Mùa xuân này, tạp chí Văn hóa Phật giáo bước vào năm thứ mười góp mặt trong môi trường truyền thông. Suốt chín năm qua, tạp chí luôn biểu dương lối sống hiền thiện và đạo đức truyền thống, với niềm tin về một xã hội an lành, thân tâm an lạc. Xa hơn, tạp chí thể hiện niềm tin về một tương lai tốt đẹp, đất nước thịnh vượng trên nền tảng giáo pháp của Đức Phật.
Văn hóa Phật giáo ấn phẩm đặc biệt phát hành ngày 15-1 nhẹ nhàng mang hương xuân đến với người đọc. “Xuân đến trăm hoa khai/ Hoàng oanh cành liễu hót”. Những câu thơ trong bài viết “Xuân mãi xuân” cho thấy mùa xuân là bất tử, vì mùa xuân không sanh không diệt, không trường không đoạn, không đến không đi…
Theo quan niệm của đạo Phật, sở dĩ chúng ta mệt mỏi bất an, không thoải mái an lạc là vì lối sống cực đoan và các quan niệm mê lầm. Làm sao để có thể thay đổi quan niệm mê lầm và có lối sống tích cực hơn? Bài viết “Thân khỏe tâm an đón xuân về” sẽ cho chúng ta câu trả lời.
Mùa xuân này vẫn còn đó nỗi lo của người dân về một năm kinh tế khó khăn. Bức tranh kinh tế, xã hội vẫn lẫn lộn những gam màu sáng tối. Bài viết “Đánh thức tiềm lực mùa xuân” là một bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế nước nhà, từ đó tô đậm những gam màu sáng, cho người đọc niềm hy vọng về một mùa xuân dù có tàn thì vẫn “còn đó một cành mai”.
Không quá bi quan nhưng bài viết “Đoạn đường mười năm” so sánh đất nước ta giống như một con thuyền ngả nghiêng trước sóng gió. Nền kinh tế quốc gia yếu kém, các “nhóm lợi ích” ra sức tung hoành, đời sống người dân bấp bênh… Việc xác lập một cơ sở văn hóa và dựa trên nền tảng đó để tổ chức lại nền chính trị – xã hội hẳn là một khát vọng chung của toàn dân tộc. Trong tình hình đó, Phật giáo Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong cơ sở văn hóa quốc gia như Phật giáo đã từng bao lần tích cực hóa xã hội trong lịch sử. Và tạp chí Văn hóa Phật giáo đã và đang phục vụ độc giả cũng vì mục đích trên.