Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thể hiện quyết tâm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học và đưa ra những con số cụ thể trong năm 2017. Kết quả, hiện có 92% trường đại học, cao đẳng hoàn thành báo cáo tự đánh giá và cải tiến chất lượng, sẵn sàng để đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục. Trên 70% số cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp có đơn vị chuyên trách về công tác bảo đảm chất lượng, có nhân lực, kế hoạch hằng năm để triển khai công tác bảo đảm chất lượng của nhà trường. Bộ GD-ĐT kỳ vọng sau ba năm nữa, lộ trình kiểm định chất lượng (KĐCL) sẽ đi vào nề nếp, kết quả kiểm định sẽ được công khai để xã hội cùng giám sát. Phấn đấu đến năm 2020, có 95% cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp và chương trình giáo dục đại học hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được đánh giá ngoài và xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh, Trưởng Phòng Kiểm định chất lượng giáo dục Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT thì việc xây dựng một hệ thống đảm bảo và KĐCL giáo dục ở cấp quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc duy trì các chuẩn mực và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục ở Việt Nam. Đối với các cơ sở giáo dục, đảm bảo sẽ tổ chức đào tạo có chất lượng và có hiệu quả tương xứng với các điều kiện hiện có của nhà trường, đảm bảo học sinh, sinh viên đại học, trung cấp chuyên nghiệp khi tốt nghiệp sẽ đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Hệ thống đảm bảo và KĐCL giáo dục cũng sẽ cung cấp các cơ sở để Nhà nước đưa ra các chính sách đầu tư hiệu quả cho hệ thống giáo dục. Người học có thể biết được khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp sẽ có nhiều cơ hội việc làm, với kết quả đạt được có thể tiếp tục được học cao hơn. Các nhà tuyển dụng yên tâm khi quyết định tuyển chọn nhân lực lao động. Tuy nhiên, việc KĐCL tại Việt Nam có minh bạch, hiệu quả hay thực hiện qua loa, chạy theo thành tích như “căn bệnh” lâu năm trong ngành giáo dục, đây là điều mà nhiều người vẫn băn khoăn.
Hiện trên cả nước chỉ có bốn trung tâm KĐCL đã được thành lập và đi vào hoạt động là Trung tâm KĐCL ĐHQG Hà Nội, Trung tâm KĐCL Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm KĐCL Đại học Đà Nẵng, Trung tâm KĐCL Hiệp hội Đại học Cao đẳng Việt Nam. Hiện nay với quy mô 270 trường đại học, chu kỳ kiểm định là năm năm, như vậy mỗi năm chúng ta phải đánh giá 50-60 trường, liệu có quá sức cho mỗi trung tâm? Trả lời câu hỏi này, GS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm KĐCL giáo dục ĐHQG Hà Nội, cho rằng nên đặt vấn đề theo hướng là những người đi đánh giá có đủ số lượng không. “Số lượng trung tâm không quan trọng bằng số lượng người có đủ năng lực để đi đánh giá, số lượng kiểm định viên bao nhiêu người. Philippines chỉ có hai cơ quan kiểm định cho khoảng 1.000 trường đại học, các trường trong ASEAN thường chỉ có một cơ quan kiểm định, Mỹ thì có sáu cơ quan kiểm định cho khoảng bốn, năm ngàn trường. Như vậy, số lượng trung tâm không quan trọng bằng số kiểm định viên”.
Tuy nhiên, xét về số lượng người có năng lực KĐCL giáo dục trên cả nước thì vẫn còn hạn chế. Theo thống kê, hiện có hơn 7.000 người đã hoàn thành các khóa đào tạo kiểm định viên, trong đó chỉ có 240 người đã được cấp thẻ kiểm định viên. Trước tình hình này, ông Mai Văn Trinh cho rằng Bộ GD-ĐT cần có những giải pháp hỗ trợ cho các trung tâm KĐCL giáo dục hoạt động hiệu quả hơn, thậm chí có thể thành lập thêm một số trung tâm mới phù hợp với nhu cầu của các hoạt động hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đồng thời, cùng với việc tiến hành KĐCL theo các bộ tiêu chuẩn và do các trung tâm trong nước tiến hành, Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các trường, các chương trình đào tạo tiến hành đánh giá ngoài theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Mặt khác, dự thảo luật về KĐCL giáo dục nói quyền lực của tổ chức kiểm định, chế tài đối với các cơ sở giáo dục nhiều, nhưng không thấy nói về chế tài đối với tổ chức kiểm định. Theo GS Lâm Quang Thiệp, tổ chức kiểm định cũng quan trọng như tổ chức kiểm toán vì tiếng nói của nó rất quyết định. Vì vậy, chúng ta phải có chế tài thế nào cho chặt chẽ, nghiêm khắc với tổ chức kiểm định. Dự thảo hoàn toàn không thấy chế tài với tổ chức kiểm định, không hiểu Bộ GD-ĐT sẽ quy định ở đâu. Nếu không có chế tài thì trong rất nhiều trường hợp tổ chức kiểm định thiếu sự khách quan, trung thực thì sẽ xử lý ra sao? Thêm một điểm chưa hợp lý của dự thảo là quy định cơ sở giáo dục phải có hợp đồng kinh tế với các tổ chức kiểm định. “Hợp đồng kinh tế là sự trao đổi mua bán dựa trên đồng tiền, như vậy có thể hiểu là trường tôi có nhiều tiền, anh phải làm tốt cho trường tôi. Còn trường khác ít tiền thì sao”, ông Lâm Quang Thiệp cho rằng không thể dùng hợp đồng kinh tế để nhà trường trả tiền cho tổ chức kiểm định Nhà nước. Thay vào đó, Bộ GD-ĐT phải quy định mức chi phí trung bình để các cơ sở đào tạo trả cho tổ chức kiểm định.
Ngoài ra, hiện còn một số khó khăn như sự am hiểu về công tác bảo đảm chất lượng chưa sâu, đội ngũ chưa chuyên nghiệp, nguồn tài chính để đầu tư cho những hoạt động cải thiện chất lượng còn nhiều hạn chế. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và KĐCL, cho biết nhận thức, chuyển biến của cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đại học hiện nay chưa đồng đều, kéo theo chất lượng tự báo cáo đánh giá của các trường mới ở mức độ chưa đạt được yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, cho đến nay, mặc dù hệ thống văn bản đã khá hoàn chỉnh song những chế tài để khuyến khích các trường làm tốt, đặc biệt là xử lý những trường làm chưa tốt, chưa thực sự chú trọng đến công tác kiểm định chưa mạnh. Ngoài ra, các bộ công cụ đánh giá hiện nay ở chừng mực nào đó chưa theo kịp sự vận hành, phát triển rất nhanh của thực tế giáo dục đại học, đặc biệt là theo chuẩn quốc tế.
Ngày 12-4 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, qua đó ghi nhận ý kiến toàn thể nhân dân trước khi ban hành chính thức vào cuối năm 2017.
Theo dự thảo, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chia hai giai đoạn gồm giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (tương ứng giai đoạn THPT). Hệ thống môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa và môn học tự chọn. Trong đó, môn học bắt buộc có phân hóa được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần (modun), một số chủ đề hoặc học phần là bắt buộc đối với tất cả học sinh, một số chủ đề hoặc học phần được tự chọn tùy theo nguyện vọng của học sinh và điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục.
Với chương trình giáo dục mới, học sinh có thể học ngoại ngữ ngay từ lớp 1, lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp, số môn học được giảm xuống và không quy định cứng nhắc về thời gian từng môn học. Chương trình giáo dục mới hướng đến hình thành ở học sinh 10 năng lực cốt lõi gồm: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất. Bên cạnh đó, sáu phẩm chất học sinh cần phải có là: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.
Để hoàn thiện nội dung, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục và cá nhân nghiên cứu, góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Các ý kiến góp ý xin gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 29-4-2017, theo địa chỉ: Ban quản lý dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo), số 35 Đại Cồ Việt, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội hoặc email: rgep@moet.gov.vn
- An Khê