Từ robot phụ trách việc tiếp tân cho đến phục vụ, nhiều doanh nghiệp ở châu Á đang bắt đầu chuyển sang tự động hóa thông minh. Dù là ở nhà máy hay sảnh bệnh viện, máy móc đã được sử dụng và thay thế những công việc có tính lặp lại, tốn sức hoặc nguy hiểm nhằm giúp cho quy trình làm việc hiệu quả hơn.
Trong những năm gần đây, nhờ vào sự phát triển của trí tuệ nhân tạo mà máy móc đã có thể làm được những việc mà trước kia cần phải có yếu tố con người. Theo BBC, robot đã có thể làm những việc như một công nhân nhà máy, phóng viên, người lái taxi, người phục vụ cocktail và thậm chí là bác sĩ.
Các nhà kinh tế học cũng e ngại rằng 35% công việc sẽ bị mất cho robot trong vòng 20 năm tới. Tuy nhiên, những người khác lại phản biện rằng nếu các doanh nghiệp chuẩn bị tốt, công nghệ sẽ giúp tạo ra việc làm mới và làm cho những công việc hiện tại trở nên có giá trị hơn.
Với các nước châu Á phát triển như Nhật và Singapore, nơi mà chi phí lao động tăng cao do sự lão hóa dân số, cuộc “cách mạng” robot là một lời đáp đối với tình trạng thiếu hụt lao động.
Tại Singapore, điều này cũng gắn liền với chiến lược Quốc gia Thông minh của chính phủ, đẩy mạnh việc đưa công nghệ vào đời sống hằng ngày. Với những chương trình do chính phủ trợ giúp, các robot xã hội đang được thử nghiệm ở vai trò người tiếp tân công sở, trợ lý ở bệnh viện, khuân vác ở khách sạn, giáo viên mầm non và phổ biến nhất là ở vai trò phục vụ.
Tự động hóa thông minh đang giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động phục vụ trong ngành dịch vụ ăn uống của Singapore. Nhiều địa điểm đang tự động hóa những khâu như mang đồ ăn từ nhà bếp đến bàn, các robot không chỉ chiên cơm, xúc kem mà còn có thể nhận gọi món và giới thiệu thực đơn.
Tờ The Straits Times cho biết nhà hàng hải sản Rong Heng tuyển dụng hai phục vụ robot để giảm tải khối lượng công việc cho nhân viên, nhờ thế họ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc khách hàng thay vì phải di chuyển quá nhiều giữa nhà bếp và các bàn ăn. Hai robot giá 12.600 USD mỗi con này có tên là Lucy và Mary, có thể nói được tiếng Hoa.
Trung Quốc cũng đang nỗ lực giải quyết tình trạng chi phí lao động tăng nhanh và tốc độ phát triển kinh tế bị chậm lại thông qua việc tự động hóa quy trình tại các nhà máy của nước này.
- Xem thêm: AI và tự động hóa trong tiếp thị
Một chiến dịch của chính phủ Trung Quốc đang được tiến hành nhằm gia tăng năng suất và sự tinh vi của các ngành sản xuất và trí tuệ nhân tạo sẽ được đưa vào quy trình và thiết bị sản xuất. Theo International Federation of Robotics (Liên đoàn quốc tế về thiết kế và ứng dụng robot), tính đến năm 2018, Trung Quốc sẽ chiếm hơn một phần ba số lượng robot công nghiệp được lắp đặt trên thế giới.
Nhà sản xuất bồn rửa Ying Ao có trụ sở tại Quảng Đông cho tờ Financial Times biết công ty này đã chi hơn 3 triệu USD vào robot. Đây là những công việc khó và trước đây công ty này đã không thể chi lương cao theo đòi hỏi của nhân viên, nhưng nay chín con robot của họ có thể giải quyết khối lượng công việc của 140 nhân viên toàn thời gian.
Theo số liệu thống kê của chính quyền địa phương, chỉ riêng thành phố công nghiệp Đông Hoãn của tỉnh Quảng Đông, đã có 505 nhà máy đầu tư 640 triệu USD vào robot để thay thế hơn 30.000 công nhân.
Chuyển đổi cách thức làm việc
- Khi mà các công việc cũ “tự động bị biến mất”, những ngành và công việc mới sẽ liên tục được tạo ra do phản ứng với sức sản xuất tăng lên từ tự động hóa. Điều này cũng là một chất xúc tác cho sự phát triển của những kỹ năng có giá trị cao hơn ở nhân sự.
- Nhà sản xuất của Apple và Samsung, Foxconn, mới đây đã công bố cắt giảm 60.000 việc làm sau khi tự động hóa quy trình tại nhà máy Kunshan. Công ty này cho BBC biết việc tự động hóa những công việc có tính lặp lại sẽ khiến nhân viên tập trung hơn vào các yếu tố có giá trị cao hơn trong quy trình sản xuất như nghiên cứu phát triển, kiểm soát quy trình và kiểm soát chất lượng.
- Tuy nhiên, không phải chỉ cần tự động hóa là đạt được năng suất tốt hơn. Có những việc không dễ dàng được thay thế bởi tự động hóa. Thách thức của doanh nghiệp là họ cần phải quyết định được nhiệm vụ nào có thể tự động hóa một cách hiệu quả và việc nào vẫn cần kỹ năng của nhân viên.
- Những người ủng hộ tự động hóa cho rằng sự hợp tác giữa con người và máy móc sẽ thúc đẩy tăng năng suất và cải thiện chất lượng công việc, cho phép con người phát triển kỹ năng mới và tập trung vào các công việc sáng tạo, có nhận thức – những gì mà nhân loại làm tốt nhất. Sau hết, máy móc không thể thay thế khả năng khám phá, sáng tạo, cảm thông và khơi gợi cảm hứng của con người.
- Xem thêm: Sự tự động hóa có đe dọa nền kinh tế Ấn Độ?
- Về phía nhà tuyển dụng, họ cần cam kết đầu tư để nâng cao kỹ năng của nhân viên và tạo ra môi trường làm việc mà nhân viên sẽ thành công hơn với công nghệ, sẵn sàng chấp nhận, học cách tận dụng lợi ích hơn là “cạnh tranh” với công nghệ. Nếu không, họ sẽ bị bỏ lại phía sau trong một tương lai hợp tác “win-win” giữa con người và máy móc.