Trong thời đại toàn cầu hóa, giáo dục cũng như các lĩnh vực khác đều bị ảnh hưởng bởi các quốc gia khác và ngược lại, cũng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra bên ngoài.
Nếu không nghiên cứu ảnh hưởng của toàn cầu hóa trong lĩnh vực giáo dục thì giáo dục của chúng ta sẽ không thể có hội nhập. Bởi vậy, nghiên cứu giáo dục quốc tế để phát triển giáo dục nước nhà cũng là một hướng đi cần phải được đầu tư nhiều hơn.
Cần nhanh chóng xác định triết lý giáo dục
Giáo dục ngày nay đã có sự thay đổi. Nhà quản lý từ cấp cao nhất ở Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đến từng giáo viên đều nhận thấy điều này. Nhưng chúng ta chưa đưa ra (tuyên bố) một triết lý giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Chưa có một tuyên ngôn giáo dục mang tính triết lý thì khó có thể có được một tầm nhìn, mô hình, nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp. Giáo dục ngày nay đứng trước những thay đổi chóng vánh của khối lượng kiến thức “làm ra” hằng năm. Hồi cuối thế kỷ trước, người ta đã nói đến khối lượng kiến thức tăng gấp đôi trong giai đoạn cuối thập niên 1990 là sáu năm – bây giờ có thể ngắn hơn.
Nhà trường không thể đem hết những kiến thức của nhân loại “rót” vào “cái bình” học trò nhưng rót bao nhiêu, thời gian bao lâu ở mỗi bậc học để gọi là “đủ” thì còn là vấn đề bàn cãi.
Xác định được khối lượng kiến thức, cách thức triển khai truyền tải và tiếp nhận kiến thức sẽ xác định được thời gian cần thiết của bậc học, tiết kiệm được thời gian của người học, của xã hội.
Phải để giáo viên tự xây dựng chương trình
Theo học một khóa về xây dựng chương trình học ở Úc, được tiếp xúc với cách làm chương trình của họ, chúng tôi mới sáng ra một điều rằng, chương trình (syllabus) ở một bang tại Úc mà chúng tôi được đọc giản đơn quá.
So với chương trình của Việt Nam thì chương trình của chúng ta chi tiết hơn nhiều, đến mức các giáo viên chỉ cần cầm trong tay chương trình (và cuốn sách giáo khoa) là dạy được rồi.
Ở Úc, người giáo viên (nói chính xác là nhóm giáo viên trong từng trường học) phải tự xây dựng chương trình chi tiết (framework), các hạt thông qua mới được dạy.
Hằng năm các trường đem framework thi (đấu), trường nào có vinh dự đoạt giải, những năm sau trường ấy sẽ có học sinh theo học đông hơn.
- Xem thêm: Để có một môi trường giáo dục hạnh phúc
Khi đem điều này trao đổi ở các hội thảo ở Việt Nam, các giáo viên cho biết họ không thể làm được như vậy, đơn giản vì họ không được học về xây dựng chương trình.
Cho đến nay, nhiều trường sư phạm vẫn chưa đưa môn học về chương trình học và xây dựng chương trình vào giảng dạy.
Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh có dịch hai cuốn sách về xây dựng chương trình học của các tác giả nổi tiếng ở Hoa Kỳ (cuốn sách này được dạy trong nhiều trường đào tạo giáo viên ở nhiều nước phát triển trên thế giới), nhà trường cũng đã mời tác giả cuốn sách sang trình bày ở Việt Nam hai lần cho hầu hết giảng viên của trường, nhưng không phải là đã có thể làm tốt việc xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ.
Muốn giáo viên của chúng ta có thể làm chương trình, có thể soạn thảo framework thì không thể không tổ chức dạy môn xây dựng chương trình học khi đào tạo giáo viên.
Làm chủ khoa học giáo dục và công nghệ truyền thông – thông tin
Nhiều người nói, chính sách giáo dục của chúng ta tốt rồi, chỉ có người (thầy/cô) là chưa thực hiện tốt thôi. Nói như vậy cũng không hẳn đúng.
Nếu như tất cả chính sách giáo dục của chúng ta đã đều đúng thì chắc chắn giáo dục của chúng ta đã tốt. Vẫn còn nhiều lời ta thán về giáo dục cũng có nghĩa là chúng ta chưa có được một chính sách giáo dục tốt. Một trong những cơ quan tham mưu chính sách giáo dục chính là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ngoài ra, việc phát triển các viện nghiên cứu giáo dục trong các trường đại học trong giai đoạn hiện nay là hoàn toàn cần thiết.
Vậy tại sao lại cho rằng các viện nghiên cứu giáo dục phải chuyển sang hoạt động theo Nghị định 115 – theo hướng hạch toán, tự nuôi sống mình?
Sản phẩm của giáo dục chỉ có thể bán cho xã hội, mà người đại diện chính là Nhà nước. Chính Nhà nước chứ không ai khác phải là người giao/đặt bài toán giáo dục cho các viện nghiên cứu giáo dục và cũng chính Nhà nước là người trả tiền cho những hoạt động, cho các nhà nghiên cứu ở các viện này.
Thiếu viện nghiên cứu giáo dục sẽ không thể có một khoa học giáo dục thứ thiệt, và thiệt thòi cho giáo dục nước nhà bởi nền giáo dục sẽ không được dẫn dắt bởi những người sáng mắt (được hiểu là nắm bắt và làm chủ khoa học giáo dục).
Công nghệ truyền thông thông tin hiện nay tác động lên cả thế giới trong đó có cả giáo dục. Công nghệ ấy làm thay đổi rất lớn đến giáo dục từ chương trình, nội dung, hình thức và phương pháp dạy – học.
Không đánh giá đúng sự tác động của truyền thông và thông tin thì sẽ không làm tốt công việc giáo dục trong tương lai.
Nhiều nhà tương lai học đã dự báo sự thay đổi của giáo dục thế kỷ XXI từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, trong đó có việc thay đổi hình thức tổ chức dạy học.
Các lớp học truyền thống với phấn trắng bảng đen đang được thay thế bằng bảng điện tử, máy tính, overhead projector…
Một phần công việc của thầy cô cũng được máy tính và các phương tiện, thiết bị truyền thông trợ giúp. Nhiều học trò đã nghe thầy giảng ớ cách lớp học vài chục kilômét đến nửa vòng trái đất… Nhà trường phải thay đổi, thầy cô giáo, người học cũng cần phải thay đổi.
Giáo dục Việt Nam phải xác định cho được nhà trường phổ thông trong tương lai sẽ ra sao khi dân số Việt Nam đã bước vào giai đoạn ổn định và già hóa, số lượng nhập học đầu cấp tiểu học sẽ còn giảm trong vài năm tới để đi đến ổn định, số lượng nhập học đầu cấp của bậc trung học cơ sở cũng giảm tương ứng, riêng số học sinh nhập học bậc phổ thông trung học có thể không giảm nhiều do sự tăng tỷ lệ nhập học của cấp học này.
Những thay đổi đó chỉ được bảo đảm đúng hướng nếu chúng ta có được những nghiên cứu giáo dục tốt. Đó là lý do vì sao chúng tôi nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học giáo dục trong giai đoạn tới.
Sự thay đổi trong giáo dục sẽ kéo theo sự thay đổi khác, một xã hội nếu có được một nền giáo dục tiên tiến sẽ phát triển nhanh mạnh và đúng hướng – chúng ta đều tin là thế.