Đâu là những mối đe dọa lớn đối với mô hình ngân hàng truyền thống?
Lược sử của công nghệ ngân hàng
Nếu như lịch sử của hệ thống thông tin vô tuyến mà chúng ta đang sử dụng có thể liệt kê là thế hệ thứ 1 (1G), thế hệ thứ 2 (2G), thế hệ thứ 3 (3G), thế hệ thứ 4 (4G) và đang chuẩn bị cho thế hệ thứ 5 (5G) thì công nghệ ngành ngân hàng không chuyển dịch hay thay đổi rõ nét như thế.
Nhưng để định hình nó và hiểu các đặc điểm qua các thời kỳ vẫn có thể chia thành các thế hệ công nghệ ngân hàng theo cách mà Brett King – nhà tương lai học, chuyên gia ngân hàng số hàng đầu thế giới, tác giả những sách về ngân hàng như Ngân hàng 3.0 (Bank 3.0), Ngân hàng 4.0 (Bank 4.0) và Thực tế tăng cường: Cuộc sống trên làn xe thông minh (Augmented: Life in the Smart Lane) thực hiện.
Theo King, kỷ nguyên của ngân hàng 1.0 bắt đầu với các hoạt động của gia tộc Medici từ thế kỷ 15 và kéo dài đến những năm 1980. Thời kỳ này được đặc trưng bởi việc lấy chi nhánh làm trung tâm, tiếp xúc mặt đối mặt với khách hàng, mức độ tiếp cận khó khăn, không có hoặc mức độ kỹ thuật số hóa thấp.
Trong giai đoạn ngân hàng 2.0 (từ 1980-2007), ngân hàng tự phục vụ (self-service) xuất hiện, điều này cho phép truy cập các dịch vụ ngoài giờ, ban đầu thông qua ATM và sau đó qua internet. Thời đại của ngân hàng 3.0 bắt đầu với sự xuất hiện của điện thoại thông minh vào năm 2007 và tăng tốc với sự phổ biến của điện thoại di động.
Ngân hàng 4.0 bắt đầu vào năm 2017. Ngân hàng 4.0 cung cấp dịch vụ theo thời gian thực (real time), được tích hợp chặt chẽ với công nghệ và loại bỏ mối liên hệ vật lý với ngân hàng. Dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số, thông minh, đa kênh và hấp dẫn này có thể dự đoán nhu cầu của người tiêu dùng vì sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Ngân hàng 4.0 ngày càng phát triển thông qua những thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của khách hàng và sự xuất hiện của các công ty FinTech, cung cấp dịch vụ tài chính trên toàn thế giới.
Trong thế giới ngân hàng 4.0, vai trò tiên phong trong công nghệ là điều kiện tối quan trọng. Chỉ giỏi về nghiệp vụ ngân hàng thôi là chưa đủ, thậm chí điều đó lại gần như bất lợi, bởi theo King, cảm giác thỏa mãn hiện trạng là rào cản đối với khả năng thích ứng nhanh.
Các ngân hàng sẽ phải trở nên vô hình với khách hàng của họ, trong khi các dịch vụ được tích hợp công nghệ sẽ phải luôn khả dụng với người tiêu dùng.
Chuyển đổi mô hình
Mặc dầu, sự tiến bộ của công nghệ đã thúc đẩy và dẫn đến sự ra đời của ngân hàng 4.0 nhưng đa số ngân hàng Việt Nam vẫn đang ở tình trạng ngân hàng 1.0, 2.0, 3.0, nghĩa là vẫn lấy chi nhánh làm trung tâm.
Ở Việt Nam, ta có thể thấy việc mở rộng các chi nhánh, điểm giao dịch nhằm “phủ sóng” dịch vụ ngân hàng dường như là một chỉ tiêu quan trọng của hầu hết các ngân hàng. Tuy nhiên tại Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, sự sụt giảm về lượng chi nhánh mới đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Tại Anh, theo Gram Hiscott, số chi nhánh ngân hàng mở ra chỉ nhỉnh hơn 60 năm trước. Tại Mỹ, các ngân hàng như BofA, Chase và Wells Fargo đã phải đóng cửa hơn 15% số chi nhánh.
Diện tích không gian cho chi nhánh cũng bị cắt giảm. Wells Fargo cắt giảm 22% tổng diện tích chi nhánh chỉ trong sáu năm gần đây. Lý do số lượng và diện tích không gian của chi nhánh giảm là do khách hàng không còn thường xuyên giao dịch ở các chi nhánh nữa.
Vấn đề không phải thiết kế chi nhánh không bắt mắt hay lỗi thời mà là hành vi của khách hàng. Nhờ công nghệ mà nhiều khách hàng, nhất là phân khúc khách hàng thế hệ Milennials thường giao dịch trực tuyến bằng điện thoại thông minh.
Khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính là một phương thức để thoát nghèo. Standard Bank và Accenture đã tiến hành một cuộc khảo sát vào năm 2014, kết luận rằng trong số hơn 1 tỉ người không có tài khoản ngân hàng ở châu Phi, hơn 70% sẽ mất cả quỹ tiết kiệm hay cả một tháng lương chỉ để di chuyển đến một ngân hàng gần nhất.
Cả nước Kenya chỉ có khoảng 50 chi nhánh cho 1 triệu người, đảm bảo cung cấp dịch vụ tài chính ở mức 20%, kết luận đơn giản dường như là cần phải tăng số lượng chi nhánh. Nhưng một giải pháp đã trở thành một điển cứu trên thế giới là từ năm 2006, việc đảm bảo cung cấp dịch vụ tài chính đã tăng lên 85% nhờ điện thoại di động và dịch vụ M-Pesa (cung cấp tài khoản trên di động).
Yu’e Bao là quỹ tiền tệ lớn nhất ở Trung Quốc hiện nay, theo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng, hiện nay quỹ này đang quản lý 266 tỉ đôla. Điểm độc đáo của quỹ này là nó không thuộc một ngân hàng mà chỉ là một phần của dịch vụ thanh toán Alipay thuộc Tập đoàn Alibaba. Điều này cho thấy chi nhánh ngân hàng là không còn cần thiết cho việc gửi tiền nữa.
Thẻ tín dụng sẽ sớm biến mất
Vào năm 2025 sẽ có khoảng 50 tỉ thiết bị kết nối internet, và đây chính là hình ảnh của Internet of Things (Internet vạn vật), trong đó mọi thứ xung quanh chúng ta sẽ được kết nối và trở nên thông minh hơn.
Tủ lạnh có thể rà soát các món ăn và đặt lệnh mua đồ, bếp có thể cho chúng ta biết các món ăn có thể được nấu từ những thứ thực phẩm hiện còn trong tủ lạnh. Quần áo có thể theo dõi tình trạng sức khỏe hoặc các thiết bị đeo tay (wearable devices) cho bạn biết nhịp tim, hoạt động thể chất, mức độ căng thẳng, các xe hơi có thể tự lái và giao tiếp với nhau.
Các thiết bị thông minh này làm mọi thứ và không may, nó đều liên quan đến tiền để trả phí hay nhận thưởng (voucher) để mua hàng. Trong vòng độ chục năm nữa sẽ có nhiều giao dịch giữa máy móc (machine to machine, M2M) hơn là các giao dịch cần đến con người, hay một sản phẩm ngân hàng truyền thống, hay một thẻ tín dụng.
Khi các dịch vụ như Apple Pay, Android Pay, Samsung Pay hay Alipay dần phổ biến, chiếc thẻ nhựa tín dụng không còn cần thiết nữa. Bạn sử dụng một ví điện tử, liên kết hoặc không cần liên kết với ngân hàng, thậm chí không cần dùng số thẻ nữa vì đơn giản nó không còn đủ độ an toàn với mã PIN hay các số mã xác nhận CVV đằng sau thẻ tín dụng, đó là khi bạn sử dụng sinh trắc học (biometric) như dấu vân tay, khuôn mặt, mống mắt để xác nhận nhân thân.
“Có lẽ chúng ta sẽ là thế hệ cuối cùng sử dụng thuật ngữ thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Thuật ngữ mới sẽ là truy cập tín dụng hay truy cập ghi nợ và tất cả sẽ hoạt động trên một thiết bị di động” – John Stumpf, CEO của Walls Fargo, đã nhìn ra điều này và nói tại hội nghị tài chính Mỹ do Goldman Sachs tổ chức vào năm 2015.
Công nghệ blockchain đe dọa ngành ngân hàng truyền thống?
Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Công nghệ này được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu nên có tính bảo mật cao.
Những vụ tấn công vào hệ thống dữ liệu tập trung của các định chế tài chính như ngân hàng, tập đoàn… sẽ rất khó thực hiện bởi để lấy thông tin trong một khối cụ thể nào đó, hacker sẽ phải tấn công hàng triệu máy tính trong mạng lưới cùng lúc.
- Xem thêm: Đã đến thời hoàng kim của blockchain
Blockchain đem lại nhiều lợi ích trong lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính mà trước hết phải kể đến độ tin cậy. Nhờ lưu trữ phi tập trung các dữ liệu về giao dịch và việc thay đổi thông tin về lịch sử giao dịch gần như bất khả thi, khách hàng có thể yên tâm rằng những gì lưu trữ nhờ blockchain đều rất đáng tin cậy. Thứ hai, với blockchain, nhà đầu tư đều có quyền kiểm soát “sổ cái” tương đương nhau nên sẽ đảm bảo được tính giao dịch.
Cuối cùng, công nghệ này cho phép tiền được trao đổi một cách nhanh chóng, vào bất cứ thời gian nào, giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn đem lại hiệu quả cao. Công nghệ blockchain giúp giảm chi phí giao dịch và thay đổi hình thức thanh toán này được cho là mối đe dọa lớn đối với ngành ngân hàng truyền thống.
Một số dự đoán
Đầu năm 2025, các công ty công nghệ hàng đầu (Alibaba, Amazon, Google, Tencent, Apple) và các công ty FinTech sẽ là những công ty cung cấp dịch vụ gửi tiền (deposit) lớn nhất.
Đến năm 2025, khoảng 3 tỉ khách hàng chưa từng đặt chân vào ngân hàng sẽ tham gia hệ thống trung gian tài chính.
Vào năm 2025, nhiều người sẽ thực hiện các giao dịch thông qua máy tính, điện thoại thông minh, giọng nói hoặc thực tế tăng cường hằng ngày so với việc họ chỉ đến chi nhánh ngân hàng mỗi năm một lần.
Vào năm 2025, đa số các tư vấn tài chính sẽ được cung cấp bởi các thuật toán và giải pháp phần mềm dựa trên AI (trí tuệ nhân tạo) so với hiện tại được cung cấp bởi các nhà tư vấn làm việc trong các tổ chức tài chính trên toàn thế giới.
Đến năm 2025, một phần tư các công ty thương mại điện tử và thương mại di động hằng ngày sẽ được kích hoạt bằng giọng nói dựa trên phần mềm trợ lý thông minh, các công ty này có thể thu nhập cao hơn từ 25 – 30% so với đối thủ không có dịch vụ nhận dạng giọng nói.
Đến năm 2025, các ngân hàng bán lẻ lớn nhất thế giới sẽ tạo ra phần lớn doanh thu của họ thông qua các kênh kỹ thuật số.
Đến năm 2030, ít nhất một chục quốc gia sẽ hầu như không sử dụng tiền mặt, bao gồm dân sống ở các đô thị Trung Quốc, các quốc gia bán đảo Scandinavie, Singapore và Úc.
Đến năm 2030, hơn 30% nhân viên ngân hàng hiện tại sẽ mất việc do AI, một phần nhỏ trong số họ sẽ được thay thế bởi các kỹ thuật viên dữ liệu, nhà tâm lý học hành vi và chuyên gia kỹ thuật.
(Theo Brett King trong cuốn Bank 4.0: Banking Everywhere, Never at a Bank – Ngân hàng 4.0: Ngân hàng ở mọi nơi nhưng không ở trong một ngân hàng)