Gần đây, làn sóng doanh nghiệp Thái Lan dưới sự hỗ trợ tích cực của chính phủ nước này đã và đang xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt. Có thể thấy hàng Thái nhan nhản trên các kệ hàng ở chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi; doanh nghiệp Thái cũng không ngại thể hiện khát vọng chiếm lĩnh thị trường bằng những thương vụ mua bán, sáp nhập đình đám. Khả năng thống trị của hàng Thái chưa xảy ra vì hệ thống mà họ sở hữu chỉ là “miếng bánh nhỏ” của thị trường bán lẻ, thế nhưng mối đe dọa mang tên hàng Thái đang là một điều hiện hữu ảnh hưởng đến sự tồn vong của nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay.
Chiến lược bài bản của người Thái
Từ nhiều năm nay, hàng Thái Lan đã trở thành lựa chọn của nhiều người tiêu dùng Việt bởi chất lượng, giá cả và dịch vụ hỗ trợ tối đa cho người mua hàng. So với hàng Việt, chất lượng, mẫu mã của hàng Thái luôn trội hơn nhưng giá cả chỉ nhỉnh hơn 10 – 20%; còn so với các mặt hàng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu; hàng Thái có chất lượng không thua kém bao nhiêu nhưng giá cả lại hợp lý hơn. Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ mua hàng trực tuyến dành cho các chủ cửa hàng không có thời gian đi lại cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp hàng Thái xâm nhập sâu rộng vào thị trường Việt. Người mua chỉ cần lựa chọn sản phẩm trên trang web của công ty ở Thái Lan, gửi yêu cầu đặt hàng qua email, công ty sẽ đóng gói, chuyển và giao hàng tận nhà. Nếu trước đây, hàng Thái vào nước ta qua kênh tiểu ngạch hoặc đường xách tay và thường được bày bán ở các chợ thì hiện nay, với làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp Thái vào thị trường bán lẻ, người tiêu dùng dễ dàng mua sắm đa dạng các mặt hàng của Thái tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi.
Ngoài những yếu tố tự thân về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, chính sách của Chính phủ Thái Lan là động lực quan trọng cho cuộc “xâm lăng” của hàng Thái ra thị trường nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Bà Malee Choklumlerd, Tổng giám đốc Cục Xúc tiến thương mại quốc tế Thái Lan (DITP) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước này được thực hiện từ năm 2014 mang tên Pracha Rath đã góp phần thúc đẩy đầu tư nội địa cũng như đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể, từ tháng 9-2015, Thủ tướng nước này công bố chương trình chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu vào các thị trường trên thế giới, với năm biện pháp hỗ trợ, trong đó chủ yếu hỗ trợ vốn vay với lãi suất 4%/năm và thời hạn vay lên đến bảy năm. Chính phủ Thái cũng kêu gọi lập một quỹ liên doanh trị giá 2 tỉ baht để giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp. Trong hai năm qua, nước này cũng triển khai chương trình “SME-Proactive” để tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng xuất khẩu vào thị trường quốc tế. Theo đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia các hội chợ thương mại quốc tế, tham gia các đoàn khảo sát thị trường. Sau mỗi chuyến đi, DITP yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin để DITP xem lại kết quả đạt được, từ đó có sự điều chỉnh các hỗ trợ cho phù hợp.
Gần đây nhất, vào ngày 4-4, tờThe Nation của Thái Lan đưa tin, các công ty hàng đầu của nước này như Berli Jucker (BJC), Tập đoàn SCG, Srithai Superware… sẽ chung tay cùng Bộ Thương mại nước này tham gia đào tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài, mà mục tiêu cụ thể là các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp lớn sẽ cung cấp thông tin và những đầu mối liên lạc, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối với thị trường mà họ nhắm đến. Việc hợp tác này được kỳ vọng sẽ tạo lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài.
Cần nhìn nhận theo quan điểm tích cực
Nhìn vào cách người Thái xâm nhập thị trường Việt, dễ hiểu vì sao doanh nghiệp nước ta hiện vẫn quanh quẩn với thị trường nội địa và có nguy cơ thất thế trên sân nhà. Trong cuộc đối thoại với Thủ tướng diễn ra vào 29-4 vừa qua, nhiều vấn đề được các doanh nghiệp trong nước đặt ra cho chính phủ, nổi bật nhất là việc doanh nghiệp khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ, bị làm khó bởi các thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, kéo theo những khoản phí không chính thức đang bào mòn sức cạnh tranh. Thực tế, đây là những vấn đề không mới nhưng việc chính phủ chậm thay đổi đang tạo sức ì của các doanh nghiệp. Tại một hội thảo về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được tổ chức tại TP.HCM tháng 3 vừa qua, ông Trương Đình Tuyển, cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP, cho rằng môi trường kinh doanh bất ổn là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trong nước sẵn sàng bán mình cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong xu thế hội nhập, nhiều chuỗi siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong nước đã rơi vào tay khối ngoại. Xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp diễn mạnh mẽ trong năm 2016, khi thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng thu hút các nhà đầu tư. Nỗi lo hàng Việt có thể bị lấn lướt hoặc không thể chen chân vào hệ thống bán lẻ là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cần nhìn nhận xu thế này theo hướng tích cực, vì đây sẽ là động lực để doanh nghiệp Việt Nam lớn lên và nâng cao sức cạnh tranh, cũng là tiền đề để Chính phủ thay đổi. Những động thái tích cực gần đây của Chính phủ như việc rà soát để xóa bỏ hàng loạt giấy phép con, văn bản ngoài luật từ nay đến 10-2016; đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế; xây dựng quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… đã tiếp thêm niềm tin cho các nhà đầu tư, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới gia tăng đáng kể trong tháng 4. Dù xuất phát điểm những đổi mới này có thể chậm hơn nước bạn, thế nhưng nếu đi đúng hướng, giải quyết được những nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp, chắc chắn sẽ tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Theo đại diện các chuỗi siêu thị, cơ hội để doanh nghiệp Việt có chỗ đứng trong chuỗi phân phối hoàn toàn rộng mở nếu giải được bài toán về sức cạnh tranh. Hiện nay, các chuỗi siêu thị luôn có chính sách khuyến khích nhập các hàng hóa, sản phẩm do các nhà sản xuất tại địa phương cung cấp bởi điều này giúp họ tiết kiệm các chi phí vận chuyển, bảo quản, đơn giản hóa việc phải nhập khẩu các nguồn hàng từ nước ngoài… Điều quan trọng là các nhà sản xuất, nhà cung cấp có đáp ứng được những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng với mức giá cạnh tranh và đảm bảo nguồn hàng ổn định hay không. Rốt cục, câu chuyện này lại trở về điểm xuất phát, chính là khả năng cạnh tranh và giá trị mà hàng Việt mang lại cho nhà phân phối và người tiêu dùng, chứ không phải ai là ông chủ của các hệ thống bán lẻ hiện nay.
Thiên Toàn (DNSGCT)