“Hầu hết người dân đều biết được nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) của việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia. Tuy nhiên, theo thống kê của WHO, hiện nay vẫn có đến khoảng 70% số vụ tai nạn giao thông tại Việt Nam có nguyên nhân xuất phát từ việc lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông” – Trích lời ông Trần Quốc Hùng, Ủy viên chuyên trách Ban An toàn Giao thông TP.HCM trong cuộc phỏng vấn về việc phối hợp cùng Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL) thực hiện chương trình “Uống có trách nhiệm” 2014.
Thưa ông, vì sao Ban An toàn Giao thông TP.HCM và VBL quyết định hợp tác để triển khai chương trình “Uống có trách nhiệm” 2014?
Thực tế đã cho thấy người lái xe trong trạng thái say xỉn rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông, TNGT không chỉ để lại hậu quả cho bản thân người cầm lái mà còn gây ra hệ lụy, thậm chí mất mạng mình mà còn cướp đi sinh mạng của người khác. Trong khi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rượu, bia chính là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 – 30%, người đã uống rượu bia dễ bị hưng phấn, bốc đồng, chạy xe với tốc độ cao do bị kích thích, đồng thời do rượu, bia gây ức chế não bộ làm cho người lái xe có thể ngủ gật trong khi lái xe. Tại Việt Nam, nơi phần đông người dân tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy, lại ước tính có đến 70% nam giới uống rượu, bia. Vì vậy, hạn chế được tình trạng lái xe sau khi đã dùng thức uống có cồn sẽ giúp giảm số vụ tai nạn, mang đến hạnh phúc và an toàn cho nhiều gia đình và xã hội.
Về phía Ban An toàn Giao thông, chúng tôi nhận thấy ý thức tự giác của người tham gia giao thông là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông và việc nhân rộng ý thức “Uống có trách nhiệm” là việc làm hết sức cần thiết. Do đó, hợp tác cùng Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam xây dựng văn hóa “Uống có trách nhiệm” chính là một trong những hoạt động tốt để mở rộng các kênh tuyên truyền hơn, giúp nâng cao ý thức thực hiện phương châm “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” trong cộng đồng.
Theo ông, chương trình “Uống có trách nhiệm” của VBL đã có tác động như thế nào đối với cộng đồng, đặc biệt là đối với nam giới?
Trước hết, có thể nói chương trình “Uống có trách nhiệm” của VBL là một trong số ít chương trình tuyên truyền được thực hiện một cách xuyên suốt, đồng bộ trong thời gian dài với mục tiêu và thông điệp nhất quán. Trong đó, cách truyền tải thông điệp là một trong những điểm tôi đánh giá cao ở chuỗi chương trình “Uống có trách nhiệm”.
Nếu ngay từ năm đầu thực hiện, năm 2008, chương trình đã có cách thể hiện sinh động và dễ nhớ qua các tiểu phẩm hài với chủ đề “Hãy biết khi nào” phát sóng đều đặn trên VTV3, thì đến năm 2014, với chủ đề “Chọn lựa sáng suốt, niềm vui trọn vẹn”, những phương thức gần gũi và thú vị tiếp tục được sử dụng để truyền tải thông điệp đến cộng đồng một cách hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành phố, như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Tiền Giang và Cần Thơ; đồng thời lan tỏa thông điệp “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” rộng khắp trên nhiều phương tiện truyền thông như báo, đài và hai kênh trực tuyến là website http://www.uongcotrachnhiem.com.vn và fanpage http://www.facebook.com\uongcotrachnhiem.com.vn.
Đặc biệt, với việc hướng đến làm thế nào để cân bằng giữa những cuộc vui và nỗi lo lắng của gia đình cũng như an toàn bản thân đằng sau mỗi cuộc vui, chương trình năm 2014 đã phản ánh đúng tâm lý chung của phần đông nam giới. Từ đó, chọn lựa sáng suốt “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” càng đi sâu vào nhận thức của họ một cách dễ dàng, góp phần nâng cao ý thức về xây dựng văn hóa “Uống có trách nhiệm” để niềm vui được trọn vẹn.
Qua việc phối hợp triển khai chương trình “Uống có trách nhiệm” 2014, hiệu quả đạt được như thế nào thưa ông?
Chương trình “Uống có trách nhiệm” của VBL thời gian qua đã nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ. Điều này đã góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật giao thông đường bộ nhằm kéo giảm số vụ tai nạn giao thông (riêng tại TP.HCM, theo thống kê trong năm 2014, so với năm 2013, giảm 651 số vụ TNGT (-12,99%), giảm 41 người chết (-5,37%), giảm 463 người bị thương).
Có được kết quả ấy chính là nhờ vào những nỗ lực thực hiện nhiệm vụ một cách đồng bộ với nhiều giải pháp của các cơ quan chức năng các cấp và sự đồng thuận của người dân. Chương trình “Uống có trách nhiệm” 2014 là một minh chứng cho trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc chung tay giảm thiểu tác hại của việc lạm dụng rượu bia. Do đó, chúng tôi rất hoan nghênh và luôn sẵn sàng đồng hành cùng VBL trong việc xây dựng văn hóa “Uống có trách nhiệm” tuyên truyền thông điệp “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” đến với cộng đồng.
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.
Hoài Châu (DNSGCT)