Thành công không do phép lạ nào mang đến hoặc mua được bằng tiền, mà chính là do ý chí của con người.
Hẳn chúng ta ai cũng có những ước mơ riêng: vượt qua kỳ thi, thăng chức, được tăng lương, du lịch nước ngoài, hay sở hữu một ngôi nhà nghỉ mát nằm bên bờ biển… Thế nhưng, sự khác nhau giữa người chỉ biết mơ ước và người bắt tay vào hành động để biến những ước mơ đó thành hiện thực là ý chí. Một cuộc nghiên cứu cho thấy những người đạt được thành công suy nghĩ khác với những người chỉ ngồi mơ mộng.
Bác sĩ tâm lý Stephanie Burns cho biết: “Cách mà mỗi con người nhìn nhận một vấn đề phản ánh khả năng tự thúc đẩy bản thân của người đó. Người có ý chí làm nhiều việc trông có vẻ dễ dàng nhưng thực ra không phải thế.
Đọc sách nghiên cứu không có gì vui cả, làm bài kiểm tra hay tập thể dục cũng không phải là việc hấp dẫn. Khi tập thể dục, người có ý chí không nghĩ đến chuyện phải đi đến phòng tập mà nghĩ đến lợi ích của việc tập và cảm giác thoải mái sau khi tập xong”.
Burns khảo sát những người đặt mục tiêu bình thường như học đánh máy hay giảm cân và nhận thấy có đến 80% số người bỏ cuộc. Họ cũng mong muốn đấy nhưng không biết cách, không có “chiến thuật” để tạo động lực cho bản thân trước một công việc chẳng có gì hứng thú, cuốn hút.
Thật ra, ai cũng phải trải qua khó khăn, cam go cả, nhưng người quyết theo đuổi mục tiêu đến cùng biết nhìn vào mục đích, động cơ để động viên mình tiếp tục, trong khi người bỏ cuộc nghĩ đến lý do “chính đáng”, hợp lý để đầu hàng.
- Xem thêm: Quyết tâm ơi, hãy thành hiện thực
Các cuộc nghiên cứu cho thấy người nào viết mục tiêu của mình ra giấy sẽ có khả năng thành công cao gấp hai lần người nào chỉ giữ ý nghĩ đó trong đầu. Hơn nữa, ý chí không hoàn toàn do bẩm sinh, thiên phú mà nó cũng phải được tập luyện và cũng do môi trường sống (chẳng hạn được bố mẹ giáo dục từ nhỏ). Bước đầu rèn luyện ý chí, bạn thử làm theo những lời khuyên đơn giản của bác sĩ Burns:
Tập thể dục hoặc chơi thể thao
Dĩ nhiên, ai cũng biết rằng có sức khỏe tốt là điều vô cùng quý giá, nhưng thiết lập một chế độ tập luyện thường xuyên là điều không dễ dàng. Nhưng không nhất thiết bạn phải vào phòng tập mỗi ngày, chỉ cần xuống xe buýt sớm một đoạn rồi đi bộ đến nơi làm việc hoặc leo cầu thang thay cho thói quen vào thang máy.
Mục tiêu nên gần, dễ thực hiện để bạn có cảm giác đã có chút hiệu quả, hơn là đặt ra mục tiêu lâu dài, to tát như: “Tôi muốn giảm 12kg” (nói chung người ta có khuynh hướng hơi “tham lam” này). Tuy nhiên, bạn có thể viết ra mục tiêu lâu dài rồi chia ra thành những bước nhỏ hơn như mục tiêu hàng tuần, hàng tháng. Bạn sẽ cảm thấy phấn khởi, không còn bực mình vì thấy quá lâu mà chẳng đi tới đâu.
Một số lời khuyên khi ý chí của bạn bị “lung lay”: Nói với một người bạn thường hay gặp (đồng nghiệp, hàng xóm, bạn học…) về mục tiêu của mình. Người ta (nhất là phụ nữ) thường có thêm động lực nhờ những ý kiến tích cực hoặc lời khen ngợi của người khác; Tìm một người bạn “ăn ý” cùng tập luyện; Tự thưởng cho mình hàng tuần (một đĩa CD chẳng hạn) và viết điều này trong nhật ký.
Người bỏ cuộc nghĩ rằng: Tập thể dục mệt và tốn thời gian, không biết có cách nào dễ hơn không (?)
Người thành công nghĩ rằng: Xong ngay thôi mà, chỉ mất 15 phút mà có nhiều lợi ích, tác dụng đáng kể.
Thăng tiến trong sự nghiệp
Đi tiên phong và nắm bắt cơ hội là hai nhân tố quan trọng để thành công trong công việc. Nhiều người nghĩ rằng tiên phong hay sáng kiến là cái gì đó “cao siêu”, nhưng không hẳn vậy, chẳng hạn như bạn muốn làm một người quản lý, nên tìm một người có nhiều kinh nghiệm trong quản lý mà bạn biết để được chia sẻ, chỉ dẫn. Đó cũng là một sáng kiến.
Nếu bạn sở hữu một ý tưởng mới lạ (đơn giản như chào hàng một sản phẩm chưa có ai bán trên một đoạn đường), nhưng tự ti, thiếu mạnh dạn, không xem nó là thời cơ để nắm bắt thì chữ “thành công” quả là nằm ngoài tầm tay. Chúng ta được ban tặng hai món quà tuyệt vời là khối óc và thời gian.
Làm thế nào để sử dụng có hiệu quả nhất hai món quà này là tùy ở mỗi người, sử dụng chúng một cách thiếu suy nghĩ tức là chọn sự thất bại. (Dù sao, bạn hãy lạc quan và tự tin. Kết quả dù thất bại, không phải mọi thứ chấm hết, chỉ có màu xám, mà chỉ là tình hình tạm thời).
- Xem thêm: Hy vọng và quyết tâm
Quan điểm của người bỏ cuộc về sáng kiến và cơ hội: Chữ “sáng kiến” nghe rất “trừu tượng”, chỉ những người rất thông minh mới nghĩ ra. Cuộc đời còn nhiều cơ hội khác, những việc chưa có nhiều người làm có tỷ lệ rủi ro cao, mà nếu không đúng thì bỏ qua việc này cũng chẳng thiệt hại gì lớn.
Cái nhìn về sáng kiến và cơ hội của người thành công: Biết đâu “động não” một chút ta cũng có thể có “sáng kiến” (!). Bỏ lỡ dịp này có thể sẽ tiếp tục bỏ lỡ những dịp khác, lần này thoái thác cho lần sau, cứ như thế đến bao giờ mới đạt được mục đích?
Một chuyến đi xa
Một chuyến đi học bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn nước ngoài nhiều tháng (hoặc chuyến du lịch kiểu “ba lô”) không đơn thuần đến giờ lên máy bay là xong. Điều này đòi hỏi tính tự lập cao, dễ thích nghi, thích thử thách, không ngại khó, nói chung là nghị lực.
Người bỏ cuộc phân vân: Tôi muốn đi nhưng có nhiều điều lo lắng và không phải trong một sáng một chiều là có thể thích ứng với môi trường, cuộc sống mới. Có lẽ không đi là ít phiền phức và “sung sướng” nhất.
Người thành công quyết định: Làm sao tôi biết đượåc mình có đang lo âu quá đáng và có nhiều phiền phức đến thế hay không? Dù thế nào tôi cũng muốn đi thử vì “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà.