản phẩm ở triển lãm “Pure Gold…” từng có mặt tại triển lãm “Làm tại khu ổ chuột Mathare, Nairobi” (Mathare là khu ổ chuột lớn thứ hai ở Nairobi, thủ đô Kenya).
Giống như các triển lãm “Pure Gold…” trước đó, triển lãm tại Hà Nội đi cùng với một workshop địa phương, cũng được tổ chức tại Heritage Space từ đầu tháng 4-2019, với 10 nhà thiết kế và nghệ sĩ đến từ Hà Nội được mời để phát triển các sản phẩm nâng cấp mới.
- Xem thêm: Nghệ thuật giữa rừng ở Đại Lải
Đến với triển lãm, người xem còn được hướng dẫn quá trình sáng tạo những vật phẩm mới từ workshop tại Hà Nội và các workshop trước đó qua các video clip.
Theo Mạng lưới Ngày Trái đất (Earthday Network) Việt Nam là một trong số bốn quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới năm 2018. Sự phát triển công nghiệp nặng và văn hóa tiêu thụ trong những thập niên gần đây đã đẩy Việt Nam vào một cuộc khủng hoảng môi trường nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, triển lãm “Pure Gold…” tại Hà Nội “có mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường và rác thải của Việt Nam cũng như chia sẻ ý tưởng về việc thiết kế sản phẩm dựa trên các nguyên liệu thay thế với giá thành sản xuất bền vững, giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời vẫn thể hiện tính thẩm mỹ và cải tiến trong thiết kế” (thông tin của Heritage Space).