Vừa qua, ông Hoàng Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định ban hành tiêu chí “nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh” để áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam. Đây là một việc làm có ảnh hưởng tích cực đến môi trường, hy vọng sẽ được ngành du lịch hưởng ứng thực hiện để môi trường giảm đi một gánh nặng về ô nhiễm và phát thải.
Nhãn hiệu “Bông sen xanh”
Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh (sau đây gọi tắt là nhãn Bông sen xanh) là nhãn hiệu cấp cho các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đó là các đơn vị có những nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, góp phần bảo vệ các di sản, phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của địa phương và chú trọng việc phát triển du lịch bền vững. Nhãn hiệu này có năm cấp độ, từ một đến năm bông sen xanh. Số lượng bông sen xanh ghi nhận mức độ nỗ lực trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của cơ sở lưu trú du lịch, không phụ thuộc vào loại, hạng mà cơ sở đó đã được công nhận.
Nhãn du lịch “Bông sen xanh” từ cấp độ một đến cấp độ năm
Du lịch ViệtNamđang phát triển nhưng chưa thật sự quy củ, bài bản và tình trạng này sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Kinh tế phát triển sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng và nước tăng lên. Đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng nhiều doanh nghiệp thuộc quy mô này lại đang sử dụng những thiết bị công nghệ đã lỗi thời, hiệu quả không cao, gây ô nhiễm môi trường. Với việc giá năng lượng và nước đang ngày một tăng, các hoạt động của những doanh nghiệp không kịp thời đổi mới công nghệ sẽ càng kém hiệu quả, mà còn tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Trên thế giới, việc sử dụng năng lượng xanh và tiết kiệm năng lượng, nước sạch đang là xu thế của các khách sạn lớn. Ở ViệtNam, vài năm trở lại đây, xu thế này cũng đang phát triển, được các khách sạn lớn chú trọng nhằm thu hút khách du lịch theo hướng bền vững. Vì vậy, chương trình Nhãn Bông sen xanh mà Tổng cục Du lịch ViệtNamđưa ra cho các cơ sở lưu trú du lịch là rất thích hợp. Cùng với việc các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn về môi trường thì việc thực hiện các tiêu chí của nhãn Bông sen xanh sẽ giúp các cơ sở này nâng cao hình ảnh, sức cạnh tranh, tăng sức hấp dẫn đối với khách du lịch, đặc biệt là tranh thủ tình cảm của nhóm khách có ý thức cao về bảo vệ môi trường, sẵn sàng trả phí cao hơn dịch vụ thường (khách châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…), đồng thời còn giảm được chi phí quản lý và còn tăng hiệu quả kinh doanh.
Nhiều cơ sở lưu trú du lịch đã chú trọng hơn việc đầu tư cho “nhãn hiệu xanh”
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã tiếp nhận rất nhiều dự án và chương trình nhằm giới thiệu các công nghệ hiện đại, sử dụng năng lượng và nước hiệu quả hơn, một số các công ty đã được thử nghiệm lắp đặt trang thiết bị thí điểm. Tuy nhiên, việc quảng bá các công nghệ sản xuất bền vững hiện nay hầu như chỉ ở quy mô dự án thí điểm. Các công nghệ sản xuất sạch hơn, hiệu quả hơn chưa thực sự thâm nhập được sâu rộng. Nhằm cung cấp cụ thể thông tin và giải đáp thêm những thắc mắc của doanh nghiệp về các nội dung trên, Dự án Thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm thông qua hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam (MEET-BIS Việt Nam) đã phối hợp với Dự án Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT) cùng Tổng cục Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Khách sạn Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo “Hoạt động du lịch có trách nhiệm với môi trường dành cho các cơ sở lưu trú” vào ngày 19-4 vừa qua ở Hà Nội. Tại Triển lãm quốc tế du lịch Việt Nam 2013, Dự án MEET-BIS Việt Nam cũng đã trưng bày mô hình “Khách sạn xanh – tiết kiệm năng lượng, nước”. Các giải pháp này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm từ 25 đến 60% chi phí điện, nước.
Quảng bá du lịch có trách nhiệm
Du lịch có trách nhiệm là khái niệm tuy không mới, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng. Bản chất của loại hình du lịch này chứa đựng những nét đặc trưng của phát triển du lịch bền vững, nhưng mang tính phổ quát, định hướng cao hơn và có thể điều chỉnh các loại hình du lịch khác nhằm hướng mục tiêu phát triển du lịch tới sự hài hòa, đem lại lợi ích bình đẳng cho mọi thành phần tham gia. Đồng thời, nó góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ tạo dựng nên một môi trường kinh tế – xã hội lành mạnh.
Vì vậy, thúc đẩy và quảng bá sâu rộng khái niệm du lịch có trách nhiệm đến các cơ sở lưu trú du lịch, gắn kết cùng việc quảng bá nhãn Bông sen xanh với các tiêu chí cụ thể giúp cơ sở lưu trú tự đánh giá và nhận biết các hoạt động của mình và các ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế – xã hội địa phương là việc làm cần thiết mang tính lâu dài. Cần phải có định hướng tuyên truyền để các cơ sở dịch vụ trong ngành du lịch không vì lợi ích trước mắt, mà hướng đến tính bền vững lâu dài cho cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng phải giới thiệu và tư vấn cho các cơ sở lưu trú du lịch về những công nghệ, giải pháp và cách thức quản lý giúp nâng cao hiệu quả việc sử dụng nguồn năng lượng, nước sạch, đảm bảo các tiêu chí du lịch có trách nhiệm hướng đến phát triển du lịch bền vững. Được biết, MEET-BIS ViệtNamđã phối hợp cùng ESRT xây dựng các hoạt động chung tại một số khu vực du lịch trọng điểm.
Sự hợp tác giữa hai dự án trên cùng do EU tài trợ, không chỉ đem đến cho các doanh nghiệp khách sạn những kiến thức cơ bản cùng những kinh nghiệm thực tế để triển khai du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam, mà còn giúp các doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nước. Đó là một trong các tiêu chí góp phần bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính, bảo tồn tài nguyên. Dự án không chỉ tư vấn, giới thiệu giải pháp, mà còn kết nối các doanh nghiệp khách sạn với các nhà cung cấp thiết bị năng lượng, nước hiệu quả hơn. Từ đó, từng doanh nghiệp sẽ thấy được lợi ích kinh tế giữa vốn đầu tư, lợi ích tiết kiệm và thời gian hoàn vốn của từng giải pháp để lựa chọn giải pháp phù hợp. Hy vọng rằng với các mục tiêu đã đề ra và với trách nhiệm của các đối tác, chuỗi hoạt động chung này sẽ góp phần cải thiện các hoạt động du lịch tại Việt Nam theo hướng có nâng cao trách nhiệm, tạo đà cho sự tăng cường tiết kiệm năng lượng và nước, nghĩa là gìn giữ và bảo vệ môi trường tốt hơn.
Tường Minh – Ngân An
[spoiler title=”Hưởng ứng Ngày Trái đất 2013″ open=”0″ style=”2″]“Hãy dừng ngay các hoạt động làm ô nhiễm nguồn nước” là chủ đề của sự kiện Ngày Trái đất năm 2013 do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, Tổng cục Môi trường, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức tại Hà Nội sáng 21-4. Với chủ đề bảo vệ nguồn nước, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt nhằm hưởng ứng Ngày Trái đất năm 2013. Qua thông điệp “Chúng ta mượn nước sạch để sử dụng thì hãy trả về tự nhiên bằng nước sạch”, hàng trăm tình nguyện viên đến từ các trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, FPT… cùng đông đảo người dân đã tham gia hưởng ứng sự kiện bằng nhiều hoạt động thiết thực như chạy quanh hồ Bảy Mẫu, nhặt rác trong công viên Thống Nhất, trưng bày tranh, các sản phẩm môi trường và ký cam kết bảo vệ môi trường… Qua đó, hy vọng nhiều người hiểu và xem việc bảo vệ môi trường là việc làm của mỗi người, tập thói quen đơn giản nhất hãy bắt đầu từ chính nơi ở của mình.
V.N
[/spoiler]