Làm cho cuộc sống trở nên tốt hơn, thể hiện trách nhiệm xã hội trong từng sản phẩm, làm điều thiện để kinh doanh tốt… là phương châm phát triển của Unilever Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Điều này cũng đã được Unilever Việt Nam tái khẳng định trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập công ty và cũng là chìa khóa của sự phát triển bền vững mà doanh nghiệp này đang nắm giữ.
Chìa khóa phát triển bền vững
Bước chân vào thị trường Việt Nam từ năm 1995 với tư cách là một tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng nước ngoài, trải qua không ít khó khăn, sau 20 năm gắn bó và phát triển, Unilever Việt Nam đã thật sự trở thành công ty của người Việt, do người Việt. Con số khoảng 35 triệu người tiêu dùng trên toàn quốc tiếp cận và sử dụng sản phẩm của Unilever Việt Nam mỗi ngày đã nói lên mức độ phổ biến cũng như sự tin tưởng của người tiêu dùng vào các sản phẩm của Unilever. Trong đó, các nhãn hàng nổi tiếng như OMO, Lifebuoy, Sunsilk, Clear, Pond’s, P/S, Lipton, Knorr, VISO, VIM, Sunlight… đã trở thành nhãn hàng gia dụng hàng đầu Việt Nam, “phủ sóng” khắp từ vùng thành thị đến nông thôn.
Tuy nhiên, bí mật thành công của Unilever Việt Nam không chỉ nằm ở số lượng sản phẩm khổng lồ, đa dạng và được “làm mới” liên tục mà còn là mối quan tâm sâu sắc của công ty với cộng đồng, thể hiện trách nhiệm xã hội trong từng sản phẩm cũng như trong những hoạt động vì cộng đồng – mà họ gọi đơn giản là “Kế hoạch phát triển bền vững của Unilever tại Việt Nam”. Bởi hơn ai hết, Unilever hiểu rõ, đó mới là con đường để hướng đến sự phát triển bền vững, để có được niềm tin tuyệt đối ở người tiêu dùng cũng như thể hiện trách nhiệm xã hội sâu sắc ở quốc gia mà mình gắn bó.
Chính vì thế, trong suốt 20 năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Unilever trở thành mối quan hệ thâm giao, bạn bè chứ không đơn thuần là sự hợp tác thương mại. Vì doanh nghiệp này luôn hiểu rõ không thể gặt hái thành công nếu thiếu một cộng đồng thịnh vượng. Mục tiêu của công ty ngoài cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, tiện lợi còn phải có trách nhiệm nâng tầm cuộc sống cho người Việt Nam bằng cách luôn đặt ra cho mình sứ mệnh phải cải thiện cuộc sống người dân và trân trọng tinh thần đó trong tất cả mọi hoạt động tại công ty. Trách nhiệm xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh và là chìa khóa phát triển bền vững của Unilever Việt Nam.
Những nỗ lực không mệt mỏi
Kế hoạch phát triển bền vững của Unilever do Chủ tịch Tập đoàn Unilever toàn cầu, ông Paul Polman, công bố lần đầu tiên vào cuối năm 2010. Đây chính là kim chỉ nam để tập đoàn và các nhãn hàng của Unilever phát triển một cách bền vững. Để thực hiện kế hoạch này, Unilever Việt Nam đưa ra ba mục tiêu cụ thể đến năm 2020 gồm: Cải thiện điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho 20 triệu người dân; Giảm thiểu tác động đến với môi trường, tiết kiệm nước, giảm thiểu chất thải và giảm thiểu tiêu phí nguyên liệu; Nâng cao điều kiện sống cho hàng triệu người dân Việt Nam.
Kế hoạch đã được Unilever hiện thực hóa trong từng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Cụ thể, Unilever Việt Nam đã xây dựng khu liên hợp nhà máy hiện đại tại Củ Chi. Được đánh giá là một trong những cụm nhà máy vận hành hiệu quả nhất của Unilever toàn cầu, liên tục cải tiến và đã giới thiệu hơn 700 sản phẩm mới ra thị trường với chất lượng quốc tế, giá cả phù hợp, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Trong công tác bảo vệ môi trường, Unilever đã có những thành tựu đáng khích lệ từ các nhà máy của Unilever, có thể kể đến là việc sử dụng năng lượng mặt trời để đun nước, lắp đặt thiết bị thu gom và tái sử dụng nước mưa, xây dựng quy trình phân loại bao bì phế liệu, rác thải sinh hoạt, lắp đặt thành công lò hơi sử dụng nguyên liệu sinh khối… Đặc biệt, từ năm 2014, toàn bộ khu liên hợp nhà máy tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi hoàn thành cam kết “Không có chất thải xử lý bằng phương pháp chôn lấp”.
Bên cạnh đó, Unilever đã luôn tiên phong và nỗ lực trong hành trình “Làm điều thiện để kinh doanh tốt”, gắn kết các nhãn hàng của mình với các sứ mệnh xã hội. Các nhãn hàng OMO, P/S, Lifebuoy, Comfort, VIM, Knorr… đã thực hiện các chương trình cộng đồng có ý nghĩa như: P/S bảo vệ nụ cười Việt Nam, Rửa tay bằng xà phòng vì một Việt Nam khỏe mạnh của Lifebuoy, Nhà vệ sinh sạch khuẩn của VIM, sân chơi phát triển thể chất trẻ em của OMO, tài chính vi mô tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập của các nhãn hàng Knorr, VISO, Sunsilk… với tổng ngân sách hơn 72 tỉ đồng mỗi năm. Ngoài ra, Quỹ Unilever Việt Nam ra đời năm 2004 cũng cam kết tài trợ thêm cho các sáng kiến, dự án cộng đồng trong lĩnh vực cải thiện sức khỏe và vệ sinh cá nhân cho người dân đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. Đến nay, đã có 139 dự án được triển khai với tổng ngân sách hơn 24 tỉ đồng và gần 600 nghìn người được hưởng lợi từ Quỹ.
Song song đó, công ty đã ký hợp đồng phân phối sản phẩm với hơn 150 doanh nghiệp trong nước, giúp các đối tác kinh doanh phát triển ổn định, mở rộng sản xuất và gián tiếp tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 15.000 người. Một điều rất đáng trân trọng là Unilever Việt Nam luôn ghi nhận những đóng góp nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp của các nhà cung cấp nguyên vật liệu đầu vào mà người tiêu dùng không bao giờ nghe nói đến, của các đại lý, của rất nhiều cá nhân đã lao động sáng tạo và miệt mài…
Với chỉ 57 người vào năm 1995, Unilever Việt Nam hiện có gần 1.700 nhân viên làm việc trên toàn quốc. Từ năm 2013 đến nay, Unilever Việt Nam liên tục dẫn đầu danh sách “100 nơi làm việc tốt nhất trong tất cả các ngành nghề” và được bình chọn là công ty danh tiếng nhất, nơi có cơ hội phát triển và môi trường làm việc tốt nhất.
P.V (DNSGCT)
Xem thêm:
Unilever VN thực hiện chương trình “Góp tình trao tết”
Cùng tặng sức khỏe dồi dào với bao lì xì xà phòng Lifebuoy
Lifebuoy phối hợp cùng Bộ Y tế thành lập Trung tâm Cảnh báo dịch bệnh