Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo tỷ lệ ung thư sẽ tăng vọt trong thời gian tới. Cảnh báo này khiến nhiều người lo ngại và câu hỏi thường đặt ra: tại sao ung thư xuất hiện trên cơ thể và có cách nào phòng ngừa không? Sự quan tâm đó đúng đắn bởi chống ung thư không chỉ ở chữa trị mà quan trọng hơn còn ở phòng ngừa, vì nhiều loại ung thư có thể tránh được nếu biết cách. Để bạn đọc có thêm thông tin phòng trị ung thư, Người Đô Thị giới thiệu bài viết “Ung thư – nguyên nhân và phòng ngừa” của GS-TS-BS. Bùi Duy Tâm (Trưởng khoa Y, Đại học Phan Châu Trinh) và TS-BS. Phạm Hùng Vân (Hiệu trưởng Đại học Phan Châu Trinh). Tựa dẫn nhập từng kỳ do tòa soạn đặt.
Muốn phòng ngừa hữu hiệu ung thư thì phải biết nguyên nhân.
Kích thích: nguyên nhân gây ung thư
Trong cơ thể khỏe mạnh, tế bào sinh hoạt hay sinh sản bình thường nhưng nếu bị kích thích bất thường sẽ gây ra rối loạn trong sinh hoạt hay sinh sản của tế bào và hậu quả là sẽ sinh ra hiện tượng hỗn loạn tế bào, tức ung thư. Các kích thích sau đây có thể sinh ung thư:
- Những kích thích hay chấn thương đột xuất: Xin kể ra đây một trường hợp có thật, trên chuyến xe đò có một thanh niên mặc quần cụt, lòi “chim” ra. Người ngồi bên cạnh ngứa mắt lấy tay búng một cái vào đầu dương vật. Mấy tuần lễ sau chỗ ấy sưng lên như bông cải, vô Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán ung thư dương vật, phải cắt bỏ. Chính tôi (Bùi Duy Tâm) đã mổ ca đó.
- Kích thích hay chấn thương tiếp diễn nhiều lần lâu ngày: Ví dụ như chải đầu bằng lược cứng mà da đầu có nốt ruồi đậm đen, răng lược chọc vào nốt ruồi lâu ngày sinh chứng ung thư rất độc, gọi là ung thư hắc tố, có thể chết trong một vài tháng. Cũng vậy, chỉ cần bấu vào chỗ da lành lặn nhiều lần qua thời gian cũng sinh ung thư. Nên nhớ ung thư da là một trong những nguyên nhân gây chết thường gặp.
- Các kích thích khác cũng có thể gây ung thư: Sóng điện từ (ánh sáng, UV, tia X, tia phóng xạ…), có thể thấy dân da trắng dễ bị ung thư da vì thích tắm nắng mà da có ít melanine hơn dân da màu; nhiệt có thể gây ung thư cổ họng, có thể xảy ra do hay uống nước nóng quá; khói thuốc lá sinh ung thư phổi và nhiều ung thư khác; rượu là tác nhân kích thích gây ung thư, do vậy mà các bợm nhậu hay bị ung thư gan; môi trường ô nhiễm (không khí, nước, bụi a-mi-ăng) cũng là những tác nhân…
Viêm mãn tính gây ra các kích thích liên tục và sẽ là nguy cơ gây ung thư. Ví dụ: bệnh trào ngược dạ dày thực quản lâu ngày dịch vị nhiều acid từ bao tử ứ lên thực quản, kích thích thực quản, gây ung thư… Nhiễm trùng mãn tính cũng có thể gây ung thư. Điển hình viêm loét dạ dày tá tràng do H. pylori có nguy cơ sinh ung thư dạ dày. Chính vì vậy từ tuổi 50 trở lên phải soi dạ dày định kỳ, cùng một lần với nội soi đại tràng. Nếu sinh thiết thấy có H. pylori thì phải chữa cho dứt.
Nhiễm vi-rút mãn tính cũng có thể gây ung thư. Đơn cử như nhiễm vi-rút gây u nhú (HPV) có thể sinh ung thư cổ tử cung và nhiều nơi khác (ung thư hầu họng, ung thư dương vật, hậu môn – trực tràng), do vậy ở tuổi vị thành niên phải chủng ngừa HPV; nhiễm vi-rút viêm gan B có thể sinh ung thư gan, để tránh nguy cơ này phải chủng ngừa cho trẻ sơ sinh, còn ở người lớn nên chủng ngừa nếu xét nghiệm cho thấy không bị nhiễm HBV và chưa có kháng thể đặc hiệu HBV (HBsAg [-] và anti HBsAg [-]). Nhiễm vi-rút viêm gan C (HCV) có thể ung thư gan với nguy cơ cao; hiện nay dù chưa có vaccine chủng ngừa nhưng đã có nhiều thuốc trị hết bệnh HCV. Stress được xem như một chấn động hay chấn thương vào não và cũng là kích thích gây ung thư.
Các yếu tố di truyền hay dân tộc
Nguy cơ ung thư thường tăng lên nếu trong gia đình có người bị ung thư hay có tần suất xuất hiện cao ở một chủng tộc nào đó. Xin đưa ra ba ví dụ:
- Ung thư đại tràng: Nếu cha bị ung thư đại tràng trong tuổi 40 thì các con phải làm nội soi đại tràng từ tuổi 30. Cụ thể: bệnh nhân P.D.V. (sinh năm 1968, ở Hải Dương) đến khám tại Bệnh viện K trung ương và được chẩn đoán ung thư trực tràng. Đặc biệt là gia đình anh có tới 7 người cùng mắc ung thư trực tràng.
- Ung thư vú và buồng trứng: một phụ nữ mà trong gia đình có người bị ung thư vú hay ung thư buồng trứng và xét nghiệm có đột biến BRCA1 hay BRCA2 thì ung thư vú hay ung thư buồng trứng trong gia đình này có tính di truyền.
- Ung thư tiền liệt tuyến: Ở Hoa Kỳ, ung thư tuyến tiền liệt phổ biến ít nhất 60% và nguy hiểm gấp hai – ba lần ở đàn ông da đen so với đàn ông da trắng không phải gốc Tây Ban Nha. Một người đàn ông cũng có nguy cơ mắc ung thư cao hơn nếu người sinh đôi hay anh trai hoặc cha bị ung thư tuyến tiền liệt. Có một anh trai bị ung thư tuyến tiền liệt sẽ có nhiều rủi ro di truyền hơn là có cha bị ung thư tuyến tiền liệt.
Sàng lọc ung thư – ung thư biết sớm trị lành
GS-BS. Nguyễn Chấn Hùng đã viết nhiều sách giúp mọi người hiểu rõ hơn căn bệnh ung thư. Mắc ung thư không phải luôn là án tử, mà ung thư vẫn có thể chữa lành nếu phát hiện sớm trong giai đoạn đầu của bệnh. Như vậy làm thế nào để phát hiện sớm? Sau đây là các phương cách sàng lọc sớm ung thư đang được thế giới sử dụng, đặc biệt ở Hoa Kỳ.
- Sàng lọc ung thư da – Nguyên tắc ABCDE: Ung thư da là một trong các nguyên nhân gây tử vong thường gặp ở đàn ông Hoa Kỳ. Khám sàng lọc ung thư da của các nốt ruồi hay các bất thường trên da là dựa theo nguyên tắc ABCDE: Asymmetry (không đối xứng), Border irregularity (bờ không đều), Color nonuniform (không đồng màu), Diameter > 6 mm (D > 6mm), Evolving over time (tiến triển).
- Sàng lọc PLCO ở người có tuổi: Dựa trên nghiên cứu quần thể một cách ngẫu nhiên được Viện quốc gia ung thư Hoa Kỳ tài trợ thực hiện trên người 55-74 tuổi, hiệu quả của sàng lọc PLCO gồm: Prostate (tiền liệt tuyến), Lung (phổi), Colorectal (trực tràng – hậu môn) và Ovarian (buồng trứng) đã được xác nhận qua các kết quả: sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến hàng năm qua xét nghiệm PSA và qua khám trực tràng bằng ngón tay đã gia tăng khả năng phát hiện ung thư tiền liệt tuyến lên cao hơn 12% so với nhóm chứng. Sàng lọc ung thư phổi bằng X-quang ngực trong 4 năm liên tiếp đã giúp phát hiện sớm ung thư phổi. Sàng lọc ung thư đại trực tràng qua nội soi ống mềm cho thấy trong 12 năm đã giảm được tỷ lệ tử vong đến 26% so với nhóm chứng. Sàng lọc ung thư buồng trứng qua xét nghiệm CA-125 và siêu âm với đầu dò qua ngả âm đạo đã làm tăng tỷ lệ phát hiện ung thư buồng trứng.
- Các khuyến cáo của USPSTF: Cơ quan Y tế Dự phòng Hoa Kỳ (United States Preventive Services Task Force – USPSTF) đã đưa ra các khuyến cáo: sàng lọc ung thư vú (phụ nữ trên 40 tuổi nên chụp nhũ ảnh mỗi 1-2 năm); sàng lọc ung thư cổ tử cung (phụ nữ 21-29 tuổi nên làm Pap smear mỗi 3 năm; phụ nữ > 30 tuổi nên làm Pap smear mỗi 3 năm; hay làm Pap smear kèm xét nghiệm phát hiện HPV mỗi 5 năm); sàng lọc ung thư đại tràng (người > 50 tuổi nên làm xét nghiệm phát hiện máu ẩn trong phân hàng năm và nội soi đại tràng sigma mỗi 5 năm, nội soi đại tràng mỗi 5 năm hay mỗi 10 năm); sàng lọc ung thư phổi (người 55-74 tuổi, hút thuốc lá mỗi ngày trên 30 gói – năm, hay bỏ thuốc dưới 15 năm nên chụp CT ngực liều thấp mỗi năm); sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến (đàn ông > 50 tuổi hay đàn ông > 40 tuổi nhưng có yếu tố nguy cơ nên cân nhắc để quyết định sàng lọc).
- Sàng lọc ung thư qua xét nghiệm gen: Đa số ung thư xảy ra do các đột biến trên tế bào soma (soma mutation), tức là các tế bào sinh dưỡng ngay tại mô bị ung thư và không di truyền. Câu hỏi đặt ra là có thể làm xét nghiệm máu để phát hiện các đột biến soma không?
Các DNA của khối u có thể lưu thông trong máu, gọi là ctDNA (circulating tumor DNA). Các ctDNA chính là do các tế bào ung thư phóng thích vào máu. Tế bào bình thường cũng phóng thích DNA vào máu và các DNA này được gọi là cnDNA (circulating normal DNA). Hiện nay, nhờ kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới mà phòng xét nghiệm có thể phát hiện được các đột biến hiện diện trên các ctDNA. Dựa vào độ nhạy này nhiều người cho là có thể phát hiện sớm ung thư. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ bất khả thi vì các ctDNA chỉ có thể lưu thông trong máu khi khối u đã lớn!
Như vậy, hy vọng phát hiện sớm ung thư bằng xét nghiệm máu tìm đột biến soma chỉ là ảo vọng. Không chỉ thế, một số đột biến soma vẫn có thể tìm thấy trên tế bào thường vì ung thư xảy ra không chỉ do đột biến soma mà còn thêm nhiều yếu tố khác. Do đó kết quả phát hiện đột biến soma khi làm xét nghiệm máu nhiều khi khiến bệnh nhân rối trí hơn. Tuy nhiên, xét nghiệm gen phát hiện các đột biến tế bào mầm (germline mutation) lại rất có giá trị để có thể phát hiện sớm các ung thư di truyền.
Đơn cử, xét nghiệm phát hiện có đột biến BRCA1 và BRCA2 để phát hiện ung thư vú hay ung thư buồng trứng di truyền. Trong ung thư vú, có thể có đến 10% di truyền được và do những đột biến tế bào mầm trên một trong hai gen BRCA1 và BRCA2, là hai gen chịu trách nhiệm ức chế sự hình thành các khối u trong cơ thể. Chính vì vậy, nếu hai gen này không hoạt động hay giảm hoạt động, do các đột biến xảy ra trên các gen, thì sẽ có nguy cơ cao bị ung thư, đặc biệt ung thư vú và ung thư buồng trứng. Từ đó, có thể làm xét nghiệm máu để tìm các đột biến hai gen này trên DNA tế bào bạch cầu để phát hiện sớm ung thư vú, và cả ung thư buồng trứng.
Nữ minh tinh Angelina Jolie năm 2013 đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ vú và buồng trứng do phát hiện có đột biến trên BRCA và các bác sĩ chuyên khoa tiên đoán cô có 87% nguy cơ ung thư vú, 50% nguy cơ ung thư buồng trứng. Hiện nay nhờ có phẫu thuật tạo hình tiến bộ nên phẩu thuật cắt tuyến vú đã không làm mất đi bộ phận gợi cảm này. Phẫu thuật cắt buồng trứng cũng không làm mất đi nữ tính nhờ trị liệu hormone thay thế.
Xét nghiệm phát hiện đột biến BRCA có thể thực hiện bằng cách lấy máu kháng đông EDTA, sau đó tách chiết các DNA tế bào bạch cầu rồi giải trình tự toàn bộ gen BRCA1 và BRCA2 bằng kỹ thuật giải trình tự SANGER hay bằng kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới NGS (Next Generation Sequencing). Hiện nay Trung tâm Nghiên cứu và áp dụng bộ gen trong y sinh của Đại học Phan Châu Trinh tại Quảng Nam đã kết hợp với Viện Nghiên cứu gen và miễn dịch quốc tế tại TP.HCM sử dụng kỹ thuật NGS trong phát hiện các đột biến trên hai gen BRCA1 và BRCA2 nhằm phát hiện sớm ung thư vú và ung thư buồng trứng di truyền. Giá của xét nghiệm này có thể dễ chấp nhận vì không quá cao như trước đây khi phải sử dụng kỹ thuật giải trình tự Sanger tốn kém nhiều hóa chất. Tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng xét nghiệm máu tìm đột biến BRCA, mà chỉ nên làm trong các trường hợp:
Các phụ nữ mà trong gia đình (mẹ, cô, dì, bà ngoại, bà nội, hay chị em gái) có người bị ung thư vú hay ung thư buồng trứng, nếu kết quả xét nghiệm có đột biến thì nguy cơ ung thư sẽ đến 80%; các phụ nữ bị chẩn đoán ung thư vú hay buồng trứng nên làm xét nghiệm để biết có phải do đột biến BRCA1 và BRCA2 hay không, từ đó biết ung thư có phải do di truyền hay không để làm xét nghiệm cho các phụ nữ khác trong gia đình; phụ nữ có cha bị ung thư vú thì có nguy cơ rất cao sẽ bị di truyền ung thư vú do đột biến BRCA1 và BRCA2 nên rất cần làm xét nghiệm; phụ nữ không rõ trong gia đình có ai bị ung thư buồng trứng hay ung thư vú không cũng nên làm xét nghiệm…
Tỷ lệ bị ung thư vú hay buồng trứng do di truyền đột biến BRCA1 và BRCA2 là 45-65% (cho ung thư vú) và 17-40% (cho ung thư buồng trứng) ở tuổi từ 70, tuy nhiên trong suốt đời thì nguy cơ ung thư vú hay buồng trứng vẫn xảy ra, dù tỷ lệ thấp hơn. Chính vì vậy xét nghiệm phát hiện đột biến BRCA1 và BRCA2 nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Tuổi càng lớn càng nên làm xét nghiệm.
Sẽ làm gì nếu kết quả xét nghiệm phát hiện có đột biến BRCA1 và BRCA2? Trước hết, phải đến bác sĩ di truyền để được tư vấn vì có rất nhiều loại đột biến, trong đó có những đột biến làm gen BRCA1 và BRCA2 không hoạt động, nhưng cũng có các đột biến không có ý nghĩa. Nếu kết quả tư vấn cho biết các đột biến phát hiện có ý nghĩa thì sẽ có nhiều lựa chọn: học cách tự khám ngực để khám thường xuyên mỗi tháng 1 lần. Đến bác sĩ chuyên khoa để khám ngực mỗi sáu tháng 1 lần. Mỗi năm 1 lần nên chụp nhũ ảnh bằng MRI. Có thể giải phẫu cắt bỏ tuyến vú và loại trừ được 90-95% nguy cơ, hay dùng thuốc ngừa (tamoxifen) thì có thể loại trừ được 50% nguy cơ trong 5 năm; phải khám buồng trứng bằng đầu dò siêu âm qua âm đạo với Dopler màu mỗi 6 tháng, hay triệt để hơn là phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng sẽ giảm 98% nguy cơ. Uống thuốc ngừa thai cũng làm giảm 60% nguy cơ trong suốt 6 năm dùng thuốc… Do có nhiều lựa chọn nên tùy thuộc từng người, lứa tuổi, bác sĩ chuyên khoa sẽ tham vấn để khuyên các chọn lựa thích hợp.