Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 6-1 đã ra sắc lệnh chính thức đổi tên Chính quyền Palestine thành Nhà nước Palestine, sau khi Liên Hiệp Quốc nâng quy chế đối với nước này từ Thực thể quan sát viên lên Nhà nước quan sát viên phi thành viên vào ngày 29-11-2012 với 138/193 phiếu tán thành. Chín nước đã bỏ phiếu chống trong đó có Mỹ, Israel và Canada, 41 nước bỏ phiếu trắng trong đó có Anh và Đức.
Đây được xem là thành công mang tính lịch sử của Palestine sau bao nỗ lực ngoại giao để nhận được sựủng hộ rộng rãi của các nước trên thế giới, đồng thời là bước đi quan trọng trên con đường tiến tới nền độc lập thực sự của Nhà nước Palestine, đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu của người dân.
Lịch sử xung đột Israel – Palestine
Ngược dòng lịch sử, cuộc xung đột giữa người Do Thái và người Palestine được coi là dai dẳng nhất mà căn nguyên bắt nguồn từ sự tranh chấp dải đất nằm giữa Bờ Đông Địa Trung Hải và sông Jordan.
Đối với người Palestine, trong suốt hơn 100 năm qua, họ đã phải gánh chịu hành động đánh chiếm thuộc địa, trục xuất và chiếm đóng quân sự, đồng thời cũng gian nan trong công cuộc kháng chiến giành quyền tự quyết và cùng tồn tại với nhà nước Israel.
Đối với người Do Thái, sự trở lại miền đất của tổ tiên sau nhiều thế kỷ phiêu bạt và bị ngược đãi trên khắp thế giới chưa mang đến hòa bình và an ninh hoàn toàn. Người Do Thái cũng đã phải đối mặt với vô số cuộc khủng hoảng lẫn xung đột khi các nước lân bang muốn xóa bỏ mảnh đất của họ trên bản đồ thế giới.
Người dân Palestine ăn mừng sự ra đời của Nhà nước Palestine
Ngay từ thời cổ đại, miền đất bao quanh Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine đã nhiều lần bị đánh chiếm rồi lại tái chiếm. Còn lịch sử cận đại cũng ghi nhận biết bao phức tạp của người Do Thái và Ả Rập trên vùng đất tranh chấp Palestine.
Vào thời kỳ Thế chiến thứ nhất, đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ đã thống trị khu vực này. Sự cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc khi các lực lượng Ả Rập được sựủng hộ của vương quốc Anh đánh bật người Ottoman ra khỏi khu vực.
Năm 1916, Cao ủy của Anh quốc tại Ai Cập, ngài Henry McMahon, đã cam kết với lãnh đạo Ả Rập sẽ trao độc lập cho các tỉnh Ả Rập Ottoman cũ ngay sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc.
Tuy nhiên, cùng thời điểm đó Hiệp định mật Sykes-Picot giữa Anh và Pháp đã chia cắt khu vực và đặt dưới sự kiểm soát chung của hai nước. Năm 1917, lãnh thổ Palestine cho người Do Thái được thành lập dưới sựủy trị của Anh, thu hút hàng trăm ngàn người Do Thái từ Anh trở về “vùng đất hứa” chỉ trong hai thập niên.
Ngày 29-11-1947, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết phân chia Palestine thành hai quốc gia Do Thái và Ả Rập. Nhưng ngày 14-5-1948, giới lãnh đạo chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã tuyên bố thành lập Nhà nước Israel tại chính nơi này và xua đuổi người Ả Rập. Hầu như ngay lập tức, Ai Cập, Lebanon, Syria, Jordan và Iraq tuyên bố chiến tranh với nhà nước non trẻ, bắt đầu giai đoạn Chiến tranh Ả Rập – Israel.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (giữa) cùng phái đoàn nước này vỗ tay ăn mừng sau khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nâng cấp tư cách mới cho Palestine
Một cuộc ngừng bắn được các bên liên quan tuyên bố năm 1949, thừa nhận các biên giới tạm thời, theo đó Israel có thêm được 26% lãnh thổủy trị phía tây sông Jordan. Về phần Jordan thì chiếm các vùng núi rộng lớn của Judea và Samaria, sau này được gọi là Bờ Tây. Ai Cập giành quyền kiểm soát một dải đất nhỏ dọc theo bờ biển, chính là Dải Gaza hiện nay.
Sau khi liên quân Ả Rập bị Israel đánh bại, khoảng 800.000 người Palestine đã bỏ chạy khỏi các khu vực bị Israel sáp nhập và trở thành những người tị nạn tại các nước láng giềng. Trong cuộc chiến tranh Ả Rập – Israel diễn ra sau đó giữa Israel với Ai Cập, Jordan và Syria hồi năm 1967, Israel đã chiếm được Dải Gaza, bán đảo Sinai, vùng Bờ Tây sông Jordan và cao nguyên Golan.
Về phía người Palestine, vào năm 1958, Al-Fatah – tổ chức cách mạng đầu tiên của nhân dân Palestine, được thành lập dưới sự lãnh đạo của ông Yasser Arafat. Sáu năm sau, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) thành lập, quy tụ nhiều đảng phái khác nhau của người Palestine mà lớn nhất là Fatah của ông Arafat.