1 Văn học là học vấn về văn chương, đủ cả tài văn chương và học thức, có thể nói tắt là học khoa văn, ngành văn. Đó là nghệ thuật dùng ngôn ngữ và hình tượng để thể hiện đời sống và xã hội con người. Y học là môn học nghiên cứu các phép trị bệnh, khoa học nghiên cứu bệnh lý, thuốc thang, cách phòng và chữa bệnh. Văn học và y học xem ra có lương duyên vì con người, cho con người hài hòa vật chất – tinh thần, thể xác – tâm hồn… theo phân công xã hội, danh xưng nghề nghiệp và công cụ, phương thức khác nhau. Thông qua hình tượng thẩm mĩ, văn học bồi dưỡng trí tuệ, tinh thần, kỹ năng sống… cho người đọc một cách gián tiếp. Thông qua biện pháp – cơ chế y khoa, y học giúp người bệnh được đảm bảo sức khỏe, chống lại bệnh tật một cách trực tiếp. Đến lượt phía tiếp nhận, người đọc và người bệnh đều tìm đến văn học và y học từ nhu cầu sống. Một tâm hồn đẹp trong thân thể khỏe mạnh. Nghệ thuật và khoa học liên thông trong phạm trù cái Đẹp bao dung.
Văn học là nhân học thì y học cũng là lĩnh vực trong quan hệ tương hỗ lâu dài. Cả hai lĩnh vực đều lấy con người làm trung tâm để tiếp cận với mục đích khám phá, thấu hiểu con người trên mọi phương diện, đồng hành cùng con người trên hành trình vươn đến một đời sống khỏe mạnh, tốt đẹp, an lành cả về thể xác lẫn tinh thần. Ngoài kỹ năng, cần có sự tử tế, tình thương… Không phải chỉ có Người khổng lồ V. Hugo trời Tây làm văn học lãng mạn lan rộng, bất tử với Tôn giáo tình thương. Chẳng phải chỉ có sứ giả niềm tin R. Tagore phương Đông làm nên sắc cầu vồng tương quan Đông – Tây, tương quan con người với con người, con người với vũ trụ là một tương quan tình yêu trong Tôn giáo thuộc về con người… Thơ Dâng phụng hiến. Mà cả bao danh y chữa lành những vết đau, hồi sinh sự sống. Chẳng phải ngẫu nhiên, một thời người ta quen gọi bệnh viện là nhà thương… với bao lương y như từ mẫu, người ở và người đến đều cần có tình thương.
Chẳng riêng Sartre từng đưa ra nghi vấn đau đáu: Chúng ta hiểu gì về con người ngày nay? Với niềm tin chỉ có thể được lời giải khi nghiên cứu những trường hợp cụ thể, cá nhân đời sống xã hội. Tác phẩm của Sartre là công trình tìm hiểu con người trong tính tổng thể của nó dưới góc nhìn phân tâm học và theo chủ thuyết Marxisme. Kẻ ngốc trong gia đình gợi nhận thức về phương pháp nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn vẫn còn hạn chế để đạt đến khả năng diễn giải về con người, đặt ra tương quan mở liên ngành giữa văn học và y học, nghệ thuật và khoa học. Trước đó, chính S. Freud – một trong những nhà y học đầu tiên sử dụng văn học để tạo nên bước đột phá mới trong lịch sử y học, thông qua việc đặt nền tảng cho sự ra đời của phân tâm học làm nên minh chứng tương quan giữa y học và văn học. Nhiều khái niệm mà phân tâm học từng đề cập và sử dụng có nguồn gốc từ văn học: ý thức về vô thức – tình dục – cơ cấu nhân cách toàn diện, mặc cảm nhân vật, hành vi vô thức sáng tạo của nhà văn…
Xã hội học như dòng chảy cuộc đời. Đời người như dòng sông mãi chảy, đục – trong, lở – bồi, khởi – kết… với bao được – mất, hạnh phúc – đau khổ, hy vọng – tuyệt vọng… Cả hai lĩnh vực đều cần xem xét các hình thái ứng xử, diễn đạt của con người cá nhân trong tương quan với bản thân và với xã hội, dòng chảy cuộc đời – cuộc đời của tình thương. Cần có thương yêu, thương mến, thương cảm, thương nhớ, thương tâm, thương tình, thương xót… chấp nhận và vượt lên những thương đau, thương tổn… bằng con tim biết suy nghĩ và đầu óc biết yêu thương… chứ không lụy vẻ thương hại, thương vay khóc mướn. Văn học và y học, nghệ thuật và khoa học tương liên hài hòa tay hoa – nụ cười: Tâm rộng mở… Trí sáng suốt. An nhiên nắng… ngọt lành mưa.
2 Chỉ riêng trong lĩnh vực danh xưng nghề nghiệp đã cho thấy rõ mối quan hệ liên ngành giữa văn học và y học. Giữa văn nghệ sĩ và thầy thuốc có mối tương liên. Có bao vị danh y trên thế giới đồng thời là những nhà văn, nhà thơ tài năng. F. Schiller (1759-1805) – bác sĩ giải phẫu quân đội kiêm kịch gia tài ba nước Đức. Học khoa luật rồi chuyển sang khoa y với luận văn tốt nghiệp Về mối quan hệ giữa mặt sinh vật và mặt tinh thần ở con người. Vở kịch đầu tay Những tên cướp viết trong những năm tác giả đang học đại học y… bộc lộ tính cách căm thù vua chúa quan lại, chán ghét lối học tập kinh viện xa thực tế, khao khát tự do cá nhân, ca ngợi thiên nhiên – tình yêu – tình bạn… cho một xã hội công bằng được khai sáng, hợp lẽ tự nhiên. Nàng Luise trong Âm mưu và tình yêu trọng tình, giàu niềm tin, sống xác tín… dù chết đau vẫn giúp ta khẳng nhận sẽ đến một thời kỳ không còn có sự khác biệt giai cấp trong xã hội… từ danh y – văn hào lớn của nước Đức, “viên công tố của toàn nhân loại đã kêu gọi loài người cùng hướng về phía trời cao” (Bielinxki).
Ai cũng biết A. Chekhov (1860-1904) tốt nghiệp bác sĩ y khoa, là vị bác sĩ khả kính, cũng là văn hào lỗi lạc của Nga và thế giới. Công việc của người thầy thuốc nông thôn giúp cho nhà văn tiếp xúc với nhiều tầng lớp, hiểu biết sâu sắc tâm lý con người để sáng tạo nên một thế giới nhân vật đông đảo, đủ màu sắc, rèn nên một lối viết sắc sảo, chính xác, gọn chắc. Và ngược lại, góp nhặt trang văn trang đời giúp ông thành một bác sĩ giỏi tận tình chăm lo sức khỏe cho người dân. Liều thuốc nào để chữa bệnh cho kiểu Người trong bao mà ở mỗi ai ít nhiều đều có… Chữa bệnh thể xác – chữa bệnh tinh thần hòa trong ngòi bút lương y mang tính tỉnh thức, nhân đạo, nhân văn.
Gần gũi, gặp gỡ và đồng hành cùng Chekhov là Lỗ Tấn ở Trung Quốc. Từng theo học những ngành khoa học tự nhiên như Thủy sư học đường đào tạo nhân viên hàng hải, Khoáng lộ học đường đào tạo Kỹ sư mỏ… giúp Lỗ Tấn mở rộng tầm mắt, thay đổi nếp nghĩ, hoài nghi truyền thống cũ, hướng đến sự cải cách. Sang Nhật Bản, ông chọn ngành y, muốn dùng y học để cứu nước, cứu những người vì dốt nát, mê tín mà chết oan như cha ông. Nhận rõ thực trạng xã hội đầy những căn bệnh thị chúng, hạnh tai lạc họa… Lỗ Tấn bỏ ngành y chuyển sang làm văn nghệ vì cho rằng chữa bệnh về thể xác còn chưa quan trọng bằng chữa bệnh về tinh thần, những mong dùng ngòi bút để đánh thức tinh thần dân tộc, ý chí tự lập tự cường của người Trung Hoa. Trong truyện ngắn của ông hay nhắc đến thuốc, thầy thuốc, bệnh nhân… “Cho nên mỗi khi chọn đề tài, tôi đều chọn những người bất hạnh trong xã hội bệnh tật, với mục đích là lôi hết bệnh tật của họ ra, làm cho mọi người tìm cách chạy chữa”. Ấy là tấm lòng Thương vì họ bất hạnh, giận vì họ không chịu đấu tranh… Ấy là tâm nguyện những mong dùng ngòi bút lương y để đẩy lùi căn bệnh thời đại. Và mỗi truyện của ông như là một liều thuốc để chữa lành những căn bệnh hiểm nghèo mà con người quen sống cùng, chưa ý thức sự nguy hiểm chết người. Nhân quyền chỉ thực sự có khi con người tự ý thức về mình. Tự do và nhân phẩm là quan trọng nhất với cuộc sống con người.
Điên là dạng thức tỉnh để thoát khỏi sự lừa bịp nhân dân dưới cái danh đạo đức giả, phi nhân tính. Truyện ngắn đầu tay Nhật ký người điên, miêu tả đời sống tâm lý của một người bệnh tâm thần nơm nớp lo sợ mình bị người bức hại trong tình trạng nghẹt thở của xã hội mang lịch sử ăn thịt người. Thầy thuốc đến bắt mạch chữa bệnh cho anh, anh lại nghĩ rằng chẳng qua họ sờ xem gầy béo thế nào để tiện ăn thịt mà thôi. Kết thúc tác phẩm bỗng lóe lên niềm hy vọng trong tiếng kêu: Hãy cứu lấy trẻ em!
Trong ngôi nhà bằng sắt mà ngụy danh bao nhân nghĩa, lễ, trí, tín… bao người bị ăn thịt nhưng lại đang ngủ mê. Lôi ra căn bệnh của tình trạng mê ngủ, những mong ý thức tự cứu mình, cứu người. Bệnh thủ cựu gàn dở của ông đồ (Khổng Ất Kỷ); bệnh mê muội của quần chúng và bệnh tự xa cách của người làm cách mạng (Thuốc); bệnh an phận thủ thường của nông dân biến mình thành pho tượng gỗ lờ đờ (Cố hương); bệnh chủ nghĩa thất bại mà ảo tưởng trong phép thắng lợi tinh thần, tự lừa mình và lừa người, đầu độc quốc dân (AQ chính truyện); tấn bi kịch thảm của chị Tường Lâm ám bọc trong nam quyền, phụ quyền, tộc quyền, cường quyền, chính quyền, thần quyền… (Cầu phúc). Từ y học đến văn học đều mang nỗi đau về cuộc đời, phận người, nói nhiều về chấn thương tinh thần, nhìn thẳng vào thực trạng, hy vọng về tương lai…
3 Ở Việt Nam, một thời ảnh hưởng dạng tri thức kinh viện Trung Hoa, thiên trọng văn chương cử tử mà ít chú trọng khoa học thực tiễn… nhưng vẫn có nhiều danh y xuất thân Nho học đồng thời là nhà văn, nhà thơ lỗi lạc như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Đình Chiểu… Sinh ở Gia Định, mất tại Bến Tre, nếm trải cuộc sống ở thôn ấp Nam bộ… cả đời cụ đồ mù học làm thuốc, mở trường dạy học, sáng tác văn chương. Tác phẩm cuối cùng của người là Ngư Tiều y thuật vấn đáp, gồm những câu thơ lục bát, thơ Đường luật và một số bài thuốc. Mở đầu, tác giả xác định những điều thầy thuốc phải thuộc lấy làm lòng và luận về âm – dương. Kỳ Nhân Sư với nghề làm thuốc và đạo đức hành nghề là con người lý tưởng, hình ảnh cao diệu, thấp thoáng nơi non cao mây phủ, cũng là hình ảnh có tính tự truyện của nhà thơ.
Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác vừa là thầy thuốc nổi tiếng vừa là nhà văn Việt Nam cuối thế kỷ XVIII. Hành trình cuộc đời văn võ song toàn. Lập được nhiều công trạng và triển vọng công danh… Vậy mà duyên nợ thế nào lại đột ngột bỏ về quê mẹ Hương Sơn… học nghề thuốc, trở thành nhà danh y nổi tiếng bậc nhất nước Nam, chuyên soạn sách và mở trường dạy thuốc để truyền bá y học. Y tông tâm lĩnh (Những lĩnh hội tâm huyết trong ngành y) được biên soạn trong ngót 40 năm dung hòa cả giá trị khoa học sáng ngời và giá trị văn chương giàu sức rung cảm. Được xem là bộ “bách khoa toàn thư” y học của thế kỷ XVIII, bộ sách y học xuất sắc nhất trong suốt thời kỳ phong kiến, kết tinh tầm vóc tư tưởng lớn của người biết dung hợp ý thức dân tộc với tinh thần thực tiễn trong nghiên cứu y học, phương pháp đi từ kinh nghiệm tiến dần lên thực nghiệm – tổng kết, thái độ độc lập suy nghĩ, bản lĩnh dứt khoát quyết tìm chân lý, tấm lòng rất đỗi nhân tình thấu thị. Trí tuệ sáng tim lành, nhiệt huyết truyền cảm mạnh. Ai chẳng ngẫm suy về Y huấn cách ngôn. Chín câu Cách ngôn giáo huấn về nghề y chẳng những là y đức, phương châm hành động của người thầy thuốc mà còn là trí lực, khí lực, năng lực giàu tính triết mỹ cho cả mọi người.
Chí khí của người thầy thuốc và cảm xúc chân tình trong hành trình vất vả đi chữa bệnh ở các miền quê của Hải Thượng trong khi làm thuốc, Lãn Ông trộm lúc nhàn rỗi ghi lại mấy vần thơ quê mùa. Y án là bài thuốc giải chứng bệnh và phương thang của thầy thuốc. Lê Hữu Trác có hai tập bệnh án: Y dương án (bệnh án chữa khỏi) và Y âm án (bệnh án tử vong)… ẩn đằng sau cả một bức tranh sinh động đời sống Việt Nam trong thế kỷ XVIII. Ấy là văn tái hiện chân thực khách quan lặng lẽ từ tâm kết hợp giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Thượng kinh ký sự (Ký sự lên kinh) ghi lại chuyện lên kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm là tác phẩm đặc sắc nhất của Hải Thượng Lãn Ông trong sự dung hòa hai tư cách nhà y học và nhà văn, ngòi bút lương y đau đáu tay hoa, tâm đức danh y cùng với giá trị hiện thực – giá trị nhân đạo sâu sắc văn chương ngụ chứa trong nhau làm nên tập ký sự xuất sắc thứ hai sau Hoàng lê nhất thống chí. Tính cách của Lê Hữu Trác – một con người trung thực, xa lánh vòng quan tước, thờ ơ ánh danh lợi… cùng cái “tôi” ở ngòi bút tự họa chân dung rất đỗi chân thành trong tình cảm, với quê hương, bạn bè, kỷ niệm tuổi trẻ, nhà văn có tâm hồn, giàu cảm xúc trước thiên nhiên tạo vật.
Đó chính là duyên nghiệp, và nó trở thành món nợ cuộc sống, món nợ tâm hồn… Nữ văn sĩ Pháp Yveline Feray vốn chuộng văn chương và cả y học, trải qua bao niềm vui và nỗi gian khó, sau tiểu thuyết Vạn Xuân (1989) gắn liền với anh hùng Nguyễn Trãi, lại dụng công lặng lòng duyên nợ với tiểu thuyết Lãn Ông (2000). Từ một tâm hồn thanh xuân của vạn mùa xuân (Võ Nguyên Giáp), bà nhận ra “Thực thể Việt Nam luôn nằm ở dạng tiềm ẩn mà lần này là dưới những nét đặc sắc của vị danh y thế kỷ XVIII Lê Hữu Trác biệt hiệu Lãn Ông – Ông Lười… tôi mô tả ở đây một mẫu người phi anh hùng hoặc một anh hùng thầm lặng Lê Hữu Trác theo triết lý vô vi của Lão giáo, đi sâu nghiên cứu y học và hết lòng với người bệnh, đào tạo học trò và mơ ước mọi người đều có sức khỏe tốt để mình được hoàn toàn thảnh thơi ngâm thơ uống rượu nơi chốn ẩn cư thân yêu ở vùng Hương Sơn”…
Trong tiềm ẩn, bàn tay hoa sáng ấm một làn hương. Ngọn nắng say mê trong tâm hồn hòa ngọn nắng ấm áp ngoài trời xanh… ngôn bất tận tình…