Vậy nhưng, dòng tiền vẫn quay lưng, diễn biến thị trường theo chiều hướng xấu đi nhanh chóng. Trước kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ, thị trường đã quay đầu giảm điểm mạnh ngay sau một phiên hồi phục.VN-Index giảm gần 11 điểm (-2,2%), chỉ số HNX-Index cũng giảm hơn 0,6%.Cả hai sàn giao dịch đều có mức thanh khoản cực thấp. Chỉ tính riêng trong bốn phiên từ 10-4 đến 15-4 vốn hóa của thị trường đã hao hụt khoảng 2,5 tỉ USD. Không tính đến phiên giảm mạnh ngày 4-4 với mức giảm 5,25% của chỉ số VN-Index, mức giảm 2% mỗi phiên được lặp lại khá nhiều lần trong tháng 4. Với đà giảm đó, chỉ số VN-Index nhanh chóng đánh mất ngưỡng 500 điểm.
Tính tổng cộng tuần thứ ba của tháng 4, VN-Index giảm 4,26%; HNX-Index giảm 3,1%. Điều đáng lo ngại nhất đã xảy ra, đó là thanh khoản trên cả hai sàn tiếp tục sụt giảm mạnh. Tổng khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên HoSE giảm 25,2% so với tuần giao dịch trước và chỉ đạt 40,3 triệu đơn vị/phiên. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình phiên giảm 20,2%, chỉ đạt 28,8 triệu đơn vị/phiên. Tâm lý lo sợ và thận trọng gia tăng, khiến hoạt động thoát hàng diễn ra trên diện rộng. Lực bán tập trung ở nhiều cổ phiếu blue-chip khiến chỉ số VN-Index mất cả ngưỡng 480 điểm.
Với kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kề cận, diễn biến giao dịch của tuần cuối tháng 4 không được kỳ vọng. Hai kỳ nghỉ lễ liên tiếp đã khiến cho giới đầu tư càng thêm cẩn trọng. Vả lại, không mấy ai muốn ôm mối lo trong những ngày nghỉ lễ nên nhiều khả năng thanh khoản sẽ tiếp tục ở mức thấp. Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tháng 4, thị trường xuất hiện hai đợt nghỉ lễ dài ngày, trong bối cảnh xu hướng giảm điểm như hiện nay những đợt nghỉ dài sẽ có tác dụng khá tích cực. Khoảng thời gian này giúp nhà đầu tư bình tĩnh và có thể nhìn nhận được những dòng/nhóm cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng và dẫn dắt thị trường trong thời gian tới. Trong ngắn hạn theo quan điểm của BVSC, thanh khoản thấp khiến thị trường tiềm ẩn rủi ro lớn, nhà đầu tư nên hạn chế tham gia thị trường và chờ đợi các chuyển biến tích cực hơn về mặt xu hướng.
Sau phiên hồi phục ngày 17-4, thị trường đã nhanh chóng giảm sâu trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần 18-4. Áp lực bán ra không chỉ xuất phát từ tâm lý e ngại rủi ro của giới đầu tư trong nước, mà còn do lực bán gia tăng mạnh ở nhóm đầu tư nước ngoài. Trong phiên cuối tuần, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trên HoSE lên gần 90 tỉ đồng và cũng tập trung vào nhóm cổ phiếu blue-chip.
Động thái bán ra của khối ngoại và sự thiếu vắng thông tin hỗ trợ tích cực khiến cho thị trường khó bề bứt phá. Về thông tin, thị trường đang cần những tín hiệu hỗ trợ trực tiếp đến thị trường chứng khoán chứ không phải là “câu chuyện” đã trở nên nhàm chán về 30 ngàn tỉ cho thị trường bất động sản hay việc hình thành công ty mua bán nợ xấu… Với diễn biến loanh quanh, chỉ cần gặp một dấu hiệu xấu nào đó, như việc nhà đầu tư nước ngoài bán ra một số cổ phiếu blue-chip, sẽ khiến nhà đầu tư “buông tay”. Rất may, khoảng đi ngang, tích lũy vẫn được duy trì trong nhiều tuần qua vẫn chưa hoàn toàn bị phá vỡ. Trên phương diện kỹ thuật, vùng giá 460 điểm hiện đang là vùng hỗ trợ rất mạnh cho chỉ số VN-Index. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp trong khi thị trường thế giới cũng đang trong giai đoạn khó chịu, điều này bất lợi cho cả yếu tố tâm lý và tác động cụ thể thông qua hoạt động mua – bán của các quỹ ETF. Trong tuần từ 15-4 đến 19-4, tại thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, cả hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều giảm 2,1%. Riêng S&P 500 đã có tuần giao dịch tồi tệ nhất trong năm.
Trong bối cảnh thị trường rơi vào “vùng tối” của thông tin và niềm tin như hiện nay, nhà đầu nên duy trì sự thận trọng, chờ đợi biểu hiện tiếp theo của thị trường. Đặc biệt, tránh để cảm xúc chế ngự dẫn đến mua đuổi giá cao trong các phiên hồi phục kỹ thuật.
Phiên giao dịch đầu tuần ngày 22-4, sự hồi phục của MSN trong phiên chiều không sức để kéo thị trường đi lên.VN-Index vẫn đóng cửa giảm mạnh về 468,43 điểm.Số lượng cổ phiếu giao dịch cũng giảm xuống còn 39,68 triệu đơn vị với giá trị 656 tỉ đồng. Sàn HoSE chịu áp lực lớn bởi nhiều cổ phiếu bất động sản giảm mạnh về sát mức giá sàn như HQC, DXG, HAG, ITA, KBC, ITC, NBB, LCG… Ngoài ra nhiều cổ phiếu lớn khác cũng giảm khá mạnh như GAS, VNM, CTG, VCB, STB…, tạo áp lực giảm lên toàn thị trường.
Song Hà