Giới tính của con người đã hình thành từ trong bào thai, nhưng khi lớn lên không phải ai cũng bằng lòng với giới tính vốn có của mình. Có những người trưởng thành luôn ước muốn mãnh liệt được thay đổi giới tính vốn có của mình và một số người đã được toại nguyện với những tiến bộ về y học hiện nay, trong đó có những ca sĩ nổi tiếng như: Khanh Chi Lâm, Nguyễn Hương Giang, Cindy Thái Tài… Nhưng theo TS Đỗ Quang Hùng, Quyền Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy thì việc điều trị chuyển đổi giới tính cũng có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe. Bác sĩ cho biết:
Hiện y học chưa có những lý giải cụ thể về nguyên nhân của những hiện tượng không hài lòng với giới tính vốn có của mình. Tuy nhiên, đã có bằng chứng cho thấy ước muốn thay đổi giới tính hoàn toàn không phải là bất ổn về tâm lý mà do một số tế bào não quy định. Thông thường, quá trình điều trị chuyển đổi giới tính gồm ba bước là điều trị tâm lý, điều trị nội tiết và phẫu thuật. Những chuyển giới ở Việt Nam thường điều trị bằng nội tiết trong nước rồi mới ra nước ngoài để tiến hành phẫu thuật.
Đâu là bước quan trọng nhất trong điều trị, phải chăng là phẫu thuật?
Không như nhiều người vẫn nghĩ, bước quan trọng nhất là điều trị nội tiết tố chứ không phải là phẫu thuật. Nội tiết tố được dùng liều cao liên tục từ một đến hai năm trước khi phẫu thuật và duy trì suốt đời nhằm giúp cho cả tâm lý lẫn cơ thể có sự thay đổi phù hợp với giới tính mới. Chỉ những cơ quan không thay đổi được như ngực, dương vật, tinh hoàn… thì cần đến phẫu thuật để thay đổi.
Tỷ lệ thành công trong những cuộc phẫu thuật chuyển giới có khả quan không, thưa bác sĩ?
Đối với điều trị chuyển giới từ nam sang nữ, phẫu thuật đơn giản và dễ thành công hơn. Ngực của bệnh nhân sẽ được tạo hình bằng túi ngực giả. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ tinh hoàn, dương vật nhưng cố gắng giữ lại da của dương vật. Da này sẽ được khâu lộn lại để tạo thành ống âm đạo.
Đối với nữ sang nam thì phẫu thuật phức tạp hơn nhiều. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ bộ ngực để tạo hình lại núm vú đàn ông và cắt bỏ tử cung, buồng trứng. Sau đó, bệnh nhân sẽ được tạo một ống niệu đạo và hai tinh hoàn giả. Khoảng sáu tháng sau, họ sẽ được tạo dương vật mới bằng cách sử dụng da cẳng tay cắt rời, cuộn lại thành hình dương vật, có ống tiểu bên trong. Đây là việc tạo hình rất phức tạp và mất nhiều thời gian vì phải đảm bảo ống da sống tốt, sau đó phải đưa thể hang nhân tạo vào trong để hỗ trợ quan hệ tình dục.
Xin bác sĩ giải thích rõ hơn về việc điều trị nội tiết tố sẽ giúp thay đổi cơ thể như thế nào?
Người nam muốn chuyển giới thì phải sử dụng nội tiết tố nữ estrogen. Trong thời gian đầu sử dụng nội tiết tố, người nam có thể cảm thấy tâm trạng dễ thay đổi hơn đồng thời tăng nhạy cảm ở ngực do sự phát triển của tuyến vú. Họ có thể gia tăng tạm thời ham muốn tình dục trong hai, ba tháng đầu điều trị, nhưng từ tháng thứ sáu trở đi thì ham muốn giảm đi đáng kể, tình trạng cương cứng có thể gây đau đớn. Da sẽ mỏng dần và trở nên mịn màng hơn, mô mỡ bắt đầu phát triển ở mặt, ngực và mông, móng tay và tóc phát triển nhanh hơn. Hông dần nở rộng, có thể gây khó chịu do sự thay đổi trong các dây chằng. Sau hơn một năm điều trị nội tiết tố, tuyến vú phát triển cực đại, tinh hoàn dần teo nhỏ khoảng 2/3 và hầu như không còn ham muốn tình dục.
Ngược lại, những người nữ muốn thành nam giới thì phải sử dụng nội tiết tố nam androgen. Ban đầu, tâm trạng của họ sẽ hay thay đổi thất thường, dễ gây sự với người khác. Kinh nguyệt bị gián đoạn, giảm ham muốn tình dục, hệ cơ phát triển, làn da trở nên thô dày và có thể xuất hiện mụn trứng cá. Sau khoảng sáu tháng điều trị, giọng nói bắt đầu trầm ồ, lông ở mặt và trên cơ thể mọc nhanh và dày hơn. Một năm sau, kinh nguyệt không còn, râu phát triển và hiện tượng hói đầu xuất hiện ở một số ít người.
Với người chuyển giới, việc sử dụng nội tiết tố kéo dài liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và tuổi thọ không?
Những người này luôn phải sử dụng nội tiết tố liều cao, thường là mỗi lần một tuần và kéo dài gần như suốt đời nên khó tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Trong suốt quá trình sử dụng, thuốc có thể gây ảnh hưởng, làm suy giảm chức năng ở các cơ quan như gan, thận, mật… Nhiều trường hợp tùy tiện sử dụng các loại thuốc nội tiết tố sinh dục dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và các tác dụng phụ không mong muốn. Đối với những thuốc chuyên sâu dùng điều trị vô sinh nếu không được sử dụng đúng sẽ có thể gây quá kích buồng trứng, có thể gây tử vong.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy điều trị nội tiết tố kéo dài có thể làm tăng nguy cơ bị các khối u ác tính. Sự phát triển của những khối u này sẽ tăng lên gấp đôi khi có nội tiết tố làm chất xúc tác. Ngoài ra, nữ giới sử dụng nội tiết tố nam liều cao cũng có thể làm tăng đề kháng insulin, dẫn đến tăng lượng đường huyết, là nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường. Ngược lại, nam giới sử dụng nội tiết tố nữ thì lượng mỡ cơ thể tăng nhanh chóng có thể gây các bệnh về rối loạn chuyển hóa như: béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu…
Hình như sử dụng nội tiết tố cũng góp phần gây bệnh ung thư?
Cũng có nhưng rất hiếm. Chỉ có hai báo cáo cho thấy điều trị chuyển giới từ nữ sang nam có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú do quá trình lão hóa cùng với việc điều trị nội tiết tố kéo dài. Vì vậy, các bác sĩ hay khuyên người chuyển giới nên đi khám định kỳ để phát hiện sớm các bệnh liên quan đến tuyến vú.
Còn người nữ muốn thành nam giới khi sử dụng nội tiết tố nam liều cao dễ gặp tình trạng buồng trứng đa nang, ít khi phát triển thành ung thư. Vì vậy, chỉ cẩn kiểm tra cẩn thận để phát hiện bệnh trước khi phẫu thuật buồng trứng.
Phẫu thuật chuyển giới thường phải trải qua nhiều bước phức tạp, liệu có dẫn đến các biến chứng nguy hiểm không?
Những biến chứng sau phẫu thuật có thể xảy ra là chảy máu, hoại tử núm vú hoặc hình thành ổ áp xe nếu vệ sinh kém và không cầm máu tốt trong quá trình phẫu thuật. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ thì dễ gặp các biến chứng ở tuyến tiền liệt chẳng hạn như tiểu không tự chủ.
Phẫu thuật cắt bỏ tử cung và hai buồng trứng cho người nữ liệu có dẫn đến tai biến thủng ruột, thủng nội tạng?
Có nhưng vô cùng hiếm, hầu như không có ở những bệnh viện lớn. Hiện nay, dù mổ hở hay mổ nội soi cũng khá an toàn cho bệnh nhân.
Tóm lại, chúng ta cũng không nên quá lo lắng vì các phẫu thuật điều trị chuyển giới đều là những phẫu thuật an toàn, ít nguy cơ. Thực tế, có khá nhiều bệnh nhân của tôi sau khi trải qua quá trình phẫu thuật ở Thái Lan trở về cho kết quả rất tốt. Bác sĩ thường chỉ tiến hành phẫu thuật trên những bộ phận bên ngoài như ngực, dương vật… chứ không can thiệp trên những cơ quan có nguy cơ dẫn đến tử vong như gan, ruột, tim, phổi… Điều quan trọng là chúng ta nên tìm đến những bác sĩ uy tín để tránh những biến chứng không mong muốn trong điều trị.
Liệu phẫu thuật có làm người chuyển giới có sinh con được?
Hoàn toàn không thể. Người điều trị chuyển giới nam sang nữ do không còn tinh hoàn nữa nên không truyền giống được, họ cũng không có tử cung nên không thể thực hiện thiên chức làm mẹ. Còn đối với người chuyển giới nữ sang nam thì bộ phận sinh dục không có tinh trùng, nên không thể thụ tinh. Kể cả khi người nữ chưa cắt bỏ tử cung và buồng trứng nhưng dưới tác động của nội tiết tố thì các bộ phận này cũng không còn thực hiện được chức năng của mình.
Cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện.