Theo một kết quả nghiên cứu của hãng PeopleStrong, đến năm 2021, sự tự động hóa sẽ làm mất đi 23% số việc làm tại Ấn Độ. Sự cắt giảm này không diễn ra tức khắc, nhưng tác động của nó sẽ trở nên mạnh mẽ kể từ năm 2020. Đây là một xu hướng khó đảo ngược, vì khi thương mại thế giới ngày càng có tính cạnh tranh hơn, sản xuất cũng cạnh tranh hơn, việc sử dụng nhiều hơn các robot và công nghệ cao là điều tất yếu. Công ty Cognizant Technology Solutions là một trong những trường hợp điển hình. Trụ sở của công ty đặt ở Mỹ nhưng phần lớn lực lượng lao động nằm ở Ấn Độ. Họ đang chịu áp lực phải cắt giảm chi phí và dự kiến cho nghỉ việc từ 6.000-10.000 người làm việc kém hiệu quả trong năm nay. Về phần mình, Công ty Infosys lớn thứ ba Ấn Độ cho biết sự tự động hóa khiến họ phải chuyển 9.000 công nhân làm những công việc chỉ cần kỹ năng kém sang những dự án tiên tiến hơn như “machine learning” (một phương pháp phân tích dữ liệu) và trí thông minh nhân tạo. Đối thủ của Infosys là hãng Wipro đã tái triển khai 3.200 việc làm trong năm 2016 và dự kiến tái bố trí 4.500 việc làm khác trong năm 2017 này.
Các văn kiện được công bố gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo có đến 69% công việc đang diễn ra tại Ấn Độ bị đe dọa bởi sự tự động hóa. Hiện nay ngành công nghệ thông tin (IT) tại Ấn Độ đóng góp 9,3% GDP nhưng chỉ sử dụng 3,7 triệu người trong tổng số gần 500 triệu công nhân của cả nước. Chỉ từ năm 1991 đến 2013, dân số trong độ tuổi lao động ở Ấn Độ đã tăng thêm 300 triệu người, nhưng chỉ có 140 triệu người gia nhập lực lượng lao động chung. Việc robot thay thế hàng loạt người lao động chân tay là điều chưa thực sự diễn ra trong trung hạn tại Ấn Độ – hay nhiều nước khác – nhưng hiện nay, tác động của chúng đã có thể cảm nhận được. Tháng 9-2016, công ty vải sợi khổng lồ Raymond của Ấn Độ loan báo sẽ thay 10.000 công nhân bằng robot trong vòng 10 năm tới. Theo Vinodh Kumar, lãnh đạo công đoàn một hãng sản xuất của Công ty BMW tại Chennai – trung tâm sản xuất ôtô của Ấn Độ – cho biết cơ sở của ông đang bị đe dọa bởi tự động hóa. Nhiều ngành nghề khác cũng thế, trong đó có ngành dược phẩm, thực phẩm, thức uống, logistics và an ninh.
Dù biết rằng sự tự động hóa sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó nổi bật nhất là nạn thất nghiệp sẽ gia tăng, nhưng trong xu thế hiện nay, tự động hóa vẫn là điều cần thiết giúp cải tiến khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và hiệu năng của công việc.
- LHCT tổng hợp
Xem thêm:
- Ấn Độ: đời sống kinh tế xã hội rối loạn vì đổi tiền
- Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới
- Tự động hóa thông minh ở thị trường châu Á