Với một “Ngôi trường mơ ước” đang hình thành và khai giảng khoá đầu tiên hè năm 2018, TS Giáp Văn Dương – “thuyền trưởng” con tàu đưa những thế hệ học sinh Việt bước vào tương lai, trò chuyện đầu năm với TGTT về hành trình của giáo dục Việt Nam và tương lai của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.
Chúng tôi sẽ xây dựng một môi trường giáo dục đích thực, vì con người và nâng đỡ con người, chứ không đày đoạ và làm khổ con người. Để làm sao cha mẹ phải cảm thấy yên tâm khi gửi con vào.
– Quả là “ngôi trường mơ ước” của anh được rất nhiều người mong đợi. Anh đã tâm sự: “mấy hôm nay nhiều người hỏi về ngôi trường mơ ước quá. ” Vậy ngay lúc này, anh có thể “cập nhật” luôn cho bạn đọc báo TGTT được biết không ạ?
– Cảm ơn chị đã quan tâm đến ngôi trường và đặt ra câu hỏi thú vị. Xin bật mí với chị là ngôi trường này dự kiến sẽ khai giảng vào ngày 5/9/2018. Tên trường là Vietschool. Khi chọn tên này, chúng tôi muốn đó là ngôi trường dành cho người Việt, do người Việt xây dựng và vận hành. Ở đó, bên cạnh những tri thức khoa học và kỹ năng làm việc hiện đại, hội nhập cùng thế giới, các giá trị Việt, tinh hoa văn hoá Việt sẽ được tôn vinh. Kể cả các trò chơi dân gian của người Việt, chúng tôi cũng sẽ đưa vào chương trình cho các con.
Triết lý giáo dục của nhà trường là đào tạo con người tự do, có khả năng làm chủ bản thân và cuộc sống. Điều này đòi hỏi một chương trình giáo dục khai phóng, cộng với một chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo bản thân và kỹ năng sống bài bản, khoa học. Bộ giá trị cốt lõi của nhà trường là Chân – Thiện – Mỹ – Hoà. Trong đó, Chân là chuẩn hướng đến của khoa học và nhận thức, Thiện là chuẩn hướng đến của đạo đức và hành vi, Mỹ là chuẩn hướng đến của nghệ thuật và lối sống, Hoà là chuẩn hướng đến của văn hoá và kỹ năng sống. Xuất phát từ bộ giá trị cốt lõi này, chúng tôi sẽ xây dựng nội dung chương trình và phương pháp giáo dục phù hợp, sao cho khi rời khỏi ghế nhà trường, các con được rèn giũa và thấm nhuần các giá trị này.
Vì chúng tôi sẽ xây dựng một môi trường giáo dục đích thực, vì con người và nâng đỡ con người, chứ không đày đoạ và làm khổ con người. Để làm sao cha mẹ phải cảm thấy yên tâm khi gửi con vào trường. Rồi từ yên tâm sẽ trở thành tin tưởng. Còn các thầy cô, nhân viên và học sinh phải cảm thấy tự hào khi được là một thành viên của nhà trường.
Cha mẹ tin tưởng – Học sinh tự hào là một trong những mục tiêu mà chúng tôi hướng tới. Vì thế, “Tin tưởng – Tự hào” được trích ra làm slogan của trường, để nhắc nhở đội ngũ giáo viên, nhân viên và học sinh của nhà trường, phải sống và làm việc làm sao để xứng đáng với mục tiêu này.
Ngoài ra, nội dung chương trình của nhà trường sẽ được thiết kế sao cho đây thực sự trở thành ngôi trường khai phóng, nâng đỡ học sinh, giúp cho học sinh tự tổ chức việc học và đời sống cá nhân của mình, phát triển được hết tiềm năng của mình, rồi từ đó, trở thành chính mình trong sự chủ động và hiểu biết. Chương trình của giáo dục nhà trường vì thế sẽ được thiết kế sao cho đạt được mục tiêu, giúp cho người học có đủ hiểu biết và năng lực tạo ra chính mình. Một ngôi trường như thế sẽ là một ngôi trường khai phóng.
Để làm được điều đó, các thầy cô trong nhà trường cũng phải được đào tạo để có đủ năng lực khai phóng như thế. Tất cả giáo viên và nhân viên trong nhà trường đều trải qua khoá học “Nhà giáo khai sáng” do tôi trực tiếp đào tạo. Khi đó, các thầy cô sẽ trở thành một nhà giáo đích thực, không chỉ dạy học kiếm sống, mà còn là một lựa chọn, cách thức để thực hiện sứ mệnh của chính mình.
Một cách ngắn gọn, chúng tôi sẽ xây dựng một ngôi trường có những tính chất sau: Trường khai phóng – Thầy khai sáng – Cha mẹ tin tưởng – Học sinh tự hào. Đó sẽ là ngôi trường mơ ước của chúng tôi. Thật thú vị là ngôi trường này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bậc phụ huynh. Dù tên gọi của trường còn chưa bật mí, nhưng nhiều người đã đăng ký học trước, thậm chí từ 2 – 6 năm (cười).
– Có rất nhiều mong muốn chính đáng của người dân Việt Nam về một “ngôi trường mơ ước” cho con mình, đặc biệt là việc cải cách – thay đổi nền giáo dục. Nhưng cũng có những người thì tự nghĩ cách để có thể “cải thiện” được những khiếm khuyết của giáo dục Việt Nam đang thiếu, bằng cách “giáo dục tại gia”, tự tìm tòi nghiên cứu để rèn cho con, hay có tiền thì cho con đi học trường quốc tế cho thay đổi môi trường giáo dục cũ kỹ, v.v. Nhưng cũng có người còn e dè, nếu không học ở trường công, đứa trẻ sẽ không giống… học sinh Việt, sẽ không được học nhiều và khi đi ra ngoài sẽ thua kém người ta… Anh nghĩ sao về vấn đề “thay đổi mình trước”, một phương châm khá phổ biến hiện nay?
– Đúng là giáo dục đang gặp rất nhiều vấn đề. Việc chọn trường chọn thầy, công hay tư, trong nước hay quốc tế, là sự đau đầu với rất nhiều phụ huynh hiện giờ. Nhưng vấn đề quá lớn, nên nhiều khi có cảm giác chạy trời không khỏi nắng. Biết là chạy trời không khỏi nắng, nhưng không lẽ đứng yên? Đứng yên không đành nên đành phải chạy, hy vọng sẽ tìm được một bóng râm ở đâu đó cho con mình. Đó là tình cảnh của rất nhiều bậc cha mẹ, trong đó có tôi, hiện giờ.
Vậy thì, thay vì chạy loanh quanh, sao không hợp sức để tạo ra một bóng râm? Có thể còn nhỏ, nhưng đủ cho con mình và một nhóm khác trú ngụ. Có người chọn đó là giáo dục tại gia. Lại có người chọn gửi con đi trường quốc tế. Có người chọn “tị nạn” giáo dục ở nước ngoài như chị nói. Nhưng với tôi, tôi chọn việc hợp tác để mở một ngôi trường, cho con tôi và các gia đình khác, nếu thấy phù hợp với triết lý giáo dục và bộ giá trị cốt lõi của nhà trường, thì theo học.
Tôi vẫn quan niệm người Việt trẻ phải tự đốt đuốc mà đi. Khi gặp khó khăn thì phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Thay đổi xã hội rất khó, mà không phải ai cũng ở vị trí có thể thay đổi xã hội được. Vậy thì chắc ăn hơn thay đổi mình trước. Và thật thú vị, khi mình thay đổi, thì xã hội cũng ít nhiều thay đổi theo. Suy cho cùng, sự thay đổi của xã hội chính là sự thay đổi của các cá nhân đang sống trong xã hội đó, phải không chị.
– Quan điểm và cái nhìn khách quan của anh về “Giáo dục thời công nghiệp 4.0”, có quá nhanh, quá nhạy cảm với tình hình giáo dục của chúng ta hiện nay đang muốn “chạy” theo kiểu “đi tắt đón đầu” không, thưa anh?
– Giáo dục thời công nghiệp 4.0 là một chủ đề nghiêm túc. Nghiêm túc bởi vì bản chất của công nghiệp 4.0 khác hoàn toàn so với các cuộc cách mạng diễn ra trước đó, làm cho ta phải chuẩn bị và hành xử khác đi. Công nghiệp 1.0 ra đời khi động cơ hơi nước ra đời. Người dẫn dắt thời 1.0 là các kỹ sư cơ khí. Công nghiệp 2.0 ra đời khi động cơ điện ra đời. Người dẫn dắt thời 2.0 là các kỹ sư điện. Công nghiệp 3.0 ra đời khi máy tính ra đời. Người dẫn dắt thời 3.0 là các kỹ sư máy tính.
Sản phẩm của các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là các nền đại công nghiệp. Về đại thể, giáo dục đã đi theo bằng cách tập trung đào tạo các chuyên gia hoặc thợ kỹ thuật chuyên môn hoá rất cao, nhằm đáp ứng nhu cầu của nền đại công nghiệp. Ta hay nói là đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội. Đó là nét phác chủ đạo của giáo dục thế giới trong hai thế kỷ vừa rồi.
Với Việt Nam, câu chuyện còn phức tạp hơn rất nhiều. Do không có nền đại công nghiệp, và do giáo dục bị nhiều yếu tố khác lồng vào, nên việc đào tạo chuyên gia bị suy biến thành đào tạo con người công cụ. Dù không được gọi tên tường minh, nhưng thực sự, chúng ta đang đào tạo những con người công cụ.
Nhưng nay với sự ra đời của công nghiệp 4.0, với những đặc trưng rất dễ nhận ra, như hợp nhất thực tế thật và ảo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo… thì người dẫn dắt không còn là chuyên gia trong một lĩnh vực chuyên môn cụ thể nữa. Người dẫn dắt thời 4.0 sẽ là những người có khả năng tích hợp và sáng tạo ra các giá trị mới.
Sắp tới, sẽ không có chỗ cho những con người công cụ nữa. Trí tuệ nhân tạo và robot sẽ lấy đi phần lớn công việc có tính cách lặp đi lặp lại. Chỉ có những con người tự do và sáng tạo, có khả năng kết nối, tích hợp để tạo ra các giá trị và hệ thống mới, thì mới có cơ hội để tồn tại.
Những người như thế hoàn toàn có thể đào tạo được bằng một chương trình và phương pháp phù hợp, không nhất thiết phải đi lại từ đầu thời 1.0. Vì thế, tôi cho rằng, giáo dục trong thời công nghiệp 4.0, vấn đề không phải là đi nhanh hay đi chậm, đi thẳng hay đi tắt, mà là đi đúng hướng hay không. Nếu đi theo hướng đào tạo con người công cụ, thì càng đi tắt đi nhanh, lại càng nguy hiểm. Còn đi theo hướng đào tạo con người tự do, dù có đi chậm, thì trước sau gì cũng sẽ đến đích.
Ngoài ra, phải thấy công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng đầu tiên mà Việt Nam chúng ta được tham dự vào. Các cuộc cách mạng trước diễn ra trong thời nước ta còn trong tình trạng thuộc địa, mù chữ và chiến tranh, nên đứng ngoài cuộc và hầu như không có chút ý niệm gì về nó. Nhưng lần này thì khác, ta có khái niệm và đặc biệt là có thể trực tiếp trở thành một phần của nó, nên tâm thế và hành động phải rất khác.
– Cám ơn anh buổi trao đổi thú vị này. Chúc anh một năm mới với điều ước duy nhất thành hiện thực: xây dựng ngôi trường mơ ước cho các phụ huynh và học sinh Việt Nam.
– Theo Chân Triết / TGTT Xuân AL 2018