Ở Việt Nam, giáo dục đang bị đánh giá là tụt hậu và sau hàng chục năm cải cách vẫn không thu được kết quả như mong đợi. Một trong những nguyên nhân chính là do không có một triết lý giáo dục đúng và tường minh để dẫn dắt.
Dù không được thừa nhận, nhưng qua cách tổ chức triển khai và kiểm soát chi tiết, thì có thể thấy, triết lý giáo dục của hệ thống giáo dục hiện thời là “Đào tạo con người công cụ”. Triết lý giáo dục này vừa không đúng, vừa không tường minh, nên đã làm cho giáo dục suốt mấy chục năm qua cứ quẩn quanh trong vòng bế tắc, dù liên tục được cải cách. Trong quá trình xây dựng hai ngôi trường học tư thục bậc phổ thông tại Việt Nam, tôi có may mắn được xây dựng từ những gạch đầu dòng, nên hiểu được tầm quan trọng của triết lý giáo dục. Ở ngôi trường thứ nhất, tôi đã chọn triết lý giáo dục là: đào tạo con người tự do, có khả năng lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc sống.
Đây là ngôi trường mà tôi là đồng sáng lập, nên đã đặt rất nhiều hy vọng. Tiếc là do khác biệt quan điểm trong quản trị và điều hành nên đứt gánh giữa đường.
Với ngôi trường thứ hai, tôi chọn một triết lý giáo dục hơi khác, tuy vẫn cùng tinh thần trên, đó là: đào tạo con người tự chủ, sống hạnh phúc, làm hiệu quả. Về bản chất, nội dung của hai mệnh đề này giống nhau khoảng 90%. Vì có tự chủ thì mới đến được tự do, có lãnh đạo được bản thân thì mới có thể sống hạnh phúc, có làm chủ cuộc sống thì mới có thể làm việc hiệu quả. Nhờ lựa chọn triết lý giáo dục tường minh ngay từ đầu như thế, nên việc thiết lập nền tảng tinh thần của nhà trường dễ dàng hơn rất nhiều.
Triết lý giáo dục đóng vai trò định hướng rất quan trọng. Giống như ngôi sao dẫn đường ở phía xa, nếu không có nó thì thầy và trò sẽ dễ lạc hướng. Nhưng trên hành trình đi về phía ngôi sao đó, biết bao sự việc, biết bao tình huống xảy ra mỗi ngày cần phải giải quyết, phải lựa chọn sao cho phù hợp.
Trong trường hợp này, bên cạnh triết lý giáo dục, thì nhà trường còn cần thêm một bộ giá trị cốt lõi làm khung tham chiếu cho các lựa chọn và xử lý công việc hàng ngày đó. Bộ giá trị cốt lõi này phải đảm bảo tính ổn định và thực tế. Nếu không ổn định, tức cứ một vài năm lại thay đổi theo mốt thời thượng, thì không còn là giá trị cốt lõi nữa. Còn nếu không thực tế thì sẽ không phát huy tác dụng, nên sẽ không đi được vào đời sống học đường.
Với cả hai ngôi trường mà tôi đã có cơ hội tham gia xây dựng, thì tôi đã chọn bộ giá trị cốt lõi của nhà trường là bốn giá trị phổ quát: Chân – Thiện – Mỹ – Hòa. Trong đó: Chân là tiêu chuẩn hướng đến của khoa học và nhận thức; Thiện là tiêu chuẩn hướng đến của đạo đức và hành vi; Mỹ là tiêu chuẩn hướng đến của nghệ thuật và lối sống; Hòa là tiêu chuẩn hướng đến của văn hóa và kỹ năng sống. Từ đây, mọi hoạt động hàng ngày của giáo viên, nhân viên trong nhà trường đều tham chiếu đến, và chịu sự chi phối của các giá trị cốt lõi này.
Chẳng hạn, người giáo viên khi soạn bài và lên lớp, thì sẽ lấy Chân, tức sự thật để hướng đến. Nhưng đến giờ nghỉ trưa, chuyển sang hoạt động bán trú và chăm sóc học sinh, thì lại lấy Thiện là tiêu chuẩn làm việc. Sang đến buổi chiều, làm việc với đồng nghiệp, thì lại lấy Mỹ là chuẩn mực, vì sống đẹp với nhau quan trọng hơn sống đúng – sai với nhau rất nhiều, và đến cuối giờ chiều, khi trao trả học sinh và làm việc với phụ huynh, thì lại phải lấy Hòa làm tiêu chuẩn ứng xử với phụ huynh.
Như thế, trong một ngày, người giáo viên đã dựa vào bộ giá trị cốt lõi này làm chuẩn mực ứng xử và làm việc. Tùy theo tình huống cụ thể mà giá trị cụ thể nào sẽ được nhấn mạnh. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, các giá trị Chân – Thiện – Mỹ – Hòa này gắn kết chặt chẽ với nhau. Cần phải có Chân thì mới có Thiện. Cần phải có Chân, có Thiện, thì mới có Mỹ. Và cần phải có cả ba giá trị Chân, Thiện, Mỹ, thì mới có Hòa. Vậy nên, bộ giá trị Chân – Thiện – Mỹ – Hòa một khi đã được lựa chọn và xác lập thì sẽ bàn bạc trong mọi hành vi, mọi hoạt động của nhà trường.
TS. Vũ Duy Thức cho rằng hành lang pháp lý vẫn tiếp tục trở thành cản ngại đối với làn sóng khởi nghiệp (startups). Năng lượng cho các startups chủ yếu đến từ dòng vốn đầu tư mạo hiểm (venture capital). Tuy nhiên, những startups tại Việt Nam gặp khó khăn gọi vốn, theo ông Vũ Duy Thức, là bởi khó khăn khi nhà đầu tư có nhu cầu thoái vốn. Phần lớn công ty khởi nghiệp ở Việt Nam không phải là doanh nghiệp Việt Nam, bởi những chủ thể này đăng ký thành lập công ty ở nước ngoài, chẳng hạn như Singapore.
“Việt Nam hôm nay và ngày mai”
Đó là tên một cuốn sách quy tụ sự tham gia bài viết của 22 trí thức, học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực ở trong và ngoài nước, với tâm tư nóng bỏng muốn góp phần vào quá trình đổi mới và phát triển đất nước: Hồ Tú Bảo, Huỳnh Thế Du, Giáp Văn Dương, Kim Hạnh, Nguyễn Thị Hậu, Vũ Ngọc Hoàng, Trần Quốc Hùng, Phạm Chi Lan, Trương Trọng Nghĩa, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Ngọc, Huỳnh Như Phương, Trần Đức Anh Sơn, Huỳnh Bửu Sơn, Đặng Kim Sơn, Trần Hữu Phúc Tiến, Trần Văn Thọ, Phạm Duy Thoại, Nguyễn Trung, Nguyễn Tùng, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Xuân Xanh..
Chủ biên là TS. Trần Văn Thọ và TS. Nguyễn Xuân Xanh. Xuất bản bởi Ban Tu thư Đại học Hoa Sen và Nhà xuất bản Đà Nẵng, với sự chủ trì tổ chức của TS. Quách Thu Nguyệt.
Tác phẩm phân tích, tổng hợp, nhìn về quá khứ, mổ xẻ hiện tại, để phóng chiếu tương lai, chạm đến những vấn đề lịch sử, tư tưởng, kinh tế, phát triển, giáo dục, y tế và khai sáng, trong bối cảnh rất phức tạp của thế giới. Sau 46 năm hòa bình, người Việt Nam đang đứng trước nhu cầu ngày càng bức thiết phải thực hiện một cuộc đổi mới toàn diện và hiệu quả để “lột xác” và bắt kịp thế giới. Chúng ta đang ở vào thời kỳ “giông bão và thôi thúc”, cần có những nhận định và bước đi tương xứng.
Trân trọng tâm huyết của các nhà trí thức đối với sự nghiệp phát triển đất nước, Người Đô Thị đã chọn trích một số bài viết trong cuốn sách để đưa vào Bàn tròn trong số báo phát hành vào đúng dịp 30.4.2021. Tựa đề của các bài trích từ sách “Việt Nam hôm nay và ngày mai” trong Bàn tròn này là do tòa soạn đặt.
__________
(*) TS. Giáp Văn Dương là Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường tiểu học Times School