Con người có hàng tỉ thứ để mơ. Chưa có nhà thì mơ nhà, chưa có xe mơ xe. Ước mơ tạo động lực hăng say “cày cuốc”. Đạt mơ ước một, phấn đấu tiếp mơ ước hai, ba… Nhờ có ước mơ mà cuộc sống vận động theo chiều đi lên, phát triển không ngừng.
Con người đa dạng nên ước mơ cũng đa dạng. Có ước mơ bay bổng thì cũng có ước mơ bình thường như ăn được, ngủ được… Thậm chí, có ông còn phát biểu, ước mơ được… cưới thêm bà vợ nữa!
Ước mơ là chính đáng, điều tất yếu của cuộc sống. Ước mơ đa dạng ở chỗ, đôi khi lúc trẻ người ta không có ước mơ bởi phải chạy theo cơm áo gạo tiền, về già lại đâm ra có nhiều mơ ước! Có nghệ sĩ nhiếp ảnh, dù cuộc đời làm nghề đã qua tay biết bao đời máy ảnh, vẫn không thôi mơ ước ngày nào đó được sở hữu cái máy ảnh xịn nhất, ống kính “khủng” nhất…
Không phải ông thích chơi sang, mà bởi ông là nghệ sĩ nên suy nghĩ cũng khác người thường. Bà vợ hiểu chồng và thông cảm với ước mơ nghệ thuật của chồng, nhưng… Trong thời buổi bất động sản đóng băng, giá nhà, đất đi xuống, vậy mà họ bán được miếng đất với giá khá hời. Sau đó, ông chồng lẳng lặng lấy một số tiền mua ống kính “khủng”, mơ ước bao năm đời nghệ sĩ nhiếp ảnh mà không báo cho vợ (sợ vợ cản).
Đến khi vợ biết thì đã muộn. Tiền bán đất mất đi một khoản không nhỏ mà vợ dự định đổi xe cho con gái. Có người nghe chuyện, khuyên người vợ rằng thôi nên bỏ qua, đam mê thì cứ chơi, đừng chỉ nghĩ vặt vãnh mớ rau con cá mà không biết “giấc mộng đêm hè” to lớn của đàn ông!
Nhiều ông một đời làm thơ đăng báo rải rác khắp nơi, dư luận khen có, chê có. Một ngày có người tư vấn nên gom lại in một tập để đời, vậy là bỏ tiền ra in. Có ông lấy tiền túi của mình (chắc từ quỹ đen), có ông phải xin vợ. Phải thầm khen những bà vợ hiểu chồng đến vậy! Thời buổi “động cái gì là tiền cái đó”, chi phí in tập thơ ấy là hao hụt không ít cho ngân quỹ gia đình. Tuy nhiên, sống phải có ước mơ chứ!
Nhạc cũng thế. Không như ngày xưa, cái thời nhiều người biết chơi đàn, một bản nhạc in ra, nếu hay sẽ được công chúng chấp nhận liền, có khi không cần nhờ được ca sĩ hát. Bây giờ một bản nhạc viết ra, phải đem phối, thuê ca sĩ hát mới giới thiệu được tới công chúng. Đăng nhập vào các trang nhạc trên internet là hình thức đưa bản phối đến công chúng nhanh nhất.
Bản nhạc có “sống” hay không dựa vào số lượng người vào nghe, xem, bình luận, truyền đường link… Tất nhiên, phải có tiền mới “chơi” nhạc được như vậy. Bỏ tiền làm nhạc, được nghe nhạc của mình là “sướng” rồi! Có người chơi sang hơn, bỏ tiền ra làm nguyên chương trình ca nhạc riêng. Tất nhiên, điều còn đọng lại là những đĩa CD mà sau đó “biếu rất chạy”.
- Xem thêm: Để biến ước mơ thành hiện thực
Nếu có người ngoài cuộc tỉnh táo khuyên can người trong cuộc nên mơ gần chứ đừng “mơ về nơi xa lắm”, thời buổi này làm cái gì cũng nên tính toán lợi ích kinh tế, thì cũng có người cho rằng hãy để họ chạy theo ước mơ. Phải thực hiện mới biết thơ hay nhạc của mình có được công chúng chấp nhận hay không! Nghệ thuật là một cuộc chơi đôi khi giống như trò đỏ đen. Phải liều mới rõ thắng, thua.
Trong lĩnh vực nghệ thuật, đôi khi phải sau mấy chục năm, tác phẩm mới được công nhận, thậm chí chỉ sau khi tác giả mất đi công chúng mới quan tâm. Ước mơ như thế vẫn là ước mơ thanh sạch, đẹp đẽ mang lại êm dịu cho tâm hồn con người chứ không gây ra xáo trộn xã hội. Bỏ tiền ra làm nghệ thuật, nuôi dưỡng ước mơ còn tốt hơn những “trò vui” kiểu bỏ tiền cho bồ nhí để rồi phải “bắc thang lên hỏi ông trời…”.