Không ít người cứ băn khoăn mãi về việc định nghĩa thế nào là trường chất lượng cao. Mức độ chất lượng cao thấp không ở giá cả học phí, trường quốc tế hay liên kết đào tạo. Quan trọng là hiệu suất đào tạo, đầu ra cao hẳn so với đầu vào. Cần xét yếu tố này để đảm bảo sự công bằng cho các trường.
Thế nào là trường tiên tiến chất lượng cao?
Đến nay người tiêu dùng đã hiểu không phải hàng ngoại là hàng chất lượng cao; không phải giá cao là hàng chất lượng cao.
Như vậy chất lượng hàng hóa không hẳn ở giá cao hay giá thấp. Giá cả hàng hóa do bốn yếu tố cơ bản tạo nên: một là giá thành sản phẩm, hai là trình độ kỹ thuật, tay nghề của công nhân, trình độ quản lý của đơn vị, ba là máy móc thiết bị có hiện đại và bốn là quan hệ cung cầu và thị hiếu tiêu dùng.
Ngành giáo dục là ngành có đặc thù riêng. Học sinh không phải là hàng hóa, nhà trường dạy học rèn luyện học sinh không giống như quy trình sản xuất hàng hóa, nhưng quy trình dạy học cũng tạo ra sản phẩm, đó là kiến thức, nhân cách của học sinh được đào tạo nên.
Chính học sinh cũng là chủ thể tham gia tạo nên sản phẩm, tức là kiến thức, nhân cách của họ sau quá trình được đào tạo.
Học phí và các dịch vụ phục vụ quá trình học tập, sinh hoạt của học sinh nhà nước không quy định, còn phụ thuộc vào mục đích của nhà đầu tư nghiêng nhiều về đối tượng con nhà giàu để thu học phí cao, hay nghiêng nhiều về nhu cầu của cộng đồng, học phí thấp.
Quan trọng là cơ quan quản lý ngành kiểm định công bố chất lượng giáo dục của nhà trường; phụ huynh học sinh và xã hội cũng đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường.
Tiêu chí để đánh giá chất lượng giáo dục
Đầu tiên là, nội lực của nhà trường bao gồm: Đội ngũ giáo viên có tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn vững vàng và đạo đức, kỹ năng sư phạm; hiệu trưởng, có tầm nhìn chiến lược, có mục tiêu kế hoạch rõ ràng phù hợp với yêu cầu xã hội từng giai đoạn.
Thứ hai là, cơ chế quản lý của nhà trường thông thoáng nhưng lại có kỷ cương.
Thứ ba là, môi trường thân thiện; xây dựng truyền thống nhà trường, văn hóa ứng xử nhà trường; giáo dục kỹ năng sống; kỹ năng thực hành; hoạt động của các đoàn thể và phong trào tạo nên niềm hứng khởi cho thầy trò.
Thứ tư là, đầu tư cho cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị học tập, sách, thư viện phục vụ cho dạy, học và sinh hoạt.
Thứ năm, trang bị cho học sinh kỹ năng học tập, biết cách tự học để tiếp tục học lên các cấp bậc cao hơn.
Thứ sáu, không có tiêu chí mức học phí cao hay thấp. Đương nhiên trường tư thì phải đóng tiền học, đầu tư thấp quá thì không đủ chi phí đảm bảo cho chất lượng dạy và học.
Các cấp học khác nhau vẫn có chung tiêu chí để đánh giá là mức độ giáo dục toàn diện; hiệu suất đào tạo; có các kỹ năng để tiếp tục học lên các bậc học cao hơn. Tuy nhiên từng cấp có nhìn nhận riêng
Không thay đổi phương thức quản lý, khó có trường chất lượng cao
Muốn có trường chất lượng cao, không thể tự phong hoặc tự gắn nhãn mác cho nó, nếu không có sự thay đổi về căn bản công tác quản lý, điều hành nói chung của ngành giáo dục.
Trước hết, việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phải đáp ứng yêu cầu chương trình dạy, trình độ kỹ thuật của thời đại. Trường tự mua sắm thiết bị ở các cơ sở thích hợp. Không để công ty trang thiết bị đồ dùng dạy học độc quyền như hiện nay giá đắt, chất lượng kém, lỗi thời.
Tiếp tục cải tiến phương pháp dạy học hướng tới cá thể. Phương pháp giảng dạy phải thích hợp với từng trường, từng đối tượng học sinh.
Muốn thực hiện điều này không chỉ hô hào chung mà cần có lộ trình cụ thể và làm ngay từ giai đoạn đào tạo của trường đại học sư phạm; Ngoài việc trang bị kiến thức bộ môn, cần dạy cho giáo sinh về kỹ năng sống, kỹ năng dạy học, kỹ năng làm công tác chủ nhiệm, quản lý học sinh.
Bởi đây là nhiệm vụ quan trọng mà giáo viên phải làm trong quá trình dạy học; có làm tốt việc này thì mới làm tốt việc dạy chuyên môn.
Song, điều quan trọng nhất cần thay đổi lại chính là ở cơ quan đầu não – Bộ Giáo dục và Đào tạo:
– Thay đổi chương trình ở một số môn học: nếu không phải là trường chuyên thì giảm tải môn vât lý, hóa, sinh.
Những môn này chỉ cần trang bị kiến thức cơ bản, không phải đi sâu như hiện nay, để dành thời gian tăng thêm cho các môn sử, địa, giáo dục công dân và giáo dục kỹ năng sống.
Bởi những môn này rất cần trang bị kiến thức cho học sinh học tiếp ở các bậc cao hơn và cần khi ra đời làm việc ở bất cứ ngành nào, để hòa nhập với cộng đồng. Môn lý, hóa, sinh sẽ học sâu ở chuyên ngành.
– Phải sớm thay đổi chế độ thi cử: bỏ thi tốt nghiệp phổ thông, chỉ tổ chức thi đại học. Cách tổ chức thi hiện nay vừa tốn tiền, tốn sức, lãng phí thời gian của người học, tiền của xã hội.
Một kỳ thi quá tốn kém về tiền, về sức, phiền hà cho toàn xã hội mà chỉ trượt vài phần trăm, thì thi để làm gì? Buồn cười hơn là học sinh trường chuyên, học sinh giỏi cũng làm bài thi như học sinh trung bình yếu.
Khi đánh giá thi đua cũng lại tính trường đậu 100%, chẳng lẽ học sinh trường chuyên không làm được bài đối với học sinh trung bình yếu!
Chính việc áp đặt môn thi chưa hợp lý như hiện nay, với quá nhiều ngành thi khối A: toán, lý, hóa mà các chuyên ngành này lại chẳng học môn lý, hóa.
Ví dụ ngành kinh tế thi lý, hóa trong khi đó kiến thức văn, sử, địa lại rất cần cho họ sau này lại không thi. Chính vì cách thi cử hiện nay đã sinh ra sự học lệch và không công bằng trong đội ngũ giáo viên.
– Cải tiến cơ chế quản lý: Nên để các địa phương cấp chứng nhận hoàn thành chương trình học phổ thông trên cơ sở dựa vào kết quả ba năm học cấp III.
Ai chưa đạt được thì địa phương cho bổ túc thêm, sau đó cho kiểm tra lại như trung học cơ sở hiện nay. Với đại học thì cần thi. Giao cho các trường đại học tự tổ chức thi, bộ môn thi theo yêu cầu của chuyên ngành học.
Trao quyền tự chủ tài chính cho một số trường có điều kiện, tuyển dụng nhân sự thông thoáng hơn, để trường được tự tuyển giáo viên phù hợp với đối tượng dạy học của trường.
Việc tự chủ tài chính thông thoáng hơn về cơ chế để trách cồng kềnh, đảm bảo tính khoa học nhưng cũng nên phân cấp từng phần phù hợp theo trình độ quản lý và thực tế ở từng địa phương, từng trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước, không đi sâu vào chuyên môn. Giao quyền quản lý chuyên môn, phân phối chương trình môn học cho các sở chỉ đạo, Chỉ xây dựng mục tiêu chiến lược. Chương trình sách giáo khoa, kiểm định chất lượng giáo dục.
– Thành lập một số trường phổ thông chuyên cấp quốc gia đặt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để thu nhận học sinh thật xuất sắc trên toàn quốc.
Bộ quản lý trực tiếp các trường này và một số trường đại học mũi nhọn, nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước và cung cấp nguồn nhân lực cho những ngành mũi nhọn. Toàn bộ kinh phí do Nhà nước cung cấp. Thậm chí cấp cả học bổng cho học sinh nghèo học xuất sắc.
Ngoài ra, cần cải tiến công tác đánh giá thi đua khen thưởng; cải cách tiền lương, tiếp tục khuyến khích chủ trương xã hội hóa giáo dục, thực hiện kỷ cương, pháp luật: lập lại trật tự các trường quốc tế, liên doanh, liên kết không đúng như quảng cáo, tên gọi. Loại bỏ bằng giả, học hộ, thi hộ.
“Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta phải đổi mới căn bản và toàn diện” đó là chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Các trường phải tiến tới mục tiêu trở thành trường tiên tiến chất lượng cao, giáo dục cho học sinh có tính cách của người Việt Nam chân chính, có tri thức tiến bộ của thế giới, hòa nhập với cộng đồng quốc tế.